April 29, 2024, 12:57 pm

10 năm đồng hành của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (phần 4)

(Tiếp theo và hết)

Nâng cao năng lực thanh tra,  kiểm tra hoạt động PCTH thuốc lá

Trong 10 năm, từ sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung  Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, để tăng cường công tác kiểm tra thưc hiện Luật PCTHTL, Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về kiểm tra, xử phạm hành chính về PCTH thuốc lá.

- Các tỉnh, thành phố tổ chức 324 lớp tập huấn cho 14.797 cán bộ quản lý thị trường, công an và các lực lương chức năng tham gia công tác kiểm tra, giám sát  về PCTH Thuốc lá; thực hiện 559 đợt giám sát tại 5.039 cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở y tế, các khách sạn, nhà hàng về việc thực hiện môi trường không khói thuốc.

- Các Bộ, ngành đã thực hiện 119 đợt giám sát tại 465 đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.  Bộ Công an đã tổ chức tập huấn cho 6.700 cán bộ chiến sỹ công an các quận, huyện, xã, phường tại 13 tỉnh, thành phố.

Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng có nhiều chuyển biến với sự tham gia tích cực của lực lượng công an các tỉnh, thành phố thông qua sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá Bộ Công an, Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá của công an các tỉnh, thành phố; sự tham gia của thanh tra Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân một số quận tại Hà nội như quận Hoàn kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đống Đa. Tại các tỉnh, thành phố, công tác kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá cũng được các đơn vị nhận hỗ trợ của Quỹ tham mưu cho Lãnh đạo các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các cấp để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép với các nội dung kiểm tra khác trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm Luật PCTH của thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn

Một số kết quả cho nỗ lực  trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc

Giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên: Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh thành phố năm 2023 cho thấy: tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010)[1] xuống 38,9% (năm 2023)[2]. Việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra[3].

Giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong thanh thiếu niên:

+ Nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi: Giảm 50% tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, bảo đảm hiệu quả bền vững của hoạt động PCTH thuốc lá tại Việt Nam (Điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019).[4]

+ Nhóm tuổi từ 13 đến 15 tuổi: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022)[5].

c) Tỷ lệ hiểu biết về tác hại của thuốc lá:

Theo Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022 – 2023 cho thấy:

- Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%.

- Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 85,7%.

Việt Thắng (nguồn Quỹ PCTH của thuốc lá – Bộ Y tế)

 

[1] Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam, Năm 2015

 [2] Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại 30 tỉnh, thành phố, năm 2023 .

[3] Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỉ lệ hút thuốc lá làm giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm chi phí điều trị cho các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm. Chi phí này lớn hơn rất nhiều so với kinh phí do Quỹ hỗ trợ cho hoạt động PCTH thuốc lá trong toàn quốc. Theo nghiên cứu  (Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng năm 2011, chi phí kinh tế bao gồm trực tiếp từ chữa bệnh và gián tiếp do mất sức lao động tính trung bình trên mỗi người hút thuốc lá là 1,65 triệu đồng năm 2011, tương đương 2,28 triệu đồng/ người năm 2020)

[4]Kinh nghiệm của các nước cho thấy vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên PCTH của thuốc lá là một chương trình lâu dài, cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, ...với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Ví dụ: tại Thái Lan, trong hơn 2 thập kỷ qua, mỗi năm tỷ lệ hút thuốc của Thái Lan chỉ giảm được khoảng 0,5% (từ 32% năm 1991 xuống còn 19.9% năm 2015). Philippines giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới từ 42% năm 2008 xuống 40,3% năm 2015

[5] Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá học sinh từ 13-15 tuổi, Đại học Y Hà Nội, năm 2022.


Có thể bạn quan tâm