May 1, 2024, 4:48 am

Chiếc laptop bị đánh cắp. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Ghì chặt chiếc laptop vào ngực, Hai Tùng chạy ào vào hẻm, cảm giác như sắp ngã ngất vì thở dốc. Phía sau, người đàn bà đầu tóc rã rượi, mặt đỏ gắt, vừa đuổi theo lão vừa hét lạc giọng. Ôi lap top. Lap top của tôi. Ai bắt giùm tôi… kẻ trộm…Vài người đi đường ngoái cổ nhìn. Bà bỗng ngã khuỵu, hai cánh tay chới với…

Minh họa: Tô Chiêm 

Hai Tùng giật mình choàng dậy, người ớn lạnh. Thì ra lão vừa gặp ác mộng. Thật khủng khiếp. Có lẽ do ngực lão bị một vật gì đó đè lên. Bất giác Hai Tùng đưa tay sờ soạng. Một cái cẳng chân! Nó khô như khúc củi và đầy lông. Bàn chân chỉ có bốn ngón, chỗ ngón út cụt ngủn. Quỷ tha ma bắt. Bốn ngón là “đặc sản” của thằng Tư Ròm. Hai Tùng cố gắng mở mắt, cố gắng nhấc cái cẳng chân đầy lông lên và ngồi nhỏm dậy. Trong nhà tối lờ nhờ vì chưa bật đèn, nhưng lão vẫn nhận ra thằng người làm lão ngợp thở quả nhiên là Tư Ròm. Gã nằm, chân gác lên bộ ngực rặt xương của Hai Tùng và đang ngáy è è một cách đáng ghét. Hóa ra lão và Tư Ròm nằm dưới chân bàn, bên cạnh chiếc xe máy sực lên mùi xăng, nhớt. Hai Tùng hấp háy cặp mắt, cố lục lọi trong trí não đã bị hủy hoại bởi rượu và tuổi tác, lần hồi nhớ ra mọi sự. Cuộc nhậu diễn ra từ trưa, kéo lê sang chiều, sau đó lão và Tư Ròm say bét, chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Giờ chắc cũng phải bảy, tám giờ tối. Hai Tùng đứng dậy mở đèn rồi đập đen đét vào cái thân người sõng sượt như xác chết, vừa đập vừa gọi. Tư Ròm. Dậy. Dậy. Vợ mầy tới nè. Cái cụm từ “vợ mầy tới nè” lập tức phát huy tác dụng. Tư Ròm hụ hợ một lúc rồi ngồi lên, giương cặp mắt lờ đờ như mắt cá chết nhìn lơ láo. Không thấy vợ, gã đứng dậy, lần ra bàn, vớ bình nước lọc tu ừng ực.

- Khát quá. Mấy giờ rồi anh Hai?… Anh… xạo không à. Zợ tui nó đâu có thèm đi tìm tui. Nó làm biếng… như heo. Giờ tui… về nghen.

- Xỉn quắc cần câu vầy chạy xe có sao không? Hay là… ngủ mẹ nó đây, sớm mai tao kêu dậy.

- Không. Tui phải zìa. Zợ tui nó không đi kiếm tui cũng phải zìa.

Tư Ròm ngáp một cái dài, hơi liêu xiêu bước qua những món đồ vứt lỏng chỏng trên sàn nhà, đi ra cửa, thả lại phía sau mùi khen khét từ mái tóc quăn lơ xơ và mùi hèm lưu cữu. 

Tiếng nổ máy xe phành phạch, tiếng chó sủa rộn lên trong hẻm một lúc rồi im dần.

Hai Tùng tỉnh hẳn. Miệng đắng nghét, đầu ong ong. Lão vừa gãi bụng sồn sột, vừa lần dò bước tới mở cái tủ sắt, lôi ra chiếc laptop. Nó mỏng nhẹ, vỏ lấp lánh màu bạc. Lão ngắm cái laptop. Nó không phải của lão. Đúng vậy. Hai Tùng đã khoắng được nó từ một phòng khám thú y. Cơn ác mộng của lão hồi nãy chính là từ nó…

*

Sáng nay con cún của Hai Tùng bị tháo dạ, chắc do ăn nhầm đồ thiu thối. Nó thải ra một đống lệt sệt, tanh ngòm rồi nằm li bì như nắm giẻ rách. Không khéo nó chết mất, con vật dại dột. Lão bế nó lên, cho vào cái túi nhựa cũ chỉ hở cái đầu ra ngoài, ôm trước bụng, chạy Honda đến phòng khám thú y.

Khi Hai Tùng mang con cún tới, phòng khám đã có khoảng hơn chục khách, hầu hết mang “thú cưng” đi chích ngừa. Bên cạnh lũ khuyển “nhập cư”, con cún của lão chỉ bằng trái bắp lai, xấu xí, là giống chó Việt Nam thuần chủng. Hai Tùng được một đứa bé cháu ngoại ông bạn tặng với một ý tưởng vô cùng ngây thơ, thánh thiện: “Ông ơi, ông nuôi lớn nhưng đừng giết thịt nó nha. Để nó làm bạn với ông, cho ông khỏi buồn vì chỉ có một mình. Ông nhớ cho nó ăn nhiều nha”. Ôi cái con nhỏ. Nó làm lão muốn rớt nước mắt vì cảm động. Quả Hai Tùng thích ăn thịt chó, nhưng con cún này nhất định lão sẽ không bao giờ đụng đến một sợi lông của nó. 

Tầm giữa buổi, nắng loe lên run rẩy trên cành cây, trên những bức tường phố bám đầy rêu xám xì, ẩm ướt suốt mùa mưa làm tâm trạng Hai Tùng vui vui. Lão để ý nhìn bà bác sĩ. Mọi nét lộ ra ngoài chiếc khẩu trang y tế màu xanh lợt nom đều bình thường, mắt sâu và đen, có chút gì đó u uẩn. Lão ngáp một cái uể oải, chẳng buồn đưa tay che bộ răng khuyết vài cái ám khói thuốc rê rẻ tiền, theo thói quen nhà nghề, lướt mắt nhìn xung quanh. Mắt Hai Tùng bỗng chạm vào cái laptop. Nó được đặt trên chiếc bàn sát cửa sổ và đang mở. A hà…! Của đống tiền mà hớ hênh. Ai chứ lão thò tay qua song cửa là lấy được ngay. Máu nghề nổi lên làm người Hai Tùng râm ran. Nếu thó được nó và đem bán, lão sẽ có tiền thăm nuôi thằng con trong tù và mua cho đứa cháu nội món quà, còn lại, lão và con cún sống tằn tiện cũng được cả tháng. Chỉ cần người khách cuối cùng ra về, bà chủ phòng khám nhãng đi là lão có thể ra tay.

Và Hai Tùng chờ giây phút ấy, hệt con sói chờ con mồi sơ sểnh…

Bà bác sĩ nhẹ nhàng sờ nắn, thăm khám con cún một hồi, ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ khám bệnh của con vật rồi lấy thuốc cho nó, dặn Hai Tùng cho uống ngày mấy lần. Thay vì đi về, lão lại tạt vào quán nước bên kia đường, gọi một ly cà phê đá rồi vừa nhâm nhi, vừa hướng mắt về phía “trọng điểm”. Từ đây có thể quan sát, biết lúc nào thì phòng khám hết khách, lúc nào có thể ra tay. Lão nghĩ lung đến nỗi nước đá tan chảy làm ly cà phê trở nên nhạt hoét lão cũng không để ý…

Mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Chớp mắt, chiếc laptop đã nằm gọn trong chiếc túi vải lớn tối màu - vật luôn nằm sẵn trong cốp xe của Hai Tùng. Lòng lão hân hoan vui sướng. Lão muốn gọi ngay cho cháu gái, bảo nó rằng lão sắp đến thăm nó, sắp cho nó quà. Nhất định con nhỏ sẽ thích lắm. Nhưng lão lại thôi vì muốn tạo sự bất ngờ.

Về tới ngôi nhà cũ kỹ, trần thấp tè, khăn khẳn mùi nước đái chuột, Hai Tùng đặt laptop lên cái bàn ăn bằng gỗ tạp. Lão có thói quen chưa xử lý ngay những món đồ lấy được mà cứ để đó nhấm nháp nỗi hả hê của kẻ chiến thắng. Thì lão chẳng chiến thắng là gì? Đời Hai Tùng toàn những nỗi cay cực nên mỗi lần chôm được một món đồ, lão đều coi đó là sự bù đắp của số phận.

*

Hai Tùng là con riêng của một người đàn bà đẹp mong manh, u sầu và hay khóc, có lẽ vì bà lớn lên trong một gia cảnh không toàn vẹn. Mẹ lão làm thợ uốn tóc ở một thị trấn nhỏ. Đẹp và u sầu, lại cô đơn nên bà dễ dàng ngã vào vòng tay của một người đàn ông từng trải, có vợ và ba đứa con, luôn biết cách an ủi phái đẹp. Nhưng sự có mặt của Hai Tùng không giúp mẹ lão lấy được người đàn ông mà bà đã dâng hiến đời con gái. Trận đòn ghen nhớ đời đã đẩy bật mẹ con lão vào thành phố này, với hy vọng may ra sẽ sống yên ổn. Suốt nhiều năm, Hai Tùng không một lần hỏi mẹ về con người đã “chế tạo” ra lão. Ông ta cũng quên luôn “sản phẩm” của mình. Rồi mẹ lão “xuống đò” lần hai. Người đàn ông này khá thành đạt, nhưng không có con. Đã không có con thì phải thương yêu đứa con riêng của vợ. Nhưng sự đời không đơn giản. Lòng tốt của ba dượng chỉ giới hạn ở chỗ chu cấp cho Hai Tùng ăn học. Với đứa con riêng của vợ, ông không ngược đãi, nhưng luôn giữ thái độ lạnh lùng, xa cách. Tiền bạc ông đầu tư vào mấy đứa cháu ruột chứ không đầu tư cho Hai Tùng, cái thằng không cùng huyết thống mà ông không ưa vì như con mọt sách, lại còn ham “viết nhăng viết cuội”. Lão chuẩn bị thi đại học thì mẹ qua đời. Vì bệnh tim. Hai Tùng và ba dượng thành người dưng từ đó.

Không còn chỗ dựa, Hai Tùng từ bỏ ước mơ vào đại học. Lão làm đủ nghề, lăn lóc như con chó hoang rồi rơi tõm vào xóm Liều. Lão vẫn dấm dúi viết văn, làm thơ, bám vào thú vui xa xỉ ấy như bám vào cái phao cứu sinh. Thi thoảng, lão “lên tiên” vì được mấy tờ tập san đăng bài, và lão được nhận những đồng nhuận bút còm. Rồi Hai Tùng lấy vợ. Cùng cảnh nghèo nên vợ chồng lão rất yêu thương nhau. Không dè cuộc đời tiếp tục giáng xuống đầu lão những tai ương nghiệt ngã. Vợ Hai Tùng đang khỏe mạnh bỗng bị ung thư phổi. Lão quyết bán nhà, tài sản đáng giá nhất của hai vợ chồng để cứu vợ. Chỉ cần vợ sống thì dù có ăn bờ ngủ bụi lão cũng cam. Nhưng vợ lão dứt khoát không chịu vô hóa chất, không chịu chữa trị. Cô đã chọn cái chết, để giữ lại ngôi nhà cho cha con Hai Tùng. Gà trống nuôi con, lão đã ăn ngủ với nhiều người đàn bà, nhưng lão không gá nghĩa với ai, vì không tìm được người đàn bà đủ hiền hậu, ân cần, giàu đức hy sinh như vợ lão. Thế mà thằng con, núm ruột duy nhất của vợ chồng Hai Tùng, đã có vợ con đàng hoàng lại bất ngờ gây tai nạn giao thông và lâm vào vòng lao lý. Niềm vui hiếm hoi của Hai Tùng giờ là đứa cháu gái đang sống với mẹ nó, con nhỏ rất ngoan, nó giữ cho trái tim già nua, bầm dập của lão khỏi tan nát ra từng mảnh…

Có tiếng xe máy dừng trong sân. Hai Tùng vội vàng tìm chỗ giấu chiến lợi phẩm, nhưng không kịp. Tư Ròm bước vào, nhìn chiếc laptop, gãi cái đầu bù xù quăn tít như mớ phoi bào, cười cầu tài: Mới đi “thu hoạch” zề hả anh Hai? Chà, Cái laptop còn ngon dữ? Thu…thu cái…má mầy. Nói năng tầm bậy. Coi chừng tao bẻ không còn cái răng nào húp cháo à nha. Hai Tùng quát, vừa để chữa ngượng, vừa để bớt trống ngực, vì dù gì lão cũng bị thằng ròm “bắt tại trận”. Gã chẳng lạ gì “nghề nghiệp” của lão trong cái xóm Liều gồm toàn những mảnh đời xô dạt từ nơi khác đến, nghèo toàn tập. Hai Tùng thích Tư Ròm vì gã rất chịu chơi và rất…phục tài văn của lão. Hôm nào lão may mắn được một tờ tập san ngành đăng bài, cả hai chén thù chén tạc, gã bốc thơm tài văn của Hai Tùng lên tận mây xanh.

 Tư Ròm khoe mới trúng một vụ làm ăn, nhỏ thôi, nhưng cũng gọi là trúng. Dĩ nhiên không thể không ăn mừng. Gã đời nào chịu ra về khi chưa có rượu. Hai Tùng đành lôi ra chai Gò Đen nút lá chuối, may còn ít con khô đù và vài trái dưa leo teo quắt nhưng còn ăn được. Tư Ròm cũng mang theo “mồi”. Vậy là nhậu. Đọc văn. Rồi xỉn. Mặc kệ sự đời.

*

Hai Tùng định lên giường ngủ nốt chỗ dở thì chiếc điện thoại cùi bắp bỗng đổ chuông rè rè. Lão lập cập lắng nghe giọng nói non nớt của đứa cháu nhỏ. Con chào ông nội. Ông nội có khỏe không ạ? Hôm qua con được chín điểm Tiếng Việt, mười điểm toán. Con còn đập heo ủng hộ chống covid nữa đó nội. Má nói, con cố gắng làm nhiều việc tốt thì ba sẽ sớm được về nhà, phải không nội?

Câu nói của đứa cháu đột ngột cắt một nhát vào tim khiến Hai Tùng ngồi lặng đi. Con nhỏ đáng thương. Nó khát khao làm điều tốt. Nhưng…ông nội của nó lại vừa làm một chuyện tồi tệ. Ăn cắp. Lâu rồi, chẳng còn sức chạy xe ôm, hễ có cơ hội là Hai Tùng lại trộm vặt, kiếm chút tiền còm sống qua ngày. Nếu cháu gái biết lão làm điều xấu…Nước mắt Hai Tùng bỗng rân rấn. Lão cất giọng chua xót. Con ơi. Con ráng làm điều tốt để ba con mau được về nhà. Ông nội cũng sẽ làm điều tốt, phụ với con. Dạ. Con cám ơn ông nội. Giọng con nhỏ reo vui…

      Hai Tùng ngồi bệt trên sàn nhà, đầu gục vào hai đầu gối lủng củng xương, trong lòng thấy hổ thẹn. Rõ ràng lão thua đứt cô cháu gái đang học tiểu học. Con nhỏ là thiên thần, còn lão là ác quỷ. Khi Hai Tùng ngẩng lên, một con chuột nhỉnh hơn cái hột mít thò ra từ ngách tường, giương hai con mắt nhỏ tí nhìn lão rồi vụt chạy. Lão thở dài nặng nề, đưa hai bàn tay khô nhám run run mở chiếc laptop. Chủ nhân không sử dụng mật khẩu. Lão mở file lưu, những dòng chữ đập ngay vào mắt lão: “Mùa đông - tản văn của Thảo Ngân”. Thì ra bà bác sĩ chữa bệnh cho con cún của Hai Tùng là nhà văn. Lão bất giác lướt qua vài dòng: “Mùa đông nhắc nhớ thời thơ ấu khổ nghèo, nhắc nhớ những ngày rét mướt, những đêm sùi sụt gió bấc mưa dầm. Tôi tưởng như mẹ tôi vẫn còn ngồi đó, nhẫn nại, dịu hiền, đang lặng lẽ xoa dầu vào những kẽ chân nứt nẻ, tứa máu”. Trái tim rệu rã của Hai Tùng lại như bị ai bóp chặt. Những dòng chữ trong chiếc laptop làm thức dậy những hồi ức về mẹ, về vợ khiến lão đau đớn. Hai người đàn bà thân yêu của Hai Tùng đã mang theo tất cả sức lực, niềm vui sống và sự tự tin của lão. Họ đã đẩy lão rơi tự do xuống vực thẳm của khốn cùng và tội lỗi…

*

Hai Tùng mê mải đọc những dòng chữ như trút ra từ tâm can người đàn bà xa lạ. Lần đầu tiên, lão biết đến thế giới sâu thẳm của một phụ nữ ở tầng lớp cao hơn, có trình độ hơn hẳn những phụ nữ xóm Liều làm đủ thứ nghề vụn vặt, bòn nhặt từng đồng, mòn mỏi, xác xơ vì gánh nặng cơm áo. Hóa ra bà bác sĩ không giàu, cũng không sung sướng như lão tưởng. Nếu hạnh phúc thì bà đã chẳng có thói quen thi thoảng lại ra quán cà phê ngồi một mình. Hai Tùng hình dung bóng dáng lẻ loi, cô độc của người đàn bà, chợt động lòng trắc ẩn. Không biết lúc ấy chồng bà ta đi đâu, hay lại say bí tỉ. Kể ra thói ham nhậu có thể bỏ qua. Đàn ông ai chẳng tứ đổ tường. Nhưng ông ta xem chừng quá vô tâm. Vô tâm dễ thành bạc. Ai lại để vợ đi sanh con một mình. Làm việc nhà, đưa đón con… việc gì cũng một mình. Làm chồng mà chỉ nằm khểnh coi ti vi, đọc báo, đến cái chén cũng vợ rửa, thế thì hơn gì khách trọ. Ông ta đáng bị phạt, bắt ngủ riêng, theo lão là còn nhân đạo chán.

Bà bác sĩ coi vậy mà có số vất vả. Mẹ chồng hà khắc. Em chồng ham ăn hơn ham làm. Một tay bà nuôi nấng, lo việc làm, dựng vợ gả chồng cho chúng. Cái phòng khám thú y vừa hao mòn sức khỏe, thời gian, vừa bị bó buộc. Vậy mà bà đã làm phòng mạch mấy chục năm, nuôi sống cả gia đình, đêm về còn ngồi cành cạch gõ chữ. Thật đáng khâm phục. Phụ nữ trông mong manh, nhưng sức chịu đựng của họ dẻo dai hơn đàn ông nhiều. Hồi còn sống, vợ lão thức khuya dậy sớm, không nề hà bất cứ việc gì, miễn là kiếm được tiền lo cho chồng, con. Khi bệnh nặng, cổ vẫn tiết kiệm từng đồng, chẳng dám ăn uống, thuốc thang. Được cái Hai Tùng cũng chăm sóc, yêu thương vợ hết lòng. Xóm Liều của lão khối tên đàn ông, như thằng Tư Ròm, sểnh ra là dối vợ. Có thằng sức dài vai rộng cả ngày chỉ biết đề đóm, cá độ, say xỉn, đánh vợ đùm đụp. Lão cho bọn ngược đãi vợ là xấu xa, mà còn ngu nữa. Hành hạ người đầu gối tay ấp với mình, khi mình đau ốm lại cháo lão chăm nom, nhất là đẻ con cho mình thì chả ngu là gì.

Đọc đến mỏi mắt, Hai Tùng vào bồn cầu vén quần rót tồ tồ, sau đó đặt ấm nước sôi, pha gói trà ô long quà của con dâu, ngồi uống một mình. Lão nghĩ lan man, thấy những chuyện tình yêu, gia đình, công việc mà bà bác sĩ viết trong laptop… giống như chính lão viết ra. Hai Tùng ngầm tự hào. Ừ thì ít ra lão cũng có một điểm giống bà bác sĩ, đó là thói quen suy nghĩ và thể hiện ra, dù thân phận lão chẳng ra gì. Tội nghiệp bà bác sĩ. Sẽ chẳng bao giờ bà biết được nội tâm của mình đã bị phơi bày. Bí mật của bà giờ đã biến thành bí mật của Hai Tùng. Nhưng… liệu bà ta có lưu những gì mình đã viết không nhỉ, hay tất tần tật nằm trong chiếc laptop này? Nếu vậy… Hai Tùng bỗng cảm thấy bất an. Bà bác sĩ sẽ vật vã khổ sở khi bị mất chiếc laptop lưu giữ hồn vía của bà. Cũng như lão. Mỗi lần nhờ người gửi bài cho các báo, Hai Tùng luôn sợ mất, cứ hỏi đi hỏi lại xem đã đến chưa, có bị thất lạc không? Lão thoáng có ý nghĩ hay là giữ laptop lại cho mình. Nhưng… Không được. Câu nói của đứa cháu nội lại văng vẳng. Lão không được quyền để con nhỏ thất vọng. Nó là niềm hy vọng của lão, của vợ chồng con trai lão. Việc kiếm tiền từ cái laptop không còn làm Hai Tùng hứng thú. Vả lại, sâu thẳm đáy lòng, lão trân trọng bà bác sĩ, không muốn làm tổn hại đến bà.

Hai Tùng ngồi rất lâu, nghĩ ngợi đến mệt nhoài. Dưới nhà bếp lũ chuột   rột rẹt mò thức ăn trong thùng rác và cống thoát nước. Lão xuống bếp, mở lồng bàn, yên tâm vì mấy con khô cá chiên ăn dở vẫn còn. Trở lên nhà, lão quả quyết đóng laptop, đi ngủ…

*

Sáng hôm sau, dù khá lừ đừ qua một đêm gần như thức trắng, Hai Tùng vẫn bị thôi thúc bởi thói tò mò. Lão muốn tìm hiểu xem phòng mạch của bà bác sĩ ra sao, sau khi cái laptop của bà không cánh mà bay. Hai Tùng chạy xe đến quán cà phê hôm trước lão đã ngồi, kêu một ly đen đá để có cớ “ngồi đồng”. Lão ngỡ ngàng nhận ra bên kia đường, phòng mạch đóng cửa. Cái cửa sắt bít bùng, im lìm. Vài người mang thú cưng đến đứng ngó nghiêng rồi lại quày quả chạy xe đi. Đêm qua, lúc gần sáng trời đổ mưa, sấm chớp ì ầm. Lá cây xà cừ trước cửa phòng khám trút xuống, phủ dày một khúc đường. Sự im ắng của cái phòng khám, cái bảng hiệu bị tạt mưa để lại những vệt nước lem nhem tự nhiên làm lòng Hai Tùng chùng xuống. Lão buồn. Chắc bà bác sĩ mất tinh thần. Vì chiếc laptop. Bà chẳng còn lòng dạ nào mở cửa phòng mạch. Không biết liệu có con chó, con mèo nào bị vạ lây vì lão? Hai Tùng lẩn thẩn nghĩ biết đâu bà bác sĩ đang đi tìm chiếc laptop. Nếu là lão, lão cũng sẽ đến những cửa hàng bán đồ cũ, hy vọng may ra tên đạo chích mang của ăn cắp đi tiêu thụ. Nhưng có lấy được cái laptop cũng chỉ là lấy được cái vỏ. Đời nào kẻ trộm chừa lại dữ liệu, khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Mà nếu như… nếu như… Ừ, nếu như bà bác sĩ phát hiện ra tên trộm laptop lại chính là Hai Tùng, hẳn bà sẽ phỉ nhổ, nguyền rủa kẻ mới hôm qua mang con cún oặt oẹo như mớ giẻ rách đến cho bà chữa bệnh. Lão quả là vô ơn. Gương mặt xinh xắn với đôi mắt trong veo của đứa cháu gái lại hiện ra. Trái tim Hai Tùng thắt lại. Hôm nay lão chưa có quà cho cháu, nhưng lão nhất định phải làm một việc tốt. Không thể thay đổi được quá khứ, nhưng lão vẫn có thể xử sự như một kẻ có giáo dục, có lương tâm. Vì cháu gái của lão và vì chính lão.

Hai Tùng quay về. Con hẻm vào xóm Liều ngày xưa chất đầy bịch nilon, hàng đồng nát, sắt vụn và đủ thứ phế liệu người ta thu mua về, phơi phóng, phân loại, chờ bán cho chủ vựa. Từ ngày gắn tấm bảng “Xóm 6 quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa”, con hẻm đã bớt hẳn phân chó, nước xả thải, trở nên sáng sủa khang trang hơn. Những cội bông giấy sau cơn mưa nở bung rực rỡ trước cửa vài ngôi nhà. Hơi nước mát lạnh sau đêm mưa thật trong lành. Hai Tùng chợt nhận ra, xóm Liều dù chậm nhưng cũng đang thay đổi. Đó có phải là quy luật của đời sống không, lão không biết. Nhưng rõ ràng không gian sống của lão mỗi ngày một thoáng hơn, khiến lão bớt hẳn cảm giác bức bối, ngột ngạt.

 Về tới nhà, Hai Tùng lại lôi chiếc latop ra nhìn. Cái vật nhỏ nhắn, xinh đẹp này thật được việc. Ai mà ngờ nó chứa đựng linh hồn, trái tim của một người đàn bà. Lão bỗng nhớ ra, bà bác sĩ không thể thiếu phương tiện làm việc lâu. Không khéo bà đang đi tìm mua chiếc laptop mới cũng nên. Không được. Hai Tùng phải nhanh tay, kẻo hỏng việc. Địa chỉ của nhà bà không khó, lão sẽ tìm ra…

Hai Tùng mỉm cười, hình dung gương mặt bà bác sĩ sẽ bừng sáng ra sao khi nhận được chiếc laptop thân thuộc do bưu điện chuyển đến, còn nguyên dữ liệu, như chưa từng lưu lạc…

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm