May 5, 2024, 8:58 am

Anh Khánh

Trước khi dấn thân vào sự nghiệp làm phim tài liệu, Đào Trọng Khánh đã làm nhiều thơ và được bạn bè yêu thích với bút danh Đào Nguyễn, nhưng ông chỉ làm thơ ngẫu hứng, đọc cho bạn bè nghe rồi… quên, chứ không lưu trữ hay xuất bản.

Ông cũng chính là người bạn trong câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Thơ Khánh buồn như lòng đất nước/ Thơ hay, đời loạn chẳng ai dùng”, trong bài thơ có cái tên rất dài, rất Lưu Quang Vũ, được nhiều người yêu thích: Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn.

Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh (1940-2023) Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi đã nói về đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh trong đoạn viết về đức kham nhẫn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là một trong số rất ít người hiểu sâu sắc về con người danh tiếng này. Nhưng thực ra tôi đã đến với anh Khánh từ năm 1971 trên núi rừng Trà My nơi đóng quân của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Năm. Năm đó trong đoàn nhà văn bổ sung cho chiến trường Khu Năm có một người quê Hải Phòng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Phục lúc đó làm thơ và anh nói nhiều về thơ Hải Phòng, đặc biệt nhắc về thơ Đào Nguyễn. Cứ từng ngày qua đi hình ảnh Đào Trọng Khánh thi nhân Hải Phòng, hào hoa, tài năng cứ in đậm trong tôi.

Rồi ngày gặp Đào Trọng Khánh bằng xương bằng thịt lại trong một bối cảnh hi hữu. Anh Khánh mới ra tù.

Anh kể:

- Tôi sang Bát Tràng đặt mấy mẫu đĩa đời Lý, xong đem về nấu mấy ngày với lá chè xanh cho nó rạn chân chim. Rồi sửa sang cho hệt như đồ cổ bán cho mấy tay sành gốm. Đang giao dịch thì công an ập đến. Họ lập biên bản chúng tôi đang buôn bán đồ cổ, cổ vật quốc gia. Tôi giải thích đây là đồ Bát Tràng giả cổ đời Lý và giải thích thêm đôi ba điều nữa. Ông công an hỏi tôi về lý lịch, đơn vị công tác rồi hạ giọng xanh rờn. “Anh không biết là cán bộ của Hãng phim tài liệu khoa học trung ương, đơn vị anh hùng buôn đồ cổ tội sẽ nặng như thế nào”. Tôi lại giải thích đồ của tôi không phải là đồ cổ. Ông công an chỉ vào cái đĩa lớn nhất và nói: “Anh nên thành thật khai báo. Anh có biết cái đĩa này là đĩa ông Lý Thường Kiệt ăn cơm không?”. Tôi ớ người ra, không chứng minh được ông Lý Thường Kiệt không ăn cơm ở cái đĩa này. Vậy là vào tù.

Trong lúc chúng tôi đang ngơ ngác vì cái lý do ở tù trời ơi đất hỡi của anh, thì Đào Trọng Khánh nói tiếp:

- Tôi ra tù, cơ quan cũng chẳng lấy chuyện đó làm điều phân tôi xuống Hải Phòng làm phim. Đến đoạn quay ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy về thăm ruộng ngoại thành. Tôi không phải là người thù vặt, nhưng cũng đạo diễn ông Thành đi lên chỗ này, đi xuống chỗ khác cho nó đẹp khuôn hình. Trong suy nghĩ, lính của ông vô cớ bắt giam tôi mấy tháng thì tôi cũng phải cho ông lên bờ xuống ruộng vài lần chứ.

Chúng tôi cười vang…

Những năm sau đó anh Khánh thường vào Đà Nẵng, vào Khu Năm làm phim về các nhân vật lịch sử, về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi thường gặp nhau luôn. Rồi có dịp ra Hà Nội, anh thường rủ xuống Hải Phòng chơi vì ở đây tôi có nhiều bạn như các nhà thơ Thanh Tùng, Đào Cảng, Thi Hoàng… Mỗi lần gặp anh Khánh tôi thấy mình vui ra, nhìn đời hóm hỉnh hơn.

Năm 1995, gia đình tôi gặp nạn, gặp nhau anh Khánh ái ngại cho tôi nhưng không bao giờ nói gì như an ủi trước mặt tôi. Tôi rất quý những ứng xử của anh. Một lần anh hỏi hiện nay sống ra sao, tôi bắt chước anh tếu táo.

- Tôi là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Anh nói:

- Ông thì anh hùng cái nỗi gì?

- Tôi nuôi hai đứa con đi học đại học và một bà vợ ở tù, thì sao không anh hùng à!

Anh Khánh đáp ngay:

- Ăn thua gì, như tôi đây mới là anh hùng, tôi nuôi ba đứa con, đứa nào cũng cao trên mét tám, ba đứa đều dính ma túy.

- Vậy thì bác anh hùng thật.

Chúng tôi nói chuyện, cười đùa bình thản cứ như Tào Tháo, Lưu Bị luận anh hùng trong Tam quốc. Chỉ có nhà văn Tô Hoàng ngồi nghe chuyện, trào nước mắt.

Một lần anh Khánh kể chuyện: Thời người Hoa về nước, ta hay gọi là nạn kiều ấy, một lần tôi từ Hải Phòng lên, bạn bè Hà Nội nói Khánh ơi, Việt Nam đối xử với mày có tệ bạc gì đâu mà mày ra đi. Tôi ngớ người ra không hiểu ra là sao. Sau này hỏi mãi mới hiểu ra, những người trong nhà tôi có nhiều nét giống người Hoa, nhất là vợ tôi nên bạn bè nghĩ chúng tôi là người Trung Quốc, rồi sẽ ra đi. Ở đời thường có những chuyện như vậy. Dòng họ tôi thuần túy Việt, nhưng nhiều người cao lớn. Việc chỉ có vậy thôi thế mà tôi lại được bạn bè chiều chuộng như là phải sắp xa nhau.

Mới đây trong dịp xuống Hải Phòng, anh Khánh kể, cũng bình thản như mọi chuyện khác là anh rời Hà Nội về Hải Phòng ở phố chùa Hàng Kênh, rồi về phố Miếu. Anh nói lý do chỗ ở từ phố Chùa xuống phố Miếu. Anh em góp được một số tiền biếu anh, Đào Trọng Khánh cầm tiền nói:

- Tôi sẽ gửi vợ tôi một ít, để bà có tí tiền với ham muốn của bà. Cả đời bà chỉ có thú vui này, mà cũng đã tám mươi tuổi rồi còn gì.

Nghe câu nói bình thản của anh, lần này thì tôi trào nước mắt.

Năm 2017, khi làm cuốn Cảm nhận Đà Nẵng phục vụ Hội nghị APEC, có bản tiếng Anh. Anh Khánh viết bài Đà Nẵng trong ai, mở đầu: “Ngày tôi còn bé, bố tôi bán hết ruộng vườn ở quê nhà, ông bảo mọi người: “Tôi đi Tourance” - Tourance là tên cũ của Đà Nẵng. Rồi bố tôi không về nữa”. Sau khi kể về những kỷ niệm Đà Nẵng, đoạn kết của bài viết là: “Nếu luân hồi có kiếp sau, tôi sẽ bắt chước bố tôi bán hết ruộng vườn ở quê nhà, bảo với mọi người: “Tôi đi Tourance!”. Và có lẽ tôi sẽ ở lại Đà Nẵng, không về nữa…”.

Đó là bài hay trong tập sách Cảm nhận Đà Nẵng.

Bây giờ anh ra đi, không biết anh có bắt chước người cha nói với mọi người: “Tôi đi Tourance” không?

Đời tôi thật may mắn gặp được những người như Đào Trọng Khánh để lúc nào cũng có một không gian thầm kín suy ngẫm về con người, về những thăng trầm mà một đời người trải qua, để thấm thía giá trị những tháng ngày đang sống an lạc hiện tại, chống chọi với những sóng gió đi qua một cách kiên cường, bản lĩnh, dù chưa được giải thoát nhưng cũng có niềm vui. Mà niềm vui sau khi vượt qua trắc trở, gập ghềnh bao giờ cũng sâu lắng và đậm đà.

Thái Bá Lợi

Nguồn Văn nghệ số 39/2023


Có thể bạn quan tâm