May 5, 2024, 4:14 am

80 năm " Nhật ký trong tù"

Triển khai chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2023, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học 80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng

Chủ trì hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng,  Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Theo đó, hội thảo đã có 29 tham luận của các nhà khoa học, giới nghiên cứu lý luận phê bình nhằm minh định những giá trị to lớn của “ Nhật Ký trong tù”. Các tham luận đều khẳng định, đây là tập nhật ký bằng thơ, gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán; được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành cách đây 80 năm; ghi lại quãng đời đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng cao đẹp của vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc trong 13 tháng bị giam cầm tại nhà tù Quảng Tây, Trung Quốc.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bằng những kiến giải của mình đã khẳng định hội thảo là dịp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thực hiện tốt hơn nữa "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong thời gian tới. Đồng thời mong muốn các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế. Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trong Nghĩa cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm “ Nhật ký trong tù”, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

“ Nhật ký trong tù” Bảo vật vô giá của quốc gia

Giáo sư Hà Minh Đức, tại tham luận “ Nhật ký trong tù” thiên cẩm nang của cách mạng cuốn sách giáo khoa về cuộc sống xã hội đã phân tích một số bài thơ trong “Nhật ký trong tù” để tái hiện sự tàn ác, vô nhân đạo của nhà tù Quảng Tây khi Người bị tù đày ở đó. Đồng thời bài viết cũng phân tích những hình ảnh làng quê sinh động, đẹp đẽ và tinh thần lạc quan, yêu đời, bản lĩnh kiên cường của Chủ tịch hồ Chí Minh, cùng những bài học nhân sinh cách mạng được rút ra từ tác phẩm để khẳng định: “Nhật ký trong tù” là thiên cẩm nang của cách mạng, cuốn sách giáo khoa về cuộc sống xã hội. Theo Giáo sư Hà Minh Đức, những bài học được rút ra từ “ Nhật ký trong tù” đó là: Bài học “Gian nan  rèn luyện mới thành công”; Bài học đưa chất thép vào thơ, nhà thơ là chiến sĩ; Bài học về trí tuệ, ban lĩnh trong phân tích và nắm bắt thời cơ; Bài học về tinh thần lạc quan

Cũng có chung những cảm nhận sâu sắc về “ Nhật ký trong tù” GS Phong Lê đã điểm lại những hành trình của nguyên tác “ Ngục Trung nhật ký” qua tham luận “ Ngục Trung nhật ký” của Hồ Chí Minh bảo vật quốc gia, từ năm 1943 đến 1960 và lý giải vì sao chưa có bản dịch trọn vẹn “ Nhật ký trong tù” ở hai thời điểm 1960 và 1983. Đồng thời phân tích bức chân dung tinh thần tự họa của Hồ Chí Minh trong tác phẩm và những giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc khiến “ Nhật ký trong tù” trở thành bảo vật quốc gia. Giáo sư Phong Lê cũng khẳng định: Với “Nhật ký trong tù”, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị “Nhật ký trong tù”. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong những lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng... như trong “Nhật ký trong tù” lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được.

Kể từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919) đến Di chúc (1969), trên  hành trình 50 năm viết, qua rất nhiều thể, loại thơ và văn, Hồ Chí Minh đã để lại hai tác phẩm như hai tượng đài kể sát nhau, đó là Ngục trung nhật ký (1943) và Tuyên ngôn độc lập (1945). Một được viết trong tư cách người tù. Một trong tư cách lãnh tụ dân tộc - Chủ tịch nước Việt Nam dẫn chủ cộng hòa. Một như là viết cho riêng mình. Một là viết cho 25 triệu công dân Việt và hàng triệu bạn bè, anh em trên thế giới. Nói Hồ Chí Minh, bất cứ ở phương diện nào cũng là nói đến một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, với khát vọng cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho con người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơn ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”). Hai khát vọng được biểu trưng một cách đột xuất trong Ngục trung nhật ký và Tuyên ngôn độc lập, cả hai gắn nối với nh để cùng xuất hiện trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc Việt.

 Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm Nhật ký trong tù không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả của hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù.

Đi sâu tìm hiểu sự lan tỏa những giá trị nghệ thuật, vẻ đẹp trong thơ Hồ Chí Minh, TS Đinh Xuân Dũng khẳng định thơ Bác là sự hài hòa sâu sắc mà rất tự nhiên giữa nội dung và hình thức Khi ta đến được, hiểu được nội dung ấy cũng chính là lúc ta cảm thụ được giá trị của các yếu tố hình thức nghệ thuật biểu hiện nội dung ấy. Cả nội dung và hình thức hiện ra như có thể nhìn thấy được: sâu xa phong phú trong sự bình dị hết mực, có khi tưởng như ta xuất phát từ việc tìm hiểu hình thức, nhưng chính là ta đến với nội dung thơ Bác. Từ trong chiều sâu nhất của tư duy, cảm xúc và bản chất sáng tạo của Bác, hai cái đó thống nhất hữu cơ. Trong một bài thơ của Bác đồng thời chứa đựng chất thép, vẻ đẹp kỳ diệu của tâm hồn và cả những sắc màu lung linh muôn vẻ của tâm hồn ấy. Đi sâu vào mối quan hệ khăng khít, phong phú giữa cấu tứ, kết cấu và cảm xúc chủ đạo trong thơ Bác, bài viết này muốn góp phần tìm thêm một vẻ đẹp trong rất nhiều vẻ đẹp của thơ Bác.

GS. TS Trần Đăng Xuyền bằng những cảm thụ sâu sắc về thơ Hồ Chí Minh đã qua tham luận “ Tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của tập thơ “ Nhật ký trong tù” đã góp phần minh định, Nhật ký trong tù là một tập thơ có bút pháp đa dạng và linh hoạt, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của Hồ Chí Minh. Ở tập thơ này, nhà thơ - nhà nghệ sĩ Hồ Chí Minh - đồng thời là nhà tư tưởng, nhà chiến lược, nhà cách mạng vĩ đại. Nỗi đau khi bị giam cầm, khát vọng tự do cháy bỏng trong “Nhật ký trong tù” là một biểu hiện cụ thể và sinh động, đồng thời cũng hòa hợp, thống nhất cao độ với tư tưởng được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của Người: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO ! Đó là một tư tưởng lớn, trở thành chân lý vĩnh cửu. Quyền tự do dân chủ, đó là một khát vọng muôn đời của mỗi con người, của các dân tộc, ở mọi thời đại. Dẫu ở nơi này, nơi khác trên thế gian này, điều đó còn chưa là hiện thực, mới chỉ là mơ ước, thì chúng ta cũng không thể không hướng tới mơ ước, khát vọng nhân văn cao cả đó…

Minh định giá trị và sức lan tỏa của “ Nhật ký trong tù”

 

Cảm nhận sức lan tỏa về không gian văn hóa, giá trị nghệ thuật của “ Nhật ký trong tù”  PGs, TS Nguyễn Thu Hiền đã cung cấp những thông tin về tình hình xuất bản và tiếp nhận tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc. Qua đó thấy được giá trị bền vững và sức lan tỏa sâu rộng của “ Nhật ký trong tù” trong môi trường văn hóa Trung Quốc, mở thêm một chiều kích để nhận diện về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “ Nhật ký trong tù” trong đời sống văn hóa, văn học thế giới.

Theo PGS, TS Nguyễn Thu Hiền,  “ Nhật ký trong tù” xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1960, từ đó đến nay, Nhật ký trong tù đã có một đời sống xuất bản và tiếp nhận phong phú trong môi trường văn hóa và học thuật tại Trung Quốc. Quá trình xuất bản tác phẩm đi từ chỗ được giới thiệu 1 chọn lọc một phần, trước tiên xuất bản 100 bài thuộc tập Nhật ký trong tù, dần dần được hoàn thiện về mặt văn bản với việc - công bố trọn vẹn 133 bài vào năm 1992.Qua quan sát quá trình tiếp nhận tác phẩm “Nhật ký trong tù” ở Trung Quốc, chúng ta có thể nhận diện được 2 khuynh hướng chính. Đó là khuynh hướng kinh điển hóa và khuynh hướng học thuật hóa trong nghiên cứu. Nhưng dù ở khuynh hướng nào cũng đều khẳng định giá trị bền vững và sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm “ Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong môi trường văn hóa ở Trung Quốc.

Chung cách tiếp cận tác phẩm “ Nhật ký trong tù”  qua con đường dịch thuật, PGS, TS Phạm Thành Hưng đã phác thảo tác phẩm qua 3 bản dịch thuật tiếng Séc, theo ông, các bản dịch đã từng bước nhấn mạnh tử nội dung hiện thực đời sống của một lãnh tụ chính trị sang nội dung tư tưởng thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa của một sáng tác thi ca đặc biệt. Trong đó người dọc có thể đi đến giả thuyết rằng: Hồ Chi Minh là một nhà yêu nước hơn một tình tụ cộng sản. Và trên hết, “Ngục trung nhật ký” là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, đồng thời cũng là một hiện tượng văn hóa trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Trước đó, để phục vụ cho sự thành công của hội thảo Thường trực hội đồng đã lên kế hoạch và tiến hành mời các cơ quan, đơn vị khối văn hóa, văn nghệ, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật cả ở ba miền, Bắc, Trung, Nam, viết và gửi tham luận cho BTC.

Sau hội thảo, Hội đồng sẽ tổ chức biên soạn các tham luận, in kỷ yếu, trở thành tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan và người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước.

Phạm Hà


Có thể bạn quan tâm