April 29, 2024, 5:52 am

Giản dị, bình lặng và cao quý

Nếu bạn hỏi tôi rằng như thế nào là sự bình lặng? Tôi xin được lí giải nó bằng câu chuyện về những thầy cô giáo mà tôi đã gặp. Đây không phải là những người thầy người cô bình thường. Vì sao tôi lại nói như thế? Bởi vì họ không dạy những đứa trẻ bình thường, họ dạy những đứa trẻ vô cùng đặc biệt.

Tháng 8 năm 2018, lần đầu tiên trong đời tôi gặp được những đứa trẻ ấy. Nơi đó là một trung tâm chuyên biệt. Tôi đã bắt gặp những gương mặt bé bỏng sáng ngời, những nụ cười vô tư và một đôi mắt không nhìn thẳng vào người khác. Tôi gặp những anh chị vô cùng thân thiện. Họ chính là những thầy cô giáo ở đây. Tôi có ngạc nhiên về công việc mà họ chọn. Tôi luôn nghĩ rằng thầy cô giáo là phải đứng trên bục giảng, phải gắn liền với bảng đen, phấn trắng, với những trang giáo án miệt mài, và những sấp bài kiểm tra của học sinh. Vậy thì có những thầy cô giáo không sử dụng bảng đen, phấn trắng, không có những sấp bài kiểm tra đầy chữ, vậy thì họ dạy gì? Xung quanh họ là những đứa trẻ với những hoàn cảnh, những tâm tính hoàn toàn khác nhau, đó là những đứa trẻ vô cùng đặc biệt, mà chỉ có những thầy cô giáo đặc biệt mới có thể tạo nên điều kì diệu đó mà thôi.

Ngày tôi được làm quen với những đứa trẻ ấy, giây phút đầu tiên trong lòng tôi cảm thấy rất ngỡ ngàng, rất lạ lẫm. Nhưng một giây sau đó mọi thứ biến mất, trong lòng tôi chỉ còn sự ấm áp và muốn san sẻ tình yêu thương của mình nhiều hơn nữa. Chúng là những đứa trẻ rất kiệm lời, như lời các bác sĩ nói thì những đứa trẻ này mắc bệnh tự kỉ. Nếu không được quan tâm và chăm sóc kịp thời thì chúng sẽ trở thành những đứa trẻ cô đơn và tội nghiệp. Bạn sẽ rất ít khi được nghe những tiếng “chào cô”, “chào thầy” hay bạn sẽ phải mất rất nhiều rất nhiều những ngày tháng chỉ để dạy cho chúng biết về một màu sắc hay con số nào đó. Công việc của một người giáo viên dạy giáo dục đặc biệt là một công việc cứ lặp đi lặp lại và có thể bạn sẽ gặp đứa trẻ đó trong rất nhiều năm.

Vậy mà những thầy cô giáo đứng trước mặt tôi khi ấy lại là những người vô cùng trẻ tuổi. Cái tuổi mà tôi nghĩ rằng họ sẽ mong muốn được vẫy vùng, hoặc sẽ làm việc ở một môi trường năng động nào đấy. Nhưng không thì ra vẫn có những người thầy người cô tận tụy, hằng ngày họ chỉ mong những cô cậu học trò bé nhỏ này có thể tiến bộ. Tôi đã nhìn thấy trong đôi mắt ấy là một sự yêu thương vô vàn. Cách họ trò chuyện, cách họ chơi với học sinh của mình thật tự nhiên. Họ không dè dặt, không ngại khó khăn, vất vả. Các thầy cô ở đây một lòng chăm sóc bọn trẻ như những đứa con thân yêu của mình. Tôi ngưỡng mộ họ nhiều như thế là vì chăm sóc những đứa trẻ bình thường là một việc rất khó rồi, còn thầy cô ở đây phải chăm sóc những đứa trẻ “khuyết tật về tính cách và tâm hồn”. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì rất nhiều, có thể không ai biết và vinh danh cho điều họ đã làm, nhưng họ vẫn luôn cố gắng.

Bạn có bao giờ thấy học trò “hành hung cô giáo”, em ấy cắn vào tay cô thật đau mà cô vẫn im lặng và xoa đầu em ấy, ôm em ấy vào lòng và nói “không sao, không sao rồi, con đừng sợ”. Đó chính là lúc những em ấy phát bệnh. Có em còn liên tục đập đầu vào tường, thầy đã không ngại dùng tay mình đỡ lấy cái trán bé nhỏ ấy, mặc cho tay đang đau và đỏ. Rôi những tiếng la hét ngày ngày của bọn trẻ, nếu chúng ta không thể thông cảm và thấu hiểu chúng ta rất dễ cáu giận với chúng. Vậy mà những gương mặt trẻ trung của những thầy cô dạy trẻ đặc biệt nơi đây vẫn luôn tươi vui và lạc quan. Tôi vô cùng khâm phục trái tim nhiệt huyết và công việc mà họ đã làm. Khi bắt đầu trở thành một người thầy tôi đã biết rằng điều tôi có thể làm duy nhất là “cho nhiều hơn nhận”.

Tôi luôn nhớ như in lời Bác đã dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.  Tôi luôn quan niệm một điều như thế này. Dạy học không phải là dạy cho học sinh những kiến thức mà mình có, mà là hướng dẫn cho họ chinh phục tri thức bằng chính sự sáng tạo và con đường riêng của họ.

Kiến thức vẫn chưa thể nói lên sự cao quý của nghề dạy học. Vậy thì còn điều gì nữa? Điều đó tưởng chừng rất đơn giản, nhưng bạn phải mất cả một đời để rèn luyện. Đó là lòng bao dung, sự nhẫn nại và một trái tim nồng nhiệt yêu thương. Mỗi một người Thầy người Cô đều sẽ mong học sinh của mình học giỏi và thành tài, nhưng tôi thì không. Tôi chỉ mong muốn rằng sau những cố gắng và nỗ lực thì những học sinh đặc biệt của tôi có thể hòa nhập được vào xã hội, làm được những công việc bình thường và có thể tự chăm sóc cho bản thân. Con người là những tiềm năng quý báu không thể nào hiểu hết được, cho nên tôi luôn mang niềm tin mạnh mẽ vào những đứa trẻ đặc biệt của tôi. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay trong những điều nhỏ nhặt mà bạn đã cố gắng làm, chưa bao giờ bỏ cuộc. Có người làm công việc dễ dàng, thì cũng phải có người gánh chịu những khó khăn, nhưng công việc khó khăn hay dễ dàng là do chính trái tim bạn cảm nhận mà thôi.

Có một Nhà giáo dục học đã nói thế này: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Đúng vậy, nghề dạy học không bắt buộc bạn phải trở thành người giỏi nhất bởi vì kiến thức là rất sâu rộng, chúng ta phải luôn luôn tìm tòi và học hỏi. Hãy nhớ rằng bạn càng giản dị, càng bình lặng thì bạn càng cao quý, như cái nghề mà bạn đang theo đuổi vậy, đó là “Nghề giáo”.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020 


Có thể bạn quan tâm