May 4, 2024, 10:18 am

Côn Đảo tháng tư

Côn Đảo là một quần đảo nằm phía Đông Nam nước ta, cách Vũng Tàu 185 km, cách cửa sông Hậu 83 km, với tổng diện tích 7678 ha, là đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nói đến Côn Đảo người ta nghĩ ngay đến địa ngục trần gian bởi xưa là nơi giam giữ các tù nhân, nhất là tù chính trị, bị tra tấn hết sức tàn khốc, làm hàng chục ngàn người phải bỏ mạng. Nhưng ngày nay Côn Đảo bỗng trở thành thiên đường nơi hạ giới…

 

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Thời Pháp thuộc, Thực dân đưa các tù nhân ra giam giữ nơi đây. Côn Đảo thành nơi “máu hòa nước mắt” của các sĩ phu yêu nước, những chiến sĩ cộng sản mà tiêu biểu như Nguyễn Văn Tường, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... Nghĩa trang Hàng Dương, (hơn 10 ngàn người chết), nghĩa trang Hàng Keo (Gần 10 ngàn người chết), Bãi Sọ người, (107 người chết) rồi sở Chuồng Bò, sở Lò Gạch, sở Lò Vôi... (Có đến 32 cái sở tương tự) chôn cất không biết bao nhiêu người. Nơi đâu cũng chồng chéo xương người, đến mùa gió chướng, gió tạt cát bay đi người ta thấy lổn nhổn xương, sọ người trồi lên. Hết mùa gió chướng, cát lại vùi lấp những bộ xương người, đến nỗi một công ty du lịch ở Tp. Hồ Chí Minh mua được mảnh đất vuông vức, diện tích hơn ngàn mét vuông, mặt tiền nhìn ra biển lộng gió, xây khách sạn ở đây sẽ có cái view tuyệt vời. Nhưng khi khởi công, máy đào lên cơ man nào là xương người, đành phải dừng thi công. Nhiều nhà tù tường cao kiên cố còn nguyên vẹn. Những chuyện người tù bị tra tấn rất rùng rợn. Tù nhân tìm mọi cách vượt ngục, dù hy vọng sống sót để vào đến đất liền rất mong manh, vẫn còn hơn thành nắm xương tàn ngoài Côn Đảo.

Nhưng Côn Đảo cũng có hai lần đáng nhớ, đó là lần đầu tiên được giải phóng là vào ngày 25/8/1945, sau khi Sài Gòn được Cách mạng làm chủ tình hình thì ở Côn Đảo, ông Dương Bạch Mai, nhân danh giám đốc khám đường cho mở các cửa khám, thả hết tù nhân. Một ủy ban nhân dân được bầu ra do ông Trương Văn Thoại làm chủ tịch, ra mắt đồng bào vào ngày 15/12/1945. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên trụ sở chính của đảo. Nhưng chính quyền nhân dân non trẻ chưa tồn tại được bao lâu thì ngày 18/4/1946, giặc Pháp lại tiến công lên đảo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị bắt, nhân dân Côn Đảo lại phải sống tiếp kiếp tù đày.

Lần thứ hai là vào tối ngày 30/4/1975. Theo anh Nguyễn Văn Thâu, quê ở Phước Vân, Cần Đước Long An, anh là cán bộ Thành đoàn Sài Gòn, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo tháng 11 năm 1969 cho biết, trước ngày 30/4/1975 khoảng mười ngày, các anh đang trong trại 7 khu H, (trại dành cho tù nhân chuẩn bị hành hình) nghe tin Quân ta đã đánh chiếm sân bay Biên Hòa và đang tiến công về Sài Gòn. Bọn cai ngục cho đào mấy đường hào dài đến mấy chục thước, (có thể là để chôn toàn bộ tù nhân), còn sân bay Cỏ Ống, máy bay lên thẳng, loại sâu rọm quần đảo, lên xuống liên tục. Anh em tù nhân linh cảm có cái gì lớn lao sắp xảy ra. Đến tối ngày 30/4/1975 có ông Giám mục đạo Tin Lành và ông chủ Hợp tác xã (chuyên vận tải hàng hóa ra đảo), đến gặp anh em tù nhân nói, “Sài Gòn đã giải phóng rồi, chúng tôi mở cửa thả các anh ra. Ngoài kia bọn cai ngục và chính quyền Côn Đảo đang nhốn nháo tháo chạy”. Anh em tù nhân bàn với nhau: Chưa tin được, nhỡ chạy ra sẽ mắc mưu bọn chúng. Biết đâu đây là trò mở cửa phòng giam rồi đặt súng bắn tù nhân, vu cho tù phá ngục chạy trốn thì sao? Một người tù lớn tuổi bị giam từ năm 1954 có nhiều kinh nghiệm nói: “Các anh mang radio đến đây, mở đài Giải phóng cho chúng tôi nghe”. Ông chủ Hợp tác xã lên xe chạy về nhà xách radio đến. Mở đài Giải phóng, nghe tin Sài Gòn đã giải phóng từ trưa hôm nay rồi. Tất cả ba mươi người chúng tôi vỡ òa sung sướng, hò reo vang trời, ào ạt chạy ra ngoài. Chúng tôi gặp tên Đại úy Dậu, trưởng Bảo an Côn Đảo. Tên Dậu nói “Tôi không dám vào báo tin cho các anh vì tôi đang mặc quân phục, phải nhờ ông Linh mục và ông chủ nhiệm hợp tác xã báo tin. Bây giờ các anh cử đại diện, chúng tôi sẽ bàn giao vũ khí để đảm bảo trật tự an ninh Côn Đảo”. Chúng tôi lập tức thành lập ngay một đại đội, tiếp quản vũ khí của địch. Đêm đó chúng tôi cầm súng nằm trên bãi cát, trăng sáng soi chênh chếch, gió vi vu thổi mát rượi, lần đầu tiên sau 6 năm giam cầm, tôi được hưởng không khí mát mẻ, không gian đẹp huyền ảo với cuộc đời tự do, lòng sung sướng vô bờ bến. Chúng tôi đưa tay lên trời thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, quyết không chịu trở về nhà tù, địa ngục trần gian này nữa.

Như thế, Côn Đảo chính thức được giải phóng là vào tối 30/4/1975. Kể từ đó nhân dân Côn Đảo đã có cuộc sống khác, cuộc đời khác.

Viếng mộ cô Võ Thị Sáu

THIÊN ĐƯỜNG NƠI HẠ GIỚI

Thị trấn Côn Đảo quay mặt ra vịnh Côn Sơn, có hòn Bảy Cạnh làm tiền án, mũi Chim Chim làm tả Thanh Long, mũi Cá Mập làm hữu Bạch Hổ, phía sau thị trấn là hòn Chánh Lớn có núi Chúa cao đến hơn 500 mét sừng sững như bức tường thành làm điểm tựa Huyền Vũ, về mặt phong thủy, thị trấn Côn Đảo có địa lý cực chẩn. Đường Tôn Đức Thắng có trụ sở của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Nhà Chúa đảo xưa... ngoảnh mặt ra vịnh Côn Sơn lúc nào cũng lộng gió. Con đường uốn lượn dọc bãi biển, một bên là nhà cửa, trụ sở, dinh thự, cây cối rợp bóng mát, một bên là biển cả mênh mông, xanh biếc, sóng nhấp nhô vỗ nhẹ vào bờ cát trắng. Có lẽ thị trấn Côn Đảo có địa lý đẹp nên thu hút được nhiều người đến sinh sống, làm ăn phát đạt. Dưới triều chúa Nguyễn, cũng có vài ngàn dân sinh sống, lập ra hai làng: Cỏ Ống và An Hải. Nhưng khi Thực dân Pháp chiếm đảo, biến nơi đây thành nhà tù thì chúng di dân ngoài đảo vào đất liền. Đảo chỉ còn vài trăm người gồm viên chức làm việc cho chính quyền Pháp, bọn cai ngục, chưa tính tù nhân - có lúc đến vài ngàn người. Ngày nay Côn Đảo đã có hơn 10 ngàn người. Thị trấn Côn Đảo ngày càng sầm uất với nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều nhất là khách sạn, trụ sở cơ quan, công ty của nhà nước và tư nhân...Theo thống kê của huyện Côn Đảo, đến nay trên địa bàn đã có 142 cơ sở lưu trú, với 2.689 phòng, sức chứa 6.976 người/ ngày. Thị trấn được quy hoạch bài bản, các con đường thoáng mát, nhiều cây xanh, vỉa hè rộng, lát gạch, đá granit. Người ta rất chú ý giữ gìn vệ sinh đường phố sạch đẹp, khó nhìn thấy một cọng rác. Những cây bàng có tuổi thọ hàng trăm năm xòe bóng rợp mát các con đường. Một con đường trải nhựa, dài gần 30 km, với hai làn xe, vòng quanh đảo cho du khách vi vu ngắm cảnh, một bên là núi rừng nguyên sinh với tầng tầng cây gỗ quý, một bên là biển xanh biếc, trải ra mênh mông. Xa xa những con tàu đánh cá nhấp nhô. Con đường uốn lượn theo triền núi lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Có khi phía trước tưởng cùng đường vì một ngọn núi chắn ngang, nhưng xe vòng một khúc cua tay áo, một không gian mới sáng rực rỡ hiện ra. Du khách ngất ngây nhìn những thân cây vươn ra khỏi sườn núi như chú hươu với cặp sừng đồ sộ tưởng sắp nhảy xuống lòng đường. Từng bầy khỉ đuôi dài nhảy nhót, chuyền cành. Côn Đảo là xứ sở của chim, của bướm, chúng bay rập rờn ven đường, ven bờ biển làm du khách có cảm tưởng như đang lạc vào thế giới thần tiên. Động vật hoang dã ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí bị truy tố ra tòa nên loài khỉ rất dạn người. Côn Đảo không có sông, chỉ có vài con suối nhỏ do độ che phủ của rừng nguyên sinh bảo vệ nghiêm ngặt nên giữ được độ ẩm và nước. Thiên nhiên thật tuyệt vời, chính cái thung lũng nằm trọn trong vòng tay ôm của dãy núi Chúa, núi Chữ Thập trút xuống hồ Quang Trung và An Hải hàng vạn mét khối nước ngọt. Hiện nay chính quyền đang nạo vét, xây kè, tạo thành những hồ nước vừa có cảnh quan đẹp, vừa điều tiết khí hậu, vừa cung cấp nước ngọt cho toàn đảo. Cũng đã có dự án phong điện ở Côn Đảo, nhưng dự án kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo vẫn được triển khai. Côn Đảo đã có trường trung học. Trung tâm y tế Côn đảo cũng được chú trọng, có hơn 30 giường bệnh với đội ngũ y bác sĩ lành nghề.

Tôi đến Côn Đảo vào đầu tháng tư năm nay, thị trấn đang tưng bừng cờ hoa chuẩn bị lễ hội năm 2023 diễn ra từ ngày 28 tháng Tư đến ngày 4 tháng Năm năm 2023. Hôm nay ngày 6/4/2023, huyện Côn Đảo vui mừng đón chuyến tàu cao tốc đầu tiên từ Cần Thơ, với trên 200 hành khách lần đầu tiên cập cảng Côn Đảo. Bến cảng có tổng kinh phí xây dựng 158 tỷ đồng, vừa được hoàn thiện đầu năm 2023. Bến có một cầu cảng dài 50 mét, rộng 12 mét, tàu khách có thể cập hai bên cầu cảng và tiếp nhận tàu chở khách trọng tải đến gần 400 tấn. Trước đây Côn Đảo đã có bến cảng tiếp nhận tàu khách có trọng tải hàng trăm tấn ở Bến Đầm. Nhưng từ Bến Đầm vào trung tâm thị trấn xa 12 cây số, rất bất tiện cho du khách đến thăm Côn Đảo. Nay có cầu cảng mới ở ngay trung tâm thị trấn, tầu cập bến, du khách có thể đi bộ về khách sạn mình lưu trú. Đối với một địa chỉ du lịch, đi lại càng thuận tiện càng thu hút được nhiều du khách. Chị Vũ Thị Ngần, chuyên viên Huyện ủy Côn Đảo cho biết: Trước đây giao thông nối đất liền với Côn Đảo chỉ có một hai chuyến tàu chạy từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau tới Côn Đảo, gặp những ngày thời tiết xấu, có khi cả tuần mới có tàu cập bến. Ngày nay đã có tàu cao tốc 5 sao từ Vũng Tàu, từ Cần Thơ, Sóc Trăng... ra Côn Đảo, chỉ mất 4 tiếng đồng hồ. Hàng không có các chuyến bay từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... ra. Nếu như ngày nào thời tiết xấu, sóng biển dữ dội tàu không ra đảo được thì đã có đường hàng không nên hàng hóa không còn bị khan hiếm như xưa. Chính giao thông vận tải đã quyết định phần lớn cho kinh tế, xã hội Côn Đảo phát triển.

Đến với Côn Đảo hôm nay cũng là đến với một vùng du lịch tâm linh. Không biết từ bao giờ người ta hay nhắc đến những huyền thoại về cô Võ Thị Sáu, bà Phi Yến và Hoàng tử Cải, Ngũ hành Nương Nương... Nhưng linh thiêng nhất là Cô Võ Thị Sáu. Người ta đồn rằng những đêm thanh vắng cô hiện lên trên mộ, áo quần trắng toát, tóc xõa ngang vai. Cô đã từng làm cho tên chúa đảo phải bỏ xe jeep mà chạy. Đến nỗi chính hắn phải đến dựng bia mộ và dâng lễ cúng cô, bớt tàn ác với tù nhân. Nhưng đối với nhân dân cô không làm hại ai cả. Ai có tâm sẽ được cô phù hộ độ trì. Tôi đã gặp chị Thảo ở Sơn La đến dâng lễ, chị cho biết ra đảo 4 lần rồi. Cô Hương quê Đà Lạt ra dâng lễ lần thứ hai... Nghe tôi ra đảo, chị Tắng quê ở tận Thanh Hóa nhắn tin “Thấy họ đồn cô Sáu thiêng lắm. Nếu chú đang ở đó thì phải thắp hương nhé”. Vâng, cô Sáu bị giặc Pháp bắt đày ra đảo ngày 22/1/1952, lúc bấy giờ chưa có nữ tù bị giam ở đây nên chúng giam chị ở xà lim Sở Cò. Đêm đó, dù biết ngày mai phải ra pháp trường cô Sáu vẫn hát vang các bài ca cách mạng như Tiến quân caCùng nhau đi hùng binhLên đàng... Cô chết khi tuổi còn rất trẻ, trong trắng, trở nên linh thiêng. Ngày nay trong mâm lễ dâng lên cô thường cắm những bông hoa trắng, nón trắng, hài trắng, quần áo cũng màu trắng tinh khôi. Người ta đến dâng lễ cứ nườm nượp, ước tính mỗi ngày khoảng 2 đến 3 ngàn người. Còn những ngày lễ phải trên 5 ngàn người, ở khắp các miền trên cả nước. Khắp thị trấn Côn Đảo, đi đến đâu cũng gặp cửa hàng bán đồ lễ, vẫn màu trắng tinh khôi... Ở Côn Đảo không ai nói thách đồ lễ, giá bao nhiêu du khách cứ thế mua, trong sự thành thật này có cả yếu tố tâm linh nữa. Dịch vụ chuẩn bị đồ lễ rất phát triển, có chị bán hàng nói vui “Dân Côn Đảo chúng tôi sống nhờ cô Sáu”. Đoàn khách nào đến du lịch Côn Đảo mà không đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, mua đồ lễ dâng lên mộ cô Sáu? Dù không cầu xin điều gì thì du khách vẫn dâng hương bằng lòng thành kính đối với những người đã ngã xuống cho sự bình yên hôm nay. Một địa chỉ hành hương tâm linh rất có ý nghĩa. Theo báo cáo của Huyện ủy Côn Đảo, năm 2022, địa phương đã đón 52.3515 lượt khách du lịch, trong đó có 9215 lượt khách quốc tế, đạt 197,58% kế hoạch năm, đem lại doanh thu cho huyện gần 2 ngàn tỷ đồng.

Điều làm tôi ngạc nhiên là an ninh trật tự ở Côn Đảo rất tuyệt vời. Ở các bãi giữ xe như trước nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo... có đến hàng ngàn xe máy, xe ô tô, nhưng không có người trông xe, thậm chí không cần khóa, không cả rút chìa khóa cũng không mất. Ở trước cửa chợ, trước các nhà triển lãm, ở khu du lịch, nhà hàng, quán ăn... cũng thế, không bao giờ sợ mất xe. Có người nói, cái đảo bé tí, trộm xe thì giấu vào đâu. Các khách sạn, nhà dân phần nhiều cửa chính, cửa sổ không cần dùng cửa sắt, khung sắt bảo vệ, chỉ dùng cửa kính, vậy mà không sợ mất trộm. Anh xe ôm tên Cường, kiêm hướng dẫn viên du lịch cho tôi suốt một ngày, đến lúc trả tiền, anh cười bảo “anh cho bao nhiêu cũng được”…

Rời Côn Đảo sau chuyến đi nhiều ấn tượng, vừa về đến cổng, bỗng chuông điện thoại reo vang. Đó là cuộc gọi của anh Cường ngoài đảo, anh hỏi tôi về đến nhà chưa, có khỏe không. Còn anh chủ khách sạn Huy Hoàng tên là Mười, suốt ba ngày ở đảo tôi chỉ nói chuyện, hỏi han anh, không hề hé lộ tôi làm nghề gì, thế mà đêm trước cuộc chia tay, anh nấu một nồi lẩu cá chình đãi tôi cùng với rượu anh pha chế, uống ngon như rượu ngoại chính hãng.

Người Côn Đảo thân thiện, cuộc sống ngoài đảo xa thật yên bình, phải chăng đây là thiên đường nơi hạ giới?

Bút ký của Nguyễn Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm