April 30, 2024, 3:55 am

Công bố di cảo: Có nên phản bội di chúc?

Gần đây hai con trai Gabriel García Márquez đã phản bội di nguyện của cha khi cho xuất bản tác phẩm dang dở ông từng muốn đốt bỏ. Điều này khiến văn đàn thế giới lần nữa xôn xao chất vấn những khía cạnh đạo đức và nhân văn xoay quanh việc xuất bản di cảo.

Được đánh giá là một trong những tác gia quan trọng nhất của thế kỷ 20, văn nghiệp đồ sộ của Gabriel García Márquez (1927 - 2014) - người đoạt giải Nobel văn chương (năm 1982) - trải dài đa dạng thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, đến tiểu luận… Trong đó Trăm năm cô đơn là tác phẩm nổi tiếng nhất, đã phát hành hơn 50 triệu bản trên toàn cầu và truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Đầu tháng 3 vừa qua, bản dịch tiếng Anh tác phẩm còn dang dở của Márquez - En agosto nos vemos (tựa tiếng Anh: Until August, tạm dịch từ tựa tiếng Bồ Đào Nha là Hẹn gặp tháng tám) ra mắt và thu hút nhiều chú ý. Được biết Márquez đã chấp bút tiểu thuyết này ít nhất từ năm 1997. Nhưng sau đó ông tạm gác lại để viết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (tựa gốc là Memoria de mis putas tristes). Năm 2004, ông cho biết mình hài lòng với tuyến phát triển của nhân vật chính trong Hẹn gặp tháng tám, nhưng chưa vừa ý với phiên bản tiểu thuyết đã viết ra. “Ký ức là chất liệu và công cụ của cha. Không có ký ức thì chẳng có gì cả”, Márquez từng tâm sự với các con trai. Song trí nhớ ngày một suy giảm trong những năm cuối đời, ông chưa bao giờ viết xong Hẹn gặp tháng tám. “Tác phẩm này không thành. Phải hủy đi”.

Tranh vẽ minh họa cảnh trong Hồng lâu mộng - kiệt tác văn chương được xuất bản sau khi tác giả qua đời

Sau khi ông mất, bản thảo cuốn tiểu thuyết được gửi tặng cho Ransom Center - nơi cũng lưu trữ di cảo của nhiều nhà văn khác như William Faulkner và Ernest Hemingway. Dù ban đầu gia đình ông quyết định không xuất bản cuốn sách nhưng năm 2022, hai người con trai đọc lại bản thảo - tổng cộng có năm phiên bản mà Márquez đã yêu cầu phải tiêu hủy. Nhận thấy những trang viết dang dở này hàm chứa giá trị văn chương riêng, họ quyết định chỉnh sửa và xuất bản. “Chúng tôi cũng mất ba giây suy nghĩ - liệu làm thế có phải phản bội lại đấng sinh thành, di nguyện của cha? Chúng tôi kết luận rằng đúng vậy, chính là phản bội đấy. Nhưng có lẽ đó là điều con cái cần làm.” Hai người con nhận định Hẹn gặp tháng tám là “thành quả của nỗ lực sáng tạo sau cuối bất chấp nghịch cảnh” và dù tác phẩm “không hoàn hảo như những áng văn xuất sắc nhất của cha chúng tôi” nhưng có lẽ “trí nhớ phai nhạt khiến ông không hoàn thành được tác phẩm nhưng đồng thời cũng không nhận ra giá trị của nó” (trích từ Lời đề tựa cuốn sách).

Xuất bản tác phẩm di cảo, thậm chí là tác phẩm di cảo đã được chính tác giả yêu cầu tiêu hủy hoặc giấu nhẹm, không phải là chuyện mới mẻ trên văn đàn thế giới. Song quyết định xuất bản Hẹn gặp tháng tám của hai con trai Márquez gây tranh cãi vì những nhà phê bình đầu tiên đọc bản tiếng Anh đã nhận xét nội dung tác phẩm “khó có thể gọi là novella (tiểu thuyết ngắn - PV) chứ đừng nói đến tiểu thuyết” và rằng đây là “lời tạm biệt chưa thỏa đáng” (Michael Greenberg, The New York Times). Độc giả vốn quen thuộc với những tuyệt tác của Márquez có thể sẽ thất vọng và chán chường với tác phẩm còn xa mới tiệm cận hoàn thiện chứ đừng nói là hoàn hảo này.

Câu chuyện không đơn thuần dừng ở việc trách cứ hai người con của Márquez vì quyết định phản bội cha mình, mà lần nữa khiến ta phải tự đặt câu hỏi về quyền hạn với tác phẩm của người thừa kế bản quyền và xung đột luôn hiện hữu giữa quyền riêng tư của tác giả với quyền kế thừa di sản văn học của nhân loại.

Những tác phẩm di cảo để đời

Hẳn sẽ là mất mát lớn của văn chương nếu thiếu vắng những tác phẩm di cảo như Persuasion (tựa Việt: Thuyết phục) của Jane Austen, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, East of Eden (tựa Việt: Phía đông vườn địa đàng) của Ernest Hemingway, 2666 của Roberto Bolaño… Nữ sĩ người Anh Virginia Woolf (1882 - 1941) và văn hào người Nhật Yukio Mishima (1925 - 1970) cũng để lại các tác phẩm di cảo sau khi quyên sinh. Between the Acts (tạm dịch: Giữa những chương hồi) của Woolf viết về một vở kịch với các tuyến truyện đan xen tiểu thuyết - kịch nghệ, được bà hoàn thành không lâu trước khi mất, song chưa kịp hiệu chỉnh. Tập cuối The Decay of the Angel (tạm dịch từ tựa tiếng Nhật: Chư thiên suy tàn) trong bộ kiệt tác gồm bốn cuốn của Mishima The Sea of Fertility (tạm dịch: Biển Mặt trăng) được xuất bản ba tháng sau cái chết của ông. Di cảo các văn hào này có thể được xem như sự gói ghém chu tất gia tài văn chương trao lại cho hậu thế. Việt Nam cũng có những tác phẩm xuất bản sau khi tác giả mất đã lâu, được công chúng yêu văn chương trông đợi như Di cảo thơ của Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) hay tập Anh hùng còn chi của Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021)…

Không chỉ góp phần làm phong phú thêm di sản văn nghiệp, nhiều di cảo còn là tác phẩm quan trọng củng cố tầm vóc của tác giả. Trường hợp điển hình là nữ thi sĩ người Mỹ Emily Dickinson (1830 - 1886) thuở sinh thời chỉ có 10 bài thơ xuất bản, song ngày nay đã có hơn 1.800 bài thơ của bà từng được in. Nổi lên vấn đề là cùng một bài thơ thường có nhiều phiên bản khác nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây cho xuất bản di cảo là: Trong chỗ thơ in ấn phát hành về sau kia, bài nào thực sự có thể gọi là thơ của Emily Dickinson? Giáo sư Anh ngữ Alex Socarides nhận định: “Xuất bản và in ấn là hai khái niệm tách biệt trong thế giới của Emily Dickinson.” Bà có nhiều cách lưu truyền tác phẩm của mình, trong đó chính yếu nhất là qua thư: hàng trăm bài thơ của bà được lưu truyền theo cách này. Trước khi mất, Emily Dickinson yêu cầu em gái Lavinia phải đốt bỏ toàn bộ thư từ, như hầu hết phụ nữ Tây phương thế kỷ 19. Lavinia làm như chị dặn, vì vậy mà hầu hết thư được gửi đến cho Emily Dickinson ngày nay đều không còn. Nhưng Lavinia còn tìm thấy chiếc rương đựng khoảng 800 bài thơ, gọi là các “tập”: thơ chép trên giấy gập được Emily khâu lại, trông gần như những quyển sách nhỏ, chứ chẳng giống gì các lá thư. Do đó Lavinia có cơ sở khi tự hỏi: Liệu chị ấy có thực sự muốn mình đốt cả chỗ này không? Chính nhờ quyết định của Lavinia nên ngày nay chúng ta có được một di sản văn học phong phú như vậy. Khoảng 1.000 lá thư Emily Dickinson gửi cho người thân bạn bè (mà nhiều học giả ước lượng chỉ chiếm 1/10 tổng số lượng thực) về sau được lưu giữ, xuất bản nhiều lần. Bà là thi sĩ thách thức những giới hạn của thi ca: thơ của bà khi thì viết ra trên giấy khi lại thêm vào trong thư; có lúc giữa một lá thư bà đột ngột chuyển sang một dòng đậm chất thơ mà không hề báo trước. Ta chỉ biết chính xác đó là thơ vì đoạn ấy xuất hiện ở đâu đó khác. Chỉ hình thức xuất bản ngoài in ấn mới cho tác giả sự tự do và uyển chuyển này. Hiển nhiên Emily biết thơ in ra sẽ thế nào, nhưng dường như bà khước từ cách lưu truyền sáng tác này.

