May 17, 2024, 2:54 pm

Chuyện bìa sách

Nếu có hai quyển sách nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn chắc chắn độc giả, khách mua sẽ chọn quyển có bìa đẹp. Có một câu chuyện thật là: hai nhà sách cùng làm quyển “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong khi nhà sách có mẫu bìa đẹp sách bán tơi tới. Nhà sách có bìa xấu hơn gần như không bán được. Xót khoản vốn lớn đầu tư in bìa cứng hai tập dày, nhà sách có bìa xấu đã chấp nhận bóc bìa cũ, thuê hoạ sĩ có tay nghề cao làm bộ bìa mới. Kết quả vượt cả mong đợi.

Không nghi ngờ gì nữa, bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định không nhỏ với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hoá. Chúng ta đều biết rằng tín hiệu trên bìa sách đến với độc giả, đến với người xem bằng tốc độ của ánh sáng. Đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, nó có sức lôi cuốn, dẫn dụ độc giả đến với nội dung cuốn sách rất mạnh mẽ, đôi khi là “chết” từ cái nhìn đầu tiên, hay nói một cách bóng bẩy là vì đôi mắt mà phải cưới cả cô gái.  

Có nghiên cứu cho rằng đường nét màu sắc, hình vẽ có sức mạnh vô hình khó đo lường hết được. Để minh chứng cho điều này người ta đưa ra ví dụ: Các nét vẽ  hình mắt trên các con thuyền đã làm cho các ngư dân vững tin, không hề biết sợ khi ra khơi hay đánh bắt trên sông nước. Cũng như vậy các hình xăm hay nét vẽ bùa chú cũng đủ sức trấn an tinh thần, tăng thêm sức mạnh cho gia chủ, hay cho cả làng mạc, cộng đồng vượt qua cam go hay rủi ro rình rập…

Nhiều tư liệu cho biết sách xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc vào cuối đời Thương (1776 – 1122 TCN) là giản sách. "Giản sách" là sách viết trên mảnh tre, cũng gọi là "trúc giản" (thẻ tre). Sau đó là sự ra đời của sách lụa, da thú ở phương Tây.

Sự phát minh ra giấy và phương pháp in khắc gỗ theo các thương nhân bằng đường bộ dần dần được phổ biến khắp nơi: một dải Tân Cương (năm 450), Trung Á (650), Ả Rập (707), Ai Cập (800), Tây Ban Nha (950), Ý (1154), Đức (1228), Anh vào năm 1309 mới biết tới giấy, Bắc Mỹ năm 1690 mới có xưởng chế giấy. Ở phương Tây khi chưa có giấy người ta viết chữ lên những tấm da thuộc, rồi đóng lại thành sách. Từ khi có giấy xuất hiện sách viết tay trên giấy, sau đó cũng có vài bản in khắc gỗ. Sách bắt đầu chuyển qua một trang sử huy hoàng khi Johann Gutenberg (1400 – 1468) - người Đức - phát minh ra kỹ thuật in Typô và lập một xưởng in tay ở Strasbourg vào năm 1442.

Hàng trăm năm trước, việc sử dụng bìa sách có chức năng như một thiết bị bảo vệ cho các trang in, cũng như liên kết các trang lại với nhau thông qua việc khâu chỉ hay gắn keo. Mục đích thẩm mỹ duy nhất của bìa sách là để trang trí cho sản phẩm tri thức, văn hoá được đúc kết bằng trang viết, trang in. Ngày ấy, việc thiết kế bìa  đã được những người làm sách xem xét, nhưng chúng không được thiết kế để tiếp thị cho nội dung tài liệu bên trong.

Khác xa buổi sơ khai ban đầu của mình, bìa sách ngày nay được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc tiếp thị và giới thiệu, khơi mở sâu về nội dung cuốn sách. Ở mức tốt nhất, các trang bìa cung cấp một đoạn giới thiệu hấp dẫn về những gì sẽ xuất hiện trong các trang sách hoặc truyền tải phần cốt lõi, nhát cắt cơ bản của một câu chuyện được đề cập thông qua tín hiệu hình ảnh. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà người thiết kế nào cũng có khả năng đạt được.

Vai trò của bìa sách ngày càng có sự chuyển đổi - chuyển từ một phương diện chỉ đơn thuần bảo vệ các trang bên trong, sang đảm nhiệm chức năng quảng cáo đồng thời truyền đạt nội dung bên trong cuốn sách.

Trong thời đại hiện nay, ngành công nghiệp sách có cạnh tranh về mặt thương mại. Bìa sách đã được sử dụng như phương tiện thể hiện phong cách, thể loại và chủ đề của một cuốn sách. Và các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng đẩy thiết kế đến giới hạn của nó với hy vọng thu hút được doanh số nhiều hơn. Bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh của một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. Đòi hỏi sự hài hoà giữa hai yếu tố này cũng là rất chính đáng.

Ngày nay, việc thiết kế bìa sách cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia nó bị chi phối bởi thị hiếu, tập quán, phong tục và văn hoá của mỗi nước. Điều này dễ nhận biết nhất khi tới các hội chợ sách quốc tế thường niên tại Frankfurt (Đức)

Sự phát triển của công nghệ, của internet, mạng xã hội đang ngày càng thu hẹp thị trường sách truyền thống. Nhưng thiết kế bìa sách sẽ còn phát triển hơn nữa thông qua sự gia tăng và phát triển của Internet, của sách điện tử - Bìa sách vẫn quan trọng như vậy, thiết kế bìa sách bây giờ thậm chí quan trọng hơn bao giờ hết vì một công cụ đa năng có thể bán sách trực tuyến cho một lượng lớn độc giả khắp nơi trên hành tinh.

Với đặc thù khác biệt với các loại hình mỹ thuật khác, bìa sách ngày càng cần có những hoạ sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản chuyên sâu. Bìa sách là sự tổ hợp hài hoà của các yếu tố: chữ, hình ảnh, màu sắc, bố cục. Trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông làm thế nào để chuyển tải nội dung, vừa hấp dẫn, tạo ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn đảm bảo những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán khó với những người làm thiết kế bìa. Có một thực tế là nhiều hoạ sĩ ở ta hoặc là biết vẽ hình nhưng lại không làm chủ được công cụ máy tính để trình bày chữ. Hoặc ngược lại nhiều hoạ sĩ trẻ rất giỏi công nghệ, tài làm chữ nhưng khả năng tự chủ động làm hình lại kém. Có hoạ sĩ nổi tiếng làm nhiều bìa sách nhưng chủ yếu trốn hình hoặc chỉ sử dụng các hiệu ứng có sẵn trên phần mềm máy tính. Theo quan sát của tôi, số hoạ sĩ vừa có khả năng tạo hình, vẽ trên máy tính vừa có thể trình bày chữ đẹp hoàn chỉnh một cái bìa như Kim Duẩn, như Lộc Linh… là không nhiều. Từ ngày gia nhập sân chơi quốc tế với Công ước Burne thị trường sách của ta càng thử thách nghiệt ngã hơn. Đó cũng gần như là thời điểm chấm hết cho việc làm bìa bằng cách cắt dán hoạ báo rồi gắn chữ vào.

Để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính, tránh phiền hà mất thời gian và trao quyền tự chủ cho các nhà xuất, Cục xuất bản không duyệt bìa trước khi cấp phép. Nhưng theo tôi được biết, cách đây hơn 10 năm Cục xuất bản đã có một họp giữa các nhà xuất bản nhằm thống nhất một số quy định chung, thống nhất cho các ấn phẩm bìa sách. Rốt cục không có sự thống nhất nào được đưa ra. Đơn cử như việc làm gáy sách. Nhiều nhà xuất bản làm chữ ở gáy theo chiều đọc từ trên xuống, các nhà khác thì làm theo chiều đọc từ dưới lên hoặc làm theo cả hai cách, rất tuỳ tiện. Theo tìm hiểu của tôi, trên thế giới sách các nước sử dụng tiếng Anh thường làm chữ ở gáy theo chiều đọc từ trên xuống. Các nước dùng tiếng Pháp và hệ ngữ La Tinh khác thì làm chữ theo chiều ngược lại. Mỗi cách đều có lý do và tiện ích theo cách lý giải riêng.

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thế nào là một bìa sách đẹp? Không có câu nào thảo đáng cả. Người đọc thông thường sẽ nói: Trông ưng mắt là đẹp. Biên tập viên thì bảo: Phù hợp nội dung và trông hấp dẫn. Tác giả thì đòi hỏi: Phải phán ánh được tinh thần cuốn sách và hợp mệnh của tôi nữa… Có câu chuyện thế này: một hoạ sĩ cộng tác viên gửi file bìa đến nhà xuất bản. Khi mở file các chữ tên sách bị nhảy font. Biên tập viên reo lên: “Ôi, hay quá, rất sáng tạo, rất đặc biệt, bất ngờ”. Bìa ấy được duyệt, hoạ sĩ có giải thích thế nào cũng không xong. Nghệ thuật  không có đáp án. Ranh giới giữa sự sáng tạo và “lỗi font” nhiều khi mảnh đến mức khó nhìn thấy.

Ngó ra bìa sách của các nước phát triển ta thấy vẫn kinh điển, chỉn chu, sang trọng và chủ yếu đẹp nơi chất liệu, cách gia công với công nghệ cao, chuẩn xác, tinh tế.

Ở ta hiện nay, các cơ sở đào tạo hoạ sĩ đồ hoạ nhiều nhưng chuyên sâu về thiết kế bìa sách hầu chưa có. Ngay cả các nơi đào tạo này thì giáo trình, giáo án cũng không có, hoặc có cũng không đầy đủ và khá sơ sài. Bản thân các giảng viên cũng chỉ dạy về thẩm mỹ, bố cục, màu sắc chứ không phải là người có trải nghiệm thực tế của các công đoạn thiết kế in ấn một bìa sách cụ thể. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đồ hoạ ở các cơ đào tạo các sinh viên vẫn phải đào tạo lại mới có thể làm việc được. Các bài học trường qui và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa. Đó chính là những yêu cầu tối thiểu các tiêu chuẩn của một file thiết kế để có thể chuyển in, nó gồm: độ phân giải của hình ảnh, chế độ màu, kích thước phù hợp cho in và công nghệ sau in, là định lượng giấy, là khuôn khổ phù hợp cho cho máy in… Trong thời gian học tập tại các trường thay vì đi thực tế ký hoạ nên có thời lượng nhất định để sinh viên đến thực tập tại các nhà xuất bản, các cơ sở in ấn để có những trải nghiệm trong chuỗi quy trình sáng tạo, biên tập, chế bản, in ấn, phát hành các sản phẩm.

Một thực tế đáng buồn ở ta là nhuận bút và thù lao cho hoạ sĩ thiết kế bìa vẫn ở mức quá thấp. Tôi vào mạng tìm hiểu thì các hoạ sĩ thiết kế bìa quốc tế có mức giá dao động từ 600, 700 đến 2.000, 3.000 USD/ bìa sách. Ngay nhà xuất bản nơi tôi công tác, tác giả cũng đã chi trả cho hoạ sĩ người nước ngoài thiết kế bìa 1.000USD/1 bìa.

Sự nở rộ các nhà sách tư nhân thời gian gần đây làm cho thị trường sách ngày càng sôi động, đa dạng, phong phú nhưng cũng có sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Việc tạo dựng diện mạo, bản sắc, phong cách riêng giữa các nhà xuất bản, các nhà sách cũng tự nhiên hình thành. Sẽ có sự sàng lọc, đào thải, sẽ có người rời cuộc chơi nhưng bìa sách chắc chắn đồng hành cùng văn hoá đọc dù ở hình thức nào.

Việc lần đầu tiên Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Nghệ thuật bìa sách 2022” là một sáng kiến hay của Chi hội Đồ hoạ. Tin chắc rằng sau cuộc triển lãm này sự quan tâm của giới chuyên môn, của xã hội với đội ngũ hoạ sĩ, với công việc làm đẹp, làm hấp dẫn cho sản phẩm văn hoá, tri thức nhân loại được nâng lên tầm cao mới.

"Nghệ thuật bìa sách 2022" diễn ra tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam - 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 8 đến 17/5/2022.

Hà Nội, ngày 21/4/2022

 


Có thể bạn quan tâm