May 18, 2024, 12:03 pm

Có một Điện Biên ươm mầm từ Mùa lạc

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai chấp bút có nói về việc, hai ngày sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Đại tướng từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ.

Khi đứng trên Đồi A1 quan sát toàn bộ hình thái của tập đoàn cứ điểm của địch và trận địa, chiến hào của ta, Đại tướng đã suy nghĩ về việc tái thiết Điện Biên từ rất sớm: “Tôi chợt nghĩ tới một nhiệm vụ của bộ đội, là phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi tiếp tục đi đánh giặc trên những chiến trường khác.” Đó quả là một suy nghĩ hết sức điềm tĩnh ngay sau chiến thắng với niềm vui quá lớn. Và công cuộc thu dọn chiến trường, chữa lành những vết thương chiến tranh, trả lại môi trường sinh thái cho Điện Biên đã được tiến hành sau đó. Bốn năm sau, Nông trường Điện Biên đã ra đời trên chính mảnh đất này cũng bởi những người lính đã chiến đấu giải phóng Điện Biên. Luồng sinh khí của thời đại mới thổi bùng lên một sức sống Điện Biên ấy đã được phản ánh trong văn học khá cụ thể và trực diện qua truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải. Đến hôm nay, 70 năm sau chiến thắng vĩ đại và 66 năm từ khi Nông trường Điện Biên ra đời, chúng tôi vẫn bắt gặp những hoài niệm về “mùa lạc” đầu tiên ở những thế hệ đã chiến đấu và dựng xây Điện Biên, trong những ký ức về một thời thanh xuân sôi nổi.

*

Khu vực một Đội sản xuất có tên C9 năm xưa ở Hồng Cúm, nay là Thôn C9, thuộc huyện Điện Biên. Ảnh: Thành Duy

Trước dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi có dịp về Sư đoàn 316, đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa với những trận đánh then chốt góp phần làm nên chiến thắng. Sư đoàn 316 cũng là đơn vị sau năm 1954 được cử quay trở lại Điện Biên làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển Điện Biên, củng cố và giữ vững địa bàn Tây Bắc vào năm 1958. Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn 316 hiện nay cho biết, Sư đoàn vẫn còn lưu giữ những tư liệu về giai đoạn lịch sử này. Người giao nhiệm vụ cho 316 quay lại tái thiết Điện Biên chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và người trực tiếp đôn đốc, quan tâm sát sao việc này chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trực tiếp đến Sư đoàn cùng Bác giao nhiệm vụ cho Chính ủy Nguyễn Kiện, khi Sư đoàn trở lại Điện Biên triển khai nhiệm vụ, Đại tướng lại có mặt động viên bộ đội. Năm 1959 Đại tướng cùng Đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh lên dự lễ kỷ niệm 5 năm giải phóng Điện Biên Phủ. Đại tướng mang theo bài thơ của Bác Hồ viết tặng Sư đoàn 316 trước đây, khi về giao nhiệm vụ cho Sư đoàn, đồng thời, tại Điện Biên, Đại tướng đã căn dặn cán bộ chiến sĩ 316: “Các đồng chí hãy đem trồng lên mảnh đất anh hùng này những giống hoa đẹp nhất của đất nước. Tuy trước mắt các đồng chí còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng gian khổ nào bằng giải phóng Điện Biên Phủ trước đây. Mảnh đất này đã thấm máu bao đồng đội, đồng bào ta, các đồng chí hãy trân trọng nó, biến nó thành một nơi phồn vinh của Tổ quốc.” Thời điểm ấy Sư đoàn vừa trở lại Điện Biên được hơn một năm, những người lính nông trường vừa trải qua vụ gặt đầu tiên với thành tích thu được 200 tấn lúa làm nức lòng quân dân Tây Bắc. Đồng chí Hoàng Văn Thái, khi đó là Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng đến thăm đã ghi vào Sổ vàng truyền thống của đơn vị rằng: “Những thành tích đạt được tuy mới chỉ là bước đầu nhưng rất quan trọng, có thể ví như trận đánh thắng lợi Đồi Him Lam mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ trước kia.” Sư đoàn xác định việc tổ chức sản xuất, xây dựng Điện Biên là nhiệm vụ mới, quan trọng không kém nhiệm vụ chiến đấu, và thành công bước đầu đã có ý nghĩa khích lệ lớn.

Hàng nghìn người lính, trong đó có những người mấy năm trước còn cầm súng chiến đấu, lăn lộn trong các chiến hào, xung phong chiếm lĩnh mục tiêu trong các cứ điểm để góp phần giải phóng Điện Biên thì nay lại tay cuốc tay cày, san hố bom, lấp hầm hào, dò mìn, cắt dọn dây thép gai, đánh gốc bốc trà để giải phóng mặt bằng lấy đất cho sản xuất nông nghiệp. Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, các nhà văn, nhà thơ cũng đã nhanh chóng có mặt ở Điện Biên, không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này để bắt kịp với sự biến chuyển của thời thế, kịp thời cho ra những tác phẩm văn học. Mùa lạc của Nguyễn Khải và một số tác phẩm khác đã ra đời trong bối cảnh này. Tác phẩm Mùa lạc được in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải xuất bản ngay từ năm 1960. Sau này tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa và trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Một Điện Biên khác sau giải phóng cũng được biết đến một cách sinh động qua tác phẩm này.

Nông trường Điện Biên cũng là cái tên gói ghém một phần lịch sử sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở đây có rất nhiều người lính của Sư đoàn 316, một trong những đơn vị chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tấn công các cứ điểm quan trọng, trong đó có cứ điểm cuối cùng bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm tại Mường Thanh là Đồi A1, cũng là cứ điểm cuối cùng bị tiêu diệt với điểm nhấn là hố bộc phá 1.000kg thuốc nổ vẫn còn in vết trên đỉnh đồi hôm nay. Khi bước vào chiến dịch, Sư đoàn được giao đánh những trận mở màn, châm ngòi cho chiến dịch thì 4 năm sau lại được giao nhiệm vụ tiên phong xây dựng và bảo vệ Tây Bắc. Hàng nghìn người lính đã trở lại Điện Biên, năm 1958, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ trong quyết tâm chung của cả nước xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Toàn sư đoàn chuyển hướng sang thực hiện nhiệm vụ mới trên chiến trường xưa. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Điện Biên; Trung đoàn 174 từng chịu nhiều vinh quang và tổn thất trong Chiến dịch tổ chức lại thành Công trường 42; Trung đoàn 98 cùng một số đơn vị khác tổ chức lại thành Công trường làm đường. Lực lượng còn lại của Sư đoàn được tổ chức biên chế lại thành Lữ đoàn, trực thuộc Quân khu Tây Bắc.

Sau khi rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, các đơn vị của 316 đã chia thành các đội sản xuất, trồng ngô, trồng lạc, đốt gạch, làm đường… Hầu như những nguyên mẫu trong Mùa lạc đều có xuất xứ từ những anh bộ đội của Sư đoàn 316 và các thanh niên xung phong có mặt tại Điện Biên ngày ấy, hay nói cách khác là rất nhiều nhân vật có thật có thể điềm nhiên bước vào tác phẩm của Nguyễn Khải. Ông thiếu úy lò gạch tên Dịu, một người chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật Đào vừa thấp thoáng trong tác phẩm, vừa thấp thoáng ngoài đời thật, dường như giữa văn học và cuộc sống không có khoảng cách. Ngày ấy, các chiến sĩ của Trung đoàn 174 gồm cơ quan trung đoàn bộ, khối trực thuộc và Tiểu đoàn 255 đã tổ chức lại thành Công trường 42 có nhiệm vụ xây dựng các lò nung vôi, đốt gạch sản xuất vật liệu để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng các công trình tại Điện Biên. Những ngôi nhà, công xưởng, cơ quan xí nghiệp đầu tiên tại đây được tạo nên từ những vật liệu được làm bởi công trường này. Và hơn hết công trường đã đóng góp cho văn học một nhân vật ông thiếu úy già đốt lò gạch thấp thoáng mà thân thương.

*

Lên với Điện Biên trước dịp tháng 5 năm 2024 tôi cảm nhận rõ tính chất “công trường” của những ngày trước đại lễ. Những nhộn nhịp cảnh ấy, người ấy dễ cho một đối sánh, một hình dung về Điện Biên của những ngày mới giải phóng những ngày cả nước vì Điện Biên, cùng về đây thổi bùng lên một sức sống mới. Và trong hành trình tìm về quá khứ ấy, tôi đã gặp rất nhiều mảnh ký ức tươi rói, hồi tưởng đẹp đẽ về thời của Mùa lạc năm xưa.

Ở xã Thanh Xương, nơi kề Nông trường Hồng Cúm ngày trước rất dễ để gặp lại những cảnh đời gần với câu chuyện trong Mùa lạc, tôi đã gặp những cô Đào, cô Duệ của thời kỳ ấy. Bà Mai Thị San đứng bên bờ ao nhà mình nói chuyện với qua hàng rào bảo, thời ấy chúng tôi lên Điện Biên nhiều lắm, tất cả đều coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Quả thực, đến giờ từ vùng quê Hà Nam bà San đã gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Điện Biên, giờ đây vẫn trồng cây, nuôi vịt nuôi ngỗng, chỉ khác là giờ không còn nông trường nữa, mỗi người canh tác trên thửa ruộng, mảnh vườn nhà mình. Ông Lại Văn Năm và bà Lưu Thị Tấm ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng là một trong rất nhiều cặp đôi đã nên duyên kiểu như trong Mùa lạc đề cập. Hôm nay, ông đã 94, bà 92 nhưng cả hai vẫn mạnh khỏe, tỉnh táo kể lại chuyện xưa. Ngày ấy những cặp đôi đến với nhau tại Nông trường được Chi bộ tổ chức đám cưới. Cưới đời sống mới tổ chức cho vài đôi cùng lúc. Ông bà được cưới cùng hai đôi nữa, cũng mô hình bộ đội - công nhân. Họ là bộ đội Sư 316 nhưng đã làm lễ hạ sao vào năm 1960 sau khi chuyển đổi nhiệm vụ qua xây dựng nông trường, trở thành công nhân sản xuất nông nghiệp.

Vẫn ở huyện Điện Biên, các xã Thanh An, Thanh Yên hiện vẫn còn những chiến sĩ Điện Biên, đồng thời là cựu công nhân Nông trường Điện Biên sinh sống. Ông Trần Văn Đáp, nguyên là lính 316, năm 1958 là một trong những người lính về xây dựng, tái thiết Điện Biên, trả lại màu xanh cho đất tại khu vực Hồng Cúm. Đội sản xuất số 2 của ông Đáp được phân công nhận nhiệm vụ tại đây. Trong Mùa lạc, bãi lạc đang vào mùa thu hoạch của Đội sản xuất số 6 bối cảnh câu chuyện diễn ra cũng nằm ở phía tây Hồng Cúm. Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng quân ta tiêu diệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm bên bờ sông Nậm Rốm. Khi ông Đáp và đơn vị trở lại, nơi đây chỉ lèo tèo vài mái nhà tranh tre nứa lá của đồng bào Thái, đời sống bần hàn cơ cực. Nơi giặc Pháp xây dựng cứ điểm năm xưa dây thép gai lớp này nối lớp kia, các bãi mìn chúng gài để bảo vệ cứ điểm chưa được tháo gỡ, đất đai bị cày xới nham nhở cùng những hầm hào của cả ta và địch. Tất cả như một vùng đất chết. Thế rồi mồ hôi đổ xuống, công sức rót vào, những bàn tay người lính chiến trước đây khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, đào hào phồng rộp, máu trộn bùn non nay lại tiếp tục bài ca vỡ đất, chỉ khác là chiến đấu với đói nghèo, mang lại màu xanh no ấm.

Anh Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, trước đây là Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Điện Biên. Anh Hải nói với tôi, những nhân vật trong bối cảnh tác phẩm của Nguyễn Khải kể không hết ở Điện Biên. Nông trường Quân đội Điện Biên được thành lập ngày 8 tháng 5 năm 1958, một ngày sau ngày kỉ niệm chiến thắng 7 tháng 5. Số lượng công nhân cũng là con số ý nghĩa khi đúng bằng số năm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954 người. Về cơ cấu tổ chức, ngoài các phòng ban chức năng, Nông trường có 23 đội sản xuất, mỗi đội tương đương với một đại đội, đây là lực lượng chính làm thay đổi mảnh đất Điện Biên từng ngày. Nói là nông trường nhưng những người lính làm đủ thứ việc, từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản... Điện Biên cần gì các anh làm nấy. Các đội sản xuất bố trí xen kẽ với các xã theo đơn vị hành chính khu vực Điện Biên Phủ và lân cận. Các huyện ở xa hơn có Mường Ảng và Tuần Giáo thì lập thành Phân trường trực thuộc Nông trường Điện Biên. Phương châm chỉ đạo ngày ấy là sản xuất trước, quy hoạch sau, trồng cây ngắn ngày song song với trồng cây dài ngày, cây nông nghiệp song song cây công nghiệp, lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân cùng làm ăn, phát triển kinh tế địa phương, bên cạnh đó vẫn thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó khi có chiến sự xảy ra.

Gần hai nghìn người lính trở lại xây dựng Điện Biên là hai nghìn hoàn cảnh, hai nghìn câu chuyện tình yêu và gia đình. Ngoài những người lính, còn hàng nghìn thanh niên nam nữ các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đã lên với mảnh đất xa xôi nơi cuối trời Tây Bắc để xây dựng một cuộc sống mới. Ước tính có tới 3 vạn người ở những thời kì khác nhau đã làm nên những “mùa lạc” tiếp nối trên đất Điện Biên. Sau này nhìn lại thì chính họ là những người nắm giữ những kí ức Điện Biên, cả về những trận chiến giải phóng mảnh đất này, cả về việc cải tạo, hồi sinh nó, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hôm nay.

Bối cảnh Điện Biên sau giải phóng ấy đã được gói ghém bằng văn học qua Mùa lạc, đặc biệt là khi tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa thì gần như kì thi nào nhân vật cô Đào của Nông trường Điện Biên cũng được nhắc đến. Có thể nói Mùa lạc của Nguyễn Khải đã sống cùng lịch sử, kéo dài mãi cùng với những âm hưởng hào hùng của chiến thắng.

Năm 2022, khi Đại dịch Covid-19 vừa càn quét với sức công phá khủng khiếp, bộ phim tài liệu Ranh giới được phát trong chương trình VTV đặc biệt đã gây rung cảm lớn trong người xem. Ranh giới có nhân vật chính là các nữ y tá, hộ lí, những nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khi kiệt sức và vượt lên mọi giới hạn, đứng trước ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa sự tiếp tục hay bỏ cuộc. Cảm hứng để đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chọn triển khai chủ đề bộ phim là từ nhân vật nhân viên y tế tên Trang. Những ngày tháng đối đầu với dịch bệnh căng như dây đàn, đối diện giữa cái sống và cái chết ấy đã khiến cô nghĩ đến tác phẩm Mùa lạc được học trong nhà trường. Câu văn của Nguyễn Khải trong tác phẩm đã được coi như chủ đề tư tưởng, được chọn làm đề thi môn văn từ nhiều năm nay, và câu nói ấy cũng đã vang lên trong nữ hộ lí ở những giây phút sinh tử, trong những ngưỡng giới tưởng chừng không vượt qua được: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.” Từ câu văn mà cô hộ lí tên Trang tâm đắc ấy, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã chọn đặt tên phim là Ranh giới. Câu triết lí từ bối cảnh cuộc sống hậu chiến sau kháng chiến chống Pháp của nhiều năm về trước đã được soi rọi trong bối cảnh dịch bệnh của sáu mươi năm sau. Bộ phim đã gây chấn động người xem, tạo nên sự quan tâm và dư luận xã hội mạnh mẽ. Mùa lạc một lần nữa đã làm sống dậy tinh thần hậu Điện Biên ở thời đại hôm nay.

Trong ký ức thế hệ những người từ mọi miền quê lên xây dựng Điện Biên hơn sáu mươi năm trước đều có một tinh thần Mùa lạc với những kỉ niệm về một thời thanh xuân sôi nổi, cống hiến và dựng xây đất nước. Và trong Điện Biên hiện đại của hôm nay vẫn có một hình hài hôm qua mà bối cảnh trong Mùa lạc chính là những nền móng thuở ban đầu. Có thể nói, một Điện Biên mới đã được ươm mầm từ “mùa lạc” ấy.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024


Có thể bạn quan tâm