April 29, 2024, 12:31 pm

Ám ảnh mờ

Cái gì không dò được thì đều sâu thẳm, là trước đây tôi chỉ nghĩ vậy nhưng trong cơn đại dịch Covid- 19 này thì đầu óc tôi lại thêm cái phần ám ảnh mờ trong đời sống con người. Mờ chứ không phải sâu thẳm.

Tết vừa rồi, tôi có lên ngôi chùa trên núi ngồi uống trà với một nhà tu cao tuổi, ông nói, các năm “canh” thường họa nhiều hơn phúc. Thật sự lúc ấy tôi chưa tin lắm vào một đúc kết mơ hồ kiểu vậy nhưng về nhà ngồi tra Google tôi mới giật mình. Kể cũng lạ, theo lịch sử Việt ghi nhận thì ba lần xảy ra dịch lớn trên đất nước này đã có đến hai lần rơi vào năm có số 0 cuối. Năm Canh Thìn (1820), dịch đậu mùa tràn lan, khởi phát từ Hà Tiên lan ra tới tận Bắc Thành. Năm Canh Tý (1840), dịch đậu mùa kéo dài từ mùa xuân đến mùa thu có hơn 4.900 người chết. Chỉ nạn dịch tả vào năm 1937 là số lẻ cuối nhưng cộng 2 số lẻ cuối cũng cho tổng là 10, dịch này đã cướp đi hơn 75.000 sinh mạng của khu vực Bắc Kỳ thời Pháp thuộc. Những năm có số 0 cuối về sau cũng nhiều biến động bể dâu gây thương đau đói khổ. Tuy vậy đó cũng chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên, không có gì để dám chắc nó mang tính quy luật. Âu đó cũng là một loại ám ảnh mờ đáng sợ trong trí não con người.

Chưa bao giờ đời sống lại bị ám ảnh những con số như bây giờ. Tôi nhớ mọi chuyện bắt đầu nóng lên từ bệnh nhân thứ 17, một cô gái di du lịch trở về từ châu Âu, phát hiện dương tính Covid-19 vào tối 6/3. Trước khi cách ly, cô ta đã kịp lây nhiễm cho tất cả người thân của mình và những người người làm công. Con số 21 được mọi người nhắc đến như một sự hoài nghi nhiều bề vì bệnh nhân này là một quan chức cao cấp. Qua điều tra dịch tễ, người ta biết nhiều điều “tế nhị” khác, chẳng biết thực đến bao nhiêu phần trăm nhưng cũng là một dịp để thiên hạ đàm tiếu. Cả nước chợt sôi bùng lên với con số 34, một ca bệnh siêu lây nhiễm với cách khai báo gian dối gieo rắc tai họa cùng với kiểu nhân cách đáng thương khó tưởng tượng nổi. Và là bệnh nhân thứ 61, một chức sắc tôn giáo người Chăm, từ Malaysia về, trước khi bị buộc cách ly ông đã kịp dự lễ tại thánh đường, dự một đám cưới có mấy trăm người tham dự và đi bắt tay chào hỏi nhiều người ở Ninh Thuận… Mỗi ngày Bộ Y tế đều gửi thông tin kèm những con số khủng khiếp ấy đến từng công dân, về góc nhìn tích cực thì quả thật điều đó đã nâng cao ý thức tự đề phòng và chống dịch của mọi người nhưng từ một góc thầm lặng khác nó cũng tạo nên những ám ảnh chết chóc nặng nề. Có người thấy oải, thấy ngao ngán, thấy sợ hãi chẳng còn muốn làm việc gì. Có người còn tuyên bố rành rọt: Mục tiêu của năm 2020 là sống sót!

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhân loại đang trải qua những ngày bi thảm thật sự, con số ca nhiễm bệnh đã lên 1.343.557, ca tử vong là 74.626. Và lưỡi hái của thần chết vốn từng xuất hiện ám ảnh trên mặt báo lớn Le Petit Journal với cái tên Dịch tả (Le cholora) vào năm 1912 nay lại đồng loạt xuất hiện với nhiều dị bản khác nhau trên mặt báo thế giới. Dường như cho đến giờ này cả thế giới đã và đang đóng cửa, nỗi lo sợ hoang mang không dừng lại ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Ở Vũ Hán tâm dịch, người ta còn trương cả một tấm băng- ron lớn đỏ lòm lòm trên phố với dòng chữ ám ảnh: “Hôm nay tung tăng, ngày mai xanh cỏ!”. Phố vắng trở thành phố ma. Đường vắng trở thành đường ma. Nhà vắng trở thành nhà ma. Người chết, không còn hiện diện trên cõi đời này nữa lâu lâu xuất hiện với chiếc bóng trong trí tưởng tượng gọi là ma, con người không tung tăng, không hoạt động, không đi lại nữa thì khác gì là ma. Cả thế giới sầm uất, sôi động, náo nhiệt đột nhiên hắt hiu, đột nhiên cái điều ám ảnh mờ trở thành sự thật. Tê liệt. Dừng lại. Không tiếp tục vận động, không đi về phía trước tức là thụt lùi, một thứ thụt lùi bất lực. Cả thế giới đã thụt lùi một bước để chống chọi, để củng cố và để nhìn lại mình.

Ở góc nhìn khác, trong thời gian đại dịch toàn cầu, trong giông bão cuộc đời, ta lại thấy được nhiều con người có đức hy sinh cao cả và nuôi dưỡng trái tim mình bằng dưỡng chất tình thương. Người đóng góp tiền, kẻ cho cá gạo rau củ mang tận những khu cách ly và nhất là y bác sĩ, nhân viên y tế quên mình cứu người. Họ vẫn còn đó! Họ vẫn hiển hiện sinh động trước mắt chúng ta như những tia nắng ấm giữ thăng bằng cho thế giới này, một thế giới không chỉ có những ám ảnh.

Vâng, đời sống tích cực, tương thân tương ái, hiểu sâu về các mối dây ràng buộc cộng đồng với sự tổ chức hợp lý chính là giải pháp để thoát khỏi những thứ kéo rịt người ta xuống, làm cho người ta kinh hãi, bấn loạn, tê liệt, thụ động cùng những ám - ảnh - mờ trong đời sống.

Nguồn Văn nghệ số 19/2020


Có thể bạn quan tâm