April 29, 2024, 11:17 am

Chiều cuối năm…

Trong dòng đời vạn biến, lòng tri ân luôn là giá trị bất biến. Tri ân cội nguồn, tri ân truyền thống, tri ân nghĩa nhân, tri ân những người hy sinh vì nước vì dân, tri ân những cống hiến tài năng, trí tuệ cho quốc gia cho dân tộc… 

 

Nghệ sĩ Hòa Hiệp đóng vai cố nhạc sĩ Hoàng Việt, NSUT Ngọc Trinh đóng vai ca sĩ, kể lại những lát cắt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Ảnh TTD

Lòng tri ân biểu hiện bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức là lưu giữ và lưu truyền những hiện vật vừa có giá trị vật chất vừa giá trị tinh thần cho các thế hệ nối tiếp - là bảo tàng và cả nghĩa trang. Tại nhiều thành phố, nhiều quốc gia, bảo tàng lịch sử, bảo tàng nghệ thuật và nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang danh nhân trở thành di sản và là điểm thu hút không chỉ du khách mà còn luôn là nơi tìm đến của người dân thành phố, của quốc gia sở hữu di sản vô giá đó. 

Tôi có hai chuyến công du đến Pháp và Nga, cả hai lần đều không thực hiện được dự tính của mình là đến thăm mộ của những đại văn hào mà mình ngưỡng mộ. 

Lần thứ nhất, đến Paris (Pháp), lưu trú trong một khách sạn cách trung tâm thủ đô 40 phút ngồi xe, tôi đã định dành nửa ngày đến nghĩa trang Pere Lachaise, là nghĩa trang được viếng nhiều nhất trên thế giới, với hơn 3,5 triệu du khách đặt chân đến. Ngoài những biểu tượng nghệ thuật tưởng niệm nạn nhân chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Pere Lachaise còn là nơi đặt hài cốt của những văn nghệ sĩ lỗi lạc. Từ lâu, tôi ước, nếu đặt chân đến Paris, tôi sẽ viếng mộ của những nhà văn mà tác phẩm của họ đã phần nào tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Đó là những nhà viết kịch Molière (1645-1673); nhà thơ Jean de La Fontaine (1621-1695); nhà văn Marcel Proust (1871-1922); Honore De Balzac (1799-1850) … Nhưng rồi, trong chuyến đi, khi tôi có thể tách đoàn công tác để đến viếng nghĩa trang thì đúng vào ngày thứ năm, hôm ấy nghĩa trang không mở cửa. 

Lần thứ hai, lưu lại thủ đô Mátxcơva (Nga), tôi cũng định đến viếng nghĩa trang Novodevichy nổi tiếng nhất nước Nga, bởi đó là nơi đặt mộ của nhiều danh nhân các lĩnh vực, đặc biệt là văn chương. Nhưng rồi lịch trình thăm viếng dày đặc, tôi lại không thể đến nghĩa trang Novodevichy để có thể đặt những bông hoa trước mộ Anton Chekhov (1860-1904), nhà văn có “di sản truyện ngắn” đặc sắc ít nhiều đã tác động đến tư duy và phong cách văn chương của tôi. 

 

 

Ở Việt Nam, đa số du khách đến Tp. Quy Nhơn cũng tìm cách đến đồi Thi Nhân để thắp nén hương trên mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Khi đến Nam Định, có lẽ ai cũng muốn được đến thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, viếng mộ nhà thơ Nguyễn Bính nằm trong khuôn viên ngôi nhà thời thơ bé của ông. Hay khi đến Hà Nam, ít ai lại không tìm đến làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) để đến khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. 

Biết thế, nên tôi đã từng không ngạc nhiên khi biết chủ một doanh nghiệp ở Bến Cát, Bình Dương đã tìm mọi cách để đưa hài cốt của nhà văn Sơn Nam cùng mộ những văn nghệ sĩ nổi tiếng khác về Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, nghĩa trang tư nhân đẹp và rộng đến 200ha. Mộ nhà văn Sơn Nam nổi bật về bề thế cũng như vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc, phần nào nói lên được sự ngưỡng mộ tài năng ở ông già Nam bộ có lối kể chuyện độc đáo với gia tài văn chương đồ sộ của mình. Hay thông tin về ngôi mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được gia đình di dời từ khuôn viên nghĩa trang chùa Quảng Bình - Gò Dưa, Tp. Thủ Đức về quê hương ông, đã làm người hâm mộ nhạc sĩ ở Huế nôn nao, chờ đợi. 

Còn tôi, cứ vào dịp cuối năm, tôi thường cùng nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đến Nghĩa trang Liệt sĩ Tp. Hồ Chí Minh tọa lạc tại phường Long Bình, Tp. Thủ Đức trong khuôn viên rộng 20ha quy tập hơn 14.000 ngôi mộ là liệt sĩ hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có không ít mộ của nhiều văn nghệ sĩ tài danh: soạn giả Trần Hữu Trang (1906-1966); nhạc sĩ Hoàng Việt (1928-1967); nhà văn NguyễnThi (1928-1968); nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968); soạn giả Nguyễn Ngọc Cung (1927-1966) …

Với nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai còn có kỷ niệm đặc biệt là chị phổ bài thơ Anh là con sông chảy trước nhà em thành ca khúc mang tên Qua sông. Còn tôi, từ sự cảm kích trước tài năng và sự hy sinh của nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi và nhà thơ Lê Anh Xuân mà tôi đã viết kịch bản sân khấu Những hòa âm dang dở, tái hiện những đóng góp không nhỏ về tài năng nghệ thuật (nhạc, văn, thơ) của những văn nghệ sĩ trí thức cho cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc và cho nền văn học nghệ thuật đất nước. Đêm 23 tháng 9 năm 2023, một phần kịch bản Những hòa âm dang dở được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu nhà hát - Tp. Hồ Chí Minh - Đêm nghệ thuật mang tên Tình ca dâng cả bao người (Kịch bản văn học, Bích Ngân; đạo diễn kịch nói, NSND Trần Minh Ngọc, đạo diễn chương trình, Binh Hùng; chỉ đạo nghệ thuật, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy; Trung tâm ca nhạc nhẹ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức biểu diễn), khắc họa chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Việt, nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông, người được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thành phố Thủ Đức không chỉ được “sở hữu” không gian linh thiêng ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, mà ngay trong Nghĩa trang Thành phố, phường Linh Trung, ngoài những ngôi mộ của các nhà hoạt động cách mạng còn có mộ của những nhà văn tài năng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là những nhà văn mà tác phẩm góp phần làm nên sức mạnh tinh thần cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc; có thể kể: tác phẩm truyện ký Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi được viết thành truyện ngắn Mẹ vắng nhà; Nguyễn Quang Sáng, tác giả của nhiều truyện ngắn xuất sắc, có những tác phẩm chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, sân khấu (phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Người đàn bà đức hạnh); Anh Đức, tác giả của Một chuyện chép ở bệnh viện, được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Tư Hậu, tiểu thuyết Hòn đất, được làm kịch bản cho phim Chị Sứ; Lê Văn Thảo với nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết vừa truyền thống vừa hiện đại, nhiều tác phẩm đã dựng thành phim, như Con đường xuyên rừng, Cơn giông… 

Bằng cách làm vừa thiết thực vừa coi trọng yếu tố văn hóa, không gian hai nghĩa trang trên có thể sẽ là những điểm đến, không chỉ là của người dân thành phố Hồ Chí Minh mà còn là của du khách cả nước và du khách đến từ nhiều quốc gia để chiêm ngưỡng và tỏ lòng tri ân.

Bích Ngân

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm