April 30, 2024, 9:40 am

Có giải mà chưa có thưởng

Giải thưởng âm nhạc đại chúng không chỉ là nơi tôn vinh nghệ sĩ, tác phẩm mà sâu xa hơn còn là sự ảnh hưởng và tác động của nó đến ngành công nghiệp ghi âm, văn hoá và xã hội. Nếu nhìn ở khía cạnh này, các “giải” âm nhạc Việt Nam dường như chưa có “thưởng”.

Tối 27/3, “Thánh đường âm nhạc” của Hà Nội - Nhà hát Lớn sáng đèn chờ đợi Lễ trao giải thưởng Âm nhạc cống hiến lần thứ 18 diễn ra. Đây là sự kiện được mong đợi của người yêu nhạc bởi nó là giải thưởng mang yếu tố phê bình (chủ yếu do nhà báo mảng văn hoá bình bầu), khác với các giải thưởng âm nhạc khác thường do khán giả bình chọn. Những cái tên quen thuộc được xướng lên, đáng chú ý nhất là Văn Mai Hương thắng giải Album của năm với Minh tinh; rapper Đen thắng giải Nam ca sĩ của năm và Hòa Minzy chiến thắng hạng mục Nữ ca sĩ của năm…

Rapper Đen (Nguyễn Đức Cường) chiến thắng giải Nam ca sĩ của năm tại giải Âm nhạc cống hiến lần thứ 18. Ảnh: BTC

Có thể nói, giải Âm nhạc cống hiến đã tôn vinh những nghệ sĩ trẻ (đa số là nhạc pop) bởi những sản phẩm thu hút sự quan tâm của khán giả trước đó. Chuyện tranh cãi thắng thua ở mỗi giải thưởng là bình thường, bởi nghệ thuật và giải thưởng không có sự tuyệt đối. Tuy nhiên, sự mờ nhạt của giải Âm nhạc cống hiến trước, trong và sau lễ trao giải cho thấy nó đã mất đi sức hút đã ít nhiều tạo ra được trước đây. Không chỉ riêng một mình giải Âm nhạc cống hiến, các giải thưởng âm nhạc Việt Nam dường như chưa tạo được vị thế và dấu ấn của mình.

Tôn vinh nghệ sĩ, tác phẩm thôi là chưa đủ

So về mặt phổ biến, các giải thưởng thuần âm nhạc như Làn sóng xanh thu hút sự quan tâm nhiều hơn của khán giả so với giải Âm nhạc cống hiến. Những cái tên trẻ gây sức hút thị trường hơn như Wren Evans, tlinh… cũng được công chúng nhiệt thành ủng hộ hơn khi Làn sóng xanh diễn ra trước đó chưa lâu. Hay giải thưởng Wechoice (trao giải nhiều hạng mục, trong đó có âm nhạc) thậm chí còn có sức lan tỏa và phổ biến hơn trong công chúng.

Các giải thưởng âm nhạc và có sự xuất hiện của hạng mục âm nhạc là điều cần thiết, là nơi để ghi nhận, tôn vinh các nghệ sĩ và tác phẩm. Giải Âm nhạc cống hiến, Làn sóng xanh hay Wechoice, Mai vàng, Zing Music Awards… đã đóng vai trò như một hàn thử biểu trong mảng âm nhạc đại chúng tại Việt Nam nhiều năm qua. Tuy nhiên, những điều đó dường như là chưa đủ đối với “sứ mệnh” của một lễ trao giải âm nhạc.

Gần như các giải thưởng âm nhạc đại chúng tại Việt Nam, dù được tổ chức công phu, vẫn thường tỏ ra yếu kém về mặt tiêu chí đánh giá, hệ thống các hạng mục. Chính điểm yếu này khiến các giải thưởng chưa tạo nên được tác động lớn hơn, ảnh hưởng đến thị trường và khán giả.

Lấy hai giải thưởng Âm nhạc cống hiến và Làn sóng xanh làm ví dụ. Giải thưởng Âm nhạc cống hiến từng được biết đến do báo Thể thao và Văn hoá tổ chức mang tính “hội nghề nghiệp” cao. Hội đồng giải thưởng đánh giá và bình chọn chuyên sâu bởi những nhạc sĩ, phóng viên, nhà báo theo dõi mảng văn hoá, trong đó có âm nhạc. Nó cũng từng được xem là giải uy tín về mặt nghệ thuật, tri ân những nghệ sĩ và tác phẩm với tiêu chí khắt khe. Tuy nhiên, những năm gần đây nhất, giải thưởng này đã không giữ được điều này. Thậm chí, năm 2024, giải Âm nhạc cống hiến còn mở ra danh sách cho khán giả bình chọn trước. Tính “dân chủ” này vô tình đánh mất đi chất lượng và tính riêng biệt của giải thưởng này.

Bên cạnh đó, giải thưởng Làn sóng xanh từng dựa trên số lượng phát sóng trên đài phát thanh của một ca khúc, nghệ sĩ để đánh giá và trao giải. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến và sự thay đổi trong thói quen người dùng khiến Làn sóng xanh cũng phải thay đổi những dữ liệu và phương thức đánh giá phù hợp.

Tuy nhiên, các giải thưởng âm nhạc tại Việt Nam chưa tác động mạnh mẽ đến khán giả lẫn thị trường âm nhạc. Sau mỗi mùa trao giải, một vài cái tên được xướng lên và không để lại dư âm nào sau đó. Các giải thưởng dường như chưa thúc đẩy được tên tuổi nghệ sĩ, hay tác động sâu rộng đến thị trường cũng như thói quen của người nghe nhạc. Vì thế mà giải cứ trao, thưởng không thấy đâu.

Học được gì từ giải thưởng âm nhạc trên thế giới?

Mỗi mùa lễ trao giải Grammy (Mỹ) diễn ra thực sự là một “lễ hội” âm nhạc. Trước đó, các hội thảo đã diễn ra, bàn luận các vấn đề nóng hổi trong ngành công nghiệp âm nhạc. Khán giả chờ đợi công bố các đề cử và đặt câu hỏi, không chỉ ai thắng giải mà phần trình diễn công phu nào sẽ diễn ra.

Xu hướng âm nhạc nào đang nổi bật? Cái tên nào đang làm chủ thị trường? Những câu hỏi tương tự sẽ có câu trả lời trong đêm trao giải. Những chương trình vinh danh nghệ sĩ nữ, nghệ sĩ da màu… tăng sự nhận diện về tính đa dạng trong giới tính, sắc tộc của những người làm trong ngành âm nhạc. Nhờ sức ảnh hưởng rộng lớn, nhiều nghệ sĩ cũng được thêm phần thưởng (ngoài giải thưởng đạt được) là số lượng đĩa nhạc tiêu thụ và số lượt nghe trực tuyến tăng lên sau mỗi mùa trao giải.

Nhìn sang các giải thưởng âm nhạc lớn khác như MTV Video Music Award, Brit Award (Anh) hay các giải thưởng âm nhạc tại châu Á như Mnet Asian Music Award (MAMA, Hàn Quốc), chúng ta cũng thấy được điều tương tự. Bên cạnh tiêu chí của mỗi giải thưởng khá rõ ràng, tác động của những giải thưởng này đều có thể đo lường. Vì thế, giải thưởng âm nhạc không chỉ tôn vinh nghệ sĩ và sản phẩm, mà còn là một hàn thử biểu và tác động đến ngành công nghiệp ghi âm.

Nhìn lại Việt Nam, dường như chúng ta vẫn chưa có một thị trường âm nhạc thực sự; và các giải thưởng âm nhạc chưa tạo ra được sự thúc đẩy mạnh mẽ. Lễ trao giải dường như gói gọn ở khâu bình chọn và đêm trao giải mà chưa có nhiều chương trình thúc đẩy.

Trong khi đó, các sự kiện về âm nhạc như Vietnam Music Week, hay Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival)… thực sự đã mở ra được những bàn luận sôi nổi, tác động đến ngành âm nhạc Việt nam ở nhiều phương diện. Vietnam Music Week với chuỗi hội thảo về ngành Việt Nam học đã đưa ra các số liệu, các giải pháp về bức tranh tổng thể về ngành này. Bên cạnh đó, nó còn là sân chơi của những nghệ sĩ trẻ với chuỗi hòa nhạc nhằm giới thiệu đến công chúng khán giả. Hay như Lễ hội Quốc tế Gió mùa ngoài những đêm diễn chính ở Hoàng thành Thăng Long còn chuỗi các concert giới thiệu nghệ sĩ mới, các hội thảo bàn luận về thị trường, nhằm kết nối, thúc đẩy phát triển ngành âm nhạc.

Các giải thưởng lớn trên thế giới ngày càng mở rộng số lượng hạng mục đề cử và toàn cầu hoá hơn để tạo nên những tác động lớn hơn đến ngành âm nhạc. Vì thế, Duy Đào, nghệ sĩ thiết kế đến từ Việt Nam mới có thêm cơ hội xuất hiện tại hạng mục đề cử Thiết kế sản phẩm đặc biệt tại Grammy 2024. Hay như từ nhiều năm trước, giải thưởng MAMA của Hàn Quốc đã mở ra các hạng mục bên ngoài lãnh thổ (dành cho nghệ sĩ quốc tế, nghệ sĩ Đông Nam Á) cũng nhắm vào chiến lược quảng bá, thu hút nghệ sĩ và khán giả nước ngoài đến KPop.

Vì thế, để các giải thưởng âm nhạc Việt Nam thực sự thu hút khán giả và có tác động mạnh mẽ hơn đến ngành âm nhạc, các nhà tổ chức phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra kết quả tốt hơn. Rõ ràng trong tiêu chí bình chọn, mở rộng các hạng mục đề cử, tạo ra nhiều “cầu nối” âm nhạc (nghệ sĩ - thị trường - khán giả) thông qua các hội thảo, các buổi gặp gỡ… may ra mới có thể tăng được sự uy tín và tính hấp dẫn, cũng như có thể tác động đến ngành âm nhạc.

Nhã Linh

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm