May 4, 2024, 9:04 pm

Không thể khác. Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cứ đau đáu sau khi đọc những truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga. Những gấp khúc của cuộc đời như đang giãi ra, bày ra trong từng câu chữ. Để rồi thương đến tận cùng. Xót đến tận cùng rồi than phận con người. Rồi thì giá như cho ai đó bớt yêu một chút. Mặc kệ một chút. Có khi sẽ khác. Có điều người đàn ông tội nghiệp như Hải cứ dành trọn vẹn tình yêu bình dị cho người vợ ham chơi có biết trước điều gì đâu….

Người tuyển chọn xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Không thể khác của Trần Quỳnh Nga, một người phụ nữ viết truyện ngắn sắc sảo mà hiền lành đến vô cùng.

(Niê Thanh Mai)

Khi Quý nhớ ra cuộc hẹn với Hải, đồng hồ đã điểm 6 giờ rưỡi tối. Hắn vội vã lao ra đường. Giờ tan tầm, người đông mắc cửi. Không khí như vón cục. Ngột ngạt. Đám đông người và xe đang cố rướn mình lao ra khỏi nội thành. Quán bia vỉa hè nhốn nháo kín chỗ.

- Muộn thế - Hải với chiếc ghế nhựa đưa cho hắn

- Đọc nốt mấy cái bản thảo cho số tới. Lại vội à?

- Chẳng vội…

Hải nói rồi đẩy cốc bia sủi bọt lại phía hắn. Hắn nâng lên chạm vào cốc Hải, làm một hơi dài. Hải cũng uống sạch bia trong cốc. Câu chuyện không đầu không cuối bắt đầu rôm rả.

*

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi 

Hải ngày trước lái xe hợp đồng cho cơ quan hắn, nhưng có khả năng viết lách, thậm chí còn viết tốt hơn nhiều phóng viên trong tòa soạn. Hai thằng thanh niên được phân ở cùng nhau trong cái xép lên tầng thượng của tòa nhà. Ngày đó làm báo không như bây giờ,  đời sống cũng chật hẹp nên mỗi khi rỗi việc cả hai thường đi lang thang lấy tin, viết bài, chụp ảnh làm quảng cáo cộng tác cho các báo khác. Hải là dân tay ngang nhưng nhiều bài viết của hắn đã tạo được ấn tượng với bạn đọc. Bạn bè làm báo trong tỉnh ai cũng nể nang cách làm việc nghiêm túc và cầu thị của hắn.

Đùng cái, hắn bỏ việc không hề nói với ai một lời. Mãi đến khi Quý về quê tìm mới biết hắn đã cùng lúc vừa lấy vợ vừa mở tiệm sửa xe máy từ đời nào mà không ai hay. Cái thằng được cái lắm tài, nghề nào cũng giỏi. Cửa hàng sửa xe của hắn khách khứa ra vào làm không hết việc. Từ đó, họa hoằn lắm mỗi lần ra phố lấy hàng Hải mới gọi hắn làm đôi cốc bia mới có cơ hội gặp mặt.

Hải thêm bia vào cốc. Dạo này trông có vẻ già đi. Ăn mặc cũng có vẻ đơn giản khác hẳn ngày còn đi làm nhưng nom chừng lại thoải mái hơn trước. Hắn cười:

- Dạo này không cầu kì ăn mặc nữa nhỉ?

- Đấy, sơ mi quần tây chừ xếp xó không đụng đến nữa. Chừ cứ cái này mà đần - Hắn nói rồi vỗ vào cái quần rằn ri vằn vện bâu túi đầy chân cười ha ha 

- Ừ…

- Mà nhé, từ dạo chuyển sang cái nghề đầy dầu mỡ này tôi chẳng còn cần để ý đến người ta nhìn mình như thế nào. Chung quy thoải mái là hợp nhất.

Hải nói rồi lại uống chẳng chờ hắn cụng ly. Lần nào ngồi với hắn thằng Hải cũng vội vội vàng vàng để về cho kịp chuyến xe cuối. Nhưng hôm nay là ngoại lệ, cuộc nhậu đến lúc nửa đêm rồi vẫn không buồn kết thúc. Hai đứa gật gù ngồi bên nhau. Thằng Hải hình như đang có chuyện gì đó khó nói. Đến lúc ngà ngà Hải mới buột miệng:

- Mày kiếm cho bố con tao một cái nhà vừa ở vừa làm cửa hàng được. Không cần phải trung tâm nhưng phải có 2 phòng để thằng Tí nó được yên tĩnh học tập.

- Sao?

- Tao với mẹ thằng Tí giải tán rồi. Thằng Tí ở với tao.

Lần này chính Quý lại nâng ly trước. Hắn biết, nếu chuyện đáng nói thằng Hải tự khắc sẽ nói ra. Còn không nói ra nghĩa là chuyện còn chưa có gì để nói. Những lúc như thế, tốt nhất kẻ làm bạn như hắn chỉ nên làm theo, sớm tìm được một căn nhà giống như yêu cầu.

*

Chuyện trước thằng Hải bỏ việc cho đến lần này là bỏ vợ, Quý cũng không tỏ tường. Bao năm ở chung, tính khí thằng Hải thế nào hắn biết. Nó là thằng chân tình và khảng khái. Ai gặp việc, giúp được nó sẽ giúp không ngần ngại, không so đo thiệt hơn. Nhưng trò đời nó thế, thật bụng quá đôi khi lại bị lợi dụng nhưng mỗi lần hở Quý định góp ý đều bị nó khoát tay chặc lưỡi: “Thôi kệ đi mày, người ta lợi dụng mình nghĩa là mình vẫn còn có ích”.

Nhưng làm sao mà đến nông nỗi phải bỏ vợ thì hắn chịu. Cái thằng nâng đàn bà như thú cưng mà đã quyết định chấm dứt một mối quan hệ như thế nghĩa là mọi sự không thể có cách giải quyết nào khác hơn được. Và lẽ tất nhiên hắn sẽ chịu phần thiệt là ra khỏi nhà.

Căn nhà hắn thuê cho Hải nằm nơi hẻm Cây Cừa. Người ta gọi riết thành quen vì ngay trước ngõ vào có một cây Cừa to. Nghe đâu người trồng nên cây đó là ông chủ làm nghề đóng giày da. Quý thấy trên thân cây đó vẫn còn đóng một cái biển sửa giày nho nhỏ, hình như đã lâu lắm rồi người ta không buồn gỡ.

- Cái gì cũng có thể sửa được mày nhỉ, trừ tính nết

Hải nhìn quanh ngôi nhà nói một câu rõ ỡm ờ. Rồi như đi guốc trong bụng hắn, thằng Hải ngồi xuống nơi cái rễ cây nổi sần trên đất tuôn một tràng dài. Hắn cố gắng xâu chuỗi mọi việc trong câu chuyện của thằng bạn kể một cách có lớp lang rồi cuối cùng cũng chỉ kết luận đúng mỗi một câu:

- Giải tán là đúng, nhưng nghĩ cũng kì, đàn bà đã không nghiện thì thôi, chứ đã nghiện thứ gì thì đến chết may ra mới hết được.

- Ai chẳng thế chứ riêng gì đàn bà … Chỗ này chắc đặt thêm cái bàn đá tao mày còn có chỗ mà nhậu - Hải lảng sang chuyện khác.

- Kệ mày…

 Chuyện vợ Hải nghiện cờ bạc đã gây ra bao thứ rắc rối giờ nó kể ra mới biết. Ai đời chồng suốt ngày đi tìm vợ hết “sân vận động hàng chiếu” này đến “sân vận động hàng chiếu khác”. Tiền làm ra không đủ trả nợ thay vợ hết làng trên đến xóm dưới chứ chưa kể đến nợ nặng lãi. Sau mỗi trận ầm ĩ như thế, lần nào vợ nó cũng lại quỳ xuống khóc lóc xin tha, thề thốt đủ điều. Thằng Hải lại mủi lòng, lại mong vợ nó có ý hồi tỉnh. Nhưng rồi chỉ dăm bữa nửa tháng chứng nào tật nấy. Lần này nó chính thức bỏ nhà đi luôn cùng với một thằng phi công trẻ sau khi đặt trên bàn một tờ giấy li hôn đã kí sẵn. Thằng Hải nhờ người rao bán cái nhà cũ. Hai bố con nó về phố làm lại từ đầu.

*

Từ ngày thằng Hải dọn ra quán Cây Cừa, bố con nó yên ổn hẳn. Tiệm gần trường học nên tiện đủ đường, bố nó đông khách, thằng Tí tự đến trường không cần phải đưa rước. Cái thằng mới tí tuổi mà đã sớm khôn. Thỉnh thoảng tiện đường Quý vẫn thường ghé qua, thấy thằng Tí có thể tự cắm cơm và dọn nhà giúp bố nó một cách thành thục.

 Cuộc đời thằng Hải mới kể ra đến đoạn bỏ vợ là đã thấy đầy éo le rồi. Đời nó chẳng mấy ngày được vui. Nó là một đứa trẻ bị bỏ rơi nơi góc sân vận động của thị xã cả một ngày trời không ai hay biết. Đêm đó, mưa lũ lớn, may có ông Sáu Nghĩa đi qua, thấy nó thoi thóp tím tái vì rét nên gọi người trong phố đem đi cấp cứu rồi thương tình cưu mang, nuôi nấng nên người.

Ông Sáu Nghĩa không vợ, không con, không nhà. Ông chỉ có cái tiệm sửa xe cũ nơi góc chợ đắp đổi qua ngày nay no mai đói. Từ ngày có thêm thằng Hải, hai ông cháu lại càng chật vật hơn. Cũng may nhờ vào tình thương của bà con phố chợ mà thằng Hải mới có tấm quần, tấm áo mà mặc. Được năm sáu năm thì ông mất vì lao phổi. Thằng Hải lại thêm lần nữa mồ côi lân la phụ việc nơi góc chợ mà lớn lên.

- Sao hồi đó tự nhiên mày bỏ việc, làm nên bao nhiêu là tin đồn…

- Tao á - Thằng Hải cười xót xa - đồn gì đâu, sự thật mà…

- Đúng vậy à?

- Đúng mà không đúng - Hải cười phá lên - Có thể cả tao và lão đều là những kẻ bị lợi dụng

Quý ngồi im không nói gì. Chuyện đàn ông, đàn bà ngoài kia kể ra không hết chứ không phải nói đến chuyện quan tham với chân dài. Nhưng rõ ràng nội tình câu chuyện của thằng Hải bây giờ kể ra hắn mới thấy ngỡ ngàng. Hóa ra mọi lời đồn đại về hắn từ trước đến giờ đều không phải là sự thật. Sự thật chính là điều  chính bản thân thằng Hải cũng không ngờ tới. Rằng cái đêm định mệnh đó, trong một cuộc tiếp khách, lão tổng đã sai hắn gọi một đoàn đào hát đến để mua vui. Hắn chỉ không ngờ, trong đám đào hát mà phục vụ gọi hôm đó có nàng. Hắn trốn vào một góc, lặng nhìn người con gái nơi phố chợ vẫn thường rụt rè mỗi khi hắn cầm tay bỗng chốc như hóa thành một con người khác với những trò thác loạn mà chính hắn cũng không tưởng tượng nổi.

- Lúc đèn bật sáng là vở kịch kết thúc. Tao ngỡ ngàng nhận ra cuộc đời tao đang bị vướng vào những trớ trêu. Tao luôn cảm thấy mình là người thừa, chưa từng có một nơi  nào đó để mình thuộc về…

Thằng Hải nói rồi lại uống. Quý ngồi nhìn thằng bạn thân đang gật gù uống ừng ực cả bia lẫn nước mắt vào lòng mà không biết nói gì. Hóa ra bao lâu nay, trong lòng thằng Hải luôn phải chịu đựng những băn khoăn, dằn vặt khổ sở như thế về cuộc đời mà hắn không hay biết.

Hắn thôi không bình luận. Trong những chuyện như này thật lòng không biết nói gì. Thằng Hải cũng là đứa ít lời. Nên việc hắn rời cơ quan mang theo cả những điều tai tiếng vậy mà đến bây giờ buột chuyện nói ra như là chuyện của ai đó nghe kể bên đường không mấy thú vị với nó.

*

“Này! Cái thằng sửa xe ở hẻm cây Cừa vừa giết người đấy!”

Hắn đánh rơi cái bút xuống nền nhà khi nghe đám người chạy rần rật ngoài hành lang vội vàng chạy ngang phòng hắn. Chỉ trong một thời gian ngắn, tin thằng Hải giết người lan chóng mặt trên face làm hắn bàng hoàng. “Đồ máu lạnh!” , cái comem bình luận phía dưới dòng tin cộc lốc của một đứa nào đó khiến hắn chết điếng như người vừa bị tang một cú tát. Hắn vội bấm điện thoại, đầu dây chỉ là mấy tiếng tút tút dài.

Trời nắng như ai vừa bắc chảo rang. Hơi nóng phả lên cả cái đầu quên đội mũ bảo hiểm rát buốt. Hẻm cây Cừa đặc kín người hiếu kì đang vây kín ngôi nhà bình phẩm không dứt. Hắn lách người đi vào sân nơi công an đang đứng thành hàng rào áp giải thằng Hải bị còng gập khỉu tay ra phía sau. Lưng nó như cúi xuống đổ về phía trước, bước đi không cảm xúc.

- Hải… Hải…

Thằng Hải giật mình nhìn lên về phía tiếng gọi của hắn. Hắn nhào đến

- Hải… mày… sao thế này?

Hắn chỉ gọi được thế trong nghẹn ngào. Thằng Hải đưa mắt nhìn hắn như ám chỉ cho nó đừng đi theo nữa mà vào nhà với thằng Tí. Hắn đọc được ánh mắt đó, lùi lại nhìn thằng Hải chìm khuất trong đám người lô nhô đuổi theo bàn tán xì xào.

Thằng Tí vẫn ngồi im lặng nơi góc nhà nhìn ra ngoài phía cây vú sữa đang mùa ra hoa. Trong tầng lá lấp lánh nửa đỏ nửa vàng có đôi chim đang lích rích chuyền cành. Hắn định bụng nói gì đó với thằng nhỏ nhưng rồi không mở lời được. Trong bao thứ hỗn mang của cuộc đời này, thì việc bố nó giết mẹ nó là một sự đả kích không gì có thể làm nó xuê xoa.  Thằng bé không gượng dậy được. Nó in một dáng ngồi mặc định trên vách nhà như tượng. Mồ hôi trên người nó chảy ra ướt đẫm cả đồ áo. Và lại nữa, nó bĩnh cả ra quần, nước đái chảy ra sàn nhà ướt sang cả quần hắn khắm khú.

Mãi cho đến một tuần sau thằng bé vẫn không nói. Bác sĩ bảo nó bị chứng sợ một thực thể, một vấn đề một cách vô lý và quá mức khiến não bộ bị tổn thương không dễ dàng hồi phục ngày một ngày hai được. Điều đó làm hắn bối rối. Liệu rằng Hải có biết không khi một phút không thể làm chủ được bản thân là cuộc đời cả nó và con nó bị dồn đến đường cùng (mà biết đâu trong nghịch cảnh như này thì mọi con đường đều là đường cùng với nó).

*

Việc thằng Hải giết vợ nghe ra thật lắm điều. Người thì bảo con vợ nó đi theo trai trẻ bài bạc nợ nần giờ về đòi chia tiền bán nhà, kẻ thì bảo mẹ thằng Tí về đòi quyền nuôi thằng Tí rồi mới gây ra mâu thuẫn tranh cãi… Chung quy lí do nào cũng là nhát dao oan nghiệt của thằng Hải cắm vào đúng tim vợ nó.

Từ ngày bố nó bị bắt, không thấy anh em bên mẹ thằng Tí đứng ra nhận bảo lãnh hay chăm sóc nó một lần nào. Chỉ đến khi tòa xử phiên đầu tiên chúng mới kéo đến từng đàn khóc lóc kể lể làm loạn cả một hội trường tòa án.

Thằng Hải người rũ ra như một tàu lá đứng trước vành móng ngựa với đôi mắt vô hồn. Nó không nói dài dòng, không biện hộ hay thanh minh điều gì, chỉ nói mỗi một câu “tôi có tội” rồi lại cúi gằm mặt xuống.

Thằng Tí bị kéo đi kéo lại giữa đám anh em họ ngoại tranh nhau dành quyền giám hộ với đôi mắt cầu cứu bất lực. Nó ngã xuống rồi vùng dậy thoát khỏi đám đông chạy lại ôm lấy chân bố nó khóc không thành tiếng.

*

Nhắn thế nào thằng Hải cũng không chịu gặp mặt hắn trong tại giam. Cái thằng ngoan cố đến lạ khi hắn có ý định tìm luật sư bào chữa giúp nó. Hải chỉ nhắn lại nhờ hắn trông giùm thằng nhỏ trong những ngày đầy hoảng loạn này của con. Còn tội của nó, nó khắc phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và không khiến hắn phải bận lòng.

Hắn về lại quán Cây Cừa, đưa cả vợ ra thành phố để tiện việc chăm sóc thằng Tí. Không nói ra, cả hai vợ chồng hắn đều có những dự cảm chẳng lành. Mọi bất lợi đều hướng về phía thằng Hải khi hắn không hề nói ra hay tỏ ra hợp tác với luật sư bào chữa.

Buổi xét xử cuối cùng của thằng Hải diễn ra đúng vào ngày nắng như đổ lửa. Trong hai phần thẩm vấn và tranh tụng, Hội đồng xét xử đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của thằng Hải bằng một bản cáo trạng dài. Chung quy lại cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong việc chia tài sản sau ly hôn. Trong lúc quẫn trí, Hải đã dùng hung khí đâm trúng tim dẫn đến việc tử vong của vợ cũ. Với hành vi “đi đến tận cùng của tội ác”, Hội đồng xét xử cho rằng Hải không còn cơ hội để giáo dục, cải tạo thành người có ích cho xã hội nên đã tuyên phạt bị cáo mức án cao nhất: Tử hình.

Cả hội trường lặng đi.

- Bị cáo được nói lời sau cùng - Giọng vị thẩm phán trầm từng tiếng một gãy gọn xé toang bầu không khí yên ắng đột ngột.

- Thưa quý tòa, tôi còn một đứa con nhỏ. Mong quý tòa chấp nhận để cho bạn thân của tôi được là người giám hộ cho con tôi. Còn tôi có tội, tôi sẽ chịu mọi trừng trị của pháp luật - Đến lúc này thằng Hải mới khóc nấc lên -  tôi… tôi… muốn được hiến xác cho y học.

Lời thằng Hải vừa dứt, cả hội trường ồ lên ngạc nhiên không ngờ đến tình huống này. Đã có đôi tiếng khóc rấm rứt thương cảm cho số phận trớ trêu của thằng Hải. Người ta đã không cầm được nước mắt khi thấy thằng Tí khóc thét lên hết chạy nhào đến ôm chầm lấy bố nó, lại quỳ dưới chân hắn gào lên nức nở.

- Xin chú hãy cứu lấy bố cháu, bố ơi…

Rồi ngã nhoài ra đất ngất lịm

*

Mọi câu chuyện rồi cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bao nhiêu năm chần chừ bây giờ vợ hắn mới quyết định chuyển ra phố tiện việc chăm sóc sức khỏe cho thằng Tí đang bình phục dần. Hắn sau mỗi ngày tan ca lại về nhà, ngồi dưới gốc cây vú sữa sửa lại những đồ dùng trong nhà bị hư hay đọc nốt những bản thảo đang dở. Chợt nhận ra lâu lắm rồi bây giờ hắn mới có được cảm giác yên ổn, đoàn viên.

Bẵng đi một thời gian sau, một bữa, hắn nhận được một bức thư dài của thằng Hải. Trong đó có đoạn:

“Quý! Tao rốt cuộc là một kẻ cô đơn và bất hạnh nhất trên cuộc đời này. Tao đã cố gắng để thoát ra khỏi nó bằng cách phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền để vợ con tao không phải chịu một cuộc sống khó khăn vất vả. Nhưng vợ tao không nghĩ thế, nó không thể chấp nhận một cuộc sống vất vả ở quê chí thú làm ăn cùng tao…

Mày biết đó là ai không? Chính là người con gái vẫn thường rụt rè mỗi khi tao cầm tay ngày xưa đó… Thói đời cũng lắm khôi hài! Trong khi tao chán đời bỏ đi lại gặp phải nó đang bụng mang dạ chửa trốn chui trốn nhủi vì nợ nần không nơi nương tựa, lại thương tình, cưu mang mẹ con nó… Đường cùng đã đẩy chúng tao lại với nhau... Tao đã tưởng chừng sau bao năm tháng nương tựa cùng nhau tình yêu sẽ trở lại trong căn nhà nhỏ này nhưng không thể. Tao càng gần gũi, nó càng xa lánh. Thẳm sâu trong lòng nó có một khoảng cách không thể nào hàn gắn nổi. Đôi khi nhìn thằng nhỏ, tao thương. Tao yêu nó thật lòng bằng tính thương của một người cha với con nhưng mẹ nó lại không chấp nhận. Tao thương thằng nhỏ thế nào thì nó ghét thằng nhỏ thế ấy. Nó lao vào cờ bạc, trai gái, hút chích, nợ nần…

Tao đã cố vớt vát nhưng không thể…

Bữa đó, nó đưa đám xã hội đen đến đây đòi người. Nếu nó đòi chia tiền bán nhà thì tao đã vứt luôn số tiền đó cho nó. Nhưng không, nó đòi lại thằng Tí. Nó nói tao không phải là cha nó, rằng nó cũng như tao, cũng chỉ là một đứa con hoang không được thừa nhận. Và nó nói nó sẽ dùng thằng Tí để ép tiền lão tổng, nó sẽ đày đọa thằng Tí - cái kết quả nhơ nhớp đã đẩy nó đến đường cùng như ngày hôm nay.

Tao đã không thể làm chủ được bản thân mình lúc đó. Trong cơn điên loạn trong đầu tao chỉ nghĩ đến việc giết nó. Không thể khác, tao đã trở thành một kẻ giết người. Tao đã chấm dứt tất cả nghiệt duyên này để mở ra một chân trời mới cho thằng Tí. Tao nhận ra tao trong bóng hình con tao. Nó bây giờ cũng như tao ngày xưa khóc đến tím tái trong buổi trời giông gió vì bị mẹ đẻ mình ghẻ lạnh mà tàn nhẫn vứt con như vứt đi một mối hận thù không mảy may thương xót.

Giờ thì tao đã tự triệt đường sống của tao khi tao triệt đường sống của nó.

Quý à! Cái gắn kết con người với con người trên cõi đời này rốt cuộc không phải chỉ là máu mủ ruột thịt, mà cái trước hết làm con người xích lại gần nhau đó là tình người. Tao đã sống được đến giờ này nhờ lòng thương của ông Sáu Nghĩa và mọi người xóm chợ đã thương tình cưu mang… tao mong mày hãy đón nhận con tao như mày đã đón nhận tao: không nề hà, không nghĩ suy và luôn thấu hiểu…Vĩnh biệt – Hải”.

Quý gấp bức thư lại. Cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào. Thằng Tí nãy giờ vẫn ngồi im lặng nơi góc nhà nhìn ra ngoài phía cây vú sữa. Hắn ngồi xuống bên thằng bé, tựa lưng vào tường định nói gì đó với thằng nhỏ nhưng rồi không thể mở lời. Thằng Tí chỉ tay lên vòm lá, đang mùa ra hoa. Trong tầng lá vú sữa lấp lánh nửa đỏ nửa vàng kia có đôi chim đang lích rích chuyền cành…

Nguồn Văn nghệ số 29/2022


Có thể bạn quan tâm