May 5, 2024, 7:30 am

Cũng là một biểu hiện của sự lãng mạn!

Cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Lê Quý Tông diễn ra ngay trong không gian triển lãm Thổn thức mênh mang/ Neo - Romanticism của anh - dự án đồ sộ anh đã miệt mài thể nghiệm suốt bốn năm qua.

Nằm giữa Thủ đô náo nhiệt, triển lãm vẫn mang lại cho người xem một góc bình yên để suy ngẫm, tìm tòi, phát hiện. Gai góc đến nghiệt ngã nhưng cũng tràn đầy tình yêu, các sáng tác “xâm lấn thị giác” của Lê Quý Tông lôi kéo khán giả tái nhận thức bản chất Thiện - Ác, Xấu - Đẹp trong sự vật hiện tượng, mời họ nhìn cuộc sống đa chiều, nhân ái hơn.

Thổn thức mênh mang |Neo - Romanticism #11

Người nghệ sĩ đau đáu thay đổi

* Ai từng xem tranh Lê Quý Tông những năm 2015 đổ về trước hẳn sẽ rất ngạc nhiên với Lê Quý Tông của năm 2023: một bên trầm ngâm, u hoài, hiện thực; một bên phóng khoáng, bay bổng, trừu tượng. Cơ duyên nào đã thúc đẩy anh thay đổi hoàn toàn về tư duy nghệ thuật?

Lê Quý Tông: Tôi đã trải qua một vài giai đoạn làm việc. Giai đoạn thứ nhất từ năm 2000, sau khi tôi ra trường, đến khoảng năm 2012-2013, chuyên vẽ hiện thực. Trong mười năm đó thực ra tôi vẫn không ngừng tìm kiếm cái mới, chưa công bố chỉ vì chưa hoàn thiện tư duy. Giai đoạn thứ hai từ năm 2012 đến nay. Giữa hai giai đoạn có vài năm gối: từ 2011-2012 đến 2015, tôi vướng víu giữa cái cũ và cái mới, đang đi tìm cái mới, đồng thời hoàn thành những gì còn sót lại của cái cũ. Năm 2015 tôi chính thức đánh dấu bước chuyển mình bằng triển lãm Lam/True Blue tại Hà Nội.

Tôi ấp ủ rằng sau một thời gian, khoảng mười năm - tôi sẽ thay đổi phong cách. Có hai phương thức thay đổi: một, phủ nhận cái cũ; hai, phát triển cái cũ lên tầm cao mới. Tôi theo hướng thay đổi hoàn toàn, gần như xóa bỏ cái cũ.

Thay đổi trong nghệ thuật ngoài đòi hỏi về sự sáng tạo, theo tôi còn phải về thói quen nữa - điều khó với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng với nghệ sĩ.

 

Nỗi buồn chiến tranh từa tựa nỗi buồn tình yêu

* Thổn thức mênh mang/Neo – Romanticism biểu hiện niềm đam mê, cảm xúc yêu, sự lãng mạn… Đề tài ấy cuốn hút anh như thế nào?

Đối với triển lãm này, tôi tập trung vào tình yêu - nhưng không theo hướng lý giải hay đi tìm câu trả lời. Tình yêu rất rộng, không chỉ là tình đôi lứa, mà còn là tình cảm của con người với con người, của con người với một địa điểm nào đó, với đất nước…

Phần lớn câu chuyện của tôi được xây dựng trên các bức ảnh lịch sử chiến tranh Việt Nam. Sau này tôi phát triển thêm, sử dụng cả hình ảnh trong kinh Thánh, phim hoạt hình, truyện tranh. Tôi thấy ở những hình ảnh ấy tính giáo dục, khả năng định hướng con người đến cái Thiện, vẻ đẹp, tình yêu. Nhưng cũng trong chính những hình ảnh ấy tôi gặp nhiều điều “trái-tình-yêu”. Và tôi bắt nhịp vào sự oái oăm đó.

* Mảng “trái-tình-yêu” ấy có phải nhân tố làm nên chữ neo (mới) trong tên gọi Neo - Romanticism không?

Neo - Romanticism nghĩa là “chủ nghĩa lãng mạn mới”. Trước khi bàn về chủ nghĩa lãng mạn mới, tôi muốn đề cập đến tiền thân của nó - chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện khi con người muốn quên thực tại để vượt qua thử thách. Hậu chủ nghĩa lãng mạn, con người lại về với thực tại. Họ nhận ra một dư âm gì đó.

Tôi sử dụng các bức ảnh cũ mà người xem đã biết kết quả của sự kiện được chụp. Tôi tạo cho họ cơ hội nhìn nhận lại quá khứ, trong đó tính chính trị bị làm mờ, chỉ còn rõ mối quan hệ giữa con người với con người. Từ đó, tôi khảo sát góc nhìn của “chủ nghĩa lãng mạn mới” về bạo lực và chiến tranh.

* Tác phẩm của anh không đơn thuần gợi sự vui sướng, thích thú, mà có đôi phần u tối, ám ảnh, ghê rợn. Khi hình ảnh bạo lực, chiến tranh song hành cùng các dòng chữ Love - Tình yêu, Heart - Trái tim, Romantic - Lãng mạn…, người xem phải chất vấn: liệu tình yêu có thể cứu rỗi bạo lực? Hay bạo lực, như lịch sử các cuộc chiến tranh tàn khốc trên thế giới đã chứng minh, sẽ chiến thắng?

- Thật ra, khi tiếp xúc với một bức ảnh bạo lực, lúc đầu tôi chỉ nhìn thấy sự tổn thương. Nhưng sau đó những bức ảnh ấy tự ám lấy tôi và đặt cho tôi nhiều câu hỏi. Con người “ở dưới” và “ở trên” lấy sức mạnh từ đâu? Họ vượt qua khoảnh khắc ấy như thế nào? Có thể làm những việc khủng khiếp đến mức độ nào?

Đối với tôi, sức chịu đựng của con người trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy chính là biểu hiện của sự lãng mạn. Họ phải chịu đựng chấn thương để vươn lên, đạt đến cái đẹp, đến tầm vóc cao cả. “Lãng mạn mới” là cái đích cuối của “lãng mạn”, chỉ đạt được sau khi đã nếm hết “lãng mạn”.

Tôi còn đưa vào tác phẩm các bản vẽ vũ khí, tranh hoạt hình, minh họa tôn giáo, biểu tượng của giai đoạn lịch sử... – những yếu tố có tính chất định hướng, chỉ dẫn con người đến với sự đẹp đẽ.

 

“Mọi người chỉ cần vui vẻ đến xem tranh là tốt rồi!”

* Các tác phẩm của anh thường được thể hiện trên khổ giấy dọc, lớn, gợi đặc trưng của tấm áp phích. Cách hiểu đó có chính xác?

Đúng là tôi muốn dẫn dắt liên tưởng tới tấm áp phích, vì tác phẩm của tôi có cả kênh chữ, kênh hình. Tuy nhiên, thông điệp của chữ và hình trong tranh tôi trái ngược nhau. Tấm áp phích bình thường có sự kết hợp hài hòa giữa hình và chữ nhằm hướng người xem tới một thông điệp thống nhất, duy nhất. Tôi làm khác đi, bởi tôi muốn tái hiện sự vênh lệch trong hiện tượng - bản chất, giữa lời nói - hành động.

* Anh đã nhắc nhiều đến giáo dục, và nay lại đặt những vấn đề giáo dục đó lên tấm áp phích. Anh muốn nhắn nhủ điều gì tới người xem?

Tôi không nhắn nhủ gì. Nên để cho mọi suy đoán được thoải mái. Mọi người chỉ cần vui vẻ đến xem tranh là tốt rồi! Mình cởi mở thôi. Về phía người xem, tôi thấy họ có nhiều phát hiện còn hay hơn ý tưởng ban đầu của tôi. Tự thời gian sẽ làm sáng tỏ tâm huyết tôi đặt vào tác phẩm.

* Dẫu rằng anh muốn bóc tách khỏi tác phẩm ngữ cảnh ban đầu để chỉ tập trung bàn về mối quan hệ con người, vẫn không thể phủ nhận sợi dây liên kết giữa Thổn thức mênh mang với tình hình thế giới hiện nay. Là một nghệ sĩ, anh suy nghĩ gì về sự tương đồng này? Anh có sử dụng tác phẩm của mình như một phương tiện giáo dục hay không?

Những vấn đề thời sự mà thế giới đang đối mặt, theo tôi nghĩ, bản chất là câu chuyện giữa con người. Mà tác phẩm của tôi luôn cố gắng hướng tới con người; nên sự liên hệ là hoàn toàn dễ hiểu. Còn việc to tát như giáo dục, tôi không dám nghĩ tới! Nếu chỉ để ý đến nội dung mà hình thức phi nghệ thuật thì chán lắm! Cân đối được thì rất hay; còn không, tôi muốn tác phẩm nằm trong địa hạt nghệ thuật thôi.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hoàng Hải Ly (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 31/2023


Có thể bạn quan tâm