April 29, 2024, 10:15 pm

16th AMRI : Cộng đồng ASEAN không ai bị bỏ lại phía sau

 

Phát biểu khai mạc hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (ASEAN’s Ministers Responsible for Information – AMRI) ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI), diễn ra sáng nay, 22/9/2023 tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị: 16th AMRI cần quan tâm thảo luận một số giải pháp nhằm thúc đẩy vào chuyển đối số; nâng cao khả năng tiếp cận internet và kỹ năng số cho người dân; tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEAN và các quốc gia thành viên; đẩy mạnh các thông tin chính thống, tích cực; xử lý tin giả, tin sai; quan tâm đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cơ sở để phục vụ người dân, đảm bảo tri thức được lan tỏa rộng khắp và không ai bị bỏ lại phía sau.

“Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN năm nay đã thống nhất lựa chọn chủ đề: Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN phản ứng nhanh và có khả năng chống chịu”. Muốn phản ứng nhanh với sự thay đổi thì phải nhanh chóng tìm ra được tri thức mới từ sự thay đổi.

Một cộng đồng mang lại cơ hội cho tất cả mọi người

Phát biểu trong phiên khai mạc, Ngài Ekkaphab Phanthavong - Phó Tổng Thư ký ASEAN, đã có lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã “chủ trì cuộc họp quan trọng này - 16th AMRI - và các phiên liên quan”, khi “chúng ta tiếp tục nỗ lực hướng đến xây dựng ASEAN thành Cộng đồng mang lại Cơ hội cho tất cả mọi người”.

Ngài Ekkaphab Phanthavong cũng đồng tình rằng, lĩnh vực thông tin và truyền thông đóng một vai trò quan trọng và xuyên suốt trong việc thúc đẩy "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, nhất là trong bối cảnh khu vực ASEAN đang nổi lên sau đại dịch".

Trước đó, các cuộc thảo luận hiệu quả của SOMRI ngày hôm qua (21/9), thảo luận của các Bộ trưởng hôm nay và ngày mai về chủ đề Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức cho một ASEAN tự cường và thích ứng, sẽ tạo thêm động lực cho hợp tác khu vực và các định hướng chiến lược để hướng đến phát triển xã hội, bền vững, và toàn diện.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng, “trong một thế giới đầy biến động và khó lường như hiện nay, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ, mất niềm tin. Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để giúp chúng ta thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, để mang lại năng lượng tích cực, và nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới.

 

 

Lĩnh vực thông tin và truyền thông đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi mang tính phá huỷ này. Tương lai giờ đây không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số. Cách làm, cách tiếp cận thì phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông là: cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới bị quá tải về thông tin. Chúng ta có thể bị nhấn chìm bởi quá nhiều thông tin. Chúng ta đang bị “béo phì thông tin” bởi tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay tin giả. Một ngày, mỗi chúng ta dành không dưới 6 giờ đồng hồ để tiêu thụ lượng thông tin này. Thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Rất ít người hiểu được những gì ở phía sau dòng lũ thông tin kia. Rất ít người tìm ra được tri thức, tạo ra được giá trị từ đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

ASEAN cùng hành động: Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số báo chí, phòng chống tin giả

Trong khuôn khổ chương trình làm việc Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16, dựa trên sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN đã tổ chức 2 diễn đàn thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi số báo chí và phòng chống tin giả.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: Lĩnh vực thông tin và truyền thông của ASEAN đang nhận về mình sứ mệnh mới, đang chủ động mở ra không gian mới để cùng nhau góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng. Đó là sự thay đổi từ thông tin đến tri thức và sự thấu hiểu. Đi đầu trong sự chuyển dịch này và thành công trong sứ mệnh mới này sẽ chính là đóng góp của các nước ASEAN cho lĩnh vực thông tin và truyền thông của thế giới.

Kiến thức về cách phòng chống tin giả ngày càng trở nên quan trọng, giúp củng cố niềm tin trong không gian số. Cùng với tin giả được tạo ra bởi con người, hiện nay Trí tuệ Nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung giả mạo có độ chân thực cao, làm phức tạp thêm môi trường thông tin. Các nước ASEAN xem đây là một ưu tiên trong kế hoạch hợp tác về thông tin, và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các nước trong lĩnh vực này.

Cũng theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề Chuyển đổi số trong truyền thông. Một diễn đàn được tổ chức (hôm qua, 21/9/2023), hướng đến mục đích tạo ra nền tảng “trao đổi mở”, để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

“Chuyển đổi số báo chí là để đưa báo chí nên không gian số. Báo chí đã quan trọng trong thế giới thực thì nay càng phải quan trọng hơn trong thế giới số. Các cơ quan truyền thông của ASEAN đã chia sẻ các thực tiễn tốt về chuyển đổi số và sẽ cùng nhau xây dựng hướng dẫn về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ASEAN”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Thông tin báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng, gắn kết và lan tỏa các giá trị trong Cộng đồng ASEAN

Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, phát triển năng động và thành công. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vừa qua đã đưa ra định hướng cho việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, phát triển tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm, có khả năng đón đầu các cơ hội, giải quyết những vấn đề mới nổi và các thách thức trong tương lai. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ củng cố bản sắc, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.

Trong tiến trình phát triển đó, cùng với những xu thế lớn của thời đại, hợp tác thông tin báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng, nhằm gắn kết và lan tỏa các giá trị trong Cộng đồng ASEAN.

Được biết, hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2023 tổ chức tại Indonesia vào ngày 5/9 vừa qua, cũng đã thông qua Tuyên bố về sự phát triển bền vững và có khả năng chống chịu, khẳng định sự cần thiết “vượt qua các thách thức thông qua chia sẻ tri thức và thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, huy động nguồn lực và triển khai các sáng kiến nâng cao năng lực”.

Bởi “thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động, thông tin được cộng hưởng bởi công nghệ và Internet khiến cho tốc độ lan tỏa, mức độ ảnh hưởng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN”, Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân phân tích.

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên, cùng các nước đối thoại, trao đổi và xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác trong thời gian tới, , cùng đưa ra những khuyến nghị có giá trị cho cấp cao ASEAN; thống nhất được các chương trình hành động cụ thể, để tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của lĩnh vực thông tin trong tiến trình phát triển ASEAN; biến thông tin thành tri thức cho người dân, như chủ đề của Hội nghị năm nay: Truyền thông: từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”, Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân, chia sẻ tầm nhìn cùng chung tay thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN.

Hiện thực tầm nhìn và hành động từ cấp địa phương

 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quảng phát biểu chào mừng sự kiện AMRI 16, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng trong phát biểu chào mừng sự kiện AMRI 16, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, và “Đà Nẵng được chọn là địa phương đầu tiên của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16”, cũng cho biết:

Xác định vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng của thông tin, truyền thông, báo chí trong thời đại ngày nay, Việt Nam và thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư phát triển đối với lĩnh vực này. Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm báo chí của Việt Nam; các hãng thông tấn, truyền hình, báo chí lớn đều có cơ quan đại diện tại thành phố Đà Nẵng và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói chung và thành phố nói riêng.

Sự hoạt động tích cực của các cơ quan báo chí trên địa bàn không chỉ truyền tải tin tức, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân. Báo chí góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời mở ra thế giới thông tin về tình hình chính trị trên toàn cầu, các xu hướng phát triển mới, sự vận động, thay đổi mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật…; qua đó, đem đến cái nhìn đa chiều, mở ra những cơ hội để thay đổi cuộc sống, nhất là khi chúng ta vừa trải qua một giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh Covid-19, hay những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những xung đột chính trị tại một số nơi trên thế giới…

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông đó chính là thúc đẩy chuyển đổi số; đây là sự chuyển đổi mang tính cách mạng, một xu thế tất yếu của thời đại.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay và trong thời gian đến, đó là: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, trong đó, đặc biệt chú trọng việc thành lập và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP thành phố (mục tiêu đến năm 2030 là 30% GRDP); Đà Nẵng được trao giải Thành phố thông minh năm 2019 của Tổ chức Điện toán châu Á và châu Đại Dương; Giải thưởng Thành phố thông minh (duy nhất) Việt Nam năm 2022; là địa phương được xếp hạng đứng Nhất Chuyển đổi số Việt Nam cấp tỉnh liên tục trong 3 năm (năm 2020, 2021 và 2022).

 

T.Ngọc


Có thể bạn quan tâm