May 19, 2024, 7:15 am

15 phút giữa trưa và 15 phút cuối chiều.

 

      Trường Tiểu học Phú Lạc, huyện Đại Từ, thuộc miền núi phía tây tỉnh Thái Nguyên, nằm khuất vắng bên những ruộng lúa non, nương chè cuối xuân bên con đường đỏ quạch bùn đất của một số ngôi nhà đang chắp vá thi công. Đường xa, hẻo lánh chỉ thấy tre, lúa và bạt ngàn chè xanh phủ kín lưng đồi.

Giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Phú Lạc, huyện Đại Từ

Ngôi trường nhỏ bé bình dị này gắn bó với nhiều cuộc đời của thầy cô giáo từ lớp 1 đến lớp 5, với tình yêu trẻ vô bờ, không thể tính hết những cây số đường trơn bùn nhão của thầy, cô giáo vượt qua, để đem con chữ dạy dỗ các em; những đứa trẻ mắt đen còn thêm cả những chiếc răng sún. Thầy cô giáo tiểu học trường Phú Lạc đã để lại một ấn tượng thật ấm áp, thân thiết tình người cho lần đầu tôi đặt chân đến đây. Tôi gặp cô giáo Đàm Hương Nguyệt dạy lớp 1D, khoe với tôi vừa mua dự trữ hàng chục chiếc bút chữ A,A, những viên tẩy chỉ để dành cho các trò nhỏ của mình. “Lớp 1 mà, để quên hoặc làm mất bút  thường xuyên”. Muốn để chúng không bỏ bê bài học, không viết thì chỉ còn cách sắm bút cả năm và dỗ chúng học là cả một câu chuyện truyền kỳ. Cô Nguyệt sau giờ tan học vẫn dành 15 phút giữa trưa, 15 phút cuối chiều để kèm cặp học sinh lớp 1 thuộc chữ cái, để tập viết và tập đọc cho nhanh, số lẻ có em còn đánh vần chậm. Hầu hết 34 em học sinh đi học đều có bố mẹ đi làm ở công ty Sam Sung, có gia đình chỉ trồng chè. Nhiều cháu thiếu thốn, nhất là bàn tay chăm sóc và hơi thở ấm áp của mẹ. Vì lý do con trẻ ở nhà với ông bà là chính. Mà ông bà thì đều  ở tuổi 70 đến 84, sự thấu hiểu đã  rất “vênh” nhau với lứa tuổi lên 7, xét  về xã hội học, không  biết nên diễn đạt thế nào để các “cụ” hiểu cho trẻ con muốn gì, nghĩ gì. Nếu có trao đổi gì thì cuối cùng cô Nguyệt, cô Vân, thầy Thành Trung vẫn bỏ ra 30 phút mỗi ngày để kèm cặp học sinh non kém tại lớp thay “vai trò” của  ông  bà, cha mẹ vậy. Thời gian chăm con trẻ ở trường không tính hết, thấy trẻ đọc nhanh viết nhanh còn sướng hơn là bắt được vàng. Cô giáo Nguyệt đi dạy học rất xa hơn mười cây số, vừa đi vừa về ngày nào cũng vượt đồi như thế, hôm nào gặp lũ ống phải lo gọi điện lo cho số phận 34 học sinh đi về an toàn. Có năm còn lo những kẻ bịt mặt chờ đón trẻ con lớp 1 dụ dỗ lên xe máy, lo thấp thỏm bọn trẻ bị bắt cóc dụ dỗ lên xe ôm nữa chứ. Ngay cả việc dặn dò các con chỉ đi về khi ông bà đón, hoặc không được lên xe máy với bất kỳ ai lạ mặt. Dạy các con ngăn nắp với sách vở góc học tập, dạy cả cách rửa tay trước khi ăn, chải đầu, khi đi học tất cả là thầy cô dạy dỗ ở trường. Trường gần xóm Lũng 2, xóm Lũng 1, có hôm lũ ống phải lo dặn ông bà không cho cháu qua suối để bảo toàn sinh mạng, rồi hôm sau cô ngồi với ba lần 15 phút dạy thêm cho trò. Về nhà tối mò mới lo cơm cháo dạy học cho con. Đôi khi cũng mủi lòng thương con ở nhà nhưng học trò ở trường thì cũng chăm như con. Ví như lớp 1, em Phạm Thị Uyên và Lê Thị Hà, bố mẹ hai em đều đã ly hôn. Khi lọt lòng, ông bà nội nuôi từ 6 tháng tuổi, có hỏi, nếu em có ước gì nhất? Chúng nói ước được ngủ với mẹ, thích được bố bế một lần. Ôi, thương lắm, thế nên tấm lòng cô giáo đã thành người mẹ ở trường vỗ về an ủi các con.Lớp một mà chỉ ước được ở gần cha mẹ. Nhiều em có cha mẹ hẳn hoi, nhưng cha mẹ đi làm ở công ty Sam Sung, hoặc khu công nghiệp, có gia đình ít chăm lo cho con ăn học, cứ phó thác cho ông bà. Hình như hơi ấm cha mẹ con cái đang ngăn cách giữa việc tìm kiếm đồng tiền; vì khi đi kiếm ăn, đồng tiền lẽ nào đang phân hóa tình cảm cha con, mẹ con, mà các gia đình trẻ đang trượt dài khoảng lặng, họ không nhận ra mỗi ngày mỗi tháng, con cần bữa cơm ăn với cha mẹ. Cứ để thời gian lấn lướt, và học sinh lớp 1 đến lớp 3, từ  7 tuổi đến 9 tuổi  cũng đang thiếu vắng rất lớn tình thương  của cha mẹ và gia đình. Lớp 3 của thầy Nguyễn Thành Trung, có em Đặng Thị Yến Vi, em Trần Văn Hoàng, mùa đông vừa rồi có ngày rét ngăn ngắt, hai em không đủ áo ấm, đúng là chân không tất, chân không giầy. Nhà của thầy Thành Trung ở cách xa  trường 15 cây số, thầy nhờ đồng nghiệp trông lớp, phóng xe về lấy ngay áo quần của con trai con gái của mình đem đến lớp cho em Yến Vi, và cho em Văn Hoàng. Mặc áo ấm đã mới ngồi học được, rồi mới tính tiếp: “thương trò như thể thương con”. Thầy Thành Trung giọng buồn buồn đáp: Bọn trẻ ở đây chỉ thích có áo mới thôi. Áo mới, áo khoác đã là ước mơ của các em, lứa từ 7 đến 11 tuổi. Nhiều em còn mơ về chiếc xe đạp để đến trường. Nếu như có doang nghiệp hỗ trợ áo ấm và xe đạp cho các em thì thật quý hóa biết nhường nào. Tôi nhìn thầy Thành Trung đã nghĩ như thế, ước ao như thế.

Ở lớp 2 cô Lê Thị Vân trong giờ tập chép, cô vẫn cắm cúi uốn nắn chữ đẹp cho các con. Cô Nguyễn thị Hằng Loan, dạy tiếng Anh, người trắng trẻo nhỏ nhắn, thì kiên nhẫn kèm từng đứa trẻ uốn cho các con tập đọc từng từ. Phải nhắc mình chữ nhẫn, chữ nhẫn luôn trong trái tim cô, lắng nghe và thấu hiểu học trò. Cô hay tìm thêm hình ảnh, hoặc vẽ ra khi ví dụ, giúp trò dễ nhớ, thuộc từ trên lớp. Theo cô có nhiều học sinh rất thích học tiếng Anh, và các em thực sự chăm học, chính các em lại đem cho cô sự say mê của môn ngoại ngữ, truyền đạt kiến thức mới mẻ đầu đời cho các em ở trường tiểu học này, dù bộ môn rất cần có hình ảnh, phòng nghe nhìn tại trường, để nâng cao giải trí chơi mà học cho các em. Còn rất nhiều khó khăn khác của một trường tiểu học miền núi. So với một số trường điểm của huyện Đại Từ, thì tiểu học Phú Lạc còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng góc học tập, góc thư viện, góc học nghề của các em đã được xây dựng  ngay trong lớp xinh xắn vừa thu hút, vừa  khơi gợi cách học, cách đọc cho các em và cách học nghề  của các em cũng bắt đầu rất sớm để các trò sớm trưởng thành, sớm nhận ra sự học và sự  hành luôn song hành bên nhau.

Tôi đã đi qua nhiều ngôi trường nằm hẻo lánh ở huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên, lúa và tre vẫn mướt mát xanh, cứ đi, cứ đi hàng chục cây số không có hàng quán ven đường. Con đường mà thầy cô giáo của huyện miền núi luôn luôn phải vượt mỗi ngày 30 cây số có lẻ, khi mưa phùn gió bấc khi lũ quét, trú tạm nhà dân, đợi lũ rút mới đi. Chặng dài không thể tính, không ai biết đến sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô nơi đây. Mới thấy điều khát khao âm thầm của thầy Trần Đăng Minh, trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Đại Từ. Anh  từng đứng trên bục giảng nhiều năm, từng thấu hiểu và chia sẻ: nếu có một ngày, huyện Đại Từ, hay Định Hóa, cứ hiển diện thêm một ngôi trường điểm, chuẩn, để có nhiều học sinh giỏi thì đó cũng là tài sản vô giá của nghề dạy học, và hướng nghiệp, thầy Minh ước ao ngành giáo dục của huyện sẽ và đang đổi thay, sẽ có nhiều ngôi trường chuẩn về chất và lượng, có nhiều học sinh ưu tú hơn để các em được cống hiến trí tuệ cho quê hương đất chè đặc sản này.

Chặng đường dài lên huyện miền núi phía bắc Thái nguyên vẫn còn rét, chỉ tình người ấm lại. Tôi thấy những gương mặt của thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, vẫn lặng lẽ  dâng hiến quên mình vì học sinh, vì sự học của các em, những con chữ và những ê a từ lớp 1, những nụ cười răng sún cứ ám ảnh dọc đường, với cây bút và con chữ với bao nhiều lần 15 phút mỗi ngày mang hơi thở con chữ cho các em. Một đội ngũ giáo viên nhân dân, đâu cần ai hay, ai biết cho, chỉ cần các em thơ biết đọc biết viết là thầy cô thở phào nhẹ nhõm, hạnh phúc và sung sướng. Những 15 phút giữa trưa, và 15 phút cuối chiều mãi mãi còn đó trong trái tim học trò.

Nguồn Văn nghệ số 19/2019


Có thể bạn quan tâm