April 27, 2024, 11:26 pm

Khám phá “Khu vườn trong mơ”*

Khu vườn trong mơ của Vân Ngà trước hết là những kí ức và hình ảnh về quê hương.

Những âm hưởng thiết tha, sâu đậm về vùng quê thân yêu từ thơ ấu, cho đến những cung bậc chân thực, mãnh liệt trong tình yêu, luôn trở đi trở lại, tạo nên niềm khắc khoải khôn nguôi:

“Rồi thì cũng bến bờ thôi

 Bao la thì vẫn cần nơi trở về,

 Giận hờn sóng đập chân đê

 Cỏ xanh vẫn đủ vỗ về lãng du!...”

Sức hút tự thân ấy của quê hương không hề ngẫu nhiên. Hãy nghe nhà thơ trải lòng cụ thể hơn nữa:   

“Em chào, bán cái gian nan

 Để mua no ấm, bình an cho đời!

 Mênh mông là chuyện đất trời

 Ấm êm là biển của người quê ta”… 

(Biển quê hương)

Ai trong chúng ta cũng có thể yêu quê hương bằng một tình yêu cao vời, bao la, thậm chí duy lý, từ những khái niệm to tát, tổng hòa. Nhưng Vân Ngà biết yêu quê hương ngay từ những điều nhỏ nhất, rất đỗi bình thường, tưởng như không có gì đặc biệt, nhưng bất chợt gieo vào lòng ta biết bao cảm giác nhạy bén, tinh tế, riêng tư. Đó chỉ là một tiếng ve gây nôn nao ở Đầm Hồng,

“Ôi sao mới chớm sang hè

 Mà nôn nao thế, tiếng ve Đầm Hồng?

Sông Gâm nghén nươc cạn dòng

Nghe ve kêu, rát cả lòng, sông ơi”

Tác giả xót xa trước cảnh “hao gầy núi cũ nên vơi sông dài”. Và ao ước thốt lên:

“Bao giờ lại có mưa rơi,

 Để cây cỏ lại bời bời lên xanh?”

(Tiếng ve Đầm Hồng)

Khu vườn trong mơ có tới ba cụm bài viết về ba vùng quê đều da diết như nhau: Có vùng quê biển Thanh Hoá với “bao la thì cũng cần nơi trở về”, có vùng quê Chiêm Hoá – Tuyên Quang với “Tiếng ve Đầm Hồng” và còn có cả Nam Đàn với “Sông Lam một sớm con đứng lặng - ngắm cánh hoa trôi như lạc tự đầu nguồn… (Một thoáng quê hương). Trở về thăm quê cha, tác giả bùi ngùi cảm thấy mình là người có lỗi vì đã “như cánh hoa trôi” lưu lạc khỏi quê cha đất tổ bao năm tháng. Nhưng với tình yêu sâu nặng và sự mẫn cảm tinh tế nhà thơ vẫn nhận ra rằng “Núi còn Đại Huệ, sông còn chảy – Nghĩa nặng tình sâu ấy, vững bền (Một thoáng quê hương)

Tôi có cảm tình với một bài thơ tác giả viết về tình cảm đặc biệt của mình, dành cho những chú kiến nhỏ nhoi, cần cù, bền bỉ, không ganh ghét ai, không ích kỷ, tranh giành nhau, mà chỉ biết tận tụy ngày ngày tích cốc phòng cơ, lặng lẽ làm việc quên mình, mà lại không kém phần khôn ngoan, thông tuệ:

“Tích cốc để phòng cơ,

Ngày qua ngày bền bỉ,

Không nhỏ nhen ích kỷ

Trên bảo là dưới nghe

Đường ai người ấy đi

Chẳng xô bồ chen lấn…

Không vạ gì, ôm hận,

Rỗi hơi… kiện củ khoai!”  (Phận kiến)

Một bài ngụ ngôn về số phận con kiến nhỏ nhoi, thực ra, cũng liên hệ tới xã hội loài người và mong xã hội con người hãy biết đi vào trật tự, kỷ cương, ít ra cũng đừng để thua loài kiến, không cho phép những tiêu cực, cùng mọi tệ nạn xấu xa làm hư hỏng nó. Nhân đó, tác giả cũng thổ lộ một ước vọng đầy viễn ảnh xa vời, chỉ mơ ước vậy, chứ thật khó mà thành sự thật:

“Em muốn thiên đường ở ngay trần thế

 Mơ ước dường như quá cao xa!” 

      (Trước vách đá đền Độc Cước)

Quả là một khát khao không tưởng, nói vậy để cho vui mà thôi! Còn điều mà tác giả quan tâm đích thực, thì chưa hẳn đã là cái “thiên đường trần thế” ở tận ngoài tầm tay với ấy, mà là mỗi điều gần gũi có thể ôm trùm được ngay trong cuộc sống ngày thường của mình, đó chính là ước mơ đạt đến “cái vô biên của mỗi kiếp người”, ngay ở giữa cõi trần, điều mà cả Đức Phật có lẽ cũng không bỏ qua, khi Người cũng rất gần với con người và nặng tình với trái đất này:

… Bức tượng Phật nhô lên sừng sững giữa Trời

  Đau đáu nhìn ra biển khơi…

… Có số phận đang mong, một mai

Người cúi xuống

Để những trầm luân được chạm tới tay Người 

mà tin vào phổ độ…

… Hay Người đang suy nghĩ

Về cái vô biên của mỗi kiếp người?” 

(Non nước Sơn Trà )

Tầm vóc ngỡ là “vô biên” ấy trong mỗi phận người, té ra nào phải tìm ở tận đâu xa, chỉ cần nghe hết độ ngân dài của một tiếng sáo chàng trai đi tìm bạn, là đủ đã hiện rõ lên tất cả:

Anh đứng trước dòng sông thổi sáo,

 Gọi hoàng hôn,

 Gọi bình minh,

 Gọi thời gian trở lại…

… Sông hiểu lòng người, sông sẽ thôi xao động,

Cứ chảy hiền hòa, lắng đọng phù sa…

Tiếng sáo vút lên trời xanh bao la

Không thánh thót những lời có cánh,

Không tô vẽ sắc màu lấp lánh

Nhưng đủ nâng lên niềm kiêu hãnh 

Con Người!” 

(Người thổi sáo)

Con Người viết hoa kiêu hãnh của chúng ta, như tác giả tâm đắc, không phải bước ra từ trong ngụ ngôn, thần thoại nào xa tít tắp. Con người ấy xuất hiện và làm nên mọi kỳ tích của lịch sử, lại chính thực sống ngay ở giữa từng làng quê bé nhỏ, bình dị của mình. Xóm làng ấy vốn gắn liền với mỗi con người Việt Nam từ tấm bé, từ mỗi vui buồn, kỷ niệm suốt đời không thể rời xa, để rồi từ đó, tạo nên lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Dù phải kể đến bao làng quê nay đã bị ngập chìm trong nước (khi buộc phải lấp chúng, để xây nên thủy điện sông Đà), thì trong thơ Vân Ngà, những làng mạc ấy vẫn vẹn nguyên như cũ, hiển hiện trở lại, thân gần và huyền diệu xiết bao:

“Làng vẫn là làng, khi nghe những vòng tre

kẽo cọt,

Róc rách miệt mài cọn nước đêm thâu.

Làng vẫn là làng, khi mẹ vẫn nhai trầu,

Còng lưng bên cối gạo…

Làng vẫn là làng khi còn đó tiếng chiêng

Vọng lên từ đáy nước,

Sủi tăm lên bao nhiêu là ký ức,

Làng ơi!” (Làng chìm)

Ký ức về làng quê trong mỗi chúng ta quả là sâu nặng, bền lâu, đến nỗi có một vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Kiền, dù bao năm sống ở giữa đại ngàn Trường Sơn, sau khi rời quân ngũ trở về, vẫn muốn biểu lộ tình cảm sâu đậm không thể quên ấy với làng quê mình, bằng cách cùng vợ là nhà giáo Ngô Thị Khiếu, dựng nên một Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, một bảo tàng tư nhân, sưu tập mọi hiện vật, đủ để khơi gợi lại một chốn “ đất lề, quê thói” từ ngàn xưa của tổ tiên, một Bảo tàng rất đặc thù, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xứng đáng trao tấm Bằng kỷ lục đầu tiên. Cũng cùng tấm lòng nhạy cảm, đồng điệu với đồng quê như thế, tác giả đã lưu lại cho Bảo tàng những dòng thơ giàu cảm thông, thấm đượm những suy tư về người nông dân và cây lúa nước thần kỳ của quê ta:

“Bao nhiêu bia đá bảng vàng,

Người nông dân không có mặt,

Đời đời bán mặt cho đất

Ngẩng lên có thấy trời xanh?

 

Bảo tàng này sẽ lưu danh

Những người vô danh vạn cổ

 Nơi này tôn vinh cây lúa

Như cây cứu độ nước non”…  

(Bảo tàng đồng quê)

Và tới đây, sau những cảm xúc riêng và chung, phong phú và sâu nặng, chân tình và da diết về làng quê, về con người và đất nước mình, tác giả ở phần cuối tập thơ, đã dành riêng nhiều cảm xúc trẻ trung và sống động nữa cho tình yêu đôi lứa. Ở phần này, chúng ta thực sự cảm nhận được những rung động trực giác và mãnh liệt. Ngay trong bài đầu tiên của phần thơ giàu trực cảm này, chúng ta đã bắt gặp một tư thế chủ động đến mức quyết đoán của nhân vật nữ trong tình yêu, tư thế chủ động mà các tác giả nữ làm thơ ở các thế hệ trước chưa hề có:

“Em rừng rực tiến về phía anh

 Quyết làm đàn bà,

 Anh không thể phân bua, chống đỡ!

(Em đến rồi đây)

Tác giả nhấn mạnh thêm về bản lĩnh tự tin, luôn luôn tự biết làm chủ hành động của mình, cả trong đời và trong thơ:

“Em được quyền tuyên chiến

Với chính bản thân em,

Bằng tình yêu hồn nhiên

Sục sôi nữ tính!”

 

“Người đàn ông mà em đắm đuối

Đã chìa tay chịu trói,

Bởi sợi dây tình em tung ra…”

 

“Vì yêu anh, em đánh đổi cả đất trời,

Dẫu phải thách đấu với Tây Thi,

Cũng chỉ là chuyện nhỏ!”   

(Em được quyền tuyên chiến)

Rõ ràng, tác giả đã dám thể hiện công khai sự bạo dạn rất thẳng thắn đối với quyền chủ động giới tính mình, mà không cần phải rón rén, vòng vo hay lấp liếm. Một sự bộc bạch khẳng định vị thế của nữ tính thời hiện đại, đó là sự khác biệt rất rõ trong thơ tình so với sự khiêm nhường, thậm chí phải dấu diếm bớt đi, trong thơ tình thời cũ. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm cho công bằng, trong đời và trong tình yêu mọi thời, không phải cứ lúc nào, người con gái cũng chiếm thế thượng phong và thế chủ động. Tác giả làm chúng ta bất ngờ và xót xa, khi chị cũng dám hé lộ những giây phút yếu lòng, khi khí thế chủ động, mạnh mẽ như bên trên có lúc cũng hóa ra yếu đuối, mất tự tin, khi bị rơi vào thế bị động, bất trắc, phải cầu đến sự rủi may:

“Em tung niềm tin lên trời

 Gieo quẻ âm dương,

 Tìm hạnh phúc trong trò chơi may rủi…

 Khi đồng tiền lơ lửng giữa thinh không

 Em chỉ mắt nhắm, mắt mở,

 Nam mô a di đà!...”   (Bất trắc)

Bài thơ này làm ta thấu hiểu hơn một khía cạnh chân thực khác, cũng rất “nhân tình thế thái”, khi tình yêu đành phải quay về một trò chơi may rủi, khi tâm trạng mạnh mẽ trước đó phải rơi vào bi kịch. Tuy nhiên, ngay ở vị thế đó, tác giả vẫn thẳng thắn và chân thành, không nửa vời, không quanh co, đó là một ưu điểm rõ nét…

________

Tập thơ Khu vườn trong mơ của Nguyễn Thị Vân Ngà –NXB Hội Nhà văn, 2023

Bằng Việt

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm