April 29, 2024, 7:32 am

10 năm đồng hành của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/07/2013 Thủ tướng Chính phủ. Quỹ PCTH của thuốc lá là Quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế. Quỹ PCTH của thuốc lá hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Trong thời gian 10 năm qua, Tổng kinh phí Quỹ PCTH thuốc lá đã đồng hành với trên 100 đơn vị trong toàn quốc triển khai  hoạt động  phòng chống tác hại thuốc lá và hỗ trợ cho hoạt động PCTHTL chiếm 99,16% kinh phí chi cho công tác PCTH thuốc lá trong cả nước. Kinh phí các Bộ, ngành và địa phương đã chi cho công tác PCTH thuốc lá là khoảng chiếm 0,84%.

Với sự hỗ trợ của Quỹ, trong 10 năm qua, công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, đặc biệt là trong giới trẻ, góp phần bảo đảm thành công bền vững cho công tác PCTH của thuốc lá và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Truyền thông là một trong những nhiệm vụ ưu tiên

Trong những nhiệm vụ của Quỹ PCTHT của Thuốc lá truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng là nhiệm vụ và ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt khi Luật PCTH của Thuốc lá được ban hành, với sự hỗ trợ của Quỹ, các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được thực hiện đồng bộ ở cấp Trung ương và địa phương.

Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá - Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung phù hợp với quy định của Luật PCTHTL và để thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia PCTHTL, cụ thể: truyền thông về tác hại của thuốc lá; ý nghĩa của môi trường không khói thuốc, các địa điểm cấm hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại thuốc lá; Nghĩa vụ của người hút thuốc lá; Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCTH thuốc lá;...

Hoạt động truyền thông cũng được các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai đa dạng và phù hợp với các nhóm đối tượng.

Sau 10  năm thực hiện, Bộ Y tế cùng với các bộ ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện truyền thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng sự thống nhất về nội dung, thông điệp truyền thông và phù hợp với các giai đoạn, mục tiêu truyền thông trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Hoạt động truyền thông đã đóng vai trò quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động. Hoạt động truyền thông đã có tác động tích cực đến thái độ và hành vi của cả người hút thuốc và người không hút thuốc.

Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông do Quỹ hỗ trợ thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018 được tiến hành độc lập bởi tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) đã cho thấy 84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân. 83% người hút thuốc lá lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá sức khỏe gia đình họ. 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình sau khi tiếp cận các thông tin từ các chiến dịch truyền thông PCTH thuốc lá. 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.

Các đơn vị được khen thưởng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

Bên cạnh đó, điểm mới trong hoạt động truyền thông từ năm 2020-2023 là ưu tiên truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua mạng xã hội, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và chính sách PCTH thuốc lá phù hợp với các nhóm đối tượng, như: phụ nữ, thanh niên, học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức, người lao động…thông qua các kênh đa dạng: phát thanh, truyền hình, báo, thi, truyền thông lưu động, loa phát thanh xã phường, các cuộc thi…

Nhiều sáng kiến đã được thực hiện như sáng kiến: “Gia đình có sức khỏe-không khói thuốc” do Hội Phụ nữ Việt Nam phát động; cuộc thi sáng tác video clip chủ đề "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá điện tử" trên ứng dụng Tiktok do Trung ương Đoàn phát động thu hút được hơn 3 triệu lượt tiếp cận trên mạng xã hội.

Hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được lồng ghép trong các sự kiện văn hoá thể thao du lịch như: tổ chức SEA Games 31 không thuốc lá; Lễ hội Đền Hùng không khói thuốc, Festival Huế không khói thuốc… Các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức 242 cuộc thi tìm hiểu về PCTH thuốc lá thu hút hơn 20.000 người tham gia.

Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2022, tỷ lệ hiểu biết của người dân về tác hại của việc phơi nhiễm với khói thuốc lá được duy trì ở mức trên 85%.

(Còn tiếp)

Việt Thắng (nguồn Quỹ PCTH của thuốc lá – Bộ Y tế)


Có thể bạn quan tâm