November 29, 2023, 12:09 am

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN (1948-2023)

(Phát biểu của nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 75 năm báo Văn nghệ ra số đầu tiên (1948-2023) tại trường Đại học Cửu Long – Tp Vĩnh Long, ngày 12/8/2023)

 

Bảy mươi lăm năm về trước, vào tháng 3/1948, tại Thôn Gia Điền, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ, tiền thân của tờ báo Văn nghệ hôm nay, tiếng nói của Văn nghệ sĩ kháng chiến kiến quốc đã ra đời.

Đây là sự tiếp nối mạch nguồn của những tư tưởng yêu nước từ Hội Văn hoá cứu quốc, một tổ chức do Đảng ta thành lập để tập hợp những văn nghệ sĩ yêu nước thương nòi đứng dưới lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ngay từ năm 1943, khi bản Đề cương về văn hoá cách mạng Việt Nam ra đời đã minh định rằng - Văn hoá là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Và Chủ tich Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, danh nhân văn hoá thế giới, đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng Văn hoá soi đường cho quốc dân đi.

 

Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ những người làm báo Văn nghệ, cùng với đội ngũ cộng tác viên hùng hậu trong và ngoài nước, đã luôn thực hiện đúng và ngày càng tốt hơn những tôn chỉ mục đích, những tư tưởng và ước mơ ban đầu của những người sáng lập. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà Nước đã giao cho thông qua sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Báo Văn nghệ đã xứng đáng là diễn đàn quan trọng về văn hoá, văn học nghệ thuật của nước ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn viết và bạn đọc trong và ngoài nước.

Ngay từ khi ra đời, nhiệm vụ của Báo Văn nghệ là diễn đàn, nơi tập hợp, khích lệ sáng tạo của Văn nghệ sĩ cả nước. Vì thế trong suốt hai cuộc kháng chiến, báo Văn nghệ đã nhận được sự cộng tác rộng rãi của bạn đọc bạn viết trên khắp các vùng miền của đất nước. Nhiều tác giả viết văn, làm thơ, viết nhạc và cả các hoạ sĩ, kiến trúc sư từ những vùng đất phương Nam đã cộng tác với báo Văn nghệ. Nhiều người trong số đó đã trở thành những tác giả, những nhà sáng tạo nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, văn hoá, văn học nghệ thuật đã thực sự trở thành một mặt trận, góp phần vào thế trận chiến tranh nhân dân chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều nhà văn, nhạc sĩ đã từ hậu phương Miền Bắc vào chi viện cho “mặt trận văn hoá” của chiến trường Phía Nam. Đó cũng là lí do để một phiên bản khác của Báo Văn nghệ, tờ Văn nghệ giải phóng đã ra đời và xuất bản nhiều năm liền trong khói lửa chiến trường. Trong đó có những cây bút từng là cán bộ trụ cột hoặc cộng tác viên thân thiết của báo Văn nghệ đã tham gia vào việc xuất bản tờ Văn nghệ giải phóng tại chiến trường, như các nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Hoàng văn Bổn, Lý văn Sâm, Lê Vĩnh Hoà, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Khuynh Diệp… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà văn, nhà thơ của các cơ quan báo chí Miền Bắc và Miền Nam đã anh dũng hy sinh trên đường ra trận như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng, Dương thị Xuân Quý v.v... Tác phẩm của các anh chị để lại đã trở thành những di sản văn chương vô giá cho muôn đời sau Sau năm 1975, khi đất nước sạch bóng quân thù, Bắc Nam thống nhất, giang sơn đã quy về một mối thì đương nhiên văn nghệ cũng trở về một nhà. Tờ Văn nghệ giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh của mình và được sáp nhậpvới Báo Văn nghệ, trở thành diễn đàn chung của văn nghệ sĩ trí thức trong một quốc gia thống nhất. Nhiều nhà văn từ chiến trường đã trở về công tác tại Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam hoặc tại các cơ quan báo chí quan trọng khác; một số nhà văn, nhà báo tiếp tục nhiệm vụ của mình tại Văn phòng các tỉnh phía Nam của Báo Văn nghệ đặt trụ sở tại số 43 đường Đồng Khởi cho đến khi nghỉ hưu. Từ đó đến nay, Văn phòng đại diện phía Nam của Báo Văn nghệ, ban đầu do Nhà thơ Hoài Vũ, nguyên Uỷ viên Ban biên tập Báo Văn nghệ trực tiếp là người đứng đầu, trở thành một địa chỉ tin cậy của bạn đọc, bạn viết các tỉnh Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh; cùng với sự hoạt động đều tay của Văn phòng Đại diện các tỉnh Nam trung Bộ và Tây Nguyên do Nhà thơ Giang Nam, nguyên lãnh đạo Báo Văn nghệ thành lập, và là người đứng đầu nhiều năm, đã trở thành những cánh tay nối dài không chỉ của Báo Văn nghệ mà còn là của Hội Nhà Văn Việt Nam, giúp cho Ban biên tập Văn nghệ và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các nhiệm kỳ hoàn thành nhiệm vụ tập hợp và động viên, khích lệ lực lượng sáng tạo, kết nối với bạn đọc, bạn viết cả nước, để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc từ tất cả các vùng miền phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước, đồng thời liên tục mở rộng đội ngũ cộng tác viên,giúp cho tờ báo thực sự trở thành một diễn đàn văn hoá văn học nghệ thuật của cả nước, sinh động, hấp dẫn và có chất lượng cao .

