May 18, 2024, 2:16 am

Cây tâm hồn tiếp tục NỞ HOA

NHÂN NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 21 - TẾT NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO - 2023
 

Mùa thu năm 2019, đánh dấu một sự kiện thật đáng nhớ, Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh mang Cây tâm hồn của những nhà thơ thành phố Hồ Chí Minh đến với Daegu, với khát vọng và nỗ lực từ hai phía: qua thơ ca, văn học nghệ thuật; hai dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc đồng cảm, thấu hiểu và gắn kết, phát triển hơn. Tập thơ Cây tâm hồn được chuẩn bị từ tháng 5 năm 2019, gồm 15 nhà thơ Việt Nam và 30 nhà thơ Hàn Quốc, hiện đang sống và hoạt động ở Daegu. Đoàn Tp. Hồ Chí Minh do nhạc sĩ Trần Long Ẩn lúc đó là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố làm trưởng đoàn, cùng các thành viên: nhà văn Trầm Hương, Mai Thanh Sơn - nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, ca sĩ Quỳnh Liên, bà Lương Thị Cúc - Chánh văn phòng Liên hiệp hội. Đoàn giao lưu sang thành phố Daegu rất gọn nhẹ nhưng đã nỗ lực làm thật tốt đưa thơ đến với Daegu. Tôi thật sự xúc động khi bài diễn văn của mình được các nhà thơ thành phố Daegu đón nhận với tình cảm nồng ấm.

 

Từ trái sang: Ông Kim Jong Seong – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Daegu, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, ông Park Bang Hee – Chủ tịch Hiệp hội nhà văn Daegu, nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lee Sang-gil- Phó thị trưởng Daegu, NSƯT Quỳnh Liên, một nhà thơ Hàn Quốc, bà Lương Thị Cúc- Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi giao lưu tập thơ “Cây tâm hồn” tại thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 15-10-2019

 

Chuyến đi giới thiệu thơ Thành phố Hồ Chí Minh sang Hàn Quốc

Thật khó khi viết bài để đọc trong buổi ra mắt Cây tâm hồn ở Daegu, Tôi viết dài, đủ các gương mặt nhưng phải cắt bỏ vì thời lượng có hạn. Bài viết phải súc tích, cô đọng vì còn mất thời gian để dịch. Dịch thơ là một công việc thật không dễ dàng. Cô bé phiên dịch Đặng Như đã rất nỗ lực chuyển tải những thông điệp từ Cây tâm hồn đến với những người bạn Hàn Quốc.

Hôm ấy, tôi chia sẻ với những người bạn Hàn Quốc ổ Deagu rằng, Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh có hơn 500 hội viên thì cũng có hơn phân nửa là nhà thơ. Thơ là tiếng lòng, là tinh chất cô đặc, ẩn giấu trong tâm hồn. Nếu ví tâm hồn con người như một cái cây thì khi có làn gió thổi qua, thơ chuyển động và phát lên những âm thanh vi diệu.

Có thể nói, Việt Nam là đất nước của thơ. Chúng tôi đã lớn lên trong chiếc nôi thơ ca bằng những lời hát ru của mẹ. Những dòng thơ lai láng chảy tràn, len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống. Thơ vô hình nhưng mãnh liệt nâng đỡ sức mạnh bên trong của mỗi con người.

Mười lăm tác giả thơ của chúng tôi trong Cây tâm hồn lần đầu tiên này không thể nói hết tiếng lòng của đội ngũ đông đảo nhà thơ ở Tp. Hồ Chí Minh nhưng cũng là điểm xuyết những thông điệp tâm hồn, trân trọng gởi đến độc giả yêu thơ ở thành phố Daegu.

 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (thứ ba từ trái sang) nhận tờ báo Hàn quốc đưa tin Đoàn Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM thăm và giao lưu thơ ở thanh phố Daegu, ngày 17-10-2019

 

Nữ nhà thơ Khánh Chi, làm thơ từ năm mới lên sáu, tốt nghiệp Học viện Văn học Macxim Gorky (Nga), có nhiều tập thơ khẳng định tên tuổi, vẫn mãi thao thức khi đánh mất “cái bọc tay thơ ngây ngày ấy của mẹ”. Và chị học cách buông để “đừng làm bị thương chính mình”. Nhà thơ Hồ Thi Ca sáng tác văn học từ năm 1976, đi qua chặng đường dài của trải nghiệm thất bại và thành đạt, cuối đời quay về với một ước mơ thật giản dị: “Bên dòng sông xòe tóc dài lồng lộng/ Tôi muốn làm một ngọn cỏ màu xanh”.

Nhà thơ Trần Hữu Dũng suốt đời sống với thơ, và có thể anh sẽ chết cùng thơ. Nhà thơ suốt đời rong ruổi trên những nẻo đường đất nước, cứ ngỡ anh lang thang, vô định mà vẫn nặng lòng với vùng đất cuối cùng của phương Nam, nơi được bồi đắp bởi những hạt phù sa của dòng sông Cửu Long trầm tích những phận người mở đất. Nhà thơ lằng nghe và nhìn thấy: “Tiếng đàn kìm dấm dẳng ứa buồn/ Cây đước nhón chân múa điệu hoang sơ”. Thật tinh tế, thâm trầm khi nhà thơ Trương Nam Hương chiêm nghiệm: “Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều hạnh phúc/ Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt/ Vẫn nhận mình thấp bé – Thản nhiên xanh...”. Nhà thơ Phan Hoàng sau những vinh quang và cay đắng cuộc đời được nếm trải tự bạch: “như con bò đi hoang trở về hít thở mùi chuồng thân thuộc/ cúi đầu tạ lỗi nghĩa trọng tình thâm/ đêm đêm canh giữ tiếng thở mẹ nhọc nhằn...”

Chiếc gai nhọn sắc hòa hồng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan làm chúng ta đau: “em mang tặng anh đóa hồng nhung thắm/ sợ gai lại ghim chính tay mình”. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh như bao người phụ nữ Việt Nam thương khó, quên mình cho chồng con, may còn có thơ để chị được là mình: “Chính mình của bươm bướm là sâu/ ... Chính mình của hoa là nụ/ Chính mình của nụ là cây...”. Mặc thế sự đảo điên, nhà thơ Thu Nguyệt lui về một miền đất hoang sơ ẩn tu, lặng lẽ gieo hạt: “Lòng ta hạt nhớ đem trồng đất quên.../Lộc non chăm chút tháng ngày/ Vậy rồi... ta thả lá bay theo mùa”. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy với tình yêu hoa dại bất tận và sâu thẳm. Chị yêu rừng nên đau đớn khi rừng bị cháy. Trái tim chị xốn xang với dự cảm rừng chết nhiều thứ cũng chết theo: “Tiếng kêu không tan/ Khi bầu trời đã mất”.

 

Ông Park Bang Hee - Chủ tịch Hiệp hội nhà văn Daegu, Hàn Quốc tặng tập thơ “Thư viện bươm bướm” của nữ nhà thơ Lee Jae Sun cho các thành viên trong đoàn Việt Nam

 

Phụ nữ vốn đa cảm. Phụ nữ làm thơ càng tinh tế, đa cảm đến dễ bị tổn thương. Nhà thơ Lê Thị Kim không chỉ làm thơ mà còn cầm cọ vẽ tranh. Chị có nhiều bài thơ phổ nhạc. Thơ ca nhạc họa đã giúp chị tìm lại thăng bằng cuộc sống. Chị mạnh mẽ đối mặt với những mất mát: “Cũng như xuân đến lại đi/ Như hạnh phúc có ai ghì lại được/ Như ta đây cứ ngỡ ta là điều có thực/ Cái phẩy tay đời ta đã hóa hư vô”... 

Tp. Hồ Chí Minh là thành phố của những con người năng động, đột phá nên thơ cũng có nhiều tìm tòi, thể nghiệm. Lê Tuân - nhà thơ của “Nghi lễ của ánh sáng” bất chợt phát hiện “Người thông thái nhất đứng ngoài thông thái”. Song Phạm đời thường khoác cho mình chiếc áo mạnh mẽ nhưng chị thật nữ tính và yếu đuối. Chị đau khi: “U, u... gió về, sóng cuộn/quặn lòng chim cuốc”. Người phụ nữ làm thơ song hành với nỗi cô đơn thường trực trong tâm hồn: “Lặng nghe tiếng kinh coong/ dội vào lòng”. Trần Lê Sơn Ý - cô gái viết tự do luôn rất tự do cho những hành trình khám phá những vùng đất lại khao khát cháy lòng một tổ ấm: “Chỉ thèm làm con chim trốn tuyết/ Vừa ngủ vừa bay cho đường về nhà bớt đi dằng dặc”. Nhà thơ Phong Việt khẳng định thơ có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, bởi anh nói hộ nỗi lòng nhiều người. Thơ anh xuất bản hàng chục ngàn bản, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Thật dung dị khi anh nói: “Có thể nói với nhau những điều đơn giản/ bữa cơm trưa nay sẽ có món gì và ngày mai luống rau nào sẽ thu hoạch/ Khuya qua gió lạnh nào về hay chiếc áo nào cần giặt.../ Thôi mình ngồi xuống đây/ kể những câu chuyện bình thường”.

Tôi rất xúc động khi nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, người có nhiều công sức tổ chức bản thảo tập thơ giao lưu văn hóa Việt Hàn đầu tiên này, khi chị đồng cảm với bài thơ Cây tâm hồn tôi, lấy làm tựa đề chung cho tập thơ. “Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi một trái tim/ Bầu nhụy hoa tươi rói/ Dâng tặng anh những gì tốt đẹp nhát/ Tình yêu của tôi/ Mơ ước của tôi/ Tinh chất của tôi/ Chấp nhận đắng cay bất hạnh riêng mình/ Tôi chôn dưới gốc rễ/ Tôi làm thế vì tin chắc một điều/ Cây tâm hồn tôi tồn tại trên thế gian này/ Bằng những nụ hoa/ Tinh khiết”. Trái tim treo trên cây tâm hồn cần yêu thương, nâng niu biết bao để dâng tặng sự sống. Cảm ơn bài thơ Đất của Lee Jae Sun - Bài thơ cuối cùng của tập sách đã gợi lên một hình ảnh đầy hy vọng, bởi đất là ngôi nhà chung, cưu mang, nâng đỡ tất cả: “Cho vạn vật sinh sôi/ Chở che là mẹ”. Một khi cây bám rễ vào mặt đất sẽ cho đời hoa trái. Bằng sự đồng cảm thơ ca, thấu hiểu để yêu thương; chúng tôi tin “Cây tâm hồn” những mùa sau luôn nở nững nụ hoa tinh khiết.

Tình Daegu

Ngài Lee Sang-gil - phó thị trưởng thành phố Daegu đến dự buổi ra mắt tập thơ. Ông chăm chú lắng nghe và xúc động khi đọc những bài thơ từ những tác giả Việt Nam. Lời phát biểu của ông rất ấm áp, chân thành: “Tôi cho rằng đây không chỉ là hoạt động giao lưu của hai Liên hiệp hội văn học nghệ thuật mà là hai triệu rưỡi người dân thành phố Daegu chào mừng đoàn văn nghệ sĩ Tp. Hồ Chí Minh... Khi chúng tôi sang Tp. Hồ Chí Minh, đã được sự tiếp đãi ấm áp từ ngài chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Cầm trên tay Cây tâm hồn, tôi rất vui mừng vì chạm đến kết quả cụ thể của hoạt động văn học của hai thành phố. Tôi xin cám ơn 15 nhà thơ Việt Nam và 30 nhà thơ Hàn Quốc đã góp phần làm nên sự thành công của tập thơ này. Thơ xuất phát từ tâm hồn con người nên có mối tương đồng giữa các nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc”…

Người Hàn có câu tục ngữ: từ trái tim sẽ xuất phát nhiều việc. Nhân dân thành phố Daegu luôn nỗ lực đưa văn hóa Hàn ra thế giới. Ông Kim Jong Seong - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố Daegu năm ấy hy vọng qua Cây tâm hồn, các bạn Hàn Quốc sẽ hiểu Việt Nam hơn. Sự đồng cảm từ hai phía sẽ tạo nên nền văn hóa mới: kết nối để hiểu và yêu thương. Ông thống nhất cùng nhạc sĩ Trần Long Ẩn, lấy tên Cây tâm hồn đặt cho tập thơ chung. Giờ là Cây tâm hồn 1 nhưng năm sau sẽ là Cây tâm hồn 2. Cứ thế, những cái cây sẽ mọc lên và cho ra quả ngọt”. Và rồi ông cười vui: “Đến cây tâm hồn thứ một trăm thì chúng ta về trời! Người ở lại sẽ tiếp tục trồng cây và ươm giữ tâm hồn”. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cười nhưng đôi mắt ông rưng rưng vì xúc động.

 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM và Ông Kim Jong Seong - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Daegu, tại sân bay quốc tế Gimhae, Busan, ngày 14-10-2019

 

Cây tâm hồn tiếp tục nở hoa

Trở về Tp. Hồ Chí Minh, ấn tượng Deagu mến khách, nồng nhiệt luôn sưởi ấm tâm hồn tôi. Tại Tp. Hồ Chí Minh, Liên hiệp Các hội VHNT luôn mong đợi đón Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Daegu đến thăm, để cùng lắng nghe và cảm nhận sự lan tỏa “Cây tâm hồn lần thứ hai” nở hoa, vào mùa thu năm 2020.

Thế rồi dịch Covid xuất hiện, lan rộng khắp nơi trên thế gới. Mọi việc phải dừng lại. Nhưng như Ngài Lee Sang-gil - Phó Thị trưởng Thành phố Daegu nói “từ trái tim sẽ xuất phát nhiều việc”, hai thành phố Deagu và Thành phố Hồ Chí Minh luôn bên nhau, dõi theo nhau, động viên nhau vượt qua sự tàn khốc của đại dịch. Từ trái tim, bản thảo Cây tâm hồn - Tập số 2 vẫn được nỗ lực thực hiện từ hai Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Deagu và Tp. Hồ Chí Minh, bất chấp sự cách ly biên giới vì đại dịch, để mùa thu thu năm 2022, những người bạn thành phố Deagu và TP.HCM được gặp nhau, được ôm chặt nhau, cùng cảm nhận niềm hạnh phúc từ những quả ngọt từ Cây tâm hồn 2 với 62 tác giả Việt Hàn (30 nhà thơ Tp. Hồ Chí Minh và 32 nhà thơ Thành phố Daegu), 62 bài thơ tiếp tục đơm hoa, kết trái...

Lần này, tại sân khấu lớn Liên hiệp các Hội VHNT Tp. Hồ Chí Minh, những nhà thơ thành phố được đón những người bạn Hàn Quốc ở thành phố Deagu. Tôi xúc động được gởi đến những người bạn Hàn Quốc “Tình Deagu”. Vâng, đêm chia tay thành phố Daegu mùa thu năm 2019 với tôi thật đáng nhớ. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt trào ra từ xúc cảm chạm đến nơi sâu kín tâm hồn, với cả những điều chôn giấu, không cần phải nói ra mà bao thấu hiểu, yêu thương. Xúc cảm dâng trào đêm ấy có cả xúc cảm lẫn dự cảm “Tôi biết đằng sau định mệnh phân ly/ Là nhớ nhung đoàn tụ/ Một thế kỷ bị cắt lìa/ Thèm lắm một cái ôm”. Và quả thật như thế, mãi ba năm sau chúng ta mới có được một cái ôm sau đại dịch. Và rồi, thơ cùng vang lên với đồng cảm, xuyên không gian, thời gian, với sự tương đồng của lịch sử. Nhà thơ Jung Choon Ja - Phó chủ tịch Hội nhà văn Daegu với nỗi đồng cảm lịch sử Việt Nam về “150 năm ngai vàng lấp lánh” khiến “Trái tim du khách cũng cô quạnh”. Bà đã viết bài thơ Ở cung điện Huế trong một lần đến Huế. Nhà thơ Hoài Vũ một lần thăm Hàn Quốc không thể quên được thời khắc một cuộc tiễn đưa. Em và mảnh lụa đào khẽ bay, rất mong manh mà bền chặt một xúc cảm tiễn biệt. Khoảnh khắc ấy đã đi theo suốt cuộc đời nhà thơ. Hoài Vũ vẫn thanh xuân, lãng mạn, nồng nàn. Với tình yêu và cái đẹp, nhà thơ dường như không có tuổi:

“Sân bay một thoáng lặng im

Là khi ánh mắt ta tìm đến nhau

Để rồi chút nữa lên cao

Thấy em và mảnh lụa đào khẽ bay”

Hình ảnh người mẹ “Đi theo hoa, nhưng rời theo hoa mãi” để lại một khoảng trống không gì lấp nổi trong tâm hồn nhà thơ Kim Cheong Su. Đài hoa sẽ kết hạt nhưng những cánh rời đi mãi. Kim Cheong Su - Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Goryeong dũng cảm đối diện với khoảng trống vắng ấy và chợt nhận ra vẻ đẹp tái sinh từ mất mát...

“Mẹ trong ngày xuân hoa nở

Đi theo hoa/ Nhưng rời theo hoa mãi rồi”

Covid là thảm hoạ nhân loại. Nhưng Covid không ngăn được hoa nở, vẫn rực rỡ những đoá Mugunghoa. Trong cơn lốc đại dịch, những nhà thơ ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn làm thơ với khát vọng hồi sinh thì nhà thơ Kim Young Ran gởi thông điệp Bạn và tôi:

Covid 19/ Che/ Mắt lại và/ Ngay cả khi/ Quay lưng đi/ Hoa đua nở/ Rực rỡ/ Hoa Mugunghoa/ Đã nở rồi/ Bạn có biết không?

Cùng nỗi đồng cảm ấy, trái tim nhà văn Bích Ngân trong đại dịch Covid-19 đã “Nghiêng về phía nỗi đau”, chia sẻ những bất an, hoà cùng nhân loại những giọt nước mắt từ nỗi đồng cảm con người trong đại dịch. Covid rồi sẽ qua đi nhưng nỗi đau thì còn lại. Nỗi đau cho chúng ta hiểu hơn sức mạnh tình yêu thương. Vâng, để trái đất này bớt đi nỗi đau, mỗi người cầm trên tay những hạt giống để gieo trồng hy vọng, gieo trồng yêu thương. Bài thơ “Hạt giống” của Kim Seong Min cho chúng ta niềm tin và sự dũng nhìn vào tương lai

Nhỏ nhắn và nảy mầm

Lớn lên hướng về phía bầu trời

Hạt giống đã quyết tâm rồi

Từ giây phút này cho đến khi chết sẽ không có chuyện nó sẽ nằm xuống”

Xin cảm ơn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố Daegu và Tp. Hồ Chí Minh, xin cảm ơn hai đất nước Việt Nam và Hàn Quốc, hai thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Deagu từ nhiều năm đã nỗ lực gieo những hạt giống, đã không ngừng vun đắp để Cây tâm hồn đầu tiên nở hoa, tiếp theo là Cây tâm hồn lần thứ hai và Cây tâm hồn n lần sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái, bởi “Hạt giống đã quyết tâm rồi”.

Trầm Hương

Nguồn Văn nghệ số 5/2023


Có thể bạn quan tâm