May 3, 2024, 1:43 am

Thơ Vương Trọng

Nhà Rông

 

Nhìn dọc: dựng mũi tên

Nhìn ngang: xòe lưỡi búa

Bước lên, hoá con thuyền

Sóng rượu cần nghiêng ngửa.

 

Thôi cần chi bếp nữa

Ấm từng đôi mắt nhen

Vồng ngực em thắp lửa

Cho nhà Rông làm đèn.

 

Ngọn lửa và hơi men

Xa rồi sao khỏi nhớ

Ơi mũi tên, lưỡi búa

Ơi cánh buồm cao nguyên!

 

 

Mỹ  Sơn

 

Rêu cỏ chen leo từng bậc đá

Hoàng hôn đổ gập một khung trời

Bìm bịp rừng côi kêu tiếng lạ

Như ai nức nở phía không người.

 

Gỗ cháy, đá đừng mong vĩnh cửu(1)

Khi không bền vững những vương triều

Chỉ có thời gian là thấu hiểu

Những gì sót lại giữa hoang liêu.

 

Thánh địa bao đời thành phế địa

Đâu nơi nương náu thần Si-va (2)

Cột đá ngả nghiêng chiều lạc thế

Mãi còn sung sức một Lin-ga (3)

_________

 (1): Thánh địa Mỹ Sơn, thế kỷ thứ 4 được xây bằng gỗ. Sau bị cháy, người ta xây lại bằng gạch đá.

 (2): Si-va: Thần được thờ ở Mỹ Sơn.

 (3): Linga và Yoni, những linh vật tượng trưng cho dưng và âm được thờ  ở Mỹ Sơn.

 

 

Chiềng Lao

 

Núi mang dáng đứng của người

Đỉnh vươn thẳng tới bầu trời khát khao

Bản làng theo núi mà cao

Trở thành Xứ Sở Ngàn Sao(*) quê mình.

 

Sao sa đáy suối lung linh

Tối trăng, trai gái tự tình sao soi

“ Inh noọng ời, Inh noọng ơi”

Đêm xòe, sao tự mắt người sáng ra.

 

Đến đây bao chặng đường xa

Cảnh tình giăng mắc hồn ta khó rời

Gặp đêm mây phủ núi đồi

Điện từ Huổi Quảng thay trời thắp sao.

 

Nghe hồn vẳng tiếng: Chiềng Lao!

__________

Chiềng Lao: Tên một xã thuộc huyện Mường La, Sơn La. Trong tiếng Thái, Chiếng Lao có nghĩa là vùng nhiều sao.

 

 

Lạc vào chùa

 

“Trăm năm trư­ớc chẳng có ta

Trăm năm sau ta chẳng có”

Lời sư nương theo tiếng mõ

Rơi rỗng cả chiều mùa đông.

 

Ta có hay là ta không?

Ta sau hay là ta trư­ớc?

Hỏi ai, cửa thiền lặng ngắt

Lá khô cũng vẻ nâu sồng.

 

Ta có hay là ta không?

Cốc cốc, không không, có có

Thân tan vào trong tiếng mõ

Tụ về đức Phật từ bi.

 

Ta lạc vào chùa chiều nay

Dằng dặc hai miền Sau- Trư­ớc

Phía nào cuộc đời trần tục

Bốn bề chỉ khói hư­ơng bay.

 

 

Nghĩ  về thơ

 

Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ

Muốn là rượu phải có gạo, ngô… và men cây,

men lá

Không có rượu cất lên từ nước lã

Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ.

 

“Ta đứng trên vai những vĩ nhân đi trước”

Đó là lời các nhà khoa học

Với nhà thơ, chẳng ai công kênh ai

Đỉnh quá khứ mãi còn sừng sững phía tương lai.

 

Dòng suối sâu, nước càng trong càng

thấy rõ độ sâu

Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu

chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục

Nông, sâu là ý, tứ

Trong, đục ấy ngôn từ…

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm