April 29, 2024, 7:53 am

Cảm hứng và khát vọng*

Trong lời tác giả, nhà thơ Nhất Phương thổ lộ: “bình thường tôi không thích người có tham vọng, chỉ quí người có khát vọng. Bởi đơn giản tham vọng là xấu, khát vọng là tốt.

Nhưng trớ trêu thay, lần này thì tôi buộc phải yêu tham vọng của mình, bởi lịch sử Trái đất & Loài người đối với tôi khi ấy chỉ là một lần nghĩ thoáng qua, một chốc liếc mắt đưa tình, chứ chưa hề có hy vọng hay khát vọng, được nuôi dưỡng trong lòng để có chút viết về cái bao la vĩ đại ấy”. Khi đọc Trường ca Hai Phía Mặt Trời – Sử thi Trái đất & Loài người nó lộ ra rất rõ ràng tham vọng và khát vọng, chính là chủ đạo xuyên suốt toàn bộ nội dung tác phẩm, đúng như Nhất Phương thú nhận. Lấy đối tượng Trái Đất & Loài người để viết là quá sức tưởng tượng, nó đòi hỏi một tư duy sáng tạo đặc biệt. Vậy Nhất Phương có sợ không? Xin thưa là có! “Tôi bắt tay viết ngay chương đầu – Trường ca Con cóc (tên gọi thô sơ, khiêm từ vì sợ người ta cho mình tự cao, tự đại, khi quả quyết với bà nàng yêu rằng (bà xã): nếu anh viết được chương đầu êm thuận và hay, thì coi như trong cuộc đua marathon này có khả năng anh sẽ về đích”.

Thể loại Trường ca có nhiều người viết, nhưng viết hay và để thật hay lại càng khó. Các nhà thơ hiện đại Việt Nam có những Trường ca nổi tiếng như Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên; Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm; Nước non ngàn dặm của Tố Hữu; Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn; Sức bền của đất” và Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh… Nhưng phát triển rầm rộ đều viết sau giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sử thi cổ ở nước ta cũng không hiếm, nếu không nói là nhiều, được phát hiện trong các dân tộc thiểu số nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Nét nổi bật Sử thi đa số thuộc loại văn học dân gian vừa kể vừa hát về một truyền thuyết, câu chuyện lịch sử, xoay quanh những nhân vật Anh hùng đại diện cho một cộng đồng dân tộc. Có thể kể đến Sử thi của người Ba Na Hơmonhơri. Sử thi A chất, của người Tà Ôi, Pa Kô. Người Mường có Đẻ Đất Đẻ Nước, với sự tích Trống Đồng. Đặc biệt dân tộc Ê đê có sử thi Đăm Săn, được những nhà nghiên cứu người Pháp có công sưu tầm dịch thuật và công bố ra thế giới. Thế giới cũng có rất nhiều sử thi, điển hình và vĩ đại nhất là bộ sử thi Illiad và Odyssey của Hy Lạp cổ đại. Ấn Độ có bộ sử thi Mahabharata, hay còn được hiểu là “Câu chuyện vĩ đại về triều vua Bharath” ra đời vào khoảng thế kỷ 11 TCN đến thế kỷ 10 TCN. Các bộ sử thi trên rất đồ sộ, nếu không nói là cực kỳ đồ sộ! Bộ sử thi Illiad gồm 15.693 dòng thơ chia thành 24 quyển. Sử thi Mahabharata độ dài tới 200.000 câu và còn có những đoạn văn xuôi, tổng cộng lên tới 1.8 triệu chữ. Các bộ sử thi vĩ đại đó là niềm tự hào của phương Tây và của Ấn Độ. Trớ trêu thay, chúng ra đời đều sau các cuộc chiến tranh đẫm máu của con người. Phải chăng tham vọng chính là nguồn gốc nảy sinh ra cái xấu như quyền lực, của cải, tình nhân gái đẹp? Những quyền lực như vậy, không được xây dựng một cách minh bạch, không được các tầng lớp lao động bình dân ủng hộ là nguyên nhân để những người Anh hùng sử thi xuất hiện.  

Trường ca sử thi Hai Phía Mặt Trời của nhà thơ Nhất Phương ra đời trong thời đại kỹ thuật số, đôi khi ta hay lạm dụng dùng từ 4.0 mới ra đời được Tập I, nhưng đã gây choáng về độ hình thức. Choáng vì, gã này có điên không? Gã như đang bay ngoái nhìn lại 4 tỉ năm về trước, khi vụ nổ Big Bang xảy ra hình thành nên trái đất, rồi biến hóa, thay đổi từ những con vật đến loài người văn minh ngày nay, thì gã đang ở đâu? Tất nhiên gã đang ở thời đại chúng ta, cách nhau cũng 4 tỉ năm?! Nhất Phương liều là chỗ đó! Hai Phía Mặt Trời dày 1.115 trang, trung bình mỗi trang 32 câu (dòng), vị chi có 35.680 câu. Nhưng được biết Nhất Phương chưa dừng lại ở Tập I, vẫn trên hành trình sáng tạo để cho ra các Tập tiếp theo 2,3,4,5, tổng cộng khoảng 7 ngàn trang để hoàn thiện trường ca. Công bằng mà nói, so với các Trường ca của các nhà thơ Việt Nam từ trước đến nay là đồ sộ chưa bàn tới nội dung, nhưng so với Sử thi IlliadOdyssey của Hy Lạp và Mahabharata Ấn Độ chưa là gì.

Có thể ai đó sẽ hỏi: “Nhất Phương có làm nổi không, khi năm nay (2023) nhà thơ đã 73 tuổi rồi?”. Nhưng những ai từng biết, từng hiểu và yêu quí Nhất Phương thì lòng tin nhất định sẽ thực hiện được! Vậy họ tin vào điều gì? Đó là bản tánh mạnh mẽ, cộng với tài năng! Và đây là lời tự bạch của Nhất Phương: “Tôi theo Cách mạng cũng hết mình, không ngoái đầu nhìn lại để xét nét, băn khoăn, đánh giặc cũng đánh hết mình dù có vảnh bàn chân cũng không sợ. Yêu cũng yêu hết mình, thù cũng thù hết mình. Học cũng học hết mình, sống luôn luôn hết mình”. Còn biết Nhất Phương có một lời thề rất máu lửa: “còn một hơi thở còn chiến đấu!”. Đến đây có lẽ những ai chưa tin, chắc phải suy nghĩ lại: “con người này không thể không liều”! Một người bạn thời chiến tranh chứng kiến Nhất Phương gan dạ có tiếng, thoát chết không biết bao nhiêu lần và anh ấy nói: “khó có ai qua khỏi 99 lần thoát chết, nhưng với Trúc Phương (tên của Nhất Phương ngày đó) thì… hẳn là có tới 101 lần. Trúc Phương rèn luyện cho mình một phản xạ chiến tranh đặc biệt tinh nhạy hơn người khác, bởi hàng ngày, hàng tuần, đều đối diện với cửa tử thần”. Còn tôi nếu cộng thêm một cửa tử thần nữa sẽ lên con số 102, bởi Nhất Phương trong quá trình viết Hai Phía Mặt Trời vẫn tiếp tục chiến đấu để vượt cửa tử căn bệnh quái ác, bằng chứng là kết quả ra đời Tập I, Sử thi Trái Đất & Loài Người thật hoành tráng. Thật sự tôi không có ý so sánh nhiều với các tác phẩm sử thi khổng lồ nổi tiếng trên thế giới, nhưng vẫn phải dẫn ra để làm rõ hơn cái được cái chưa được của Trường ca Hai Phía Mặt Trời của Nhất Phương. Hầu hết các sử thi như ta đã biết, nhân vật chính là những người anh hùng như trong Illiad và Odysey của Hy Lạp có Zeza… trong cuộc chiến thành Troy và người đẹp Cleopat. Sử thi Mahabharata của Ấn Độ có hai anh em cùng họ là Karava và Padava, trong cuộc tranh Câu Lư năm 3067 TCN. Nhưng Hai Phía Mặt Trời của Nhất Phương, đối tượng là Trái Đất & Loài Người đây chính là sự khác biệt. Văn chương còn gọi là cái mới, ẩm thực gọi là món ngon, khoái khẩu cần khám phá. Vậy hãy khám phá xem sao?

1.115 trang, trên 3 vạn câu, mở đầu cho cả một trường ca đồ sộ nói về Trái Đất, sau vụ nổ Big Bang có thể xem là hợp lý. “Cuộc mặn nồng từ hôm trước/ có hay không/ mà vũ trụ hoài thai”. Ở khúc 2, tôi thích những câu thơ như thế này, cũng trôi đi theo trình tự logic: “Như đứa trẻ mồ côi/ từ những ngày rời dạ mẹ/ nhau rún bẩy bời vạn dặm mờ xa/ đám tinh vân cỏn con/ tự tìm bụi thiên hà mà ăn/ tự tìm mây mà uống/ tự nuôi nấng mình bằng lửa thừa, khói cặn/ những vệt sao rơi vung vất bên đường/ những mảnh thiên thạch mềm thiu rữa/ những bợn rác nổi trôi/ trái đất đáng thương lớn lên/ trong còi cọc, tật nguyền”. Lối kể tự sự giàu cảm hứng, nhưng giản đơn từ một khái niệm lớn Trái đất, là kết quả hoài thai của vũ trụ, rồi trái đất biến hóa hàng tỉ năm kiểu như chắt lọc, đào thải, rồi lại chắt lọc lấy cái tinh túy nhất tạo ra loài người. Loài người thống trị thế giới, sự phát triển khác nhau, văn minh văn hóa khác nhau, từ Phương Tây sang phương Đông, được nhắc tới qua những sự kiện, những tên tuổi, triều đại nổi tiếng, nhưng cũng đầy bi kịch. Trường ca Hai Phía Mặt Trời vừa hiện đại vừa có chất âm hưởng thi ca cổ. Khẩu ngôn trong Trường ca Hai Phía Mặt Trời phản ảnh tài hoa, tính cách mạnh mẽ của nhất Phương cũng là đáng nói. Chương sáu - Babylon. Khúc 27: “Người Babylonian/ thành phố Babylon/ vương triều Babylon/ giữa trời sao kỳ mỹ/ Hỡi cư dân Babylon/ các người từ đâu đến/ mà đường đỉnh kiêu sa/ gót chân, nụ cười mắc ngang mây trắng/ có hay không những thần linh thượng đẳng/ đã về cùng Babylon đầm ấm với con người…?”. Hay ở Chương tám - Phương Đông: “Phương Đông! Ơi, phương Đông xa xôi/ mé nắng còn rứng bóng mặt trời/ năm chục ngàn năm người hóa đá/ khém rừng còn đó nụ cười rơi” rõ ràng ngôn ngữ phương Đông mềm đi so với phương Tây. Trong tất cả những đoạn, những khúc trích dẫn nói trên so với trên 3 vạn câu của Trường ca còn là quá ít, nhưng đã có những câu hay, ý hay, đặt vào đó thật tinh tế như “gót chân nụ cười mắc ngang mây trắng. Hay “mé nắng”, “khém rừng còn đó nụ cười rơi” cũng rất tuyệt và rất Việt.

Nhưng liệu có chủ quan không, ấy là tôi nghĩ. Tập I như càng về sau càng đuối. Cuộc Marathon của Nhất Phương còn dài lắm, tham vọng sẽ đạt đến đỉnh 7.000 ngàn trang, tính ra ít nhất phải in tiếp 5 tập nữa? Nói thế, nhưng tôi vẫn muốn nhà thơ Nhất Phương cố lên vì khát vọng?! Và cũng biết đâu 10, 20, 200 năm sau, đây sẽ là tác phẩm hot.

_______

* Trường ca của Nhất Phương, NXB Hội Nhà văn, 2023   

Đỗ Viết Nghiệm

Nguồn Văn nghệ số 33/2023   


Có thể bạn quan tâm