April 29, 2024, 3:48 pm

Ẩn dụ và cách giảng về ẩn dụ

Ẩn dụ là phép tu từ quen thuộc với tất cả các thế hệ học sinh đã từng đi học qua thời kỳ phổ thông. Trong chương trình Ngữ văn ở nhà trường hiện nay, lớp 6 là cấp học đầu tiên được làm quen với khái niệm này cùng việc đưa ra nhiều ngữ liệu, dẫn chứng để minh họa. Thế nhưng tôi đã rất bất ngờ với cách giải thích khái niệm cùng các ngữ liệu, dẫn chứng mà các tác giả sách giáo khoa đã đưa ra.

Thời tôi đi học, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 7, tập 2, bản in đầu những năm 90 thế kỷ trước định nghĩa rất ngắn gọn và dễ hiểu về ẩn dụ như sau: “Ẩn dụ là phép so sánh ngầm, trong đó ẩn đi vế được so sánh mà chỉ đưa ra vế so sánh”. Một trong những ví dụ kinh điển về ẩn dụ được sách giáo khoa thời trước dẫn ra cho học sinh là câu thơ trong bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Mặt trời ở câu thơ thứ nhất là mặt trời với nghĩa tả thực, là một đối tượng sự vật hiện tượng có thật. Còn mặt trời trong câu thơ thứ hai chính là một ẩn dụ để chỉ Bác Hồ, ngụ ý ca ngợi công lao to lớn của Bác, thể hiện lòng kính yêu và biết ơn của nhân dân đối với Bác.

Một cuốn sách rất kinh điển khác là cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Nhà Xuất bản Giáo dục tái bản nhiều lần, định nghĩa như sau về ẩn dụ: “Phương thức tu từ dựa trên cơ sở đồng nhất hai hiện tượng tương tự, thể hiện cái này qua cái kia, mà bản thân cái được nói tới thì giấu đi một cách kín đáo”. Các tác giả dẫn ra hai dẫn chứng trong ca dao và trong Truyện Kiều:

Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

 

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Rồi chỉ ra bốn hình ảnh: thuyền, bến, vàng, ngọc chính là các đơn vị ẩn dụ, nhằm chỉ người con trai (thuyền), người con gái (bến), tình yêu (vàng ngọc).

Xin nói thêm rằng, về mặt từ nguyên, ẩn dụ là khái niệm được mượn từ tiếng Hán và “ẩn dụ” là một từ Hán Việt với cả hai yếu tố đều mang gốc Hán, trong đó chữ “ẩn” có nghĩa là giấu đi, chữ “dụ” có nghĩa là “hiểu”. Ẩn dụ vì thế có thể nói một cách ngắn gọn là “hiểu theo cách giấu đi”.

Thế nhưng chúng ta sẽ xem các tác giả Ngữ văn lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống) định nghĩa về ẩn dụ: “biện pháp tu từ lấy tên gọi của sự vật hiện tượng này để chỉ sự vật hiện tượng khác dựa trên đặc điểm tương đồng (giống nhau) giữa các sự vật hiện tượng” (trang 134, Phụ lục 2, Giải thích một số thuật ngữ). Theo tôi, đây là một định nghĩa dài dòng, rối rắm (lặp lại ba lần cụm từ “sự vật hiện tượng”), đã có chữ “tương đồng” lại còn phải thêm chữ “giống nhau” trong ngoặc đơn. Và điểm thiếu sót quan trọng nhất là định nghĩa này đã không nêu được ý nghĩa “giấu đi” - một nội hàm vô cùng cốt lõi, quan yếu của khái niệm ẩn dụ.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, ở trang 47, thuộc bài số 2 Gõ cửa trái tim, các tác giả sách giáo khoa đưa ra câu hỏi trong phần Thực hành tiếng Việt: “Trong bài thơ Mây và sóng, “mây” và “sóng” là những hình ảnh ẩn dụ. Hai hình ảnh ấy có thể gợi cho em liên tưởng tới những đối tượng nào

Chúng ta sẽ cùng đọc lại bài thơ Mây và sóng của Tagor qua bản dịch Nguyễn Khắc Phi trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6 tập 1 để xem có đúng mây và sóng là những hình ảnh ẩn dụ hay không:

 

MÂY VÀ SÓNG

 

Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng. Bọn tớ chơi với vầng trăng bạc.

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời”, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”

“Mẹ mình đang đợi ở nhà – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”

Thế là họ mỉm cười bay đi

Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn mẹ ạ

Con là mây và mẹ sẽ là trăng

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

 

Trong sóng có người gọi con:

“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”

Họ nói: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”

Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”

Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua

Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kỳ lạ

Con lăn, lăn, lăn mãi rổi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.

Theo tôi, không hề có chuyện mây và sóng trong bài thơ này là những hình ảnh ẩn dụ. Ở lần xuất hiện thứ nhất, mây và sóng là những hình ảnh tả thực. Nếu phải nói đến một phép tu từ trong lần xuất hiện thứ nhất của mây và sóng thì chỉ có thể nói tới phép nhân hóa, bởi mây và sóng (hay theo cách diễn đạt của tác giả là những người ở trên mây và những người ở trong sóng) đã có những cuộc trò chuyện rất dễ thương với đứa con.

Ở lần xuất hiện thứ hai, mây và sóng cũng không phải là những hình ảnh ẩn dụ, bởi mệnh đề được thiết lập có cấu trúc A là B rất rõ ràng với hai vế, chẳng ẩn vế nào đi cả:

Con là mây và mẹ sẽ là trăng

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kỳ lạ

Trong trí tưởng tượng hồn nhiên, thơ ngây và đầy trong sáng của đứa con, hai mệnh đề “con là mây và mẹ sẽ là trăng”, “con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kỳ lạ” là những sự phân vai trong một trò chơi bất tận, chứa đựng trong đó tình yêu thương vô bờ của mẹ với con, của con với mẹ. Bởi không xác lập rõ cái then chốt cơ bản của ẩn dụ là sự giấu đi nên các tác giả sách giáo khoa đã có sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc khi cố chỉ ra phép tu từ ẩn dụ trong bài thơ nổi tiếng này.

Vẫn trong phần Thực hành tiếng Việt, ở mục đóng khung là Nhận biết ẩn dụ, các tác giả dẫn ra câu thơ trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông, in đậm chữ “chảy”: Cha lại dắt con đi trên cát mịn/ Ánh nắng chảy đầy vai, rồi cho rằng đây là một trường hợp ẩn dụ và diễn giải: “Ánh nắng chảy đầy vai vốn chỉ sự vận động của chất lỏng, giúp người đọc cảm nhận được ánh nắng vàng rực tràn trề trên vai hai cha con và lan tỏa khắp không gian”. Diễn giải này có những điểm không chính xác. Thứ nhất, chỉ có thể nói động từ “chảy” vốn chỉ sự vận động của chất lỏng chứ không thể dẫn ra cả câu thơ rồi nói “ánh nắng chảy đầy vai vốn chỉ sự vận động của chất lỏng”. Thứ hai, nói tới ẩn dụ là nói tới phép tu từ gắn với các sự vật hiện tượng là danh từ, không thể in đậm từ “chảy” và bảo đây cũng là ẩn dụ được. Câu thơ của Hoàng Trung Thông là một câu thơ hay, đầy gợi cảm, song vẻ đẹp tu từ ở đây chỉ có thể nói là một phép chuyển đổi cảm giác chứ nó không thể là một đại diện mang tính chuẩn mực cho phép tu từ ẩn dụ.

Để khép lại bài viết này, xin trở lại với một ý khác liên quan đến bản dịch Mây và sóng của Nguyễn Khắc Phi. Trước đây, sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông từng giới thiệu bản dịch Mây và sóng của dịch giả Đào Xuân Quý. Nhưng cả hai bản dịch của Đào Xuân Quý và Nguyễn Khắc Phi đều giống bản dịch nghĩa hơn là một bản dịch thơ, toàn bản dịch không hề có gieo vần. Cứ cho rằng đây là một bản dịch theo thể thơ tự do thì đó cũng là một bài thơ tự do không hề tạo ra được vẻ đẹp của nhịp điệu, các câu thơ/dòng thơ ngắn dài một cách rất tùy hứng, có những dòng thơ lên tới 22 âm tiết. Đó là một hình thức văn bản thơ không hề phù hợp cho học sinh lớp 6, không thể tạo điều kiện cho các em có thể dễ dàng trong việc thuộc văn bản…

Đỗ Anh Vũ

Nguồn Văn nghệ số 47/2023


Có thể bạn quan tâm