May 4, 2024, 1:06 pm

Bất chợt mai vàng: Tiếng gọi của lương tri

Bất chợt mai vàng là tập truyện của nhà văn Nguyễn Trí Huân được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023. Tác phẩm gồm hai truyện dài, một truyện cùng tên của tập sách, truyện còn lại là Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót. Điểm chung trong cả hai truyện đó là hai nhân vật chính - người lính - đều mang mặc cảm tội lỗi, sống trong sự dằn vặt suốt phần đời còn lại trước những sai lầm trong quá khứ, đối diện với tòa án lương tâm của chính họ.

 

Nẻo vào bi kịch

Ông Tuân, nhân vật chính trong Bất chợt mai vàng là người luôn toan tính, vụ lợi và vị kỉ vì lập trường dao động trong những năm chiến tranh. Lối sống ấy của ông đã đẩy người đồng đội tên Kháng đến cái chết.

Vì gia đình thành phần, bố từng đi lính cho Pháp, luôn phải sống trong sự nghi kị của dân làng nên Kháng quyết định tình nguyện nhập ngũ. Sự trong sáng và khát khao cống hiến của anh trong mắt Tuân lại trở thành sự giễu cợt ngầm. Sẵn sàng nhận về những nhiệm vụ nguy hiểm, thay thế đồng đội trong các tình huống sinh tử vô điều kiện, cuối cùng Kháng đã hi sinh trong trận công kích sân bay. Còn sống trở về nhưng ông Tuân luôn bị dằn vặt bởi những gì đã gây ra cho người đồng đội. Vì những sai lầm trong quá khứ, phần đời còn lại của ông đã rơi vào bi kịch, sống trong sự tự ti, tự dằn vặt, chui lủi không ra con người.

Sự hèn nhát, trốn tránh nhiệm vụ của ông xuất phát từ nguyên nhân chính là ông không muốn chết, muốn bảo tồn nòi giống cho dòng họ vốn đời nào cũng độc đinh của mình. Ở phút cuối sau đào ngũ ông Tuân đã hồi tâm, trở lại đầu thú, chịu giam giữ cải tạo ba năm và bị tước quân tịch trả về địa phương. Vợ có chồng mới, ông lấy một người đàn bà câm, sinh được hai người con nhưng đều khuyết tật do ông bị ảnh hưởng chất độc hóa học nơi chiến trường. Quan trọng hơn là sự khuyết tật trong chính tâm hồn ông cũng như việc ông không thể tha thứ cho chính mình.

Nếu như sai lầm của ông Tuân xảy ra nơi chiến trận thì sai lầm của ông Phong trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót lại ở ngay chính quê hương. Trên vai trò là đội phó đội cải cách ông đã phạm phải sai lầm khi đấu tố bà Thuộc, cô ruột, người đã cưu mang mình khi bố mẹ ông bị địch giết hại. Trước cú sốc tâm lí, bà Thuộc đã trở nên cấm khẩu, như là một cách tuyệt giao với đời sống. Vì sai lầm chết người đó mà ông Phong đã từ bỏ mọi thứ, nhập ngũ vào chiến trường. Trải qua chiến trận, ông đã lập công lớn, trở thành anh hùng đi đến đâu nói chuyện cũng được tung hô thán phục. Tuy nhiên khi về làng ông vẫn bị khước từ tất cả bởi “Đến tổ tiên, dòng họ nó còn từ bỏ thì anh hùng cái nỗi gì” như lời ông Cài trưởng họ.

Sau cuộc chiến, do sức khỏe, ông chuyển ngành, làm vụ trưởng của một vụ quan trọng thì vết đen trong quá khứ ấy vẫn cứ đeo bám ông, như kim chỉ nam quy chiếu mọi hành động của ông. Ông đã làm mọi thứ những mong cân bằng lại những lỗi lầm mình đã gây ra. Không có một tòa án nào kết tội nhưng ông tự căng mình ra trước tòa án lương tâm để chịu sự phán xét. Ông chỉ được ghi lại tên vào gia phả, được họ hàng đón nhận trở lại khi trở về dưới hình hài là bình tro cốt do chết vì Covid.

Hai nhân vật chính trong Bất chợt mai vàng chỉ vì một sai lầm nhất thời mà phải trả giá bằng cả phần đời còn lại. Ở một góc độ nào đó họ cũng là nạn nhân theo những cách khác nhau. Hai bi kịch khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm, đó là sự không yên ổn trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Sau những đấu tố nội tâm

Đọc Bất chợt mai vàng có thể nhận thấy thông điệp từ tác phẩm, rằng, trong sâu thẳm mỗi con người, cái thiện vẫn là bản nguyên, để con người ta dù mắc phải những sai lầm, làm điều gì trái với đạo lí thì sẽ khó có thể thanh thản mà sống tiếp. Cho dù, những sai lầm của họ đôi khi thuộc về thời thế, thuộc về lịch sử, thuộc về nhận thức của một thời, họ chỉ là một mắt xích nhỏ trong ấy, như ông Phong trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót.

Cải cách ruộng đất đã có một độ lùi, sau những xót xa, căm phẫn bề mặt là những vết thương sâu. Tiếp tục mổ xẻ nỗi đau và hệ lụy từ nó trong từng thân phận, các nhà văn đã đi sâu vào bi kịch từ cả hai phía, những oan khiên của kẻ bị đấu tố và cả những trả giá của nhân vật đấu tố. Và sự hồi tâm ở phía những người cải cách đã được Nguyễn Trí Huân chiếu rọi trong những nội soi thấu buốt. Không chỉ ông Phong mà cả nhân vật phụ - người đội trưởng trong Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót - cũng lãnh một cái kết bi đát sau cải cách: bỏ đi lang thang và chết đường chết chợ.

Sai lầm của ông Phong được quy chiếu bởi những luật tục của dòng họ. Ông đã bị gạch tên khỏi gia phả dòng họ, một hình phạt đau đớn nhất, tàn khốc nhất. Trong mắt người làng, ông mãi chỉ là thằng con nhà Mõ đã phạm tội vô pháp vô thiên. Cả đời trả nghiệp, ông sống trong khắc kỉ, tự nhốt mình trong chiếc lồng của những định kiến.

Sai lầm cũng có thể là do nhận thức từ hệ thống tư tưởng bất tuân theo cái chung, quỹ đạo tư duy không đồng điệu với quỹ đạo tư tưởng của thời thế, của đất nước, của dân tộc trong thời đoạn ấy như ông Tuân trong Bất chợt mai vàng. Từ sự bất tuân ấy, cái gốc của vấn đề đã dẫn tới một loạt suy nghĩ, hành vi ngày một li tâm xa khỏi guồng máy chung, để rồi cao trào là cuộc đào thoát khi đi tìm xác người đồng đội vì đi chiến đấu thay ông mà đã bỏ mạng. Sự giằng xé giữa những trận tuyến của tư tưởng nội tại của ông Tuân diễn ra trong suốt một thời gian dài. Có chăng là nhân vật Kháng, liệt sĩ, anh trai tác giả, có phần nhu nhược, tuy không thỏa hiệp nhưng đã không đấu tranh, không làm lộ cái sự ngược chiều ấy của đồng đội, để anh ta ngày một đi xa, đến mức không còn cứu vãn được nữa. Cái chết đến với Kháng như một chọn lựa, đến từ từ. Bên cạnh một đồng đội có tư tưởng bất ổn bất tuân ngấm ngầm như vậy, có lẽ chính Kháng cũng ý thức được rằng, chẳng chóng thì chày, không sớm thì muộn tai họa cũng sẽ ập đến, không với cá nhân thì với tập thể. Sự nhu nhược, thỏa hiệp với cả cái xấu, cái ác đã không cứu giúp được đồng đội mà còn nguy hại đến chính bản thân của Kháng. Bởi vậy, trong những lỗi lầm của Tuân còn có cả những sai lầm của Kháng, của đồng chí đồng đội và mỗi người đều phải trả giá theo những cách khác nhau. Nạn nhân không hoàn toàn là nạn nhân mà có sự tương tác, đan bện để ngẫm nghĩ về thời cuộc.

Đọc Bất chợt mai vàng có thể thấy những trang viết của Nguyễn Trí Huân có xu hướng đi sâu vào nội tâm nhân vật, day dứt và tinh tế, bằng những tình tiết giản mộc như mạch ngầm li ti ngấm dần, ngấm dần đến một lúc trở nên lạnh buốt và thấm thía. Toàn tác phẩm toát lên khát vọng về một xã hội lí tưởng, về một cuộc sống giá như không có những sai lầm, không có đất cho những cái ác nảy nở được. Phải chăng từ niềm tin “nhân chi sơ tính bản thiện” đó mà mỗi nhân vật trong tác phẩm của ông luôn có sự tự vấn, tự vấn trước sai lầm trong quá khứ, tự vấn trước hiện tại, để họ, dù làm bất cứ điều gì sau những sai lầm ấy luôn vang vọng tiếng gọi của lương tri.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm