May 20, 2024, 3:43 am

“Chàng thi sĩ viết trường ca”

(Nhân 20 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn 17/6/2003-2023)

Trong các nhà thơ Việt Nam viết trường ca, phải công nhận rằng Thu Bồn là nhà thơ đa tài năng nhất, ông có nhiều thành tựu trên cả lĩnh vực tiểu thuyết, thơ và trường ca.

Chính tư duy phân tích của tiểu thuyết và tư duy tổng hợp của thơ trữ tình là nền tảng để Thu Bồn gặt hái được nhiều thành công và có đóng góp lớn trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thể loại trường ca. Ông là người có quá trình sáng tác trường ca đều đặn nhất, trải dài suốt nửa thế kỉ từ thời chiến sang thời bình (từ trường ca đầu tiên Bài ca chim Chơ rao xuất hiện vào những năm 60 của thế kỉ trước, đến cả dàn ý trường ca 10 chương Những người con của sử thi chưa kịp hoàn thành vào những năm đầu thế kỉ XXI). Lúc còn sống, Thu Bồn có nói mình sáng tác tổng cộng 12 trường ca, nhưng đứng trên khái niệm hẹp của lý thuyết thể loại, ta có thể dễ dàng nhận ra trên bình diện bề mặt của cấu trúc nghệ thuật là “hình thức lớn”, thì có ít nhất 4 tác phẩm mà Thu Bồn gọi là trường ca thực chất chỉ là những bài thơ dài. Ngay bản thân tên gọi của 4 tác phẩm này đã chứng tỏ nó chưa đủ sức bao chứa tính “hoành tráng, sử thi” của thể loại, cho dù, tất nhiên, tên gọi không phải là tất cả. Tiếng hú người Diôloa (75 câu) thật ra là bài thơ về người đi săn (Diôloa = người đi săn). Hà Nội ngày nào (128 câu) chỉ là những mảng kỉ niệm một thời. Thông điệp mùa xuân (34 đoạn thơ) thực chất là một khúc ca thơ về công trình thủy điện Cầu Đỏ (Đà Nẵng). Có lẽ chỉ có Quê hương mặt trời vàng là có hơi hướng trường ca hơn hết. Đây là bài thơ mang cảm hứng ngợi ca đất nước, song với dung lượng 115 câu thơ tự do, bài thơ này không đủ sức làm nên tính sử thi của trường ca, chỉ tương đương với chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. 

Nhà thơ Thu Bồn (1935-2003).

Như vậy, trong sự nghiệp sáng tác của mình, bên cạnh thơ và văn xuôi, Thu Bồn để lại 8 trường ca sáng tác trải dài trong nửa cuối thế kỷ XX. Trường ca của ông mang tính sử thi từ thời chiến đến cuộc sống lao động thời bình, cũng như sử thi về cuộc chiến chống bè lũ diệt chủng của nhân dân Campuchia mà trong đó, ông đã tự nguyện làm người lính tiên phong tham gia vào các chiến dịch của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều người gọi Thu Bồn là “Chàng thi sĩ viết trường ca” cũng vì lẽ đó.

1. Bài ca chim chơ rao (1963) đóng một mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử trường ca hiện đại Việt Nam. Vừa mới ra đời nó đã tạo được tiếng vang lớn cả trong nước cũng như trên trường quốc tế. Là nhà thơ gắn bó máu thịt với đất nước và con người Tây Nguyên hẳn Thu Bồn đã thấm vào máu thịt mình những tác phẩm sử thi Tây Nguyên. Trên cái nền sử thi ấy cùng với hiện thực cuộc sống lầm than, quá trình giác ngộ theo cách mạng và cuộc chiến đấu hi sinh to lớn của các dân tộc Tây Nguyên, Thu Bồn đã tạo nên một “sử thi hiện đại” ngang tầm cuộc sống và chiến đấu của những người dân Tây Nguyên kiên cường, bất khuất. Thành công to lớn của không khí sử thi hiện đại trong trường ca này chính là do Thu Bồn đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn hai yếu tố chính của trường ca là tự sự và trữ tình, trong đó, tác giả thực sự đã trữ tình hóa được yếu tố tự sự khiến câu chuyện cuốn người đọc đê mê theo không phải do nội dung cốt truyện dẫn dắt mà do sức cuốn của cảm xúc dạt dào, ồ ạt bởi nhiều trường đoạn bi hùng bàng bạc không khí sử thi xoay quanh ba nhân vật chính Hùng - Y Rin và A Sao. Phải công nhận rằng: sức lôi cuốn của Bài ca chim chơ rao cho đến tận bây giờ đọc lại vẫn dạt dào xúc cảm.

2. Sau thành công vang dội của Bài ca chim chơ rao, 13 năm sau, tiếp tục trên nền cảm hứng sử thi Tây Nguyên, Thu Bồn đã viết Vách đá Hồ Chí Minh (1970) trong sự đan xen tuyệt vời giữa không khí sử thi Tây Nguyên và sử thi hiện đại về một nhân vật vĩ đại nhất của thời đại chúng ta thông qua câu chuyện dòng tên Người - Hồ Chí Minh được người dân Tây Nguyên đục trên vách đá thách thức kẻ thù và thể hiện sự trung thành tuyệt đối của mình với vị lãnh tụ kính yêu. Ở trường ca này, yếu tố cốt truyện vẫn còn và xoay quanh câu chuyện tình giữa chàng trai Dang A Nghi và cô gái Dy Mơ Thưng. Nhân vật Hồ Chí Minh chỉ hiện lên qua hành động anh dũng hi sinh đầy kịch tính và lòng tôn thờ của những nhân vật trong câu chuyện. Cốt truyền không hoàn chỉnh, có phần chắp nối giữa chuyện xưa và chuyện nay được cấu trúc theo mô hình của nghệ thuật sân khấu, nhưng cái sợi dây vô hình được nối kết bởi nhân vật ẩn mặt qua dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm!” như là điểm mở nút của kịch bản khiến Vách đá Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo tính chỉnh thể cho một trường ca.

3. Người gồng gánh phương Đông (1972) cũng ngập tràn không khí sử thi cổ thông qua cuộc gặp gỡ tiền định của chàng chim Lạc và nàng Âu Cơ để hình thành nên dân tộc. Nhưng đến trường ca này, yếu tố cốt truyện đã nhòa dần, “nhân vật” xuất hiện không “tròn vai” mặc dầu Thu Bồn đã chú tâm xây dựng theo mô hình cấu trúc kịch. Đó là cuộc đấu tranh, giải quyết mâu thuẫn giữa hai phe: thiện (vợ chồng Âu Cơ) - ác (cả dòng họ của các thế lực hắc ám, gồm: chồng: “lão đói nghèo khổ nhục”, vợ “mụ hoang vu”, con đầu “thằng cơ cực”, cháu trai “nóng nực”, cháu gái “lạnh lùng và đám bạn bè “khổ độc” của lão cát cứ ở từng vùng). Cuối cùng là sự chiến thắng của vợ chồng Âu Cơ, chàng chim Lạc soãi cánh mở nước về phương Nam, băng qua dãi Trường Sơn hùng vĩ, rồi trong cuộc chiến với lão già chàng bị lão cắn đứt một ngón tay để “máu ứa thành những dòng kinh nhỏ”, chín ngón tay còn lại “thành chín nhánh Cửu Long sờ vào ngực biển Đông” kéo dài từ biển đến rừng để hình thành đất nước Việt Nam cong như chiếc đòn gánh “gồng gánh phương Đông”.

4. Đến trường ca Chim vàng chốt lửa (1973-1975) viểt về đề tài chiến tranh chống Mỹ, yếu tố cốt truyện tiếp tục mờ dần, “nhân vật” đã không còn tên tuổi cụ thể. “Chim vàng” và “chốt lửa” trở thành biểu tượng của một đề tài sử thi chiến tranh. Cả trường ca âm vang chất nhạc của tiếng chim và những âm thanh dữ dội của cuộc chiến. Không còn cốt truyện, trường ca này được cấu trúc như một bản giai hưởng cổ điển đầy âm thanh khẳng định tiếp bước thử nghiệm trong cấu trúc trường ca của Thu Bồn.

5. Ba dan khát được sáng tác ngay năm đầu tiên sau hòa bình (1976) là một trường ca về cuộc hồi sinh và gian lao “xốc vác lại giang sơn” sau cuộc chiến. Trở lại với đề tài Tây Nguyên, nhưng đây lại là một cuộc “thử lửa” mới của Thu Bồn đối với trường ca. So với các trường ca trước, đây là một tác phẩm khá đồ sộ (1.303 câu thơ) đan xen nhiều không gian sử thi khác nhau của vùng đất Tây Nguyên. Ở đó, trong không gian sử thi cổ xưa, có chuyện tình ngang trái, đau thương giữa chàng trai Bana (Kônghơrin) và cô gái Giarai (Rơchămpa) trong sự hiềm thù giữa hai dân tộc; trong không gian Tây Nguyên thời phong kiến, thực dân, để nối mạch cùng Tây Nguyên cổ xưa, Thu Bồn lại tiếp tục nối mạch trường ca bằng câu chuyện tình đầy bi kịch “trong vòng vây chánh tổng” của người con gái Giarai: Rơchăm cùng với chàng trai Bana: Kônghơrú (bạn trai của Rơlăng - con của nàng Rơchămpa ở phần trước đang cùng làm thuê ở đồn điền bọn da trắng). Ở đó, còn có không gian sử thi của Tây Nguyên thời đánh Mỹ, và đặc biệt là không gian sử thi hiện tại của Tây Nguyên trong thời kỳ “lịch sử chuyển ầm vang máy húc/ máy cạp những sườn đồi phong hóa/ trao cho vai núi gánh công trình”... Tất cả hòa quyện một cách phức hợp theo kiểu cấu trúc điện ảnh (mongtage) với những thước phim chuyển cảnh liên tục nối liền bằng mạch tư tưởng về một vùng đất đai bao la hùng vĩ: Tây Nguyên.

6. Campuchia hi vọng sáng tác ở biên giới Tây Nam năm 1978, là trường ca viết về cuộc chiến tranh tiêu trừ bọn diệt chủng của nhân dân Campuchia và tình nguyện quân Việt Nam. Đã có sở trường về đề tài Tây Nguyên và đề tài chiến tranh trước đó cùng với nghệ thuật cấu trúc trường ca đã được đa dạng hóa, trường ca này tiếp tục thể hiện năng lượng thơ tích chứa đến vỡ tung của Thu Bồn với 1.409 câu thơ và 25 đoạn thơ (viết như văn xuôi). Vì quá đồ sộ nên Campuchia hi vọng cũng không còn cốt truyện chung mà được sử dụng một cấu trúc tổng hợp, đưa vào trường ca nhiều câu chuyện bi hùng với một hệ thống “nhân vật” khá đông đảo. Tất cả những thứ tình ấy đều tồn tại dưới chế độ diệt chủng nên đầy chất bi kịch. Trường ca này còn tái hiện được nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa và thiên nhiên của xứ sở chùa Tháp... Cao cả nhất là mối tình đoàn kết trong sáng, vô tư được xây dựng bằng chính máu xương của hai dân tộc anh em. Có thể nói, với Campuchia hi vọng, Thu Bồn làm cuộc thử nghiệm khá thành công trong việc trộn lẫn vào trường ca các thể loại văn học nghệ thuật khác nhau, trong đó nổi bật là yếu tố kịch, văn xuôi và điện ảnh.

7. Người vắt sữa bầu trời (1986), quay về với đề tài Tây Nguyên trong xây dựng. Hình như cái đồ sộ sử thi với sự hiện diện nhiều câu chuyện tự sự của Ba dan khát chưa giải toả hết cảm xúc của tác giả đối với vùng đất này, vì thế một trường ca đậm chất trữ tình hơn được viết như để bù đắp lại. Đây là trường ca duy nhất không hề có dấu vết cốt truyện và “nhân vật” của Thu Bồn. Tên trường ca dù mang trường nghĩa mông lung, nhưng khi giải mã ra, ta sẽ thấy nó đơn giản như một lời tự sự, vì “Người vắt sữa bầu trời” không ai xa lạ mà “Chính là mặt đất”, “chính là anh là chị là em” đang chiến đấu và lao động ngay trong cuộc sống đầy máu chiến tranh và mồ hôi xây dựng. Cái tôi trữ tình chi phối rất lớn đến cấu trúc trường ca theo môtip của một bản giao hưởng cổ điển gọn ghẽ. Vẫn là sự đan xen giữa chiến tranh và xây dựng, nhưng cách miêu tả sâu sắc hơn với nhiều chiêm cảm đời thường và những dự cảm không yên trước hiện thực mới. Hồi ức chiến tranh làm nên chất sử thi nhưng hình như thế sự, nhân tình đã khiến nhiều đoạn thơ như chùng lại, thủ thỉ, đúng như tự thú của chính Thu Bồn trong khúc Vĩ thanh: “Để có thể nhìn xa vời vợi đến những ngày của thế kỉ chúng ta sự bàn giao của chiến tranh cho lời ru bà mẹ, lời súng gươm cho lúa gạo hòa bình. Những ngôn từ xưa không còn đủ sức nuôi nổi hình hài của nó ngay từ hồi ta thêu dệt những vần thơ”.

8. Oran bảy sáu ngọn (1980-1989) tiếp tục mảng chủ đề về cuộc chiến tranh chống chế độ độc tài Pônpốt của nhân dân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Đây là trường ca đồ sộ nhất trong tất cả các trường ca của thu bồn (1.745 câu thơ và 11 đoạn thơ) và cũng là trường ca cuối cùng trong cuộc đời của Thu Bồn. Chính vì thế, cũng như Campuchia hi vọng ông đã dồn tâm lực lớn bằng cách huy động sự tham gia của nhiều loại hình văn học nghệ thuật cho cấu trúc đồ sộ này không đi chệch chủ đề, đồng thời vẫn bảo đảm được tính hấp dẫn của toàn bộ trường ca. Nếu ở Campuchia hi vọng nổi trội lên bằng cấu trúc kịch (bi hùng kịch) thì Oran bảy sáu ngọn nổi trội lên là lối cấu trúc điện ảnh. Thu Bồn thừa hiểu rằng chỉ có lối cấu trúc này mới đẩy sự kiện đi nhanh theo “độ lia” của ống kính thơ. Trường ca này gồm nhiều trường đoạn phim (cảnh di tản nhốn nháo và đầy bi thương của những người dân Campuchia bị đuổi khỏi thành phố, không khí ngột ngạt của “Chiến khu bị bao vây”, bước hành quân luồn rừng bí mật của những quân tình nguyện Việt Nam “không có địa chỉ”, cảnh chạy trốn bi hài khỏi Nôngpênh của “Những ngài đại sứ”, cảnh “Đoàn xe bò từ Cátđamôn trở về”, cảnh ăn thịt người man rợ trong “Ổ quỷ”... ) với rất nhiều số phận nhân vật... Bên cạnh những “thước phim thơ” đầy sự kiện là những mảnh tâm tình lắng trong chiều sâu văn hóa, phong tục, nét đẹp bừng sáng của một Campuchia hi vọng (chuyện loài hoa đu đủ “Ồkalahông”, số phận bản sử thi “Riêmkê” vĩ đại của dân tộc Campuchia viết trên những tàu thốt nốt, một “Đêm biển Hồ” man mác buồn vui...) có tiếng khóc (khúc Vĩ thanh chia tay đầy lưu luyến của quân tình nguyện việt nam và nhân dân Campuchia sau chiến thắng), có niềm vui với “Nụ cười Bayon” rạng rỡ, có mơ ước cùng “Giấc mơ Ăngko”... Tất cả trải ra rồi nén lại theo từng trường đoạn thơ trong một mạch tư tưởng và cảm xúc dâng tràn về cuộc chiến tranh gian lao mà vĩ đại của những tình nguyện quân Việt Nam để đưa cả một dân tộc thoát khỏi vòng diệt chủng.

Thu Bồn là một nhà thơ sống và yêu một cách mãnh liệt, vì thế, ngoài mảng thơ tình yêu với rất nhiều thành công, trường ca của Thu Bồn dù đậm chất sử thi nhưng không khí sử thi luôn được lồng một cách tài tình vào những câu chuyện tình phong phú. Trường ca Thu Bồn có sức sống với thời gian chính là ở điểm mạnh này…

*

Nhìn chung, trường ca Thu Bồn chỉ trừ Người vắt sữa bầu trời còn lại đều chủ yếu là có cốt truyện, chí ít cũng là có mạch truyện qua sự kiện và dù ít dù nhiều, tất cả đều có “nhân vật”. So sánh trong nội bộ các trường ca của Thu Bồn thì rõ ràng có chiều hướng đổi mới cấu trúc để hiện đại hóa thể loại. Nhưng so sánh liền mạch cùng Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo thì trường ca Thu Bồn vẫn chủ yếu còn nghiêng về tự sự.

Tóm lại, đẫm không khí sử thi, huyền thoại và chất trữ tình bi tráng trong những chuyện tình là điểm mạnh nổi bật của trường ca Thu Bồn. Song, dù sao, nhìn trên tổng thể, trường ca Thu Bồn vẫn còn đậm chất kể của tự sự khiến trong một số đoạn, ông phải tốn rất nhiều những câu thơ nối mạch hơi lủng củng, nặng nề làm giảm mất chất thơ.

Mai Bá Ấn

Nguồn Văn nghệ số 26/2023


Có thể bạn quan tâm