May 17, 2024, 11:16 am

Chất trào lộng trong thơ Wisława Szymborska

Wisława Szymborska là nữ thi sĩ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học năm 1996. Bà sinh ngày 2/7/1923 tại Kórnik và mất ngày 1/2/2012 tại Kraków, Ba Lan. Năm nay Ba Lan kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà và Thượng viện Cộng hòa Ba Lan đã ra nghị quyết lấy năm 2023 là Năm Wisława Szymborska.

1.

Wisława Szymborska (1923-2012) nhà thơ Ba Lan đoạt Giải thưởng Nobel Văn học năm 1996. Năm 1945 bà khởi đầu sự nghiệp sáng tác với bài thơ Szukam słowa (Tôi tìm lời), đăng trên tạp chí Dziennik Polski. Năm 1952 Wisława Szymborska được kết nạp vào Hội Nhà văn Ba Lan. Trong thời gian từ năm 1953 đến năm 1981 bà làm biên tập viên thơ, viết các bài tiểu luận. Ngoài hoạt động sáng tác, biên tập thơ, Wisława Szymborska còn dịch thơ, chủ yếu là từ tiếng Pháp và tiếng Đức.

Wisawa Szymborska phát biểu ý kiến tại Lễ trao Nobel Văn học ngày 10/12/1996. Nguồn: Nobel Foundation. Photo: Boo Jonsson.

Wisława Szymborska đã xuất bản các tập thơ Vì lẽ này chúng ta đang sống, 1952; Những câu hỏi đặt ra cho mình, 1954; Kêu gọi người tuyết, 1957; Muối, 1962; Một trăm niềm an ủi, 1967; Trường hợp bất kì, 1972; Con số lớn, 1976; Những người trên cầu, 1986; Kết thúc và mở đầu, 1993; Khoảnh khắc, 2002; Dấu hai chấm, 2005; Ở đây, 2009; Đủ, 2012... Bà đã được tặng nhiều giải thưởng văn học: giải thưởng của thành phố Kraków (1954); giải Văn học của Bộ trưởng Văn hóa Ba Lan (1963); giải Goethe của Đức (1991); giải thưởng Herder của Áo (1995); giải thưởng PEN Hội Văn bút Ba Lan (1996) và đặc biệt là giải Nobel về Văn học (năm 1996).

Tổng thống Ba Lan đã trao tặng Huân chương Đại bàng trắng - huân chương cao quý nhất của Ba Lan vì những đóng góp to lớn cho nền văn hóa dân tộc và thành tựu xuất sắc trong sáng tác văn học (2011). Wisława Szymborska được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Adam Mickiewicz tại Poznań (1995) và là Viện sĩ danh dự của Viện Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ (từ năm 2001).

2.

Có thể coi trào lộng là chất nổi bật nhất trong thơ Wisława Szymborska. Nhà thơ đã thể hiện chất trào lộng đối với thế giới, đối với người khác và cả tự trào với chính mình. Cách nói trào lộng, châm biếm giúp cho người ta có thêm sắc thái cần thiết trong tương tác với người khác, làm nhẹ bớt lời phê phán hoặc thêm chút đùa cợt vào lời khen quá mức… 

Trong thế giới văn học nói chung và thi ca nói riêng, tác giả có toàn quyền về từng sự kiện và nhân vật. Đó chính là niềm vui của người sáng tác. “Ở đây vĩnh viễn sẽ chẳng có gì xảy ra/ nếu tôi ra lệnh/ không có ý kiến của tôi/ thậm chí một chiếc lá cũng không rơi” (Niềm vui viết lách). Niềm vui sáng tác là “sự báo thù của bàn tay chết”. Nhà thơ hài hước nói về trí tuệ và thể lực của người phụ nữ một cách ngắn gọn như là câu đối: “Ngây thơ, nhưng tư vấn tuyệt vời/ Yếu ớt, nhưng rất tài khuân vác” (Chân dung phụ nữ).Thủ pháp hài hước còn được dùng trong cả những trường hợp dễ bị coi là “phạm thượng”: “Các nguyên thủ quốc gia thường buộc phải cười/ Nụ cười chứng tỏ họ không mất tinh thần” (Những nụ cười).

Bài thơ vịnh bức tranh Hai con khỉ của họa sĩ Pieter Bruegel the Elder mô tả giấc mơ về con người thi tốt nghiệp môn lịch sử loài người trong khi giám thị là hai con khỉ bị xích chân bên cửa sổ: “Môn tôi thi lịch sử con người/ Tôi lắp bắp và tôi ngụp lặn/ Một chú khỉ đăm đắm nhìn tôi và hài hước nghe” (Hai con khỉ Bruegel). 

Chất hài hước được nhà thơ vận dụng thể hiện chủ nghĩa hoài nghi nhận thức. Bài thơ Củ hành tây so sánh cấu tạo của củ hành tây và cấu tạo của con người. Phần lớn nội dung bài thơ khen cấu tạo củ hành tây đơn giản, đồng nhất từ trong ra ngoài, là “Bụng đẹp nhất thế gian”, còn con người thì phức tạp cả cấu tạo thể chất lẫn tinh thần: “Trong chúng ta: chất béo/ Dây thần kinh chịt chằng/ Tĩnh mạch, niêm dịch ruột/ Và bí mật chung riêng…/ Và chúng ta từ chối/ sự hoàn hảo ngu ngốc”. Cấu tạo củ hành tây đơn giản, không có gì kích thích sự tìm hiểu. Con người phức tạp về cấu tạo cơ thể và tinh thần nhưng đó là điều đáng yêu, là phù hợp với bản chất của nó.

3.

Chất trào lộng trong thơ Wisława Szymborska như là dấu hiệu luận chiến với truyền thống và văn hóa đương đại. Nhà thơ mô tả người đàn ông có thể chiến thắng trong cuộc thi người đẹp như sau: “Cơ thể săn chắc từ hàm đến chân/ Ôliu chắc chắn trên đó/ Chỉ anh này có thể được chọn/ Người thắt nút như bánh mì” (Cuộc thi người đẹp đàn ông). Nhà thơ hài hước khi đề cập những ý tưởng lịch sử và sự lỗi thời về thơ ca, về vị trí con người trong xã hội đương đại: “Thậm chí không cần làm người/ để có được tầm cao chính trị/ nếu bạn là dầu thô/ là thức ăn tinh hoặc nguyên liệu phụ/ vậy cũng đã là quá đủ” (Những đứa con của thời đại).

Sự hời hợt trong nhận thức của con người đối với thế giới tự nhiên. Bản chất của viên đá cũng như các vật vô tri vô giác khác, vẫn còn là một bí ẩn đối với con người: “Cô có thể biết tôi nhưng không bao giờ cảm được /Tôi quay về cô toàn bề mặt/ tôi nằm quay tất cả vào trong” (Trò chuyện với đá). Năng lực thực tế và giấc mơ của các vị dân biểu được nhà thơ mô tả một cách hài hước: “Các vị Hội đồng đáng kính/ não quá ít, thèm ăn nhiều/ giấc mơ ngu ngốc nhiều hơn lo lắng khôn ngoan” (Bộ xương thằn lằn).

Wisława Szymborska đã nhìn thấy và cảnh báo tính hão huyền, hư danh ở một số người trong thế giới quan liêu, họ quên phong cảnh, hồi ức, quên đi những mối tình, bạn bè, chim thú, chỉ nhớ thứ gì thật có lợi cho bản thân mình: “Có lẽ người ta cho/ Giá cả hơn giá trị/ Cái tên hơn nội dung/ Số giày hơn đi đâu người ấy/ Kẻ mà anh lần theo” (Viết tiểu sử).

4.

Ở Ba Lan, các trường từ mẫu, tiểu học, trung học đến đại học thường mời các nhà thơ giao lưu với học sinh, sinh viên. Hàng năm các cuộc thi thơ dành cho tài năng trẻ (công dân Ba Lan dưới 40 tuổi) cũng được tổ chức. Các đêm thơ, đêm tác giả… là hoạt động thu hút rất nhiều công chúng yêu thơ. Có những cuộc thi thơ mà bạn đọc cũng được tham gia chấm giải. Mặc dù vậy Wisława Szymborska vẫn đề cập đến một cách nhìn hài hước về sự am hiểu văn chương: “Chỉ có điều thơ là gì vậy/ Với câu hỏi này/ đã có nhiều câu trả lời run rẩy” (Một số người thích thơ).

Một số khán giả đương đại không muốn vận động trí tuệ nhiều ngay cả khi họ quan tâm đến phần nào đó của văn hóa mà chọn hình thức giải trí mà mình tham gia thụ động như các cuộc thi đấu thể thao, trong đó có môn đấm bốc, còn giới thiệu thơ thì không có khán giả. Nhà thơ như thể ngậm ngùi hài hước: “Trong phòng có mười hai người/ một nửa đến vì ngoài trời đang mưa/ còn lại là thân quyến” (Đêm tác giả). Bài thơ này kể lại cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ và khán giả, phản ánh tình trạng đáng buồn của thơ nói riêng và cả nền văn hóa nói chung. Ở đây, có thể nói chất hài hước đã làm nhẹ đi mức độ căng thẳng của vấn đề đặt ra. 

Theo các con số thống kê, Wisława Szymborska, trong toàn bộ cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, chỉ sang tác và công bố khoảng 350 bài thơ. Bà ý thức rõ sự khiêm tốn vè số lượng tác phẩm của mình. Dưới đây là đoạn thơ tự trào: “Nằm ở đây là nữ tác giả của một vài bài thơ/ cổ xưa như dấu phẩy. Dẫu xác chết không thuộc bất kỳ nhóm văn học nào/ đất vẫn sẵn lòng/ dành cho giấc ngủ ngàn thu” (Nấm mộ).

5.  

Trong các bài thơ của Wisława Szymborska, chất hài hước thi ca được kết hợp với việc sử dụng tính từ, với trò chơi các khái niệm văn học, cách điệu, cách nói ngược, mâu thuẫn làm cho người đọc ngạc nhiên và buộc phải suy nghĩ. Có khi nhà thơ sử dụng các tính từ ở mức độ cao nhất, thể hiện hình ảnh như là chế giễu. “Trên ngọn đồi xanh nhất/ tùy tùng mạnh mẽ nhất/ trong những chiếc áo khoác lụa là nhất/ Đến lâu đài của bảy tòa tháp/ mỗi trong số đó là cao nhất” (Bức tranh thu nhỏ thời trung cổ)… Về con người có tính hai mặt, Wisława Szymborska đã viết: “Từ thắt lưng trở lên là ngực và khát vọng/ bên dưới trong ống quần là con chuột hãi kinh” (Những hài kịch nhỏ). Lời thơ gần với khẩu ngữ về cái đáng cười của mình: “Hỡi ngôn từ hãy đừng tức giận/ vì tôi mượn vay những từ long trọng/ để rồi lại gắng, biến những từ này thành nhẹ tênh” (Dưới một vì sao).

Nhà thơ đã viết: “Đùa cợt đối với tôi là sự khuyên bảo tốt nhất về sự nghiêm túc”. Mà như chúng ta biết, đùa cợt chính là một biểu hiện của trào lộng, hài hước. 

Nhà thơ đã quan tâm đến vấn đề sống còn của nhân loại. Bài thơ Cuối thế kỷ nói về sự ngu dốt gây ra nhiều điều xấu xa, sự thông minh không đưa đến những kết quả tốt đẹp nên nhà thơ chua chát nhận xét: “Sự ngu dốt chẳng nực cười. Sự thông minh chẳng hề vui nhộn” và tính chất tốt lành và tính chất mạnh mẽ vẫn không thể có trong một con người, người tốt không được làm lãnh đạo và kẻ mạnh không có lòng tốt, và như vậy: “nhưng tốt lành, mạnh mẽ/ tiếc thay vẫn chỉ hai người

*

Wisława Szymborska là một trong những nhà thơ tài năng nhất Ba Lan. Trong các bài thơ của bà, chất hài hước kết hợp với chất trí tuệ đem lại một thông điệp hoàn hảo về sự tồn tại của con người trên thế giới. Chất hài hước trong thơ của bà có giá trị nhận thức vì nó xác minh những sự thật đã được nhận biết, những nhận xét chính xác, những chiêm nghiệm và triết lý sâu sắc. Sự hoàn hảo trong thơ Wisława Szymborska là sự hoàn hảo của hình ảnh, của sự kiện, của cảm xúc và sự hoàn hảo của tưởng tượng. Đằng sau lời thơ hài hước hài hước là tình yêu thương, ý thức trách nhiệm, là mong muốn hoàn thiện cuộc sống của nhà thơ.

Wisława Szymborska đã chiếm được cảm tình độc giả khắp thế giới, bà trở thành đại sứ Văn hóa Ba Lan ở nước ngoài. Những bài thơ của bà đã được dịch sang hơn bốn mươi ngôn ngữ. Bà là nhà thơ Ba Lan có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Trong di sản thơ khá khiêm tốn về số lượng của mình, bà đã có hai bài thơ về Việt Nam, trong đó bài thơ viết dưới nhan đề Việt Nam rất đặc sắc về tư duy và phong cách nghệ thuật. Năm 1997, khi tập thơ Szymborska được dịch và xuất bản ở Việt Nam, bà đã gửi cho dịch giả Tạ Minh Châu dòng chữ viết tay để in trong tập sách: “Những suy nghĩ tốt đẹp nhất dành cho bạn đọc Việt Nam! Wisława Szymborska - Kraków, 1997”.

Đáp lại tình cảm của bà, các dịch giả Việt Nam, đặc biệt là dịch giả Tạ Minh Châu, đã dịch và in phần lớn các sáng tác thơ của Szymborska ra tiếng Việt. Nhờ vậy thơ Szymborska được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

Hoàng Xuân Thường (Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan)

Nguồn Văn nghệ số 28/2023


Có thể bạn quan tâm