Có thể xét đến một số ví dụ mà di cảo để lại là tác phẩm duy nhất của tác giả được xuất bản, và khi còn tại thế họ chưa từng được biết đến ở vai trò nhà văn. Nhật ký Anne Frank - ghi chép của cô bé Anne Frank (1929 - 1945) trong thời gian cùng gia đình Do Thái của mình trốn Đức Quốc xã - được người cha xuất bản hai năm sau khi con gái qua đời vì nạn diệt chủng Holocaust, không chỉ giàu giá trị văn chương, mà là một trong những lời làm chứng của nạn nhân chiến tranh chân thực và lay động nhất lịch sử, đưa tác phẩm lên hàng bất hủ, là một đóng góp lớn về mặt nhân văn. Điều này phần nào cũng hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà văn từ thuở bé của Anne Frank.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng là một tác phẩm di cảo có số phận truân chuyên ra đời trong chiến tranh. Hai tập nhật ký viết tay từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970 - hai ngày trước khi nữ bác sĩ hy sinh. Nếu không được người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu ngăn cản “Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!”, hẳn sĩ quan quân báo Mỹ Frederic Whitehurst đã không cất giữ những trang viết này suốt 35 năm cho đến ngày trao trả lại gia đình bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vào tháng 4/1975. Tác phẩm không chỉ được yêu mến tại Việt Nam mà còn được dịch sang nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn… giới thiệu đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Trường hợp xuất bản di cảo là nhật ký, ghi chép viết tay trong những bối cảnh lịch sử đặc biệt khi chuyện thất lạc bản thảo dễ thường xảy ra khơi gợi nhiều suy nghĩ: rất có khả năng nhân loại đã để vuột mất nhiều áng văn chương xuất sắc vì thời thế, vì không có người phát hiện và thẩm định đúng đắn những tác phẩm giá trị cao.

Những di chúc bị phản bội1

Bất kỳ tác gia nào có chỗ đứng trên văn đàn và sống đủ lâu hẳn cũng trăn trở về chuyện sẽ xảy ra với văn nghiệp mình để lại - không chỉ những tác phẩm đã xuất bản, mà cả những trang bản thảo chưa trọn vẹn và trau chuốt. Có thể xem xét trường hợp của Franz Kafka (1883 - 1924) - trùng hợp thay cũng là văn hào ảnh hưởng nhiều đến Márquez (ông từng chia sẻ chính nhờ đọc tác phẩm Hóa thân ông mới bắt tay viết những truyện ngắn đầu tiên của mình trong một cuộc trò chuyện với Milan Kundera: “Chính Kafka đã làm cho tôi hiểu là có thể viết khác đi!”) Kafka cũng từng dặn phải tiêu hủy những di cảo ông để lại, song sau khi ông mất năm 1924, Max Brod - người bạn và cũng là người thừa kế bản quyền của ông - phản bội di nguyện này và xuất bản Vụ án, Lâu đài Châu Mỹ. Điều đáng nói là ba tác phẩm này không tạo được tiếng vang ngay từ đầu. Brod phải làm điều mà Milan Kundera gọi là “cuộc tấn công bằng pháo binh”, “cuộc đấu tranh thực sự và lâu dài” bằng hàng loạt lời đề tựa cho các tác phẩm, rồi chuyển thể sân khấu, các đầu sách tiểu sử, bình luận về Kafka… đến mức áp đặt, tạo dựng một chân dung Kafka, một cách đọc và hiểu Kafka theo cảm quan thiên kiến của riêng ông. Nhận xét về Brod, Kundera viết ông là “trí thức đặc sắc có nghị lực khác thường; một người hào hiệp sẵn sàng đánh nhau vì những người khác; tình yêu của ông đối với Kafka nồng cháy và vô tư” song “tai họa chỉ ở chỗ định hướng nghệ thuật của ông: là con người của tư tưởng, ông không biết được thế nào là niềm say mê đối với hình thức…”2

(Cần phải nói thêm rằng trong tác phẩm này Kundera tích cực lập luận đấu tranh cho quyền nhân thân (moral rights) mà tác giả đã khuất cần được có với di sản văn nghiệp của mình. Gia đình Kundera mà đem di cảo dang dở ông từng dặn tiêu hủy đi in chắc ông phải đội mồ sống dậy vì uất ức!)

Than phiền về cách tiếp cận Kafka và khai sinh khoa Kafka-học của Brod là vậy nhưng Kundera cũng phải thừa nhận sự thật rằng: “Không có Brod, ngày nay thậm chí chúng ta sẽ không biết đến tên của Kafka.” Độc giả thời nay càng chẳng có lý do gì chất vấn lòng nhiệt thành của Brod: chính sự thiếu hoàn thiện khiến Kafka trăn trở trong các tác phẩm kia mới là điểm thú vị vô biên và giàu tính khơi gợi cho nhiều thế hệ sau - nhất là cuộc tranh luận rằng Kafka thực sự nói về cái gì. Dư luận cũng tốn giấy mực bàn luận xem liệu Kafka có nghiêm túc với chỉ dụ phải tiêu hủy các bản thảo này không. Năm 1912 ông nói với Nhà xuất bản Kurt Wolff “Tôi sẽ cảm kích hơn nếu anh trả lại thay vì xuất bản các bản thảo” - như thể đánh đố người khác. Nhưng Kafka vốn nổi tiếng không chỉ cầu toàn, mà còn ưa thích kiểm soát bậc nhất - điều thể hiện rất rõ qua nhật ký của ông, cũng xuất bản sau khi ông mất. Người như vậy hẳn sẽ chẳng để di cảo của mình cho người thừa kế hay đối tác dễ dàng nắm quyền định đoạt, người ta không khỏi trộm nghĩ.

Hội hè miên man (tựa gốc: A Moveable Feast) của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway (1899 - 1961) cũng là một trường hợp xuất bản di cảo thú vị cần xem xét. Năm 1956, Hemingway nhận lại hai chiếc rương ông gửi ở khách sạn Ritz Paris từ năm 1928, trong đó đựng những tập sổ tay ghi lại quãng đời làm báo và viết văn nhiều gian truân ở thủ đô nước Pháp của ông suốt những năm 1920. Từ chỗ tài liệu này, ông chấp bút hồi ký sau này sẽ có tên Hội hè miên man. Nhưng việc xuất bản tác phẩm bị hoãn lại khi Hemingway tự tử vào năm 1961. Người góa phụ thứ tư của ông - Mary Hemingway, cũng là một nhà báo và tác giả - hiệu đính và biên soạn lại tác phẩm dựa trên các bản thảo và ghi chú, sau đó xuất bản vào năm 1964. Ấn phẩm này về sau gây nhiều tranh cãi khi công chúng được tiếp cận với di cảo của Hemingway. Nhà nghiên cứu văn học Gerry Brenner nhận định Mary đã nhầm lẫn, thậm chí cố ý chỉnh sửa bản thảo vì những lý do khó hiểu, trong đó bao gồm quyết định thay đổi thứ tự các chương, rõ ràng để “đảm bảo được tuần tự thời gian”, song làm mất đi tính đối chiếu, so sánh phác họa chân dung các nhân vật liên quan được đề cập. Tuy nhiên, A. E. Hotchner - người bạn thân thiết và cũng là người viết tiểu sử của Hemingway - lại cho biết tác phẩm Mary cho xuất bản khá giống với bản thảo Hội hè miên man cuối cùng ông nhận được vào năm 1959. Ông cũng nói thêm rằng Mary không chủ đích chỉnh sửa hay thêm thắt gì và rằng cuốn hồi ký này là một “tác phẩm nghiêm túc” mà Hemingway “rõ ràng có ý định xuất bản”. Năm 2009, cháu trai của Hemingway và người vợ thứ hai Pauline Pfeiffer, Seán Hemingway - giám tuyển trợ lý tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan - cho xuất bản một phiên bản khác với nhiều thay đổi, trong đó bao gồm việc giữ lại ngôi kể thứ hai ở rất nhiều đoạn như trong bản thảo gốc, mà Seán cho rằng có vai trò “đưa người đọc bước vào câu chuyện”. Trường hợp xuất bản di cảo này của Hemingway chính là ví dụ điển hình cho câu hỏi ai là người có đủ thẩm quyền về mặt văn chương và đâu là các quy chuẩn để soạn thảo các di cảo thành xuất bản phẩm, khi các nhà văn đã giã từ cõi thế không thể tự mình lên tiếng hay định đoạt?

Có nhiều trường hợp chỉnh sửa tác phẩm còn “táo tợn” hơn như con trai của văn hào người Pháp Jules Verne (1828 - 1905) - cha đẻ của khoa học viễn tưởng, đồng thời cũng thuộc hàng các tác giả được dịch nhiều nhất thế giới, với tác phẩm nổi tiếng Hai vạn dặm dưới đáy biển. Tiếp quản việc xuất bản loạt tác phẩm Những chuyến du hành kỳ thú (Voyages extraordinaires), con trai ông Michel Verne cho ra mắt hai tập mỗi năm. Mãi về sau người ta mới phát hiện Michel đã thay đổi nhiều điểm trong bản thảo, và đến cuối thế kỷ 20 nguyên tác đích thực mới được xuất bản.

Một người khác thuở sinh thời cũng nổi tiếng khắt khe với những thành phẩm văn chương giới thiệu đến công chúng của mình là Vladimir Nabokov (1899 - 1977). Vợ ông, Vera, từng phải ngăn ông không đốt bản thảo kiệt tác Lolita (1955). Trước khi qua đời, ông để lại hướng dẫn chi tiết yêu cầu vợ và con trai Dmitri phải đốt bỏ bản thảo dang dở ông để lại The Original of Laura (tạm dịch: Bản gốc của Laura). Dmitri từng nhấn mạnh với công chúng rằng ông đứng ở thế tiến thoái lưỡng nan: ông không muốn trở thành ‘kẻ đốt phá văn chương’, song ông cũng chẳng hề muốn đi ngược lại di nguyện của cha. Dẫu vì trách nhiệm cống hiến cho văn chương hay vì mong muốn thu lợi từ di sản thừa kế chăng nữa, Dmitri cuối cùng cũng không vâng lời cha mình được mãi. Độc giả sẽ thấy những lời hai con trai Márquez nói không mấy mới mẻ nếu từng nghe qua lời biện minh Dmitri đưa ra cho quyết định này. Ông nói rằng bản thảo dài xấp xỉ 30 trang kia - nói là xấp xỉ vì nó vốn được viết trên 138 mảnh giấy ghi chú, thói quen sáng tác của Nabokov - “có khả năng trở thành một tác phẩm xuất sắc, độc đáo và tiềm tàng sự thấu triệt mà xét về mặt văn học là rất khác biệt so với các tác phẩm còn lại của ông”. Nhưng sau khi xuất bản vào năm 2009, cuốn sách không được đánh giá cao. Nhà văn người Mỹ Martin Amis thậm chí còn nói tác phẩm gây thất vọng ở “quy mô như thảm họa hạt nhân” với hình tượng một tác gia đại tài.

Song dẫu là những tác phẩm chưa hoàn thiện, độc giả và thân quyến, thậm chí là tác giả (nay đã ở thế giới bên kia) có thực sự phải khắt khe đến vậy với những di cảo dang dở? Bởi lẽ chính những ấn phẩm thiếu khuyết này, khi đặt cạnh những kiệt tác của cùng một tác giả, là minh chứng rõ ràng nhất cho cái gian nan của đời cầm bút: con chữ đến tay độc giả là kết quả của quá trình người viết chắt lọc tư duy và trau chuốt ngôn từ, không phải là thứ sinh ra đã hoàn hảo, mà nhờ khổ luyện mới trở thành giá trị cho đời. Điều này phải chăng là lời động viên sâu sắc hơn cả dành cho tất cả những nhà văn, nhà thơ trẻ, hay tất cả những ai đang nỗ lực để trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực của mình?

Không gói gọn ở di cảo, mà tất cả bản thảo chưa hoàn thiện còn có thể đóng góp cho các nhà nghiên cứu muốn hiểu thêm về thế giới quan và những lựa chọn của tác giả trong quá trình sáng tác - vì sao điểm này hay điểm khác được vận dụng trong văn chương của họ, vì sao họ quyết định những câu chữ cuối cùng này là tác phẩm toàn vẹn của mình.

Quay trở lại với câu chuyện đặt ra đầu bài, biên tập viên nhiều năm làm việc cùng Márquez - Cristóbal Pera - cho rằng Hẹn gặp tháng tám với tư cách là tác phẩm đầu tiên (và duy nhất biết được) của ông chọn người nữ làm nhân vật chính để khai thác chủ đề tình dục và tự do của phụ nữ trong thế giới của nam giới - có thể lại chính là màn khép lại phù hợp nhất cho văn nghiệp đồ sộ của nhà văn. Có lẽ là vậy, không phải dấu chấm hết hoàn hảo, nhưng là chấm hết đặt vào vừa khít.

_______

1. Mượn tựa đề tập tiểu luận Những di chúc bị phản bội của Milan Kundera, bản dịch của Nguyên Ngọc.

2. Các trích dẫn trong đoạn này từ bản dịch của Nguyên Ngọc, đã dẫn.

Phong Khang

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm