May 6, 2024, 1:41 am

Một sự nhầm lẫn đáng tiếc

Chuyên mục Tiếng nói nhà văn trên báo Văn Nghệ số 14/2023 tuần qua, có bài Cần thiết nhưng chưa cấp thiết của nhà văn Nguyễn Hữu Sơn, trao đổi về một số ý kiến gần đây đề xuất nên dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học trở lên, để khắc phục sự “đứt gãy văn hóa” do chữ Quốc ngữ gây nên. Theo nhà văn Nguyễn Hữu Sơn: “Học sinh phổ thông ngày nay cần thiết phải biết chữ Hán để tiếp thu đầy đủ và thuận tiện di sản văn hóa Hán Nôm của cha ông; nhưng điều đó chưa cấp thiết bằng việc trang bị cho các em những kỹ năng sống và kỹ năng làm việc “thời 4.0” cùng nhiều kiến thức thiết thực khác. Bởi vậy, đề xuất “học chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ bậc Tiểu học” chắc chắn không khả thi bởi không cấp thiết và thiếu nguồn lực giáo viên…”.

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm trên đây của nhà văn Nguyễn Hữu Sơn và xin lưu ý thêm rằng: Hiện nay ở nước ta có không ít người nhầm lẫn hai khái niệm “chữ Hán” và “tiếng Hán”. Chính vì thế, một số cuộc thảo luận về việc dạy chữ Hán ở trường phổ thông, nhất là vấn đề dạy chữ Hán đại trà cho tất cả các học sinh từ tiểu học, không được hiểu một cách thống nhất.

Về bản chất, “chữ Hán” và “tiếng Hán” là hai khái niệm có nội hàm hoàn toàn khác nhau. “Tiếng Hán” là ngôn ngữ của người Hán bao gồm cả hai phương diện: chữ viết (văn tự) và âm thanh (cách phát âm). Để phân biệt ngôn ngữ của dân tộc Hán trước và sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người Trung Quốc dùng hai khái niệm tiếng Hán cổtiếng Hán hiện đại. Chữ Hán của tiếng Hán cổ được gọi là chữ “Hán phồn thể” (rất nhiều nét); còn chữ Hán trong tiếng Hán hiện đại được gọi là chữ “Hán giản thể” (có cách viết đơn giản vì nhiều nét được lược bớt). Theo PGS.TS Phùng Siêu, một chuyên gia ngôn ngữ uy tín của Trung Quốc đại lục hiện nay, thì không chỉ học sinh mà các trí thức Trung Quốc ngày nay, phần lớn cũng không đọc được chữ Hán trước đây, bởi nó rất phức tạp nên khó nhớ và khó thuộc. Vì không phân biệt rõ hai khái niệm trên đây, nên nhiều cuộc thảo luận về vai trò của chữ Hán, chữ Quốc ngữ đối với tiến trình phát triển của dân tộc và bảo lưu văn hóa truyền thống Việt Nam đã bị trượt xa ra ngoài quỹ đạo của nó.

Trong những năm gần đây, có một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam do quá yêu thích tiếng Hán đã cho rằng, các nước quanh ta phát triển được là do dùng chữ Hán. Cực đoan hơn nữa, có người còn khẳng định, văn hóa Việt Nam thời trung đại nếu không có chữ Hán thì chẳng có gì. Với lý do đó, các nhà nghiên cứu này đã vận động để có thể tiến tới Luật hóa, đưa tiếng Hán vào dạy đại trà cho học sinh từ tiểu học. Sự thể này diễn ra chủ yếu lẫn lộn giữa hai phạm trù: dạy tiếng Hán hiện đại (ta quen gọi là tiếng Trung) với việc dạy tiếng Hán cổ hay chữ Hán cổ vốn được bảo lưu trong đình chùa, miếu mạo và các thư viện (bao gồm sáng tác thơ văn, di chiếu...).

Xin khẳng định thêm một lần nữa là việc dạy tiếng Hán cho học sinh phổ thông là cần thiết. Nhưng đó là thứ tiếng Hán hiện đại (tiếng Trung), với tư cách là một ngoại ngữ giống như các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức... Còn tiếng Hán cổ, hay chữ Hán cổ, cũng cần dạy nhưng chỉ nên dạy ở phạm vi đại học với một số chuyên ngành thực sự cần thiết. Trên thực tế, ngành Hán-Nôm đã được phục hồi ở Đại học từ năm 1976 đến nay trong một số khoa Ngữ Văn (sau này là Khoa Văn học) của một số trường đại học, nhưng số học sinh có nguyện vọng vào học không nhiều và sau khi tốt nghiệp xin việc cũng rất khó khăn vì không tìm được địa chỉ sử dụng. Điều đó cho thấy, nếu bắt học sinh phổ thông học chữ Hán là việc làm tốn công sức và mất thời gian nhưng không đem lại hiệu quả thực tế.

Cũng cần nói thêm: ở Việt Nam hiện nay có một số người còn đang mắc một nhầm lẫn vô cùng tai hại là coi việc dạy chữ Hán cho học sinh là mục đích bảo tồn “quốc hồn quốc túy”, và giúp cho việc nói đúng và viết đúng tiếng Việt... Đó là một nhận thức không xuất phát từ căn cứ khoa học. Từ thế kỷ XIII, các bậc túc nho đã sớm nhận ra, nếu cứ tiếp tục dùng chữ Hán thì chẳng bao lâu, người Việt sẽ mất hẳn bản sắc dân tộc. Để chống lại con đường nô dịch về văn hóa, các đại trí thức tiền bối đã tìm cách sáng tạo ra chữ Nôm. Trong cảnh phải chịu sự đô hộ ngàn năm của phương Bắc, người Việt bị bắt buộc phải dùng chữ Hán trong các lĩnh vực hành chính quốc gia, trong đào tạo quan trường… thì việc tạo ra chữ Nôm chính là ngọn cờ phất lên nhằm bảo lưu và tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nó đã đi vào sáng tác của các bậc thi sĩ đại danh tài như Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và sau này là Nguyễn Khuyến, Tú Xương…

Như vậy, so với dòng chảy lịch sử, chữ Hán chỉ là một thứ công cụ văn tự nước ngoài để ghi lại các dấu tích của văn hóa Việt Nam. Mà đã là một công cụ thì ta vẫn có thể thay thế nó. Tuyệt nhiên, nó không phải là ngôn ngữ Việt, cái mà ta có thể gọi tên một cách không hàm hồ rằng, đó chính mới là văn hóa đích thực của người Việt Nam. Bởi vì, ngôn ngữ hình thành do nhu cầu giao tế và là thành quả tư duy của mỗi cộng đồng người cụ thể. Chính vì thế, tiếng Việt mới là phương tiện phản ánh tư duy, ý thức và truyền thống văn hóa Việt Nam. Trên thực tế, trước khi dùng chữ Hán, người Việt Nam đã có hàng ngàn hàng vạn câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ tích ngụ ngôn được truyền miệng từ đời này qua đời khác... Văn hóa Việt Nam cũng không chỉ gồm các văn bản thơ ca, các di chỉ ở đình chùa miếu mạo được ghi bằng chữ Hán, mà nó còn bao gồm rất nhiều giá trị vật chất và tinh thần do bàn tay người Việt sáng tạo ra như: kiến trúc, hội họa, âm nhạc… Vì vậy thật là sai lầm nếu quan niệm học chữ Hán là để giữ “quốc hồn quốc túy”.

Chính do chưa phân biệt được rõ ràng hai khái niệm văn tựngôn ngữ nên trong một số cuộc thảo luận về vai trò của chữ Hán và chữ Quốc ngữ đối với tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhiều khi chúng ta rơi vào lúng túng và có khi bế tắc. Chẳng hạn, cách đây hơn nửa thế kỷ, người ta đã đặt ra câu hỏi: việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ có cần thiết không? Các học giả thuộc thế hệ các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Thừa Hỷ, Đào Duy Anh đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc và khẳng định dứt khoát về ý nghĩa to lớn của công cuộc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ rồi. Thế mà gần đây, một số người lại muốn đặt lại vấn đề…

Thực ra cũng không cần phải tranh luận nhiều mà chỉ nhìn vào thực tiễn lịch sử là đã thấy ngay vấn đề mang tính bản chất nhất. Như chúng ta đã biết, giao lưu văn hóa và ngôn ngữ là hiện tượng mang tính phổ quát. Nó xảy ra như một tất yếu của sự tiếp nhận và phát triển. Có hai con đường xảy ra. Hoặc là tiếp xúc ngôn ngữ dẫn đến tiếp xúc văn hóa. Hai là từ tiếp xúc văn hóa dẫn đến tiếp xúc ngôn ngữ. Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường thứ nhất, còn chữ Quốc ngữ là kết quả của con đường thứ hai, vì chữ Quốc ngữ hình thành do nhu cầu của các nhà truyền giáo phương Tây vào Việt Nam khoảng thế kỷ XVI-XVII. Để có thể dễ dàng trong việc truyền và học đạo, trước hết họ cần có một thứ công cụ chung để trao đổi, do đó các nhà truyền giáo đã hợp tác với các “học trò” đầu tiên của người Việt để sáng tạo ra loại văn tự mới gọi là chữ Quốc ngữ. Đây là loại chữ dùng các ký tự La tinh để ghi âm tiếng Việt theo kiểu “nói thế nào, ghi thế ấy” nên rất tiện lợi vì rất dễ nhớ và dễ thuộc. Nhờ có được tiện lợi như thế nên một người nông dân Việt Nam chỉ cần ba tháng học chữ Quốc ngữ là có thể đọc viết thông thạo. Chính vì thế, ưu việt của loại chữ này đã tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng thanh toán được “giặc dốt” để nhanh chóng tiếp cận với thế giới văn minh, đặc biệt là với văn minh phương Tây. Trong khi muốn học chữ Hán thành thạo phải mất ít nhất từ 5 năm đến 10 năm. Đó là lý do khiến đại đa số nhân dân lao động Việt Nam trước đây đều mù chữ.

Cũng nhờ sử dụng chữ Quốc ngữ, chúng ta đã khẳng định nền độc lập quốc gia của mình, đồng thời tiếp cận nhanh với thế giới để đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, làm đổi mới bộ mặt kinh tế và xã hội nước nhà. Dù phân tích theo hướng nào thì đây chính là những bằng cứ lịch sử không thể chối cãi.

Nhà văn Hữu Đạt

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm