April 29, 2024, 9:34 pm

Công bằng, dân chủ, sáng tạo và “nghề cao quý”

Hằng ngày trên báo chí và mạng xã hội tràn ngập những tin, bài, ảnh… chỉ trích, phê phán những hiện tượng tiêu cực cùng những điều chưa tốt, chưa hợp lý… liên quan đến ngành giáo dục. Người ta lo cho giáo dục lắm! Song, như chúng ta thấy, tuy chưa đáp ứng khả dĩ những kỳ vọng của xã hội, nhưng giáo dục Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển. Kết quả ấy có sự đóng góp hết sức to lớn và quan trọng của đội ngũ giáo viên các cấp học.

Công bằng và khách quan mà nói, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục đã được cải thiện đáng kể. Trường lớp ở các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa đều được xây dựng khang trang. Có những người Việt xa quê hàng chục năm, khi trở về đều công nhận nhiều trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay được xây dựng đàng hoàng, tạo môi trường thân thiện phù hợp với việc dạy và học.

Cô và trò trong Ngày nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải

Tuy nhiên, giáo viên mới là bộ phận quan trọng nhất, là nhân tố quyết định chất lượng của nền giáo dục. Đáng tiếc là hiện nay ở nước ta vẫn phân loại giáo viên công lập và giáo viên ngoài công lập; giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng. Sự phân biệt này ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi cũng như nỗ lực phấn đấu của họ. Mặc dù vẫn còn những khiếm khuyết, nhưng nhìn chung đội ngũ giáo viên các cấp hiện nay đều đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005. Đa số họ đều tinh thần trách nhiệm trong công việc; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các nhà trường cũng như yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước… Đặc biệt, đại đa số giáo viên hiện nay yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề. Những giáo viên “cắm bản” là những tấm gương về sự tận tụy với công việc. Hàng trăm ngàn giáo viên các cấp, trong đó nhiều người thuộc diện “ngoài biên chế”, đang ngày đêm lặng lẽ và cần mẫn “đưa đò”, góp công sức tạo dựng cho nền giáo dục Việt Nam có một vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều công nhận nghề dạy học là nghề cao quý, các thầy cô xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần soi chiếu vào thực tế, có thái độ và ứng xử (hành xử) công bằng với nghề dạy học, để đội ngũ giáo viên không bị áp lực, không bị thiệt thòi vì sự “cao quý suông” của nghề dạy học. Bởi trong thực tế, đôi khi danh hiệu “nghề cao quý” vô hình chung đã gây nên áp lực cho chính người giáo viên, khiến họ gặp khó khăn hơn trong cuộc sống. Ở một vùng quê có cô giáo tiểu học đông con, chồng là bộ đội đóng quân xa nhà quanh năm. Gia đình cô giáo luôn túng thiếu bởi tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi. Nhà cô ở ngã ba đường của thôn, thuận lợi cho việc buôn bán, nên cô quyết định mở một sạp hàng tạp hóa để có thêm thu nhập. Nhưng việc làm này của cô bị các đồng nghiệp cho rằng là người giáo viên làm nghề cao quý thì không nên buôn bán. Hoặc như hiện nay có một số sinh viên xuất sắc sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường để đào tạo làm giảng viên. Để “bám trụ” được ở các thành phố lớn, họ phải làm thêm những việc như bưng bê trong quán ăn, chạy xe ôm vào buổi tối và ngày nghỉ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống thường nhật và học lên cao hơn, đặng đáp ứng yêu cầu công việc giảng viên bậc đại học. Tuy nhiên vì mặc cảm với công việc cơ bắp lam lũ không tương xứng với danh hiệu “nghề cao quý” là giảng viên, nên không ít người phải bỏ công việc làm thêm, hoặc làm thêm một cách “lén lút sợ bị “phát hiện”. Như vậy, sự tôn vinh “nghề cao quý” đã vô tình tạo ra sự khắt khe quá đáng. Nghề dạy học yêu cầu cao không chỉ về tri thức, mà còn cả về phẩm chất, đạo đức. Tuy nhiên, bán hàng, bưng bê, chạy xe ôm... không hề ảnh hưởng tới phẩm hạnh của người thầy. Người thầy vẫn cao quý khi làm thêm những công việc hợp pháp để có thêm thu nhập mà duy trì nghề dạy học. Không nên để nghề dạy học lâm vào tình trạng “cao quý suông” khi lương giáo viên không đủ nuôi sống gia đình nhưng lại không dám làm thêm nghề khác để có thêm thu nhập.

Một vấn đề rất thiết thực nữa là cần tạo dựng môi trường tự do, dân chủ để giáo viên phát huy khả năng của mình. Đội ngũ giáo viên của chúng ta như đã nói trên đây là có đủ năng lực để đưa nền giáo dục Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các cơ sở giáo dục và đào tạo cần nhiều hơn không khí tự do, dân chủ. Nhiều người cho rằng, hiện nay ở tất cả các cấp học đều có sách giáo khoa, giáo trình, lượng kiến thức, thời gian biểu… Giáo viên cần phải thực hiện nghiêm cẩn những quy định này. Điều này, ở mức độ nào đó đã triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên. Mấy năm trước, hiệu trưởng một trường dân lập từng kể: “Tôi đã cho phép một giáo viên dạy Văn ở trường tôi dùng 4 tiết để giảng về bài thơ Bên kia sông Đuống của Thi sĩ Hoàng Cầm, mặc dù trong chương trình quy định thời gian giảng bài thơ này chỉ là 1 tiết. Tôi làm thế là sai quy định. Nhưng bù lại, thầy giáo và học sinh có một buổi học đầy đam mê và mang lại những giá trị thẩm mỹ cao”. 

Rất nên ủng hộ những người tâm huyết dám “làm sai” như trên. Giáo dục là lĩnh vực cần những tấm gương của những cá nhân xuất sắc. Trong lịch sử, chúng ta đã có Nhà giáo Chu Văn An mà cuộc đời và sự nghiệp của ông đã vẫy gọi nhiều người hậu thế phấn đấu để thể hiện tài năng và bản lĩnh của mình. Trong số những nhà giáo tâm huyết và sáng tạo thời Đổi mới, Nhà giáo Văn Như Cương (1937-2017) là một người có những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà. Ông giảng dạy ở 2 trường sư phạm nổi tiếng là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ông là người sáng lập trường dân lập trong kỷ nguyên mới. Ông viết trên 60 sách giáo khoa và giáo trình. Ông có đề thi Toán Quốc tế. Ông có triết lý giáo dục đã được khắc trên đá tại điểm trường Mầm non Nà Ngao ở tỉnh Hà Giang: “Các em có thể trở thành người nổi tiếng, những chính khách lịch lãm, những doanh nhân tài ba, những nhà khoa học có công trình xuất sắc… nhưng trước hết các em phải trở thành người tử tế

Không khí tự do, dân chủ là điều kiện tiên quyết của hoạt động sáng tạo. Giáo viên rất cần sự sáng tạo để các tiết học không lặp lại, không nhàm chán. Để có không khí tự do, dân chủ trong nhà trường, giáo viên cần phải có chính kiến và bản lĩnh. Quả thật, điều này cần phải học tập một số cá nhân xuất sắc đã trở thành nhân vật lịch sử, hoặc đang là đồng nghiệp hiện nay. Những nhà giáo Việt Nam có tài năng, có bản lĩnh chắc không quá hiếm?! Vấn đề là báo chí, mạng xã hội có phát hiện ra họ, nói về họ một cách khách quan và có cơ sở khoa học hay không mà thôi. Đảng và Nhà nước ta chủ trương khuyến khích và ủng hộ những cán bộ năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các cấp quản lý giáo dục và toàn xã hội hãy nhiệt thành khuyến khích và ủng hộ những người như thế trong ngành giáo dục của nước nhà!

Hồ Bất Khuất

Nguồn Văn nghệ số 47/2023


Có thể bạn quan tâm