April 29, 2024, 1:33 pm

Bài thơ “Năm mươi năm quân ngũ” của Nguyễn Đăng Giáp

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ

 (27/07/1947 – 27/07/2023)

Trong sáng tạo nghệ thuật có những bài thơ được viết bằng kỹ thuật của sự sắp xếp ngôn từ nhưng có những tác phẩm lại được sáng tác từ trải nghiệm của trường đời

 

Bài thơ "Năm mươi năm quân ngũ" của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp được viết bằng sự trải nghiệm của tác giả từ chiến trận đến thương trường, qua bao gian lao vất vả, thăng trầm của đời quân ngũ ông đã chắt lọc thành những vần thơ từ tâm can của mình.

 

Bài thơ đã được Nhạc sĩ Doãn Tiến phổ nhạc thành bài hát và ca sĩ Tùng Dương thể hiện rất thành công. Đọc bài thơ rồi nghe bài hát ta bỗng thấy rưng rưng xúc động, lời thơ nốt nhạc thăng hoa và đã chạm đến trái tim của mọi người.

 

NĂM MƯƠI NĂM QUÂN NGŨ

 

Tròn năm thập kỷ đời binh nghiệp

Sáu bảy hạ vàng dạ sáng trong

Xa xứ ly hương làng Đông Chử

Muôn dặm ngàn trùng sải bước chân.

 

Trường Sơn hùng vĩ hồn thi sỹ

Cho dù đạn réo với bom rơi

Nâng cánh lan rừng vòng tay lái

Mà lòng chan chứa một hồn văn.

 

Ai Lao gian khổ mười năm đủ

Lạm dụng sức trai cả một thời

Tình yêu hạnh phúc ngoài mong đợi

Ra Bắc vào Nam Mã dặm dài.

 

Ba sáu tuổi đời thiên mệnh triệu

Điều binh lập nghiệp chốn đô thành

Lăn lộn mưu sinh thời mở cửa

Tay trắng làm nên cả cơ đồ.

 

Khí phách hiên ngang ông đồ Nghệ

Nơi chốn quan trường “nhục liền vinh”

Quân tử chính danh là ảo ảnh

Anh hùng - Thi sĩ:  Đức - Lưu - Quang.

Hà Nội, 28/12/2020

Rằm tháng 11 năm Canh Tý

 

Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã tròn 5 thập kỷ trong đời binh nghiệp. Ông đã trải qua bao vất vả, gian lao, trên chiến trường ba lần đương đầu với cái chết và mang trên mình nhiều thương tích nhưng khi ra khỏi chiến tranh, người chiến sĩ ấy lại bước vào một cuộc chiến sinh tử khác đó là cuộc chiến trên thương trường. Đây là cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go thử thách. "Thương trường như chiến trường", đã mang trong mình màu xanh áo lính, được tôi rèn trong môi trường quân ngũ lại mấy lần vào sống ra chết trên chiến trường Nguyễn Đăng Giáp xông pha vào mặt trận phát triển kinh tế, xây dựng đất nước với hành trang là niềm tin, bản lĩnh của người lính và tài trí của bản thân.

Bài thơ "Năm mươi năm quân ngũ" là lời tự sự, là bản tổng kết cuộc đời quân ngũ bằng thơ của tác giả. Qua bài thơ tác giả muốn gửi gắm những tâm tư, cảm xúc và là một thông điệp về tình yêu, niềm tin trong cuộc sống.

Mở đầu bài thơ tác giả đã khái quát "Tròn năm thập kỷ đời binh nghiệp - Sáu bảy hạ vàng dạ sáng trong" và từ xứ sở "cồn khô, cát bạc" ấy ông đã xa xứ ly hương và sải bước chân đến muôn dặm ngàn trùng. Đến khổ thơ thứ hai tác giả đã thể hiện khí phách hiên ngang và trái tim thật lãng mạn của chàng lính trẻ khi chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại, trên con đường Trường Sơn trùng điệp ấy không chỉ có đạn bom, rừng sâu nước độc mà trên những chặng đường khốc liệt đó còn có những người lính với tinh thần yêu nước mãnh liệt và trái tim lãng mạn, yêu đời đến không ngờ:

"Trường Sơn hùng vĩ hồn thi sĩ

Cho dù đạn réo với bom rơi

Nâng cánh lan rừng vòng tay lái

Mà lòng chan chứa một hồn văn".

Có lẽ khi đối diện với khó khăn khốc liệt của chiến tranh, đối diện với cái chết luôn kề bên thì người lính cần có một tin thần lạc quan, lãng mạn, yêu đời để làm điểm tựa vượt qua sự khốc liệt và chết chóc đó. Vượt lên tất cả, tình yêu của người lính đã chiến thắng mọi khó khăn vất vả, vượt lên cái chết để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Những đoàn xe vẫn xuyên rừng Trường Sơn ra tiền tuyến mặc cho đạn réo với bom rơi. Trong những chiếc xe ra trận đó là trái tim yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương của những chàng lính trẻ mới mười tám đôi mươi với hành trang là chiếc ba lô, cây súng và một cánh phong lan rừng trong buồng lái. Một cảnh tượng đối lập giữa địch và ta, giữa bên ngoài và bên trong buồng lái, quân xâm lược hung hãn mang bom đạn xâm lược phá hoại đất nước ta thì đã có những chàng thư sinh gác bút nghiên khoác áo nhà binh để giữ yên bờ cõi, bên ngoài buồng lái là bom rơi đạn réo nhưng sau vành tay lái lại là một trái tim hồng với cánh phong lan rừng đẹp mộng mơ. Không yêu đời, không yêu cuộc sống và khát khao hạnh phúc lứa đôi có lẽ tác giả khó có được những vần thơ hay và lãng mạn đến thế. Những vần thơ "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa" đó chỉ có thể được viết ra bởi tâm hồn của một người lính tài hoa với một trái tim luôn chan chứa một hồn văn.

Tác giả Nguyễn Đăng Giáp là một chiến binh quả cảm đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường 3 nước Đông Dương với hai lần cận kề cái chết và khi ra khỏi cuộc chiến còn mang trên mình vết thương của chiến tranh. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chàng lính trẻ Nguyễn Đăng Giáp lại nhận lệnh sang Lào để giúp bạn xây dựng kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh. Mười năm trên đất bạn Lào với bao nhiêu nhọc nhằn gian khổ và phí phạm tuổi thanh xuân, sức trai để giúp bạn đã để lại cho Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp nhiều trải nghiệm, và những kỷ niệm không thể nào quên:

"Ai Lao gian khổ mười năm đủ

Lạm dụng sức trai cả một thời

Tình yêu hạnh phúc ngoài mong đợi

Ra Bắc vào Nam mã dặm dài"

Sau đường Trường Sơn máu lửa đạn bom, là một thời ra Bắc, vào Nam và tiếp theo là mười năm trên đất bạn Lào đã bầm dập tuổi thanh xuân và sức trẻ của chàng thư sinh Nguyễn Đăng Giáp ngày nào. Nhưng chính những trận chiến đó, những trải nghiệm đó đã giúp chàng lính trẻ thư sinh Nguyễn Đăng Giáp có bước trưởng thành về nhận thức và trách nhiệm trước gia đình, quê hương và đất nước. Khi đã đến độ chín trong nhận thức và hành động thì cũng là lúc cuộc sống giao cho "sứ mệnh" mới, tác giả lại bước vào một cuộc chiến mới, tham chiến trên mặt trận kinh tế để kiến thiết và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh:

"Ba sáu tuổi đời thiên mệnh triệu

Điều binh lập nghiệp chốn đô thành

Lăn lộn mưu sinh thời mở cửa

Tay trắng làm nên cả cơ đồ"

Cuộc đời và số phận của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp như một bộ phim hay với nhiều chương hồi trường đoạn, mỗi giai đoạn trong cuộc đời và sự nghiệp có một sắc màu riêng làm nên tính đa dạng phong phú trong cuộc đời đầy phong ba bão táp nhưng cũng lắm vinh quang và chiến công hiển hách. Trong Hồi ký Như tôi đã sống chính tác giả đã khái quát cuộc đời và sự nghiệp của mình qua các giai đoạn như: Quê hương, gia đình và tuổi thơ; "Chiến mã" Trường sơn; 10 năm trên đất bạn Lào; Môn Sơn "Thép đã tôi thế đấy"; Cùng 36 vươn tới những tầm cao; Đời không nốt lặng; Nồng ấm tình người, tình bằng hữu. Đó là những lát cắt, những cung bậc để vẽ nên bức chân dung của một Anh hùng đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Số phận của một chiến sĩ - anh hùng cũng đồng hành và có những thăng trầm như số phận của cả một dân tộc. Tình yêu đôi lứa của người lính lồng trong tình yêu quê hương, đất nước, cái riêng và cái chung hòa quyện vào nhau để tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Các con số như là định mệnh đối với cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp. Lúc tròn 36 tuổi đời đã có một quyết định điều động như là "thiên mệnh triệu" về thủ đô nhận nhiệm vụ và sau một thời gian "định đô" ở đất Thăng Long thì chính ông được cấp trên lựa chọn để "lừa" nhận chức giám đốc Xí nghiệp 36 đang bên bờ vực phá sản và nợ đọng 34 tỷ. Chính định mệnh với con số 36 và "cú lừa" đó từ hai bàn tay trắng với ý chí, niềm tin, khát vọng và tài trí của mình, người thuyền trưởng Nguyễn Đăng Giáp đã lăn lộn với thời mở cửa, "tham chiến" trên thương trường mà ngày nay mới có một cơ đồ lừng lẫy như Tổng Công ty 36 với hàng trăm dự án tầm cỡ quốc gia trải dài khắp mọi miền đất nước, vươn cả sang Lào và trở thành một thương hiệu mạnh trên thương trường.

Khổ thơ cuối như là một khúc vĩ thanh tác giả muốn gói lại những suy tư sau 50 năm quân ngũ vào sống ra chết trên chiến trường đầy lửa đạn và lăn lộn mưu sinh thời mở cửa với thương trường như chiến trận, dù đã qua bao thăng trầm nhưng ông vẫn giữ được "Khí phách hiên ngang ông Đồ Nghệ" để tồn tại và tạo nên được cơ đồ, ông đã biết "xoay thời chuyển thế", biết người biết ta nên đã có một đúc kết quý giá "Nơi chốn quan trường "nhục để vinh". Nhãn tự của bài thơ là câu "Nơi chốn quan trường nhục để vinh", để viết được câu thơ này, tác giả phải đánh đổi cả một đời lăn lộn trên trên thương trường và qua chiêm nghiệm những được mất, hơn thua để chưng cất, đúc kết nên được câu thơ tựa như là chân lý đó.

Trong bài thơ có nhiều câu thơ hay vừa hiện thực vừa lãng mạn, những vần thơ phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu "Nơi chốn quan trường nhục để vinh" là câu thơ gói gọn cả một đời chiến trận và thương trường. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ nêu lên một mệnh đề đã thành chân lý cho hậu thế "Ra trường danh lợi vinh liền nhục - Vào cuộc trần ai, khóc trước cười". Ngày nay, Nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp lại nâng chân lý ấy lên một tầm cao mới phù hợp với thực tiễn thời hiện đại "Nơi chốn quan trường nhục để vinh".

Cảm ơn tác giả Nguyễn Đăng Giáp đã có những vần thơ thăng hoa, đưa đến cho độc giả những góc nhìn mới về thế thời qua lăng kính của một người đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của một người trong cuộc.

Sau tất cả những đắng cay, ngọt bùi, vinh nhục trên chiến trường cũng như thương trường, tác giả đã nhận ra một chân lý đó là tất cả những danh hiệu, chức quyền, tiền bạc đều là phù du, là ảo ảnh đánh lừa bản thân mà chỉ có tấm bia khắc trong lòng dân và những vần thơ, nốt nhạc để lạ cho đời mới trường tồn mãi mãi.

Bài thơ "Năm mươi năm quân ngũ" của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là một bản tổng kết bằng thơ về cuộc đời quân ngũ từ khi gác bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến ngày thành danh trên thương trường được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động, Anh hùng Lao động, Doanh nhân xuất sắc Châu Á, Doanh nhân Xuất sắc Thế giới. Với ông đây là những phần thưởng cao quý ghi nhận những cống hiến của ông trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ngoài tài năng trên thương trường thì qua các sáng tác của ông chúng ta còn biết đến một Nguyễn Đăng Giáp thi nhân với hàng trăm bài thơ để lại cho đời, một Hồi ký bằng văn xuôi và Truyện thơ "Như tôi đã sống" với 3678 câu thơ lục bát và hàng trăm bài hát làm rung động lòng người. Tôi muốn trích hai câu thơ cuối trong bài thơ "Năm mươi năm quân ngũ" để kết thúc cho mấy cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp:

"Quân tử chính danh là ảo ảnh

Anh hùng - Thi sĩ: Đức - Lưu - Quang"./.

Mai Thanh Hải

Tháng 3-2023

           

Có thể bạn quan tâm