April 29, 2024, 10:47 am

Bảo vệ di sản văn hóa nghệ thuật trong chiến tranh và thiên tai

Theo Liên Hiệp quốc: Trận động đất xảy ra rạng sáng hôm 6/2/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thương vong có thể lên đến 50 ngàn người. Nhiều công trình xây dựng, trong đó tổn thất nghiêm trọng ở các địa điểm khảo cổ và lịch sử bao trùm khu vực này như Lâu đài Gaziantep (lâu đài có tầm quan trọng rất lớn trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ) Pháo đài Diyarbakir, Nhà thờ Hồi giáo Yeni Cami ở Malayta và Cảnh quan Văn hóa Vườn Hevsel. Địa điểm khảo cổ nổi tiếng Nemrut Dag...

Không phải thiên tai, mà chiến tranh đã gây ra: Ukraine đã sắp tròn một năm chiến sự. Ngoài những sinh mạng thường dân bị thiệt hại, nghệ thuật và các nghệ sĩ Ukraine đang phải đối mặt với sự tàn phá và mất mát. Các bảo tàng chạy đua để bảo vệ các bộ sưu tập của họ, các phòng trưng bày buộc phải đóng cửa và các nghệ sĩ đang cố gắng tồn tại và tìm kiếm sự an toàn. Tổn thất tương tự đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua ở Syria, Afghanistan, Libya, Iraq. Câu hỏi là: Làm thế nào để bảo vệ các di sản nghệ thuật và văn hóa vô giá của nhân loại trước chiến tranh và thiên tai?

Nhân viên tại Bảo tàng Quốc gia Andrey Sheptytsky (Ukraine) di tản các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: renaissancereframed.com

Ở Ukraine: Vào ngày 1 tháng 3/2022, Trung tâm Cứu hộ Di sản Văn hóa được thành lập tại Lviv, cho phép các viện bảo tàng, tổ chức văn hóa nhận được sự hỗ trợ tình nguyện nhanh chóng trong việc bảo quản các bộ sưu tập của họ. Các tình nguyện viên của phòng trưng bày cung cấp viện trợ nhân đạo cho các vùng bị chiến tranh tàn phá và sơ tán các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật khỏi các khu vực bị ném bom.

Đồng thời, các doanh nhân, tổ chức xã hội và tình nguyện viên Ukraine đã tham gia vào việc bảo tồn các di tích bất động ở các thành phố khác nhau, bao phủ chúng bằng bao cát, bảo vệ chúng bằng ván hoặc bọc chúng trong nhựa hoặc lưới bảo vệ. Trong khi đó, các tổ chức châu Âu đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các di tích Lviv. Đặc biệt, Ba Lan đã gửi ba toa xe chở vật liệu bảo vệ đến thành phố.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các đối tác nước ngoài từ Ba Lan, Slovenia, Latvia, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và các quốc gia khác đã tích cực tham gia vào việc bảo tồn các bộ sưu tập bảo tàng và di sản văn hóa Ukraine, cung cấp tài chính, hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật. Đại diện của các bảo tàng Ba Lan đã thành lập Ủy ban Hỗ trợ Bảo tàng Ukraine, nhằm mục đích hỗ trợ việc bảo vệ các bộ sưu tập, các tác phẩm nghệ thuật và di tích có giá trị nhất của văn hóa Ukraine.

Ngoài ra, tất cả các hiện vật thuộc di sản văn hóa của Ukraine đều được lưu trữ kỹ thuật số bởi các tình nguyện viên từ dự án quốc tế, “Cứu vãn di sản văn hóa Ukraine trực tuyến” (SUCHO). Nhóm bao gồm hơn 1.300 lập trình viên, thủ thư, nhà lưu trữ, nhà nghiên cứu và nhà khoa học máy tính nghiệp dư.

Trước đây người ta đã thảo luận về công việc của Monuments Men trong Thế chiến thứ Hai, những người được giao nhiệm vụ bảo vệ và thu hồi các tác phẩm nghệ thuật gặp nguy hiểm trong chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh gần đây, trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa đã thuộc về các cộng đồng địa phương đang bị tấn công để thu xếp việc di dời, cất giữ hoặc bảo vệ các địa điểm văn hóa. Ở Syria, nhiều công dân đã tình nguyện dành thời gian để bảo vệ di sản của họ, làm việc với chính quyền địa phương để bảo vệ các công trình khảo cổ học và bảo tàng khỏi nạn cướp bóc đã tàn phá nhiều bộ sưu tập văn hóa của đất nước. Kể từ năm 2021, Afghanistan đã thận trọng chấp nhận bảo vệ các bảo tàng và di sản của họ khỏi Taliban những người đã thề sẽ bảo vệ nó, nhưng có những lo ngại nảy sinh rằng các chiến binh có thể đảo ngược lời hứa của họ và nhắm mục tiêu vào các di sản giống như họ đã làm với việc phá hủy các tượng Phật 1500 năm tuổi ở Bamiyan vào năm 2001.

Trong xung đột vũ trang, thiên tai, việc bảo vệ di sản văn hóa nghệ thuật và thiên nhiên đang ngày một cấp bách. Chúng ta không chỉ dựa vào các khung pháp lý quốc tế được các quốc gia ký kết trong các công ước như La Hay, công ước Paris, mà còn phải trông chờ vào các lực lượng chuyên nghiệp giải cứu di sản văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ khủng hoảng.

Một tượng đài ở Ukraine được chất bao cát để bảo vệ khỏi bom đạn

Gần đây, tại Hoa Kỳ, một nhóm “Các sĩ quan di tích” đã được đào tạo để bảo vệ nghệ thuật giữa chiến tranh. Họ là một nhóm chuyên gia nghệ thuật đã được đào tạo chuyên sâu để trở thành một phần của Quân đội Dự bị Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của họ là giúp bảo tồn các di sản văn hóa ở các vùng chiến sự. Họ sẽ làm việc trong khả năng quân sự để xác định và bảo tồn các kho tàng văn hóa trên khắp thế giới đang bị đe dọa bởi xung đột, giống như Monuments Men of World War II. (Năm 1943, chương trình Di tích, Mỹ thuật và Lưu trữ (MFAA) được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ và Chính phủ Quân sự của quân đội Đồng minh như một phần trong nỗ lực phối hợp để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu lưu trữ và di tích có ý nghĩa lịch sử và văn hóa khắp châu Âu. Đại diện cho mười ba quốc gia, 345 đàn ông và phụ nữ tình nguyện phục vụ trong nhóm này. Trong hàng ngũ của họ có những người phụ trách bảo tàng và các nhà sử học nghệ thuật, cũng như những người khác được đào tạo chuyên môn cho phép họ xác định và chăm sóc các tác phẩm nghệ thuật buộc phải di dời hoặc bị hư hại trong điều kiện khó khăn của thời chiến. Với nguồn lực và quyền hạn hạn chế, những người phụ trách di tích cuối cùng đã có thể theo dõi, xác định vị trí và trả lại hơn năm triệu hiện vật văn hóa bị cướp phá. Nếu không có công lao của họ, hàng vạn tác phẩm nghệ thuật vô giá đã mãi mãi biến mất khỏi thế giới. Những câu chuyện của họ đã được ghi lại và chuyển tiếp trong tác phẩm của Robert M. Edsel và cuối cùng đã tạo cơ sở cho một bộ phim năm 2014 của George Clooney, “The Monuments Men”).

Ngoài ra, ở Ý, Nhóm Mũ bảo hiểm văn hóa xanh đã đóng góp, phối hợp với Comando TPC, vào việc khôi phục và bảo vệ hơn 29.500 tài sản văn hóa có nguy cơ bị phá hủy, phân tán và trộm cắp ở miền Trung nước Ý và trên đảo Ischia. Họ cũng cho phép đào tạo nhân viên của Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa và Cổ vật ở Iraq và thành lập một lực lượng đặc nhiệm chị em ở Mexico (từ trang web của Ministryo della Cultura 2022).

Trên tất cả, là ý thức cộng đồng. Ở Ukraine, trước khi sự giúp đỡ đến từ các quốc gia khác, thì những câu chuyện về người dân địa phương lao vào bảo tàng đang cháy để cứu tác phẩm của một nghệ sĩ được yêu mến, họ làm việc cùng nhau để bảo vệ các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật, về những nhân viên làm việc nhanh chóng để bảo tồn lịch sử văn hóa của quê hương họ tiếp tục được lan tỏa. Còn với động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, UNESCO đang làm việc với nhóm chuyên gia của mình để thiết lập một bản kiểm kê thiệt hại với mục đích ổn định các địa điểm này và xây dựng lại chúng. Dẫu sao, chúng ta hiểu rằng, có những di sản văn hóa nghệ thuật là bất khả tái tạo.

Ý Dĩ Trần

Nguồn Văn nghệ số 8/2023


Có thể bạn quan tâm