April 29, 2024, 1:14 pm

Có dừng lại ở Lai Châu không?

Tôi đi công tác Tây Bắc, đã vài lần đi qua Lai Châu, thế mà vẫn không lần nào dừng lại đúng Lai Châu, tôi vẫn cho rằng mình không may mắn.

Bây giờ, phải gọi Lai Châu là thành phố trẻ mang màu sắc rất hiện đại, ngồi trên ô tô thấy loang loáng sắc màu chạy qua cửa kính những vòng đèn chùm xanh đỏ tím vàng màu cầu vồng rực rỡ lấp lánh mời gọi. Bước chân đi lòng mong trở lại, hình như người Mông vùng Tây Bắc có một câu hát như thế bỗng trở lại trong ký ức. Lai Châu trên đỉnh của vòng cung Tây Bắc là miền đất để lại nhiều thương nhớ như thể một phần của đời người.

 Cho nên Lai Châu thoáng qua trí nhớ bởi những địa danh Mường Lay, cầu Hang Tôm, Tam Đường. Trong những lần thoáng qua ấy, tôi nhớ da diết thị trấn Tam Đường với vẻ đẹp giản dị mà trong trẻo như cô thôn nữ vào tuổi trăng rằm. Đó là một thị trấn miền núi thưa vắng người, được bao bọc bởi những khu vườn rừng xanh rì như lá phổi lọc không khí trong veo màu nắng. Lại có vẻ đẹp dịu dàng tươi mát của dòng suối trong veo chảy xuôi chiều theo thị trấn. Ngồi trên xe ô tô ngó xuống, tôi ước mong được nhúng chân trần xuống dòng suối. Tôi hình dung ra cảm giác thỏa thuê trong mát rượi, cảm nhận cái ngọt thấm ngọt mát ngọt lạnh của nước suối đầu nguồn thấm đẫm vị giác, khứu giác, thấm vào ánh nhìn và hơi thở. Những dòng suối như vậy, ở nơi thành phố nằm mơ cũng không có, cho nên miền núi nói riêng và Tây Bắc nói chung cứ hút tôi đến như thỏi nam châm, như người tình muôn năm vẫn háo hức đợi chờ mong ngóng. Có lẽ vì thế địa danh Lai Châu luôn là nơi tôi mong gặp lại như người tình trong phiên chợ Khau Vai.

Lần ấy dừng xe lại giữa thị trấn Tam Đường để sà xuống bên nồi ngô luộc, thực ra không hẳn nồi ngô, mà là một lù cở ngô tươi roi rói, chính cái lù cở đầy ụ bắp ngô mới bẻ đã kéo tôi dừng lại ở Tam Đường.

Minh hoạ: Tô Chiêm

Người phụ nữ đã đứng tuổi, có nét mặt hiền hậu, đang lúi húi nhóm bếp luộc ngô. Chị bảo tôi ăn chuối đi, chuối vườn nhà chín cây ngọt lắm. Trong lúc đợi nồi ngô chín thì tôi đã kịp ăn chuối và lội xuống xuống suối vớt từng vốc nước lên rửa mặt, nghe được cái trong veo và mát rười rượi, ngọt đằm mùi sương của dòng nước đi từ đỉnh núi về phố đây.

 Tôi vừa ăn ngô luộc vừa trò chuyện với chị, mà trong câu chuyện cũng chỉ nói về dòng suối trong vắt đang chảy reo vui rộn ràng dưới chân thôi. Chị bảo nước suối này sạch lắm, mọi người vẫn rửa rau, giặt giũ, trẻ con vẫn tắm táp bơi lội nô đùa mỗi khi trời nắng nóng. Cả thị trấn đều có ý thức giữ gìn dòng suối này, các nhà đều tuân lệnh cấm nghiêm ngặt không cho nước thải chảy ra suối.  Tôi nghĩ, một thị trấn nhỏ miền núi, chiều dài không quá 5 cây số, mà giữ được dòng suối như thế này như thể là giữ được viên ngọc quý trời cho.

