May 18, 2024, 11:50 am

Từ sân khấu đến thực tiễn

                                          

Trong không khí hân hoan của tháng 3 - Tháng Thanh niên - Tháng cao điểm của các hoạt động, những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa của tuổi trẻ; Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức công diễn vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” về Anh hùng Lý Tự Trọng nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023).

 

Không chỉ đơn giản là một vở kịch tuyên truyền

 

 Đây là một vở kịch đặc biệt. Đó là nhận xét của hầu hết người xem không chỉ bởi đây là tác phẩm đầu tay của tác giả Lưu Quang Vũ viết theo đặt hàng của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1979, mà còn là vở kịch mang tính thời đại. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, tính đương đại vẫn hiện lên sâu sắc qua từng lời thoại, phân cảnh và phong cách diễn xuất của các nghệ sĩ. “Sống mãi tuổi 17” không ồn ào, sáo rỗng mà rất nhẹ nhàng truyền tải nhiều thông điệp đắt giá về lòng tự tôn dân tộc trong lòng những người trẻ tuổi. Tác phẩm đã rất chú trọng xây dựng nhân tình thế thái trong xã hội thời ấy, hình ảnh đất nước ta oằn mình đau đớn vì một cổ hai tròng. Chàng trai Lý Tự Trọng từ nước ngoài trở về, đầy hào hứng vì sắp được thấy quê hương của mình chứ không phải “chết cho một thứ chưa nhìn thấy” nữa, thì ngay giữa đường gặp cảnh dân ta bị quân Pháp đánh đập, anh điếng người, bàng hoàng thốt lên một câu chua xót: “Đất nước tôi là đây ư?”

Vở kịch không viết ra những câu thoại hô hào, khẩu hiệu, mà thay vào đó là những khoảng lặng để nội tâm tự lên tiếng. Sự giằng xé đan xen giữa khát vọng và lý trí tưởng chừng có lúc rơi vào thế “ lực bất tòng tâm” nhưng sự diễn xuất, âm thanh, biểu cẩm và ánh sáng các nghệ sĩ đã làm được nhiều hơn thế. Họ tạo ra khung cảnh một đất nước chưa có cờ tổ quốc, chưa có cả quốc ca, họ khiến khán giả phải tự hỏi vậy thì điều gì đã khiến những tràng trai, cô gái trẻ ấy tin rằng mình sẽ thắng, sẽ giành được chính quyền? Những người con lăn xả không toan tính, họ nghĩ về những thứ đơn giản như hoa Đà Lạt, như làm sao mua sách cho em trai học khi lâm vào cảnh đường cùng, họ chỉ nghĩ nếu mất nước thì dân ta sẽ khổ đau ra sao rồi vùng lên chiến đấu, rất đơn giản nhưng kiên quyết.

 “Tương lai nào cho những sự hi sinh ấy?”, đó là những gì mà ê kíp muốn gửi gắm đến khán giả. Những nghệ sĩ đã mang lên sân khấu những mảnh đời khốn cùng, những con người phải chịu khổ sai, thậm chí phải làm gái để nuôi con em mình theo Cách mạng. Chứng kiến điều đó, chàng thanh niên Lý Tự Trọng đã liều mình chống lại chế độ thực dân, coi cái chết nhẹ tưa lông hồng, khi bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết ở quảng trường Lareni.

Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp công chiếu vở kịch “Sống mãi tuổi 17”, tác phẩm đã được đưa lên dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cuối năm 1979 và tái sản xuất lại lần thứ 2 vào năm 2022. Vở kịch khai thác bối cảnh đất nước ta trong giai đoạn lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trước, với câu chuyện về Lý Tự Trọng (Quang Trọng thủ vai) - người thanh niên trẻ tuổi đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản trong nước. Vở kịch là sự ngợi ca tuổi trẻ và có sức lan tỏa mạnh mẽ

Không cần phải đao to, búa lớn, thậm chí hô hào khẩu hiệu này nọ, “Sống mãi tuổi 17”  đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Không gì bằng những tấm gương là những con người bằng xương bằng thịt đã góp phần củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị cho lớp trẻ.

Từ sân khấu đến sứ mệnh thực tiễn

Mang tư tưởng cấp tiến, lại có thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Người thanh niên Lý Tự Trọng mang biết bao hoài bão về xây dựng quê hương, đất nước mình. Anh muôn đồng bào mình thoát khỏi cảnh  “một cổ hai tròng” được hưởng những gì mà nhân loại văn minh trên thế giới đang thụ hưởng. Sự bình đẳng mà người thanh niên cấp tiến ấy mong muốn đã không thành hiện thực. Phân cảnh Lý Tự Trọng bị tống giam, chịu đòn roi tra tấn của địch được dàn dựng công phu với bàn xoay thủ công kết hợp với kĩ thuật đèn nháy đỏ, âm thanh dồn dập hỗn loạn và sự bứt phá trong diễn xuất của các nghệ sĩ là cao trào về cuối của cả vở kịch. Sự khéo léo trong thiết kế bục đứng và đèn chiếu chắn song sắt vào nền bục xanh lam đã phát huy tốt nhiệm vụ kiến tạo không khí lạnh lẽo trong ngục tối một cách khá mới mẻ và sáng tạo (vì thường đèn sân khấu sẽ không quá tối để nhìn được nhân vật từ cự li xa, hoặc sẽ cần đèn tập trung nếu là một phân cảnh tối). Cảnh tiếng đàn bầu vang lên khi Lý Tự Trọng toàn thân thương tích nặng nề, anh nói: “Mẹ ơi, con còn đêm nay nữa thôi” khiến cho toàn khán phòng không cầm được nước mắt. Thêm một sự khéo léo nữa của ê kíp vì đã sử dụng đàn bầu gắn liền với quê hương Hà Tĩnh của ông, người ta có thể cảm nhận được nỗi đau nhớ quê, nhớ mẹ của ông trong giọng nói run rẩy của Quang Trọng, và tất cả đã tạo ra một sự bùng nổ về cảm xúc vào những phút cuối trong vở kịch.

 

Khi bị kết án tử hình, Lý Tự Trọng khảng khái tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Từ lời nói này, trước thềm 26/3, gần 600 bạn trẻ sau khi xem xong liệu sẽ nghĩ về sứ mệnh của bản thân ngày hôm nay như thế nào, Dương Lâm - thành viên của Đoàn thanh niên đã dùng những từ “xúc động”, “bất lực” khi miêu tả về cảm xúc của mình: “Em đặt bản thân mình vào đó và thấy tức giận, mình không làm được gì, chẳng có quyền gì với đất nước của mình, thấy mình thật bé nhỏ và em đã ứa nước mắt khi xem vở kịch này. Liên hệ với sứ mệnh của người trẻ tuổi trong công cuộc đổi mới, em tự cảm thấy chúng em cần cố gắng nhiều hơn nữa, học tập và noi theo tấm gương của anh hùng Lý Tự Trọng, kiên định đi theo con đường mà Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn”.

Khi được hỏi về lý do và động lực nào khiến Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vở kịch, NSUT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội đánh giá cao về tính lan tỏa của tác phẩm và cho rằng sân khấu cũng như giới trẻ, đều có nhiệm vụ riêng nhưng quan trọng là không nên dập khuôn mà cần xuất phát từ nhận thức đúng về những việc mình đang làm: “Điều ekip làm kịch muốn truyền đạt tới người xem là trong quá khứ, thanh niên đã từng xả thân vì Tổ quốc như thế đấy, vậy hiện tại với vận hội mới, công cuộc đổi mới thì người trẻ đang nghĩ gì về những thứ sẽ đến trong tương lai? Bạn nhận ra không cần phải làm gì ghê gớm mới có thể đóng góp cho đất nước, làm đơn giản nhưng tốt là được. Chúng tôi cũng vậy, một vở kịch tự nhiên, không hô hào khẩu hiệu nhưng vừa truyền tải tốt tinh thần, vừa thành công chạm tới trái tim của nhiều khán giả trẻ”. Còn chi Lan Hương, một sinh viên trường nghệ thuật xúc động: Mình thực sự rất cảm phục lớp cha anh đi trước. Họ không chỉ có trái tim quà cảm, khát vọng cống hiến mà còn là những con người có thâm hồn cao đẹp” Họ truyền cảm  hứng cho chúng mình vượt qua thử thách, đối diện khó khăn để thực hiện ước mơ của mình”

 

“Sống mãi tuổi mười bảy” tổ chức công diễn vào Tháng Thanh niên, vào những ngày mà tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Thủ đô nói riêng đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là một điều vô cùng ý nghĩa, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Anh hùng Lý Tự Trọng cùng những bài học quý báu: Về lòng yêu nước.

 

 

Nguyễn Phương


Có thể bạn quan tâm