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên (1948-2023), được sự chỉ đạo của Đảng Đoàn và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ban biên tập Báo Văn nghệ đã xây dựng chương trình hành động Năm kỷ niệm, bắt đầu từ tháng 9 năm 2022 cho tới cuối năm 2023. Trong chương trình hành động của Năm kỷ niệm quan trọng này, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi viết truyện ngắn bắt đầu từ tháng 9/2022 và sẽ kết thúc vào năm 2024, đây là một hoạt động chuyên môn trọng điểm trong năm kỷ niệm và tới nay đã có hàng trăm tác giả tham gia với hơn bốn trăm tác phẩm gửi về dự thi, trong đó có sự hưởng ứng rộng rãi của rất nhiều cây bút đang sống và làm việc tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với cuộc thi, chúng tôi xây dựng chương trình đổi mới nâng cao chất lượng hai ấn phẩm chính là Báo Văn nghệ bản in và Báo Văn nghệ bản điện tử để phục vụ bạn đọc, bạn viết ngày càng tốt hơn. Trong năm kỷ niệm, chúng tôi còn tổ chức những chuyến đi về nguồn, trở lại thăm và tiếp xúc với bạn đọc và nhân dân trong vùng chiến khu kháng chiến Phú Thọ, nơi tờ báo ra đời; tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các nhà văn nhà thơ, bạn đọc bạn viết ở nhiều địa phương khác nhau để tri ân các thế hệ bạn đọc, bạn viết đã gắn bó thuỷ chung với Báo Văn nghệ trong suốt 75 năm qua.

Cuộc gặp gỡ thân mật và ấm cúng của chúng ta hôm nay tại Trường Đại học Cửu Long là một trong những hoạt động trọng điểm mà Ban biên tập Báo Văn nghệ đã cùng với Văn phòng Đại diện các tỉnh phía Nam chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Để có cuộc gặp mặt này, trước hết xin cảm ơn Phó giáo sư - Tiến sỹ, Nhà thơ, Nhà giáo Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long và Ban giám hiệu nhà trường đã cùng đồng hành với chúng tôi. Cảm ơn cán bộ công nhân viên, các nhà gíao và các bạn sinh viên đã giúp đỡ chúng tôi tổ chức sự kiện đáng nhớ này. Chúng tôi cũng xin cảm ơn chi hội nhà văn Việt Nam tại Vĩnh Long, các hội viên Hội nhà văn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh; cảm ơn Nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn, nhà văn Vũ Hồng, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn đã có những ý kiến, giúp đỡ, xây dựng, kết nối để Ban biên tập Báo Văn nghệ hoàn chỉnh kế hoạch chương trình cho cuộc gặp mặt này

Tại đây, chúng ta không chỉ nói về chuyện văn chương mà sẽ nói nhiều về tình bạn, tình đồng chí; chúng ta không chỉ nói về quá khứ vẻ vang mà còn nói về trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá - văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Tại cuộc gặp này, chúng ta còn được vui mừng chứng kiến việc ký kết hợp tác lâu dài giữa báo Văn nghệ và Trường Đại học Cửu Long, mở ra một cơ hội mới cho sự kết nối sâu rộng và bền vững giữa báo Văn nghệ với bạn đọc, bạn viết tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thay mặt Ban Biên tập báo Văn nghệ, xin một lần nữa được tri ân các bậc tiền bối đã đặt nền móng cho văn học cách mạng, Văn học kháng chiến tại mảnh đất phương Nam này, cảm ơn bạn đọc, bạn viết trong nhiều năm qua đã thuỷ chung như nhất, luôn yêu mến và cộng tác tích cực với Báo Văn nghệ để tờ báo của chúng ta ngày càng hay hơn, hiện đại hơn, đồng hành với đất nước, gắn bó với nhân dân, phục vụ bạn đọc bạn viết ngày càng tốt hơn. Hy vọng trong tương lai chúng tôi vẫn nhận được sự ưu ái tận tình như vậy của bạn đọc bạn viết các tỉnh phía Nam trong đó có các anh các chị, vì yêu mến báo Văn nghệ mà đã có mặt tại đây hôm nay. Xin trân trọng cảm ơn!


Có thể bạn quan tâm