May 1, 2024, 5:16 am

Cháy hết mình cùng "Kẻo tro bay mất"

 

Chắt lọc những tinh túy trong nghiệp viết của đạo diễn Việt Linh, Kẻo tro bay mất là những mẩu chuyện và suy tư của cô về đời sống và phim ành. Đồng thời đưa ra những lời khuyên bổ ích cho giới trẻ rằng " Nếu muốn làm gì, cũng phải cháy hết mình"

 

 

Sách dày 392 trang, đưa người đọc đi qua mọi cung bậc cảm xúc, thôi thúc con người chiêm nghiệm và chất vấn chính mình để sống trọn vẹn giữa cuộc đời, với tình nghĩa, trách nhiệm và lương tâm. Nước mắt đau và nước mắt thương: "Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy, thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai. Nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả, thì còn ai thương ai nữa giữa đêm dài…". Đạo diễn Việt Linh đã mở đầu cuốn sách bằng một đoản thơ được tặng thời hoa niên. Nữ đạo diễn mong những con chữ trong Kẻo tro bay mất cũng như nước mắt, "không đủ lực xoay dời nhân thế" nhưng "lặng lẽ đi cùng độc giả". 

Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn, Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985.

Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của bà như: Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng, từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước.

Việt Linh hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc.

Bà cũng là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh được khởi xướng từ năm 2006 với nhiều tác phẩm: Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp, Chơi cùng cấu trúc, Khung hình tự sự, Hai mươi bài học điện ảnh, Khi đạo diễn trẻ già dặn, Cẩm nang thư ký trường quay, Gọi tiếng cho hình…

Tác phẩm, Kẻo tro bay mất là câu chuyện cô gái lấy chồng Hàn Quốc đi xa để mẹ có tiền sửa nhà, để rồi chỉ sau 24 ngày làm dâu đã rơi xuống từ tầng 14. Lại có người phụ nữ làm nghề dọn rác nhà thương với nhiều đồng nghiệp nhập cư, quần quật kiếm nhiều tiền để nuôi giấc mơ cho con học bác sĩ và xây nhà thương ở quê hương, bị cười viển vông nhưng kệ, vì "viển vông để có cớ sống".

Sau những số phận, sự kiện tàu Dìn Ký để lại ám ảnh về người mẹ ôm con đến khi cả hai không còn hơi thở; là chuyện nước ô nhiễm ở Hà Nội và mong muốn khẩn thiết về trách nhiệm và luật pháp; là những con chữ trên báo chí "có thể thiêu đốt uy tín/sự nghiệp của con người, kể cả người viết ra chúng"; là sự vô tình khi chụp ảnh gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol và quên mất "quanh ta có nỗi buồn". Mong muốn cuộc sống chung ngày một tốt hơn là điều mà bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với Việt Linh.

Xuyên suốt những tâm sự trải dài qua mọi sự việc cá nhân và xã hội, độc giả sẽ thấy đạo diễn Việt Linh đang vạch mở chính trái tim mình, khuyến dụ người đọc cùng "xông vào" cuộc đời này: dám nhìn nhận, dám phản biện, trở thành công dân có trách nhiệm và sống sao cho tử tế. 

Chính vì vậy, không quá khi nói rằng Kẻo tro bay mất chính là lời nhắc nhở lúc thì nhỏ nhẹ, có khi mang tiếng vang to như tiếng chuông báo động, hối thúc sự chú ý, hay khẩn thiết đòi thay đổi.

Anh Thư ( tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm