May 5, 2024, 8:35 am

A Sa. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ Hải

 TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

A Sa, da mày lại bóc rồi.

Ừ, lần thứ 2 trong năm. Thêm lần nữa là năm nay tao tróc hết.

Hết da rồi thì mày còn cái gì?

Sọ Dừa, tao thành hoàng tử.

Có mà thành hạt cau.

Đám tang thầy cả sư, lũ thanh niên chúng tôi đang tụ lại giúp gia đình ngài. Đám tang lớn nhất vùng Panduranga, ngài cả sư khu vực tháp PoRoMe ra đi. Từ các thành phố lớn, giới nghiên cứu đã liên hệ để về ghi chép, quay hình. Đã 50 năm, chưa có đám thiêu tươi nào được tổ chức ở Panduranga. Quy định của nhà nước từ sau những dịch bệnh của thế kỷ trước; đợt dịch Covid-19 khiến đám tang phải tiến hành trong hai bốn giờ, tới dịch cúm H-20 thì người mất phải đưa đến lò thiêu ngay, không được chôn gửi xuống đất.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải 

Sư phụ căng lắm, thầy chạy ngay lên xã khẩn thiết yêu cầu cho tổ chức đám theo phong tục, 4 ngày. Không đủ 4 ngày linh hồn sẽ không đầu thai. Phải là một đám thiêu tươi, không chôn gửi dưới đất. Cả sư là người đại diện cho tôn giáo, không văn minh nào cao hơn nghi lễ của người. Dịch bệnh qua lâu rồi, sao vẫn giữ những đạo luật cấm cản? Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm soạn một công văn gửi lên tỉnh, vì mục đích khoa học cao quý và cũng từ sức ép của phía trên, xã đồng ý và cử đại diện tới tham dự. Nhưng ông chủ tịch xã nhấn mạnh: “Còn cái nghi thức kia, các ông làm gọn lẹ nhé, đám có người quay phim ghi hình hết, để lộ hình lên mạng xã hội là khổ tui lắm. Thế kỷ 22 rồi, còn làm mấy điều gớm quá.”

Tin tiến hành đám thiêu về trước bước chân của sư phụ. Người gọi tôi cùng đi tìm phương thuốc để phần đầu thi hài tự tách ra mà không cần tác động vật lý trong đám thiêu. Một phương thuốc cổ của người Chăm. Sẽ không có việc đẩy cái đầu ra trong lúc thiêu, những bí truyền của Panduranga đang sống lại, nhờ rừng đang trở về, cỏ đang trở về, cây tái sinh.

*

Áo patir phủ quá thân, sarong quấn quanh hông, dài tới mắt cá, tôi theo thầy lên núi Chà Bang kiếm thuốc. Đi trên cát, cỏ đệm xanh non mà cát vẫn bỏng rát. Cát rơi vào kẽ chân tôi như vụn thủy tinh ôm châm da thịt. Những hòn đá sau mưa, loài cây gai nhọn tách cát mà lớn. Đi chân trần, chạm vào gai của chúng là da tôi thủng lỗ, cát nhanh chóng chèn vào, cát của mặt trời, những bầy tôi của Po Yang, xoa dịu vết xước bằng hơi nóng bao quanh.

Tróc da.

Tôi tróc hoài, người tôi như một con rắn, một năm ba mùa bung vẩy. Từ ngày tới Panduranga là tôi tróc như thế. Năm đầu tôi bảo do nắng, đám người đi biển cũng tróc da, da họ dần đen như tấm gỗ vỏ tàu phơi sóng phơi sương, sạm lại. Nhưng người Chăm đâu có tróc, có những cô gái da trắng ngần đi nắng hoài mà da vẫn chẳng sạm màu. Cái giống dân Hà Nội như tôi lại đen, tôi đen cỡ 7 độ sắc tối. Tôi đen từ bên trong những tế bào da, nắng thiêu cháy da tôi cũng chỉ đen như vậy, khi da tróc hết, lấy ngón tay cậy cậy mấy vết bỏng lốp rồi kéo từng miếng da nhỏ ra, bên trong vẫn đen 7 độ sắc tối. Nếu miếng tróc không bợt bợt trắng, viền nó không nhăn nhăn rồi rua rua màu trắng 3 độ, thì không ai biết tôi đang tróc da, không ai thấy lớp da ngoài, da trong của tôi.

Lần đầu da tôi bong là trong một đám tang. Năm năm trước, tôi đặt chân tới nơi này như một hành khất lang thang đi tìm chỗ trú, sư phụ cưu mang và dẫn tôi đi dự các lễ hội, lễ tang. Tôi giúp thầy vẽ chim heng và bò Kapil từ lúc còn là một tấm vải tới khi chứng kiến chúng hóa thành lửa bay đi mất. Mê hành trình của những thần thú đưa linh hồn lên trời, tôi thường đứng rất gần nhà táng khi thiêu, xem loài thần thú hóa thân thành các vệt tro bay lên, bò Kapil đưa linh hồn tới dòng sông thiêng; mười hai chim heng nâng linh hồn qua sông để tới cõi trời, nơi con chim mâr màu vàng đã tới trước, trình báo với thần linh để đón nhận một linh hồn trở về. Tôi mê mẩn cảm giác da phập phồng khi ở gần lửa, chúng đàn hồi như đang thở, những vết cháy nắng bóc ra, nổ thành những ô tròn li ti trên hai cổ tay. Lửa lẹm qua những vết da đang bóc, sức nóng của lửa kêu da tôi bỏng rát. Tôi vẫn đứng yên. Trong ánh lửa, tôi thấy chim heng đang rời cột nhà táng, đổi từ màu vàng sang màu tro, nó rung nhẹ để thoát ra, bay. Tôi đứng trân trân như bị thôi miên, mặc cho da mình đang sân lên vì nóng. Thầy gọi, người làng gọi, tôi mặc kệ, tôi mong muốn trở thành một phần của đám thiêu để các chim heng đưa tôi lên trời. Giật lại, Ka Tung kéo tôi ra, trước khi da tôi bị lửa ăn mất.

Sau hôm đó, da tôi bóc dần như bị lửa ăn.

*

Chúng tôi nhảy lên những viên đá to, vòng ra đằng sau hay cúi xuống, tìm loài cỏ ưa bóng râm. Thầy nói đá đang giấu chúng, năm loại cỏ và một loài gỗ để làm gối cho người chết. Chúng tôi phải tìm cho xong trước ngày thứ ba của đám tang, để đem về làm gối cho cả sư trong ngày thứ tư. Ong heng sẽ làm xong nhà táng, chỉ đợi cái gối của người chết mà chúng tôi đem về.

Nhảy lên những viên đá, giữa trưa, da tôi tróc thêm, tróc miết, tôi vừa đi vừa gãi da. Đám cát trêu ngươi theo gió bám vào phần da tróc, bịn rịn.

Nhanh lên A Sa, tìm cây cang nào để che nắng, trưa rồi, các linh hồn trên đất có thể lên, coi chừng bị kéo đi đó.

Có tin được thằng lột da không?

A Sa sống ở đây năm năm rồi.

Sao tin được nó, nó ở đây miết để chi?

Nó kêu là người nghiên cứu.

Nghiên cứu hay kẻ cắp? Nghiên cứu thì ở đám ghi chép chớ. Nó theo thầy lên núi, nó đi ăn cắp thuốc.

Nó không có nhà đâu.

A Sa là học trò ông Ba, tri thức của Panduranga.

Nó bị nguyền rủa.

Gốc cang cang, triền núi Chà Bang tĩnh lặng, những nhà máy điện đã bị treo không sử dụng, tan hoang, những tấm pin mặt trời cuối cùng nối với nắng thành một đường sáng thẳng tắp, quanh những tấm pin ấy, không loài cỏ nào mọc. Người ta đã đem những tấm pin đi từ 3 năm nay, chỉ còn những người du mục xin lại cho hành trình chăn cừu của họ.  Âm thanh từ làng, tiếng người rộn rạo, tiếng saranai réo rắt, báo hiệu buổi thứ 2 của đám tang sắp bắt đầu. Tôi và thầy vẽ những con chim heng xuống cát, thầy nói loài chim này sẽ đưa linh hồn lên cõi trời, đi gặp Po Yang, còn mảnh đất này là nơi của mẹ. Con chim có mình rắn lượn năm vòng, chân vờn lên trước vờn phía sau với những cái móng sắc, đầu nó ngửa lên, cái mỏ ngóc ngóc đòi trở lại với trời. Gió thổi từ biển vào, cát chạy chườm lên hình vẽ, chim heng hóa thành cát bay mất, cơn gió bay về làng, nơi chiêng trống điểm cho buổi lễ tiếp theo. Gốc cây cang xù xì, tôi với thầy lấy vài quả keo ra ăn… Thầy đang tìm một loại địa y sống trên cây.

Con chim cát theo gió bay về làng, nó lượn lờ trên bãi đất làm đám thiêu, nơi các nghi lễ của buổi chiều đang bắt đầu chuẩn bị. Nó đảo vài vòng theo một cơn gió quẩn trên nền trời màu biển nhạt, rồi tan ra và đáp xuống những mái nhà. Con chim giấy đang được ong heng tách ra khỏi tấm vải. Ruồi bay xung quanh, đậu lên mắt chim heng, đậu lên da những người trên sạp lễ.

Lửa của đám thiêu nguyền nó.

Chim heng đang đốt da nó.

Tôi nhìn vào đất, biển xanh ngút nối tiếp với trời, theo hướng chạy của đá, của cát, gập ghềnh năm ngọn đèo lên phía Bắc, qua bốn xứ cát và một vùng khô hanh ven biển mảnh dài như cổ ngỗng sẽ tới nơi tôi sinh ra. Nơi đó chẳng có con chim heng nào, có thể người nơi đó nhìn chim heng sẽ gọi là rồng. Nhưng con rồng không đưa linh hồn về với trời, nơi đó linh hồn cũng không tồn tại.

Đưa xác đi nhanh lên

Ai đó?

Không biết.

Người làng. Xác này là anh Hiếu mà, giữ anh ấy lại.

Làng nào, ở đây làm gì có làng.

Anh đang ở trên làng tôi mà.

Cậu có biết tên tôi không?

Không.

Vậy sao lại là làng của cậu?

*

Người làng từng đồn tôi là bệnh truyền nhiễm.

Ông chủ tịch ủy ban xã tới, giam tôi trong phòng y tế hai tuần, đội y tế tới khám nghiệm da tôi, khám nghiệm da đã chết, khám nghiệm da còn sống, chúng không có gì khác biệt ngoài một lớp biểu bì vô tri như tất cả động vật trên mặt đất này. Tôi bị chuyển lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ giữ tôi, bóc lớp da bong ngoài, kiểm tra lớp da trong. Mỗi lần họ tới lại bịt kín mít từ đầu tới chân, như thể tôi là người đầu tiên ăn con dơi chứa bệnh covid-19. Tôi để họ kiểm tra, họ đưa tôi vào phòng nóng, rồi đưa tôi vào phòng lạnh, kiểm tra xem da tôi hô hấp thế nào, kiểm tra mồ hôi đổ ra, như kiếm một mẫu ADN lạ lùng nào đó mà khoa học chưa phát hiện. Họ chẳng tìm thấy gì, một tuần, hai tuần, một tháng.

Không tìm thấy gì, người ta vẫn canh chừng tôi. Sau những dịch bệnh của thế kỷ 21, người ta nhạy cảm với những điều kỳ lạ, những điều không thể lý giải trên đời, tất cả đều có thể thành bệnh, lây nhiễm.

Tôi cầu mong đó là bệnh, thứ bệnh kỳ lạ luôn khiến tôi ngứa ngáy, ngứa ngáy với trời, với đất, với nắng, với gió. Nó có phải bệnh hay không mà đời tôi vẫn sống bình thường? Tôi chỉ cần chấp nhận nó, chấp nhận sự ngứa ngáy rân rân nhè nhẹ như một cơn gió mùa đông miền Bắc chạm vào da lúc nửa đêm là tôi sống được. Ngứa trên da thịt, dần sẽ quen. Ngứa trên da thịt, còn gọi là bệnh. Nơi quê hương, cũng là đất, là gió, là trời, là nước mà mỗi sự tồn tại cứ cào cấu thân, tôi nhìn nơi mình ở trong mà luôn muốn nó phải thay đổi, ngứa tới mức phải bỏ nó đi. Nó không phải bệnh, chữa bác sĩ tâm lý thế nào cũng vậy, họ bảo tôi tìm trong quá khứ, trong thiền, trong trị liệu mà tôi vẫn không hết ngứa. Tôi bỏ đi. Ở đây tôi bong da, ít nhất tôi biết nó là bệnh, có triệu chứng mà quen, mà chữa.

Thầy tới bảo lãnh cho tôi. Người ôn tồn nói với bác sĩ. “Để tui đưa nó về. Các ông có bao nhiêu ống nghiệm chứa da của nó rồi? Các ông đã làm bao nhiêu thứ để tìm virus trong người nó? Có con virus lạ nào đâu. Có lẽ là do da nó không chịu nắng xứ này, cháy nắng liên tục. Mà có khi đó là dấu hiệu của các vị thần, như bệnh tóc rối ở trong làng đó. Trong xứ Chăm xưa nay, từ trẻ nhỏ tới ông bà già hễ ai sáng dậy thấy tóc tự quấn vào nhau, cứng như lông đuôi ngựa, đó là dấu hiệu của thần. Chỉ một đêm cúng tóc rối sẽ rụng liên, nhưng cũng có những người được thần linh lựa chọn thì không bao giờ hết. Những điều lạ chẳng phải lúc nào cũng nguy hiểm.”

Trên đỉnh núi Chà Bang, nắng thiên đỉnh xiên qua da ngoài chọc vào da trong của tôi, mồ hôi quyện vào với muối, muối thấm vào các vết da bóc, muối ôm lớp da thứ nhất, ôm lớp da thứ hai, mùi mắm từ Cà Ná theo gió theo muối ôm vào tôi. Muối thấm vào lớp da dưới, đòi tróc, bong ra, bong ra, bong ra nữa, nó lâm râm li ti dưới da, tôi mải kì mải gãi mà đi chậm hơn thầy, từng lớp da bong ra, tróc, lớp da dưới chảy máu, chưa quen với nắng mặt trời, lại ửng lên. Loài máu gặp nắng của Po Yang sung sướng lấp lánh.

Tôi đuổi theo thầy, chạy theo thầy. Nắng gió muối cát khiến mắt tôi lờ đờ lạ lẫm. Thầy ở ngay phía trước, bước chân thầy thấm trên cát, trên đá; tôi đi theo bước chân thầy thì cát đá lại kéo chân tôi. Những viên đá thầy bước qua uyển chuyển thành một dòng, một đường, những chuyển động tuần tự. Những viên đá tôi bước qua lại phản lên da bỏng rát đau đớn. Tôi vội vã đuổi nhanh, mặc kệ những phần da đang bỏng rân lên đó. Càng vội càng chậm. Nắng ban chiều, tôi, ảo giác. Tôi thấy thầy như đang được ôm. Nắng chạm lên lưng thầy, chảy xuống sarong hòa vào cát, những bước đi của thầy gắn với đất, đất đáp lại, trời đáp lại. Po Ina Nagar, người là đất là trời, mắt người đổ dài ra biển, áo người là những đám mây, sống mũi người đẩy lên ngọn núi Chà Bang này? Tay người hóa thành rừng, thành cây, thành những miền thiêng liêng đang sống lại? Thầy đang đi trong Po Ina Nagar, tôi chạy theo, đuổi theo thầy, tưởng chừng nếu tôi chạm được vào thầy thì tôi cũng sẽ đi trong Po Ina Nagar. Tiếng kèn saranai từ làng ò e, linh hồn đang trong lễ Cho Ăn, nắng quái chiếu qua mắt tôi, nắng phản xạ từ những hòn đá trơn nhẵn, tôi nheo mắt nhìn qua nắng, qua đá, tôi lại không thấy thầy đâu.

A Sa, đây rồi, gỗ làm gối cho thi hài đây rồi!

Thầy đang trong mái tóc của Po Ina Nugar, người bước lên ngón tay của mẹ, người đi lên bầu ngực, người đi dưới đôi mắt. Cơ thể của mẹ cử động, người đi qua làn tóc của thần. Ẩn trong mái tóc là những con chim heng, là màu vàng của loài chim mâr và sừng của con Kapil đang đợi chờ để nhập linh hồn vào biểu tượng trên nhà táng. Cát tản ra khi thầy chạm vào mỗi loài cỏ, tóc mẹ ôm chứa khúc gỗ thiêng để làm gối cho thi hài.

A Sa. Nó ở trên những bụi gai, phía dưới tấm pin năng lượng cũ.

Tóc mẹ tản ra, những cây gai khô tan ra khi thầy chạm vào khúc gỗ.

A Sa? A Sa? A Sa

Thùng. Thùng. Thùng.

Tôi đã lạc mất thầy từ hồi trống báo lễ Cho Ăn cuối giờ chiều. Tôi đang tìm thầy giữa những bụi gai bên dưới những tấm pin năng lượng cũ. Cây gai quẩn lại, xé thân tôi ra như tôi từng lấy dép mài giết con giun trong phòng tắm tại quê nhà, nó quằn quại co ro, nắng day lên da như tôi cầm cái dép day đi day lại cho nó chết. Nó tách ra làm hai rồi làm bốn mà chẳng chết, cứ ngọ nguậy ngọ nguậy. Những tấm pin năng lượng cũ không thành nhà cho loài vật nào bên dưới, chỉ có sắt thép là hô hấp dưới thân pin. Cát vĩnh hằng nhưng đất thì không. Cây trong đất từng bị pin năng lượng thiêu cho không còn một bụi gai sống, ngày đó xứ sở oằn mình co ro với những cơn sốc điện, ngày đó là ngày những cánh đồng pin năng lượng là niềm tự hào của quốc gia, chỉ có xứ sở là khóc. Thầy sống qua những ngày xứ cát bị thiêu bởi điện, thầy cũng sống qua những ngày xứ sở bị cô lập bởi dịch bệnh, thầy sống tiếp những ngày xứ sở đang hồi sinh.

*

Tôi nằm trên đất, cát chườm rườm quanh tôi, hơi muối hôn lên từng vết tróc, tự bóc, gió thổi từng lớp da rắn tan ra. Mặt đất ôm lấy tôi, cát thấm vào người qua những vết xước. Tôi không còn tìm thầy nữa, tôi nghe tiếng gió thổi từ biển kéo vào. Gió luồn qua mắt, muối không dừng lại giữa những lớp da, muối đi vào cuống họng và chiếm lấy lồng phổi, mùi mắm từ Cà Ná vẫn bao quanh muối, hai tầng mùi khám phá cơ thể tôi. Đêm nay có loài rắn nào sẽ tới nuốt tôi? Ngày mai nắng sẽ lại lên, bóc một lớp da mới? Tôi nhớ quê, nhớ mảnh vườn của những cây xương sông cao quá đầu người, những chùm mẫu đơn trắng thập thò, rau sam trên mảng tường cũ, nhớ ngôi làng nơi tôi chạy trốn vì chẳng còn nhớ một ai. Gió đổi chiều, thổi ngược từ phía làng, con chim heng cát mang tiếng đàn kanhi i ê i ê tới khi trời và biển hợp làm một.

Ông Ba đem chiếc gối của thi hài về trong ngày thứ ba. Sáng ngày thứ tư, nghi thức thiêu tươi lần đầu diễn ra sau năm mươi năm dịch bệnh. Các video quay lại không có cảnh lấy đầu riêng ra như nhiều nhà báo mong ngóng. Linh hồn cả sư theo hướng dẫn của các thầy pasaid về với trời. Không ai thấy A Sa, A Sa nằm trên biển mãi, da hắn đang hít thở, đang hòa nhập cùng biển trời, nó sẽ không bao giờ bong nữa, bởi nó không còn gì để bong ra cả.

_________

Asar trong tiếng Chăm là cái hạt (seed), cái lõi (core)

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ Hải

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm