May 2, 2024, 1:07 pm

Môn nghệ thuật thứ chín…

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023 bắt đầu từ ngày 16/3 đến hết tháng 4. Trọng điểm là từ ngày 15-21/4. Các hoạt động nhằm làm rõ giá trị, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, gắn với thông điệp “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Một trong những cuốn truyện tranh lịch sử của Nhà xuất bản Kim Đồng

Nói đến đọc sách và việc đọc sách tại Việt Nam, cho đến nay người ta vẫn đưa ra những con sô… đáng lo ngại như: “Có tới 26% người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách; 44% thỉnh thoảng đọc.”, hoặc “Mơ có tên mình trong “Quốc gia đọc sách”, và “Việt Nam luôn “được” xếp vào danh sách những quốc gia có tỉ lệ người đọc sách thấp nhất trên thế giới.”

Có hai câu hỏi: 1, Ở Việt Nam, đối tượng nào đọc sách nhiều hơn, trẻ em hay người lớn? 2, Trẻ em đọc sách những sách gì?

Câu hỏi thứ nhất chưa có thống kê. Còn câu hỏi thứ hai thì phần lớn câu trả lời nhận được là ngoài sách giáo khoa, hay hệ thống sách bắt buộc phải mua và phải đọc ở nhà trường, thì trẻ em đọc “Truyện tranh”. Không có gì khó hiểu, bởi truyện tranh dễ đọc, dễ cảm nhận, và tính thẩm mỹ cao. Đối với một đứa trẻ, có lẽ “bạn sách đầu đời” của chúng là truyện tranh. Ngay cả khi ở tuổi thiếu niên, phần lớn số sách chúng đọc cũng là truyện tranh. Và, truyện tranh lúc này không còn nằm trong những cuốn sách giáo khoa, những câu chuyện giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng nữa, mà là những cuốn truyện giải trí, mang tính phiêu lưu, khám phá thế giới nhiều hơn.

Vậy truyện tranh chỉ dành cho trẻ em?

Không hề bị coi là loại truyện dành cho “trẻ con” như nhiều người bấy lâu vẫn nhầm tưởng, ở Pháp, truyện tranh được coi là môn “nghệ thuật thứ 9”. Với người dân Pháp, thể loại này không đơn thuần để giải trí mà còn là một phương thức biểu đạt có khả năng truyền tải bất kỳ câu chuyện nào và dành cho mọi đối tượng người đọc. Hiện nay, cứ 7 cuốn sách được mua ở Pháp thì có hơn một cuốn là truyện tranh.

 Truyện tranh là sự kết hợp giữa văn chương với hình ảnh. Không như những sản phẩm in ấn thông thường, mỗi một cảnh trong truyện tranh có thể được xem là tác phẩm nghệ thuật nhờ vào sự chăm chút kỹ lưỡng của họa sĩ.

Về lịch sử ra đời của truyện tranh, người ta nói đến Nghệ thuật tuần tự. Nghệ thuật tuần tự là một loại hình nghệ thuật sử dụng các hình ảnh được triển khai theo trình tự để kể chuyện bằng hình ảnh hoặc để truyền đạt thông tin. Nghệ thuật tuần tự có trước truyện tranh đương đại hàng thiên niên kỷ. Một số ví dụ sớm nhất là các bức tranh hang động, chữ tượng hình Ai Cập và các bản thảo tranh của người Mỹ thời tiền Colombia, đó là những phương tiện biểu đạt nghệ thuật thường xuyên. Được biết, ngoài tiền thân như trên, truyện tranh được cho là xuất hiện lần đầu tiên năm 1732 qua các bản khắc châm biếm của họa sĩ người Anh William Hogarth nhằm phê phán những thói hư tật xấu thời bấy giờ. Tiếp đó, ông đã cho in những mẩu chuyện mang tính giáo dục được kể bằng những hình vẽ xếp kế nhau. Tác giả người Thụy Sỹ Rodolphe Töpffer đã sáng tác những câu chuyện hài hước và lồng vào hình vẽ. Töpffer cũng là người đầu tiên đưa ra những phân tích về loại hình nghệ thuật mới lạ này: truyện kể bằng tranh.

Những ngôi nhà ở Angoulême (Pháp) luôn được “minh họa” bởi những phân cảnh trong các bộ truyện tranh mà người dân yêu thích

Truyện tranh hiện đại có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, và sau đó được chia thành 3 dòng chính: Truyện tranh Mỹ; Truyện Tranh Pháp, Bỉ; Truyện tranh Nhật Bản (Manga). Truyện tranh Mỹ được coi tiên phong trong lĩnh vực truyện tranh nhiều tập về phiêu lưu mạo hiểm, trinh thám, khoa học giả tưởng. Sau này còn phát triển thành Graphic Novel (tiểu thuyết đồ họa). Truyện tranh Pháp - Bỉ ngày nay là một món ăn tinh thần không thể thiếu của những người yêu thích “nghệ thuật thứ 9” dẫu ban đầu bị tẩy chay vì quan niệm “làm hư trẻ con”. Truyện tranh Nhật Bản - manga xuất hiện sau các dòng truyện tranh khác và chỉ bắt đầu được phổ biến trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng thể loại này đã có những bước nhảy vọt thần kỳ và trở thành dòng truyện tranh được đọc nhiều nhất hiện nay.

Năm 2009, nước Pháp khánh thành Bảo tàng truyện tranh lớn nhất châu Âu tại Angoulême. Đây là một bảo tàng độc đáo dành để tôn vinh truyện tranh, cho thấy truyện tranh xứng đáng được tôn trọng như một loại hình nghệ thuật chính thống.

Như vậy, truyện tranh được viết, đọc trên toàn thế giới, và ở Việt Nam, truyện tranh xuất hiện, phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trẻ em (cả người lớn), dẫu ban đầu chúng được sử dụng làm phương tiện tuyên truyền lối sống và giáo dục đạo đức (khoảng những năm 30 của thế kỷ 20). Thuật ngữ “Truyện tranh Việt Nam” được đặt ra vào năm 1960 bởi tạp chí Floral Age để chỉ nghệ thuật tuần tự được tạo ra ở Việt Nam.

Sau gần trăm năm phát triển, trải qua bao thăng trầm, xuất hiện nhiều “làn sóng”, nhưng đến nay truyện tranh Việt Nam vẫn chưa định hình phong cách riêng và để lại dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc và quốc tế.

Dẫu thế, tình hình có vẻ đang bắt đầu thay đổi khi các nghệ sĩ và tác giả Việt Nam bắt đầu giành được giải thưởng và nhận được sự ca ngợi quốc tế mà họ xứng đáng được hưởng.

Nhà báo Thi Phong, trong bài “Cơ hội mới cho truyện tranh Việt” trên báo Thời nay: cho biết: “Theo dõi thị trường truyện tranh Việt Nam những năm qua, có thể thấy một tín hiệu đáng mừng, đó là truyện tranh Việt đã ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình ở trong nước. Nếu như trước kia hầu như độc giả chỉ tìm đọc truyện tranh ngoại, 90% thị phần truyện tranh thuộc về tác phẩm nhập ngoại thì nay cán cân xuất bản đã có những điều chỉnh tích cực. Nhiều đơn vị xuất bản đã chủ động tìm kiếm và mời gọi các tác giả tham gia viết truyện tranh...”

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các nền tảng số, nhiều tác giả truyện tranh đã tự sáng tác và xuất bản truyện tranh trên mạng. Nhiều Webtoon – Read Comics Online ra đời và nhiều tác giả còn rất trẻ tuổi đã sở hữu số tiền lớn trong tài khoản. Lẽ dĩ nhiên, với truyện tranh trên mạng, về phong cách, nội dung còn là vấn đề cần được cơ quan chức năng, gia đình, bản thân người sáng tác và chính độc giả cần phải cân nhắc. Dù sao, ở một khía cạnh khác, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nhiều tác giả truyện tranh Việt Nam cùng tác phẩm của họ được vinh danh tại các cuộc thi lớn trong và ngoài nước đang là những nhân tố khích lệ truyện tranh Việt vươn lên trở thành một trong những môn nghệ thuật chính thống được tôn vinh như “môn nghệ thuật thứ chín” ở Pháp.

Yên Châu

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm