May 20, 2024, 10:55 pm

Ân nhân

Không những dặn dò kỹ lưỡng mà Sa còn cấp cho tôi một bộ bảo hộ lao động để chống rắn cắn. Theo Sa mùa ẩm này là mùa rắn đẻ trứng, chúng rất dữ. Tôi ghi lòng, luôn bám sát Sa, mắt quét sang hai bên lối mòn đầy cảnh giác thế mà vẫn bị. Số là mới đi sâu vào rừng được một đoạn, thấy có bông hoa chuối dại đỏ chói đến ngỡ ngàng trổ lên giữa hai phiến đá ong màu mốc, tôi liền rẽ vào, bẻ. Hai ngón tay vừa chạm vào cổ ngọn hoa thì tôi bị một cảm giác buốt nhói đến tận óc, cổ họng hụt hơi nghẹt thở, mắt hoa lên những chòm cung quăng nhảy múa. Tôi gập người xuống, toàn thân như bị cào cấu trong bắp cơ, trong tủy ống… Trong cơn mơ hồ quằn quại, tôi mang máng cảm thấy có bóng Sa quai tay vừa cõng, vừa vác tôi hộc tốc chạy đi...

*

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Sa và tôi là lính cùng một đơn vị chiến đấu đánh quân Tàu lấn chiếm, bảo vệ tuyến đầu biên cương phía Bắc từ năm 1983 đến cuối năm 1986, mỗi đứa đều bị thương dăm bảy lần. Sau đó, tôi ra quân, thi vào đại học luật rồi khi ra trường về làm việc ở một ngành tư pháp, còn Sa, dù thương tích đến 22% nhưng vẫn  đủ sức khỏe ở lại đơn vị, chuẩn bị các thủ tục đi học trường Sỹ quan 400. Hai đứa bặt tin nhau từ đó.

Mới rồi, đến thành phố K công tác, xem chương trình tọa đàm về cách thức phát triển nông nghiệp khu vực miền núi thời 4.0 của đài truyền hình địa phương, tôi nhận ra, Sa là khách mời với chức danh giám đốc một ban quản lý rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh. Theo giới thiệu của MC chương trình, đơn vị mà Sa làm giám đốc đang là ngọn cờ tốp đầu về bảo vệ rừng và trồng rừng của ngành lâm nghiệp cả nước.

Ngày nghỉ, tôi bắt xe bus liên huyện ngồi hơn một giờ thì đến thị trấn huyện Tân Kim Nội, nơi đóng bản doanh ban quản lý rừng phòng hộ của Sa. Anh bảo vệ trẻ cơ quan mà Sa làm thủ trưởng đã chỉ đường cho tôi gặp được ông bạn cùng chiến hào từ hơn ba mươi năm trước tại tư gia, một trang trại trong thung lũng giữa hai cánh rừng lát hoa xanh ngắt, bạt ngàn.

Gặp rồi mới biết, ngày ấy thượng sỹ Sa vừa cầm quyết định đi học trường 400 thì ở quê, cha anh là một công nhân ngành khai thác lâm sản, chết đột ngột do bị tai nạn rủi ro trong lúc vận chuyển gỗ mùa nước lụt, mẹ anh đau yếu không còn nơi nương tựa, định vào một tỉnh trong Tây Nguyên ở với người con gái cả theo chồng đi vùng kinh tế mới từ sáu năm trước đó. Sa đành phải xin phục viên về quê đi làm, nuôi mẹ. Ban giám đốc lâm trường thấy Sa là một cựu chiến binh nhanh nhẹn có sức khỏe nên nhận và giao ngay cho làm đội trưởng bảo vệ đông đến ba mươi lăm người…

*

Tôi tỉnh lại ở nhà sàn một đồng bào dân tộc. Toàn thân thấy nhẹ nhõm. Sa nói nhỏ với tôi, đây là nhà của một thầy lang Mường, tên là Quách Văn Mờ, người vừa cứu tôi khỏi cái chết trong gang tấc do bị rắn độc cắn. Thầy lang Mờ khoảng trên dưới năm mươi tuổi, dáng người tầm thước, có vẻ mặt điềm đạm phúc hậu của một người cứu nhân độ thế. Sa cho biết thêm, ông Mờ là thầy lang nổi tiếng nhất trong các huyện thượng du của tỉnh. Người ta gọi ông là lang Mường, hoặc gọi theo tên cúng cơm là lang Mờ, thầy Mờ.


Có thể bạn quan tâm