Không dừng lại ở Lai Châu nên tôi chỉ được nhìn lướt trên những rừng chuối bạt ngàn xanh tươi. Ôi, sao vùng này có nhiều cây chuối thế, tôi thốt lên, mải mê ngắm rừng chuối bạt ngàn trải từ lòng thung, từ bờ suối lên đến đỉnh núi đá cao ngất nhọn hoắt đâm lên trời. Chuối mọc từ vườn này sang quả đồi khác, hễ có một mẩu đất nhô ra thì có khóm chuối bật lên, những mầm chuối tảo tần đi qua nắng gắt và sương muối như người dân miền núi.  Bây giờ là mùa thu, vẫn có nhiều bông hoa chuối màu tím hồng đâm lên nhọn hoắt, nổi bần bật trên nền xanh ngằn ngặt của lá. Thật lạ là trên rừng, hiếm có loài cây nào mà màu lá xanh lại đậm đến nhường ấy, lá chuối màu xanh buốt lạnh như thể mùa đông.

Tôi chỉ quan tâm đến rừng chuối, tại sao nơi đây lại trồng chuối nhiều đến thế? Người ta thu hoạch chuối thế nào khi chuối mọc từ trên đỉnh núi cao ngất kia, chắc sẽ vất vả lắm? Rồi hình dung lại địu từng mầm gốc chuối rải từ chân núi lên đỉnh núi, vất vả vô ngần. Vậy mà không biết thu nhập thế nào? Giá được ở lại đây gặp lãnh đạo huyện mà hỏi cho tường ngọn ngành? Nhưng lạ một điều là hai bên đường tuyệt nhiên không có hàng chuối chín nào bán? Anh lái xe kể, anh rất thạo vùng này, công việc lại xe đi qua lại nhiều khiến cho anh gần như thành thổ công của miền Tây Bắc. Vùng này trồng chuối để xuất khẩu sang Trung Quốc, mua chuối chín ở đây đắt hơn ở Hà Nội, đến kỳ thu hoạch, thương lái sẽ vào tận vườn để cắt chuối. Anh lái xe khẳng định thêm, dân ở đây giàu được là nhờ vào trồng chuối. Tôi hỏi, Trung Quốc tiêu thụ chuối nhiều nhỉ, cơ mà dân họ có tỷ người. Anh lái xe lại kể một câu chuyện, tôi cứ mong là chuyện bịa. Anh ấy kể rằng, tận châu Phi xa xôi người ta cũng trồng chuối xuất khẩu, bỗng nhiên một hôm người ta phát hiện ra họ nhập chuối để tách chiết chất nhờn có trong chuối phục vụ việc chế tạo dầu nhờn cho vũ khí, Anh lái xe nói thêm, mà chị biết đấy, châu Phi thì chưa bao giờ hết đánh nhau. Bất giác, câu chuyện của chúng tôi dừng lại như thể không đầu không cuối, như thể tôi đã lạc lối trong rừng chuối bạt ngàn. Đã không dừng lại ở Lai Châu thì ai trả lời câu hỏi cho tôi?

Ai cũng biết Lai Châu và Tây Bắc hấp dẫn người xa đến bằng các bản người dân tộc, ở nơi hẻm núi hay bản nhỏ xa xôi đèo cao dốc đứng. Nhưng bản San Thàng của người dân tộc Giáy lại ở gần ngay thành phố, từ nơi khách sạn chúng tôi ở đến chợ San Thàng chỉ khoảng 4 cây số. Đó là một cái chợ nhộn nhịp. Có lẽ không phải chợ, mà đó thực sự là một lễ hội. Người ta xuống chợ để đi cùng nhau, trai và gái thơm nức mùi chàm trên váy áo sặc sỡ và khèn bè réo rắt. Người ta xuống chợ để bán hàng, một túm củ tỏi thơm nức, một túi gừng cay nồng, một bó rau dớn non mềm oặt hái từ hôm trước, một chậu bột chàm đen óng để nhuộm vải, một túi ớt bé hạt tiêu xanh đỏ lẫn lộn như túi hoa. Tất cả được bày biện tự do vì đó là chợ miền núi, rau nằm trên đất xếp gọn một chỗ, củ nằm lăn lóc lấm lem đất cát, chậu chàm nhuộm lanh dúi vào sau gốc cây. Người ta xuống chợ để ngắm hàng và ngắm nhau, người bán hàng thì váy áo đung đưa, lúng liếng sau cái ô hoa, dúi đầu nói chuyện với nhau những câu chuyện chắc hẳn dài liên tu bất tận, kệ người mua hàng lúi húi chọn lựa, để tiền trên túm củ gừng cay, gói củ kiệu buộc túm thò lá ra như tóc trẻ con.

 Cứ như thế thì ai mà biết đến buổi nào mới kết thúc chợ? Rồi kệ cho cơn mưa đổ xuống ào ào. Rồi kệ cho cơn nắng bừng lên nhởn nhơ. Những chiếc ô cứ rung rinh lúng liếng như hoa nở trong chợ, đủ biết người ta đi chợ để làm gì? Nhưng không có người đi chợ thì sao gọi là chợ?  Mà đi chợ phải đi cả ngày cả buổi, đi từ hôm qua đến hôm mai.

Cho nên chợ San Thàng còn là nơi người ta ăn uống? Mùa thu mà trời mưa lất phất như mùa xuân. Trời chưa mùa đông mà sương đã rơi lành lạnh như mùa tuyết sắp về. Hai mẹ con người Mông vào hàng phở gọi bát phở hoa hồi nóng hổi, có đầy ụ thịt gà, thịt sườn, thịt bò, người mẹ nói con gái đi lấy chồng rồi về rủ mẹ đi chợ ăn phở. Người con gái bẽn lẽn cười rồi cắm cúi ăn, kệ cho người mẹ “nhiều chuyện” với nhà báo.  Người dưới xuôi lên thì cũng háo hức ăn, ối giời ôi, ăn đến 2 đĩa bánh cuốn bên bếp lò đun củi rừng rực, nhưng chiếc bánh tráng mỏng tang, mềm như thể một dải lụa.  Cô chủ hàng bánh cuốn còn trẻ, dáng người nhỏ bé, ngồi cần mẫn bên bếp lò, tay thoăn thoắt tráng bánh.  Anh chồng dáng cao to, khi thì đủn cây củi to đùng vào bếp lò đang cháy rừng rực, khi thì rửa bát trong bồn rửa có cái vòi nước. Nhưng việc chính của anh chồng là bưng bánh cho khách, đôi khi hết bát đĩa chưa kịp rửa lại thò tay sang hàng phở kế bên mượn 1 cái bát. Chủ hàng phở đang mải miết bốc thịt, những phở, múc xương cho khách, liếc mắt qua nói, cứ lấy đi hai nhà như một mà.

  Không biết có phải cô chủ hàng phở niềm nở không mà lại ăn tiếp đến 2 bát phở nguyên thịt bò nóng hổi, sợi phở mềm mướt như tóc con gái người Giáy. Lại ăn 2 cái bánh tẻ nhân thịt nạc mộc nhỉ nấm hương thơm ngon đến khó tả.  Lại ăn bánh giầy, bánh rán, bánh bò làm bằng cơm nguội ủ men nở phồng như cái gối. Người xuôi đi mỏi cả chân khắp chợ mà chưa ăn hết các món có trong chợ vùng cao.

 Anh cán bộ trẻ trưởng thôn kiêm bí thư, tên là Hoàng, sinh năm 1983, người dân tộc Giáy, lấy vợ cũng người Giáy, từ nhỏ đến lớn chỉ sống ở bản San Thàng, nói là phụ nữ Giáy giỏi nhất làm nội trợ chế biến thực phẩm, làm bánh trái, phở và bún. Ngày thường họ ở trong nhà coi sóc nhà cửa, chăm chồng lo con, chợ phiên thì làm bún làm bánh mang đi chợ bán. Tiền nong thu nhập từ việc bán hàng trong chợ là thu nhập đáng kể đấy.  À, cô chủ hàng bánh cuốn ngon nhất chợ San Thàng này chính là em gái mình đấy. Nó lấy chồng sớm, vừa lớn lên đã lấy chồng, hồi kia cũng vất vả, nay khá hơn nhiều rồi, nhưng đi bán bánh cuốn cũng chỉ đủ tiền mua mắm muối trong nhà thôi. Bởi vì cả tuần chỉ làm được có hai ngày chợ. Hỏi những ngày còn lại thì làm làm gì á? Lại đi nương và làm ruộng. Hai vợ chồng làm thế cũng đủ nuôi con rồi.

Ối, nhà văn hỏi chợ này có lâu chưa á? Chợ San Thàng có từ lâu lắm rồi, từ nhỏ đã đi chợ với bố, với mẹ, lớn lên vẫn thấy chợ họp như thế này, vào thứ bảy và chủ nhật. Chắc chợ San Thàng phải vài trăm năm rồi, bây giờ Lai Châu chúng mình chỉ giữ lấy nó và mở rộng ra thôi.

 Nay mình làm cán bộ rồi, thì phải làm cái việc giữ gìn chợ San Thàng thôi. Có chợ thì tốt rồi, nhưng làm thế nào để cho cái chợ này phiên nào cũng họp đông vui, tạo điều kiện cho bà con bản San Thàng làm giàu từ chợ mới là khó chứ. Thực tế là bấy lâu nay, chợ vùng cao gần như không còn giữ được bản sắc nữa. Này nhé: chợ tình Sapa đã biến tướng sang cái khác rồi; chợ đêm Mèo Vạc thì cũng chưa hiệu quả lắm; chợ Bắc Hà bán nhiều rượu và thắng cố. Mình đã đi khắp các chợ vùng Tây Bắc để xem họ làm chợ rồi đấy. Mình đang mong muốn mở rộng chợ San Thàng, khu bán gia súc riêng ra, khu ăn uống ẩm thực riêng hẳn ra cho sạch sẽ, nhà văn nhìn xem kìa, người Giáy người Mông, người Tày, người Dao, ai đến chợ cũng phải ăn phở và ăn nhiều món ở chợ, cho nên duy trì chợ đêm để phục vụ bà con, lại phải có hẳn sân khấu riêng ra để phục vụ văn nghệ cho bà con, ai muốn lên biểu diễn thì đăng ký với ban tổ chức, à mà chị nhà văn có lên đọc một bài thơ cho bà con nghe không ạ?

Câu chuyện cuốn chúng tôi đi nhiều vòng chợ một cách sôi nổi và hào hứng, như thể không có hồi kết thúc. Ai đi qua cũng mỉm cười chào cán bộ Hoàng, mới thấy ở chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, Hoàng được bà con bản San Thàng rất tín nhiệm, chả thế mà Hoàng kể rằng anh đã chọn ở lại bản San Thàng để sống và làm việc chứ không lên thành phố? Hoàng kể với tôi, chợ đêm chỉ được bán đến qua 24h thôi, sau đó dọn dẹp sạch sẽ, để sáng mai bán đồ nông sản và hàng dệt, việc này do chi đoàn thanh niên của bản San Thàng đảm nhiệm.

 Đồng chí Phó ban tuyên giáo thành ủy Lai Châu, cũng, rất trẻ sinh năm 1985 và đẹp trai, nói với tôi, chợ San Thàng duy trì được là nhờ vào những cán bộ xã như Hoàng. Còn Hoàng thì cười và nói, trước đây nó là cấp dưới của em, khi mới đến San Thàng em phải chỉ bảo cho nó từng chút một, bây giờ nó thành cán bộ thành phố, là cấp trên của em, chị ạ. Đấy, được cán bộ cứng cáp chút thì trên tỉnh lại lấy đi. Câu chuyện của chúng tôi lại xoay quanh việc đào tạo cán bộ cấp cơ sở và việc bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Hai bạn trẻ đều say mê nói những dự định mà họ sẽ làm cho quê hương, để giữ gìn văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tôi nghe họ nói và nghĩ, giữ gìn văn hóa chính là giữ những con đương lát đá đi vào bản; giữ những mái nhà lợp đá đen của người Giáy; giữ những tảng đá dưới con suối bao quanh bản San Thàng; giữ cho phụ nữ Giáy cái nghề chế biến bánh, phở, bún từ những hạt gạo thơm trồng trên nương của họ. Tôi vẫn chưa kịp vào bản người Giáy để xem ngôi nhà có mái lợp đá đen mà bí thư xã San Thàng đã hứa đưa tôi đi. Trời mưa to quá, mà tôi thì mê chợ quá, nên chúng tôi ngồi trong chợ và xem những cặp vợ chồng con cái ríu rít đi chợ San Thàng. Ngắm họ ríu rít bên bàn gỗ tạp cũ kỹ, có bát phở bốc khói nghi ngút, tôi nghĩ văn hóa chính là cái chợ mà tôi đang nhìn thấy đây, là cái chúng ta sống hàng ngày với gia đình, bà con làng xóm, gắn bó trong miếng bánh miếng xôi nấu nơi góc bếp của người đàn bà Giáy. Phải bắt đầu từ những thứ đó mới ra được lễ hội, chợ đêm, phố đi bộ… vân vân, mây mây. Tại sao bấy lâu chúng ta giữ văn hóa bằng khẩu hiệu? Tại sao chúng ta chọn cách truyền bá văn hóa bằng những lễ hội ồn ào hoành tráng và tốn kém tiền bạc, sau 2 ngày náo nhiệt để lại cái sân khấu trơ trọi với bao nhiêu là rác rưởi, túi ni lông, vỏ chai nhựa?

Đi qua Lai Châu, tôi đi qua suối nước nóng bản U Va - tên gọi này có nghĩa là Mường Trời – Chắc dòng nước khoáng chảy từ trên trời xuống cho nên còn nguyên hơi nóng của mặt trời. Tôi run rẩy không thể nào thò chân được xuống bể nước khoáng nóng rẫy. Nước này nóng đến nỗi ngâm trứng vào còn chín được, tôi nghĩ thế. Rồi nhìn khu tắm khoáng U Va có khuôn viên rộng rãi, hồ sen mênh mông, hoa nở với gió, nơi này đẹp sao vắng tanh vắng ngắt thế này? Một khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng đẹp, hỏi còn thiếu cái gì? Tôi không tự trả lời được. Hoàng hôn nơi đây đẹp và vắng vẻ, vì thế mà tôi thấy thiếu chăng, cũng giống như vì sao khu nghĩ dưỡng còn vắng khách du lịch?

Bữa tối ở bản U Va, chúng tôi được thưởng thức ẩm thực người dân tộc Thái. Trưởng bản tên là Vì Thứ Trưởng, còn rất trẻ, nấu nướng trong bếp và nâng chén rượu với chúng tôi bên mâm cỗ mang đặc trưng của ấm thực người Thái Tây Bắc: xôi đồ, cá gói lá chuối nướng, thịt gà nộm cánh hoa ban, măng sặt trắng muốt như ngón tay hoa của cô gái Thái nâng chén mời khách văn chương cụng chén rượu đến mềm môi. Bà cụ chủ nhà đã 80 tuổi, tên là Nhàn mà vẫn còn đẹp lắm, bà bảo nếu ban ngày thì sẽ chỉ cho xem quả đồi bên kia, gia đình bà đang san lấp làm thêm một nhà sàn du lịch cộng đồng nữa. Tôi nghĩ, ôi sao tên bà lại là Nhàn cơ chứ?  Tên là Nhàn mà đến hơn 80 tuổi vẫn chưa nghỉ ngơi? 

Chúng tôi đi qua bản Lao Tỷ Phùng để lên đỉnh núi Long Tỷ Phùng, ngắm hoàng hôn đang buông xuống, ngắm thành phố trẻ Lai Châu đang rực lên trong ánh nắng cuối ngày. Tôi ngắm cả một thành phố mà ánh điện như sao sa dưới kia để nghĩ về sức bật như ngọn măng mùa xuân. Chúng tôi đi xuyên qua những khóm cây hoa hồng mọc dưới chân núi Long Tỷ Phùng để đi qua bản Lao Tỷ Phùng, nơi có con đường lên núi khang trang sạch đẹp, mấy em bé người Mông đang chơi đùa bên đường, đôi má hồng rực trong hoàng hôn.

 Vì chỉ đi qua Lai Châu, nên tôi chỉ nghe kể thôi. Phó chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Lai Châu, nhà thơ Phùng Hải Yến kể với tôi là bản Lao Tỷ Phùng là quê hương của Bí Thư tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ, sinh 1963, người Mông. Chị ấy sinh ra ở bản Lao Tỷ Phùng, hiện vẫn còn ngôi nhà của bố mẹ và họ hàng ở đó, chắc hẳn chị ấy vẫn thường xuyên trở về bản Lao Tỷ Phùng này. Là người Mông sinh ra ở ngọn núi này, chắc chắn chị Giàng Páo Mỷ phải mong làm được gì đó cho quê hương, rộng ra là cho tỉnh Lai Châu. Vì chỉ đi qua Lai Châu, nên tôi không có cơ hội gặp Bí Thư tỉnh ủy, tôi nghĩ chị ấy đẹp, vì người Mông đặt tên con gái là Mỷ, có nghĩa là bông hoa đẹp và thơm. Tôi cũng nghĩ chắc chắn bà con dân tộc tỉnh Lai Châu sẽ yêu quý Bí thư tỉnh ủy của mình lắm.

Tôi đi qua bản người Lự, các cụ già đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ vì không biết nói tiếng Kinh, vài bà cụ đã vào tuổi 90 rồi mà ngỡ như như 60 vậy. Nhìn bà cụ rất đẹp và khỏe mạnh với hàm răng đen nhóng nhánh. Tôi hỏi chuyện nhuộm răng, tục lệ có quy định các cô gái người Lự phải nhuộm răng từ khi còn rất nhỏ. Thuốc nhuộm răng lấy từ những rễ cây trên rừng, mang về hơ vào than nóng cho chảy nhựa ra, sau đó quết vào răng. Quá trình này phải kiên trì, kiên nhẫn, làm rất lâu, trải năm này qua năm khác. Cô gái phải đốt nhựa nhuộm răng cho mình từ nhỏ tới lớn, từ lớn đến tuổi lấy chồng thì mới thì mới có hàm răng đen óng ả. Một bà cụ lấy ra cho tôi xem dụng cụ nhuộm răng, chỉ là cái bát gốm đựng than, và mấy miếng rễ cây đen sì cong queo, bà cụ làm thử cho tôi xem, chỉ là hơ miếng cây lên than cho nóng, khiến nhựa ở miếng cây chảy ra, lấy nhựa đấy trám vào mặt răng.  Tôi hỏi, thế nếu răng không đen thì không được lấy chồng à? Chẳng biết mấy bà cụ có hiểu tôi nói gì không mà các cụ che miệng cười, phô hàm răng đen nhưng nhức hạt na. Tôi nghĩ đến câu thơ của Hoàng Cầm khi viết về các cô gái xứ Kinh Bắc: “mấy cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”.

Một bà cụ nói được tiếng Kinh thì bảo tôi đợi bà mặc váy áo mới đã rồi hẵng chụp ảnh cho đẹp. Bà cụ mời tôi lên xem nhà sàn, mãi sau mới biết đây là một cơ hội rất hiếm hoi, bởi vì  người Lự có quy định khắt khe, cấm người lạ vào bản, lại càng không bao giờ cho tiếp khách lạ trên nhà sàn. Nếu khách lạ lên nhà mà trót nhìn thấy người đàn ông say rượu nằm ngủ thì khách phải làm lý, nghĩa là mang gà mang rượu đến cúng, nói phải trái phân minh.

Bà cụ người Lự mời tôi lên nhà sàn, có nghĩa là bà đã không coi tôi là người lạ. Tuy nhiên tôi lại không thể nói cho bà cụ người Lự biết rằng nhà sàn chính là một phần tâm hồn của tôi gắn bó với Tây Bắc. Chúng tôi đi qua những ngôi nhà sàn, vườn rau xanh mướt, gầm sàn chất đầy củi, đầy ngô bắp vàng óng, mấy con gà nhảy nhót tung tăng, vài con ngan giương mắt nhìn tôi mà không sợ hãi điều gì. Đi qua một ngôi nhà sàn nhỏ, từ trên sàn nước thấy hai em bé đang ngồi tắm trong chiếc chậu gỗ rất to, hai bé cười giòn giã, còn người mẹ cầm chiếc gáo gỗ dội nước, tia nước bắn rào rào xuống đường đi như mưa xuân. Cuộc sống nơi đây bình yên quá chừng, và tôi nghĩ giữ gìn xây dựng bản người Lự văn hóa, phải chăng chính là giữ những mảnh ghép cuộc sống mà tôi đang nhìn thấy đây.

Đi qua Lai Châu, tôi vội vã nhặt những mảnh ghép rời rạc, tôi để lại sau lưng tôi những bờ rào đá đang phủ rêu xanh óng. Mai này, mong những gót chân qua Lai Châu sẽ dừng lại lâu hơn, mong nhiều những bước chân dừng lại ở Lai Châu mà không làm mờ vệt rêu xanh.

Bút ký của Phan Mai Hương

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm