May 6, 2024, 2:10 am

Gánh nặng của những Quyết định hành chính

Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước sẽ diễn ra với tỷ lệ thí sinh đỗ vào các trường công lập dao động từ 55-70% tùy từng địa phương. Đây là kỳ thi được đánh giá là tạo áp lực rất lớn về mặt tâm lý không chỉ cho học sinh, nhà trường mà cho cả cha mẹ các em, bởi những hệ lụy từ những quyết định hành chính

 

Áp lực từ đổi mới

Phân luồng giáo dục, làm tốt công tác hướng nghiệp ngay từ bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học là những tư tưởng chủ đạo xuyên suốt quá trình dạy và học tại các trường phổ thông hiện nay, nhằm tiến tới  xóa bỏ hoàn toàn sự mất cân đối của thị trường lao động vốn đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Mong muốn là vậy, còn thực tế lại khác. Nếu nhìn thẳng vào bức tranh giáo dục hiện nay, từ đó mổ xẻ để đi hết ngọn ngành của chủ trương phân luồng đào tạo thì thấy hiệu quả rất thấp, nếu như không muốn nói là làng phí nguồn lực xã hội.

 

Trong bài viết này, xin được bỏ qua các trường nghề, bởi lâu nay, các trường đào tạo trình độ trung cấp hay cao đẳng nghề phần lớn đều rơi vào cảnh khát thí sinh, mà chỉ bàn đến các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là mô hình đào tạo nghề cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông (đón đầu các em học sinh không thi đỗ vào 10 của hệ thống các trường công lập). Với chương trình dạy nghề dành cho bậc Trung học cơ sở các em được học các nghề như đan len, thêu thùa, cắm hoa, điện, máy tính. Tại cấp học này, việc học nghề được xem như một điều kiện bắt buộc để các em dự thi vào lớp 10 Trung học phổ thông. Còn với khối Trung học phổ thông, các em học song song văn hóa và học nghề. Song chương trình đào tạo cũng không có nhiều ngành nghề mới do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư hạn hẹp dẫn đến chưa theo kịp yêu cầu người học. Vì vậy, học sinh cũng không mấy mặn mà theo học ở những trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay. Xuất phát từ mục tiêu phân luồng giáo dục nhưng lại chưa thực sự chú trọng đến nhu cầu người học và nhu cầu của thị trường lao động nên lượng thí sinh theo học tại các trung tâm không nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, đa phần học sinh theo học là những em có điều kiện kinh tế khó khăn, lực học trung bình hoặc yếu (vì không thi tuyển đầu vào, mức đóng học phí thấp) nên chất lượng đầu ra cũng không có nhiều điều để bàn. Đã có không ít người cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại nói trên chính là do áp lực về số lượng học sinh thi vào 10 của các thành phố quá lớn, trong khi hệ thống trường công lập tại các thành phố nói trên lại chưa thể đáp ứng như cầu người học, nên sự phân luồng là cần thiết. Tuy nhiên, với những đứa trẻ 14, 15 tuổi chúng sẽ tiếp nhận và thực hành nghề ra sao sau khi vào học và đã hoàn tất việc học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.

Hiện các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lượng thí sinh thi vào lớp 10 hệ công lập tăng cao hơn năm 2022-2023, đặt áp lực lên hệ thống trường công. Và để giải bài toán học sinh đông, thiếu trường công, những quyết định hành chính ra đời đã thực sự khiến học sinh, phụ huynh và giáo viên hoang mang, thậm chí sốc trước kỳ thi mang tính loại trừ rất cao này… Đã có không ít ý kiến cho rằng, việc loại trừ này chính là đã tước đi quyền được học tập của học sinh (các em muốn học lên cao nhưng chưa đủ giỏi để cạnh tranh với các bạn, chưa đủ tài chính để học trường dân lập, buộc phải chấp nhận học nghề…). Chưa kể, trong thi cử vốn có câu “Học tài thi phận”, nhiều em lực học rất tốt, nhưng vì quá căng thẳng mà thành ra trượt kỳ thi, dẫn đến những hành động, quyết định đau lòng.

Nhà quản lý cho rằng, thiếu trường công thì buộc phải có những quyết định hành chính để điều tiết giáo dục, điều này không sai về mặt lý thuyết, nhưng lại không đúng ở thực tế. Trong khi các thành phố lớn dành quá nhiều không gian cho chung cư, trung tâm thương mại, mà quên mất việc phải xây dựng trường học để con em những cư dân sinh sống tại các chung cư, hỗn hợp trung tâm thương mại theo học. Hoặc có đầu tư thì cũng cầm chừng. Chưa kể, theo thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức, trong đó, đáng chú ý là mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Khu vực trung du và miền núi phía bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ. Như vậy, không có lý do gì để trẻ em khu vực thành phố lại phải đối đầu với nhau trong kỳ thi vào 10 với lý do là quá đông, thiếu trường lớp.

Hệ lụy của những quyết định hành chính

Quá trình di dân tự do từ nông thôn lên thành thị đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, đã làm tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn lên rất nhanh, tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Đâu đâu cũng thấy quá tải từ giao thông, bệnh viện, giáo dục… Nhưng  chưa có giải pháp tháo gỡ. Nếu như y tế, quyết định hành chính là yêu cầu phân luồng, khám chữa bệnh theo đúng tuyến (ràng buộc bởi thẻ BHYT), giao thông thì mở thêm đường, thiếu chỗ ở thì xây dựng chung cư cao tầng… nhưng với giáo dục lại khác. Quỹ đất hạn hẹp, kinh phí đầu tư thấp, nên hệ thống trường công không thể mở rộng. Chính vì vậy, để có được suất học trong 55% vào trường công (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), các em học sinh đã phải học ngày học đêm tại trường, các trung tâm luyện thi. Không bàn đến sự tốn kém về tiền bạc, công sức mà chỉ bàn đến mục tiêu giảm áp lực học tập mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt ra đã không thực hiện được…

Đã có nhiều ý kiến đăng tải trên mạng xã hội cho rằng không học trường công thì học trường tư. Nhưng cứ nhìn vào thu nhập tính theo đầu người hiện nay và so sánh với những chi phí của học sinh tại các trường dân lập thì mới biết, vì sao lại phải cố giành một xuất học trường công đến thế. Theo tìm hiểu, trường dân lập tại Hà Nội có mức học phí giao động từ 1,7 triệu đến trên 4 triệu đồng/ tháng (trường bình dân). Các trường cao cấp hơn thì mức tiền cũng cao gấp đôi thậm chí gấp ba lần. Và nghịch lý đã nảy sinh, buộc các em, nhà trường và cha mẹ các em phải lựa chọn trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường công lập? Thi cử chính là loại trừ để tìm ra người xứng đáng, và điều này đã khiến cho nhiều em phải lựa chọn đăng ký dự thi ở những trường ngoại thành, vùng ven. Chấp nhận học xa nhà từ 1 đến 2 học kỳ rồi chuyển về trường gần nhà. Và lựa chọn này cũng tiếp tục nảy sinh những bất cập. Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông mới buộc học sinh phải học theo tổ hợp trong khi nhiều môn học thiếu sách giáo khoa và giáo viên giảng dạy. Thứ hai, khi xin chuyển trường, tổ hợp các em theo học tại trường cũ, không có tại trường mới. Thứ ba, để giải quyết tình trạng không phù hợp tổ hợp theo học, nhiều trường yêu cầu học sinh viết cam đoan tự học bổ sung kiến thức cho kịp với các bạn cùng lớp (nếu chấp nhận chuyển trường); với yêu cầu này, nhiều học sinh và gia đình đã không thể thực hiện.

Rõ ràng, những quyết định hành chính đang tước đi quyền học tập của các em. Nên chăng thay vì xây dựng các cao ốc thương mại, chung cư, phân luồn từ cấp cơ sở, chúng ta nên hợp thức hóa các Trung tâm giáo dục thường xuyên thành các trường cấp ba để các em theo học. Phân luồn giáo dục từ khi các em còn quá nhỏ sẽ dẫn đến trình độ học vấn, tay nghề của các em không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Chưa kể, các em chưa hoàn thiện về mặt tinh thần, sức khỏe để trở thành một lao động tay nghề cao được. Còn nếu cho rằng cánh cửa trường dân lập cũng là một lựa chọn thì nên chăng, học phí phải được cân đối lại cho phù hợp với mức sống của người dân. Và cuối cùng, cần thiết phải có giải pháp trước bài toán di dân đang ngày càng gia tăng, tránh tạo áp lực dân số tại các khu vực nội đô, trung tâm thành phố, tỉnh, để không làm mất đi cơ hội học tập của các em.

Minh Nguyệt

Nguồn Văn nghệ số 14/2023


Có thể bạn quan tâm