May 19, 2024, 10:03 am

Con đường ngắn nhất chính là con đường văn hóa…

Trong thời đại hội nhập toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, thì bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia trên thế giới luôn góp một phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, từng bước kiến tạo nên một “thế giới phẳng”.

Trong bối cảnh chung đó, việc hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài là hết sức quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực, giúp cho độc giả quốc tế có nhiều cơ hội làm quen, tiếp xúc và thấu hiểu về văn hóa và con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Khai mạc Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III (Tháng 3/2015). Ảnh: Phan Giang

Văn học là một bộ phận của ngoại giao văn hóa, là tiếng nói tâm hồn, là cầu nối văn hóa để các quốc gia trên thế giới sống hòa bình, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người... Bởi vậy, việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần rất quan trọng trong những hoạt động mang tầm chiến lược ngoại giao đa diện đặc biệt, tạo nên một luồng sinh khí mới, không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam mà còn đáp ứng được nguyện vọng của độc giả quốc tế trong việc tìm hiểu văn học Việt Nam một cách nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn.

Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam… việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã có nhiều hoạt động tích cực cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều tín hiệu khởi sắc, có những bước tiến dài. Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế, Hội thảo quốc tế Việt Nam - Liên Bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa, Hội thảo Văn học Việt - Mỹ v.v… được tổ chức là những “điểm sáng” về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đã mở ra một con đường hội nhập văn học Việt Nam với văn chương thế giới ngày càng nhiều hơn, rộng rãi hơn. Các hoạt động trên đây đã góp phần khắc phục, lấy lại sự hài hòa tình trạng “nhập siêu” văn hóa, văn học của Việt Nam.

Hội Nhà văn Việt Nam, các đơn vị xuất bản liên kết với đại diện các hiệp hội văn học của các quốc gia để dịch và giới thiệu các tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam từ cổ điển đến đương đại, hầu mong hiện diện, đến gần hơn với bạn đọc trên toàn thế giới như thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… cùng các tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam đương đại. Trong đó, nhiều tác giả và tác phẩm cũng đã nhận được các giải thưởng quốc tế như: Thơ Mai Văn Phấn được giải thưởng Văn học Cikada của Thụy Điển năm 2017; tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch sang tiếng Hàn giành giải thưởng Văn học châu Á lần thứ hai được tổ chức tại Gwangju (Hàn Quốc) năm 2018; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được dịch sang tiếng Đức, giành giải thưởng Literaturpreis năm 2018 do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC international Literary (Hàn Quốc) năm 2018 nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế v.v… Không chỉ bạn đọc quốc tế, mà những người gốc Việt trên thế giới cũng được đọc tác phẩm văn học Việt Nam để hiểu biết thêm về đất Tổ của mình. Đó không chỉ là văn hóa, là các giá trị nghệ thuật mà còn là sự sẻ chia những câu chuyện ân nghĩa cuộc đời của người dân sống trong nước.

Cùng với các hoạt động dịch thuật, xuất bản và giới thiệu - quảng bá văn học, hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học và nhiều tổ chức văn hóa cũng đã tổ chức, gặp mặt, trao đổi giữa các phái đoàn thăm và viết về đất nước, con người của nhau. Điển hình như phái đoàn cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam đã nhiều lần sang giao lưu theo chương trình làm việc của Trung tâm William Joiner đã và đang thực hiện rất có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của công chúng Mỹ trong việc tìm hiểu văn hóa và con người Việt Nam qua tác phẩm văn học, đem đến niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vững bền giữa hai nước Việt – Mỹ.

Việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua đã “ra khơi”, có những tín hiệu, những tiến bộ, tiến triển tích cực, đạt được những thành tựu nhất định, phù hợp với xu thế, với con đường quảng bá văn học của các nước trên thế giới. Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã từng khẳng định: “Ngày nay, văn học Việt Nam từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng. Đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thơ ca thế giới”. Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc dịch và giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay vẫn còn rất ít ỏi, rất khiêm tốn, chưa thật sự tương xứng với những giá trị của nền văn học Việt Nam do công tác quảng bá chưa được thực hiện một cách bài bản, không có tính hệ thống, chủ yếu vẫn thông qua con đường tiểu ngạch, lẻ tẻ, bằng các mối quan hệ cá nhân, chưa phải là những hoạt động mang tính Nhà nước, thiếu sự chủ động, thiếu một chiến lược, chiến dịch truyền bá xứng tầm, xuất sắc.

Để các dân tộc, quốc gia trên thế giới có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn, sâu sắc hơn về diện mạo của văn học Việt Nam, về văn hóa và con người Việt Nam thì việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài rất cần một cơ chế, một lộ trình, một chính sách, chiến lược cụ thể lâu dài, một giải pháp hữu hiệu, một kế hoạch tổng thể, rõ rệt và dài hạn. Cụ thể như: Dịch và giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài cần được làm theo con đường ngoại giao chính thống, nằm trong những dự án giao lưu văn hóa cấp quốc gia, bởi nếu tập trung vào các hoạt động dịch thuật qua con đường ngoại giao, văn hóa thì mới xác lập được gương mặt của nền văn học Việt Nam trên bản đồ của văn học thế giới; Có những chính sách để tôn vinh văn học và quảng bá những giá trị văn học Việt Nam ra với thế giới thông qua tổ chức các Hội chợ sách quốc tế; tổ chức Đại hội dành cho các dịch giả trong nước và quy tụ những dịch giả đã dịch văn học Việt Nam trên toàn thế giới về dự và giới thiệu những tác phẩm văn học tiêu biểu; tạo điều kiện để các nhà văn đang sống ở nước ngoài hướng về quê hương, Tổ quốc, góp phần xây dựng nền văn học nước nhà… Thực tế cũng cho thấy cần thiết phải thành lập một đơn vị chuyên môn để các dịch giả nước ngoài có điều kiện thâm nhập môi trường, cảnh quan văn hóa Việt Nam. Đồng thời các ngành chức năng và hội nghề nghiệp cần chủ động tham các giải thưởng quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hoạt động của Hội Nhà văn Á – Phi – Mỹ Latinh v.v…

Hoạt động dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam cần phải trở thành một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được triển khai trên cơ sở chiến lược quốc gia về quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới chứ không thể coi đó là trách nhiệm riêng của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì vậy, cần một chiến lược dài hơi của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp; đồng thời huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các mạnh thường quân… Trong đó, Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan chủ lực, chủ trì, hợp tác, huy động, kết nối giữa các tổ chức, cá nhân. Cùng đó phải quan tâm đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia khác nhau, chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đích thực, cung cấp thông tin, kiến thức về văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả bằng các hình thức tương tác, giao lưu sinh động,…

Con đường ngắn nhất để dân tộc Việt Nam quảng bá về hình ảnh của đất nước và con người, đồng thời kết nối giữa các dân tộc, quốc gia với nhau chính là con đường văn hóa, văn học nghệ thuật. Sẽ là kỳ vọng cho những quyết định có tính đột phá, một chiến lược xứng tầm để nhằm kiến tạo, thúc đẩy văn hóa, văn học Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng, trở thành như một phần của văn hóa, văn chương thế giới, thật sự xứng tầm với một dân tộc đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị chung về bức tranh văn hóa, văn học rộng lớn chung của nhân loại.

Bùi Như Hải

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm