April 29, 2024, 8:11 pm

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập

Ngày 26-8 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL khai mạc Hội thảo-Hội nghị-Tập huấn với chủ đề "Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh".

 

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung quan điểm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản  đã có nhiều tín hiệu tích cực, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều.

Một số địa phương, các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức…

Theo đó cần nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản, đặc biệt nối lên  nhiều vấn đề nóng liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể đã được các nhà khoa học lẫn các nghệ nhân thực hành di sản nêu ra một cách thẳng thắn, trực diện. 

Tại hội thảo, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng cộng đồng thực hành, sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn và phát huy các giá trị. Chính vì vậy, cộng đồng phải có hiểu biết đầy đủ, để trở thành cộng đồng thông minh, có kiến thức trong lĩnh vực này, trong đó việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giữa các địa phương sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.

Đứng ở góc độ nghiên cứu khoa học,  Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ hơn. Ở đây, trước hết đóng vai trò quan trọng là các nhà khoa học với những hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am tường về di sản. Họ phải là đội ngũ có tiếng nói tích cực, giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của di sản đến với dân chúng và phổ biến cách thức thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống. Bên cạnh đó, là vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đại chúng - công cụ hữu hiệu trong việc tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện tích cực, đồng thời điều chỉnh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, trục lợi, thương mại hóa di sản, vi phạm các thuần phong, mỹ tục…

Hội thảo cũng đặt ra vấn đề tăng cường công tác quản lý di sản tại cộng đồng dân cư địa phương. Đồng thời chỉ rõ, vấn đề thay đổi tư duy trong công tác quản lý, di sản là gắn với chủ nhân sản sinh ra di sản vô cùng quan trọng . Vì thế không thể để xảy ra tình trạng lợi dụng di sản hay cộng đồng bị gạt ra bên lề, không còn tham gia vào việc tổ chức, thực hành, vô hình chung làm cho di sản mất đi chủ nhân và bị biến dạng.

VK


Có thể bạn quan tâm