April 27, 2024, 3:30 pm

Dưới đế giày sũng nước. Truyện ngắn của Thu Trân

Đời Tỷ lên voi xuống chó nhọc nhằn.

Ngày má Tỷ lột chỉ vàng cuối cùng đeo nơi ngón tay trỏ bảo: “Con đi học nghề, ráng mà lương thiện với người ta”, má không mong Tỷ giàu có, mà chỉ mong con trai lương thiện. Bản chất truyền đời báo danh bên họ hàng nhà má Tỷ là lương thiện, bên họ hàng nhà cha Tỷ là chuyên trộm. Mà không hiểu làm sao họ nên vợ nên chồng và đẻ liền tù tì một lúc sáu mặt con. Họ nhà má Tỷ lương thiện nên nghèo. Hết đời này sang đời khác sống kiểu thương hồ trên những chiếc ghe cũ nát. Cây chèo bẻo đứng một mình suốt kiếp bên con nước róc rách u buồn từ đầu hôm đến sáng.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Hồi nhỏ, Tỷ rảnh lắm, tối nằm hay áp tai xuống sát sàn ghe, cố nghe con nước vỗ, ngoài tiếng róc rách còn tiếng gì nữa không. Tuyệt nhiên không. Róc rách hom hem vậy nên khi mặt trời vừa lú lú đàng đông, má Tỷ treo vào đầu cây chèo bẻo nào bầu nào bí nào rau nào trái, mà có bán được thứ nào khẳm tiền đâu. Chỉ vừa đủ đong gạo cho tám miệng ăn sống lây lất qua ngày. Cha Tỷ yêu má Tỷ nên đành xếp xó nghề ăn trộm, ngồi im nghe người đàn bà rao giảng về lương thiện. Ngày hứa với má rửa tay gác kiếm là ngày cha kéo nguyên cái bàn thờ tổ tông bên nội bay cái sà xuống mặt sông nhấp nhô con nước lớn.

Tỷ yêu. Mười sáu tuổi đầu yêu con gái bà bán quán trên bờ. Con nhỏ mười lăm tuổi mập lùn, nước da trắng tươi như trứng gà bóc. Môi nó đỏ như son, mỗi lần Tỷ pha trò, nó cười tít mắt trông rất yêu. Được hai lần dụ nó đi coi đờn ca tài tử trên chợ huyện thì má nó phát hiện. Bả trói một chân nó dính vô cây cột trong góc nhà, rồi ngồi quay mặt xuống bến sông nói dấm dẳng:

- Thiếu chi đờn ông con trai mà đi thương đứa thương hồ, mơi mốt bàn thờ nhà mày cũng bay sạt xuống mặt sông như cái bàn thờ kia thôi à!

Má Tỷ nghe xong lên cơn, kêu cha Tỷ tháo cọc dong ghe đi mất hút cái bến sông tình yêu của Tỷ. Tỷ mười tám tuổi. Các anh chị hắn đều yên bề gia thất, nhưng người nào cũng nghèo, chỉ quanh quẩn sống tiếp đời thương hồ trên những chiếc ghe rách nát như cha má hắn. Hay khá hơn thì lên bờ làm công nhân. Tỷ tiếp tục sống đời thương hồ với cha má trên chiếc ghe chỉ còn lại ba người. Dù dong ghe đi liên tục, cả nhà làm bạn suốt ngày với con nước lớn con nước ròng, nhưng Tỷ cũng biết nhiều thứ trên đời, nhờ mỗi lần tấp bến vô thành phố bán buôn, hắn đều nhảy lên bờ giao du.

*

Giao du lâu ngày thì hắn bị yêu. Người đàn bà ba mươi tuổi ly dị chồng chưa kịp có con ấy tên là Trăm. Tỷ sống với Trăm giống vợ giống chồng đến năm hai mươi mốt tuổi thì má kêu về ghe, tháo chỉ vàng đang đeo ở tay kêu con trai đi học nghề. Về chuyện sống tiếp hay không với Trăm thì má nói:

- Thôi đi con à, không nương nhờ người ta nữa. Con Trăm lấy chồng sớm là nó đẻ được mày, non nước gì nữa mà vợ với chồng!

Nương nhờ? Tỷ đứng hình ngẫm ngợi. Ừ, mà ba năm qua, ăn ở với  Trăm, hắn có nương nhờ thiệt. Trăm bán xe cà phê nước ngọt đá chanh ngay trước một khách sạn to đùng nên đồng ra đồng vô khấm khá. Ban ngày, Trăm cho Tỷ ăn trắng mặc trơn, chạy loăng quăng đem nước uống cho khách và thu tiền nước. Ban đêm, Tỷ xoa bóp cho Trăm xong thì làm cái chuyện đờn ông đờn bà. Ban đầu còn thấy chờn chợn ngại ngùng, sau thì tuốt luốt. Phải nói, Trăm là thầy của Tỷ về cái khoản này. Khi hai người vào cuộc mây mưa, bao giờ Trăm cũng là người “nuôi dưỡng” khoái lạc của Tỷ từ đôi bàn tay nàng mềm mại vuốt ve lan tỏa. Và đôi môi. Đôi môi nàng thơm thật thà tha thiết lướt trên khắp thân hình thương hồ cường tráng của Tỷ, đến lúc này thì Tỷ chỉ có căng mình ra chịu chết. Ừ, một lần rồi thôi, chết cũng được. Chứ mà lênh đênh sông nước tối ngày, thằng con trai Tỷ làm sao tìm được người đờn bà đỏ da thắm thịt biết đời như Trăm vậy. Con nhỏ con bà bán quán miệt thị Tỷ đến lúc này thì cứ như là, xin lỗi, đồ bỏ. Nhớ lần Tỷ dắt nó đi coi đờn ca tài tử trên huyện, bận về ghé vô lùm tính sờ soạng chút đỉnh, khi cái nút áo thứ nhứt vừa bị bứt ra thì nó la toáng lên má ơi con nè, vậy là cụt hứng, không muốn làm gì nữa hết. Còn với Trăm thì khác, theo như nàng nói là, em sẽ đưa anh bay từ thiên thai này sang thiên thai khác, cho đến khi nào Tỷ chết rũ trong lòng nàng thì thôi. Thiệt tình, nhờ sống với Trăm, cái chất đờn ông thiệt thụ trong Tỷ mới được đánh thức, như mấy người trí thức hay nói đánh thức tiềm lực vậy.

Vậy thì thử hỏi làm sao chỉ với một chỉ vàng má cho trong tay mà Tỷ bỏ Trăm ra đi không kèn không trống được. Nghĩ tới nghĩ lui hoài, Tỷ quyết định nói điều này với Trăm khi hai người vừa dứt cuộc mây mưa- mà theo Tỷ là lần cuối.

- Em à?

- Chi đó, anh?

- Ngày mai anh trở về ghe với cha má, mình chia tay tại đây nha.

Trăm thô bạo lật ngược Tỷ đang nằm úp máng:

- Nói gì nghe khó hiểu dạ, em có làm anh buồn gì không mà đòi về với cha má?

- Không, em dễ thương mà. Có điều theo em bưng nước kiểu này miết, má nói hổng có tương lai.

Trăm chồm người ngồi dậy, hùng hùng hổ hổ mà quên là mình đang sexy tợn ở trong phòng:

- Tương lai của ông phải như thế nào nói tui nghe thử. Nè, cái ông nhỏ kia, ông biết ông bao nhiêu tuổi rồi hông mà nói cái gì cũng má má. Mình lớn rồi, phải có ý kiến quyết định đời mình chớ!

- Thì quyết định rồi. Ba năm nay anh hiến xác cho em rồi còn gì nữa.

Trăm xấn xổ lao vào cấu xé ông chồng trẻ con:

- Nè, tui nói cho mà biết, đừng ăn nói ngược ngạo đít lộn lên đầu nha. Ai hiến xác cho ai? Ai nhờ con này mà cao to đỏ da thắm thịt?

Tỷ chống trả yếu ớt:

- Thì thôi, bà la sát. Bà không thích tui chia tay bà thì chỉ cho cách gì làm ra tiền, cho tui nuôi cha má tui cái coi. Ghe nhà tui ngày càng rách, cha má tui ngày càng già, mà anh chị em tui, như bà biết rồi đó, ai cũng nghèo kiết xác mồng tơi.

Trăm ngưng tay đánh chồng, con mắt lại trở về sắc lẽm:

- Thề đi, thề không bỏ tui, tui mới chỉ cho chiêu này, kiếm mớ vốn về dắt cha má ông lên bờ mần ăn, bỏ cái ghe rách lương thiện của nhà ông đi.

- Thề! Nhưng đừng bắt tui bưng nước nữa à nha!

Trăm lại nằm xuống ve vuốt chồng:

- Không, anh thấy xưa giờ có ai bán trà đá như tui mà giàu hông?

- Chưa thấy ai hết. Nhưng mà thấy em giàu, nhà cao cửa rộng, vàng đeo từ lỗ tai xuống tới gót chưn.

- À, vậy mới hay, nằm xích lại đây, tui nói nhỏ cho nghe nè…

Mới đầu nghe Trăm nói, Tỷ nhảy nhổm:

- Không không, đi ăn trộm à? Hết đường bà chỉ tui làm chuyện bậy bạ, má tui mà biết, bả nhảy sông tự tử à?

Trăm nhăn nhó:

- Không, còn cái tính chất của thằng ăn trộm nữa chớ anh, chưa chi đã giãy đành đạch như phải nước sôi rồi. Cái tính chất mới rất là quan trọng đó, anh yêu của em à.

Tỷ né người ra xa xa nhìn bà vợ già. Đúng là dân chợ búa lì lợm, nói chuyện đi ăn trộm mà như đi du lịch. Hắn thấy cần phải cau mày nghiêm mặt:

- Nói nghe nè, tui là thằng mới học lớp ba trường làng, không phải học tới cấp ba cấp bốn như mấy người đâu. Tui dốt thiệt, nhưng cũng biết phân định đâu là ngay đâu là gian nha. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tui mới nghe bà nói cái tính chất ăn trộm là quan trọng đó. Ăn trộm là ăn trộm, là chôm chỉa đồ của người ta, mà quan trọng với không quan trọng là sao, bà nói tui nghe cỏi!

Trăm xỉa xói đáo để không thể tưởng:

- Vậy sao, giờ tui mới biết anh lương thiện nhứt trên đời này á. Mấy năm qua ở với tui, ăn trắng mặc trơn cũng từ tiền ăn trộm mà ra chớ đâu. Tưởng mấy ly nước chanh với bò húc bò cụng mà sống với tui được xênh xang vầy a. Hổng có đâu cưng. Đời mà, cái gì cũng có cái giá của nó hết á. Cha ông từ bỏ nghề trộm gia truyền, đưa tay kéo sạt cái bàn thờ tổ tiên xuống mặt sông cũng là u mê, cũng là để đổi được tình yêu cóc ghẻ của má ông đó chớ!

Nghe động đến bí mật nhà mình, Tỷ nổi điên, đạp Trăm bay cái vèo xuống giường, cũng may là giường thấp, chắc bà vợ già chỉ ê ẩm chút thôi, chớ không là phải kêu xe cấp cứu. Đến nước này thì vợ già thỏa sức tru tréo:

- Ôi trời ơi là trời! Tám phương trời mười phương phật ngó xuống mà coi cái thằng nhãi ranh này nó bạo lực với tui nè. Còn ngồi đó ngó hả, tui gãy tám cái xương sườn rồi nè, xuống đỡ tui đứng lên coi…

*

Mà thiệt, nghĩ đi nghĩ lại, Tỷ cũng thấy cái tính chất của thằng ăn trộm quan trọng thiệt. Cha hắn yêu má hắn nên giải nghệ nghề ăn trộm là chuyện của ổng. Mà ổng tội cũng lớn. Mắc gì đi ăn trộm mà không ngó trước ngó sau, giàu nghèo gì cũng trộm sạch nhách, tội nghiệp người ta. Cái tính chất thằng ăn trộm của Trăm là chuyên trộm của người giàu, của người có chức có quyền. Mà trộm ở đâu cho xa. Ngay cái khách sạn to đùng trước mặt quán trà đá hột vịt lộn của Trăm chớ mấy. Trộm bằng cách nào? Bà vợ già của Tỷ quả thần ý như Khổng Minh sống dậy.

Trước hết là tăng cường giao du với mấy đứa làm lễ tân khách sạn. Làm sao cho nó ghiền cà phê của mình. Lâu lâu lại bưng một mâm vào khuyến mại mỗi đứa một ly. Lâu dần thân thiết, tìm cách la cà nơi quầy lễ tân tám tiếc. Có điện thoại di động đa chức năng để làm cái gì. Chờ mấy đứa lễ tân sơ hở, rút điện thoại ra mà chộp. Tỷ ngơ ngác, chộp gì chộp gì. Trăm liếc chồng từ tốn, thì chộp hình mấy cái chìa khóa treo lủng lẳng trên tường phía sau lưng mấy đứa lễ tân đó. Tỷ ngơ ngác tiếp, chộp hình mấy cái chìa khóa để làm gì. Trăm nhấn đầu thằng chồng nhãi ranh, sao mà ngu bà cố vậy chài, chụp hình chìa khóa để đi làm chìa mà mở cửa phòng người ta chôm chỉa chớ.

- Sao biết chìa nào của phòng nào mà mở?

- Biết chớ, hổng thấy sao chồng, phía trên cái chìa khóa nào cũng có cái số đỏ chà bá, số đó là số phòng của cái chìa đó đó. Có chìa xong rồi dễ ợt, canh me số đỏ nào trống chìa thì chui vô. - Sao trống chìa thì chui vô?

- Ngốc thiệt á, trống chìa là phòng có khách biết chưa. Nhưng nói cho biết nè, tui chỉ chụp chìa của phòng VIP thôi, đây, chẵn chòi mười chìa, ông thích chỉa phòng nào chỉa.

- Bộ muốn chỉa là chỉa sao, nói nghe dễ quá vậy vợ già?

- Không, cũng mồ hôi nước mắt à, cũng phải theo dõi điều nghiên ít nhứt hai ngày mới ra con cá sộp ở phòng nào chớ. Chuyện theo dõi điều nghiên đó để tui, còn ông chỉ có nhiệm vụ vô phòng mà khoắng thôi nha. Đi khoắng thì nhớ mặc đồ sang chảnh, đeo khẩu trang vô, đi một mạch qua lễ tân như khách chính hiệu á. Mở cửa phòng cho thiệt tự nhiên, bước vô xong rồi mới đeo bao tay nha, ngoài hành lang khách sạn có camera, trong phòng không có đâu mà sợ. À, khoắng thì đừng có khoắng ngu nha, vô phòng cứ nhắm tiền vàng mà khoắng lẹ, không khoắng máy móc điện thoại.

- Sao không khoắng máy móc điện thoại?

- Khoắng ba cái thứ đó dây mơ rễ má dễ lộ lắm, có tiền vàng bỏ túi bay mút cà tha là phẻ re à. Công an có điều tra vài ngày, không ra manh mối nào nó cũng chán cũng bỏ à.

- Chớ bộ người ta lơ là bỏ tiền vàng khơi khơi vậy cho mình khoắng à?

- Khách sạn này nhà quê mà, không có tủ khóa số, chỉ là mấy cái hộc gỗ trong tủ quần áo thôi, mấy cái thứ khóa hộc này, chìa vạn năng xử ra hết, ông con nhà nòi mà sao khờ vậy. Đúng là kiếp trước tui mắc nợ ông dữ lắm mới dính ông làm chồng á!

- Chửi hoài nha, thôi lỡ rồi tới luôn, cho tui hỏi ngu cái, khách nào ngu đem nhiều tiền vàng vô khách sạn cho tui với bà chôm chỉa vậy?

- Mấy thằng này nó sộp không vè không thắng luôn á chồng khờ ơi. Hoặc là nó đem tiền vàng cho bồ nhí, có mất, mười cái họng nó cũng không dám khai báo, con sư tử cái ở nhà mà biết là tiêu đời nó. Hoặc là tiền nó ăn hối lộ chưa kịp phi tang, tiền không cánh mà bay rồi, cũng khó báo công an à. Chồng yên tâm, tui làm mấy vụ chìm xuồng mất hút luôn rồi, phẻ lắm!

- Sao chìm xuồng được, khách sạn phải đền tiền cho khách chớ!

- Đền cái con khỉ mốc xì, người ta dán chình ình trên tường phòng không thấy sao. Quý khách ra khỏi phòng nhớ mang theo tiền vàng và vật dụng máy móc có giá trị, mất, chúng tôi không chịu trách nhiệm.

- Vậy chớ sao mấy ổng không đem tiền vàng theo khi đi công chuyện?

- Đem theo làm gì, tiền hối lộ, cục nào cục nấy chà bá, người ta còn nhìn ra liếc vào đủ thứ, đem theo coi sao đặng. Với lại, chỉ một hai bữa là nó đem ra gởi tài khoản hết à. Vấn đề là mình phải nhanh tay hơn nó, chồng khờ à!

- Vậy sao cái thằng hối lộ không chuyển thẳng tiền vô tài khoản của nó, phải phẻ re hông?

- Chồng hỏi cái thấy mười lần ngu hơn vợ à, thằng cho chuyển vô tài khoản, thằng nhận, chứng cớ rành rành, ở tù cả đám biết chưa? Đúng là con nhà ăn trộm mà chưa đi ăn trộm lần nào, cái đồ lương thiện rách việc!

*

Đúng là vợ già có kinh nghiệm, Tỷ bước vào phòng ba một một dễ như mơ. Theo lời Trăm, con cá sộp phòng này ở miền xa bơi tới, nghe nói chức quyền cũng dữ dằn lắm, thấy xe đưa xe rước tối ngày sáng đêm. Vợ già còn cho biết thêm, ban ngày nó đi kinh lý, ban đêm đệ tử đến chở đi săn gái gú. Làm theo lời vợ, Tỷ sẻ sàng đóng cửa phòng lại, đeo bao tay vào, rút chìa khóa vạn năng ra… Cho cục tiền mới cứng được bao bọc bằng cái phong bì trắng tinh bự chảng vào chiếc túi đeo vai, Tỷ còn nấn ná xem mấy thứ giấy tờ để vương vãi trên bàn. À, lịch làm việc của nó còn dày, những một tuần nữa, vậy thì gay go đây, nó sẽ làm ra lẽ mọi thứ, ôm cục tiền này, Tỷ sẽ chuồn đến một nơi nào đó thật xa, còn con vợ già tính sau.

*

Tỷ tính không bằng cái thằng bị trộm tiền tính. Khách sạn không cài camera trong phòng nhưng nó cài để giữ năm trăm triệu đồng tiền hối lộ của nó. Quýnh quáng thế nào, Tỷ lại mở khẩu trang ra khi bước vào phòng. Đến khi nhìn lên góc tủ thấy camera là xong phim rồi, quýnh quáng tiếp, cho nên không nghĩ ra cái điều gỡ camera đem theo. Cũng may là còn nhớ đeo lại khẩu trang sau khi bước ra khỏi phòng. Cho nên, chỉ những ai xem camera của thằng bị trộm tiền mới biết mặt Tỷ.

 

Mà xem ra, vụ việc đơn giản hơn nhiều, chuyện đã xảy ra hơn tuần lễ rồi, báo đăng ì xèo, nhưng công an vẫn chưa đụng đến cọng lông chân nào của Tỷ. Vậy có nghĩa là, thằng bị trộm tiền chỉ cớ mất tiền, chớ không công bố camera. Ủa, sao kỳ vậy cà. Có gì bí mật mà nó không dám công bố cái mặt thằng ăn trộm tiền? Vậy thì mắc gì phải công bố bị trộm tiền? À, chắc là phải chia chác chi đó nên phải công bố thôi, nếu không nó đào đâu ra tiền đền mấy đứa kia. Còn cái vụ camera im lìm hơi khó hiểu. Tỷ bỗng thấy mình đang trở thành nhân vật quan trọng, đang tham gia một chuyến mạo hiểm phiêu lưu trinh thám nào đó.

Tính đến giờ phút này, mụ vợ già cũng không biết Tỷ biến đi đâu, nó đọc báo, chắc cũng biết tình hình rồi, thôi kệ, duyên nợ với nó tính sau. Vấn đề bây giờ với Tỷ là, cái cục tiền trong tủ kia sao giống như cục nợ. Hắn đã ôm cục nợ tót lên Sài Gòn rất xa rồi, mà cứ thấy loăng quăng, thấy ai cũng nhìn mình nghi ngại. Sao lại phải như vậy chớ. Cây ngay sợ gì chết đứng, hắn đang ở trong một khách sạn bình dân với một cục tiền hối lộ, nhưng hắn chưa xài đồng nào trong cục tiền đó, thế là hắn chưa gian vậy. Bây giờ hắn biết gỡ cái cục bùi nhùi đó bắt đầu từ mối nào đây.

Một tối đẹp trời, hắn thủ trong phòng khách sạn, sẻ sàng mở cái cục nợ- mà cả tuần lễ không dám nhìn đến nó- ra. Hắn đếm, không phải năm trăm triệu đồng như báo đăng, mà là một tỷ. Một tỷ xếp thẳng thớm vào năm cái phong bì vừa vừa trong một cái phong bì lớn. Mỗi phong bì vừa vừa có ghi tên công ty kính biếu, số tiền biếu, ngày tháng năm biếu, tên người được biếu và đóng dấu đàng hoàng. Tỷ tưởng tượng, cho tiền mà ghi đủ thứ vậy thì đúng là người được cho cũng đang lãnh cục nợ. Vậy té ra cái cục tiền này không chỉ của một mình cha ở phòng ba một một. Tiền kính biếu năm người khác nhau. Thì sao ta? Cái sự rất khác nhau giữa thông tin đăng báo và cục tiền đang trong tay Tỷ sẽ làm được điều gì? Phải chi có mụ vợ già ở đây, mụ sẽ gỡ cho Tỷ nhiều điều. Nhưng không, mọi sự liên lạc lúc này đều là lạy ông tôi ở bụi này, không bao giờ Tỷ làm điều ngu ngốc đó.

Tối hôm sau, chưa hẳn là đẹp trời, điện thoại di động Tỷ reo. Hắn giật bắn người, thừa hiểu tai họa đã tới. Giọng bên kia máy ồm ồm:

- Mày phải thằng Tỷ- con thằng cha Rô ăn trộm cả nhà đó phải không?

- Mày là ai? Muốn gì nói mẹ nó ra đi!

- Tao kỳ hẹn cho sáng mai, lúc tám giờ, mày phải đem cục tiền ăn trộm ra trước bưu điện tỉnh, cửa số hai, có người đón đàng hoàng. Xin hứa sẽ phóng thích mày, không quan tâm công tội chi hết. Bằng không sang năm, đúng ngày này tháng này sẽ là giỗ đầu của cha má mày đó. Nhớ nguyên cục tiền, nguyên phong bì nha, tụi tao sẽ kiểm tra, bằng không sẽ xử mày luôn đa!

- Tao chẳng bằng không bằng lòng gì hết, bây giờ tao muốn biết mày là ai, tại sao có số điện thoại của tao?

- Hên là con Trăm nó sắm cho mày cái điện thoại cùi không có định vị, nếu không mày không thoát với Ba Lễ này đâu nha con!

Máy cúp. Tỷ bần thần. Ba Lễ là chồng cũ của Trăm, nghe đồn gã là đứa giang hồ có máu mặt ở tỉnh- quê Tỷ. Ra là thằng cha bị trộm tiền đã thuê dân xã hội đen là Ba Lễ truy lùng Tỷ. Còn cái số điện thoại của Tỷ, dứt khoát là vợ già đưa cho Ba Lễ chớ không ai khác. Cũng phải thôi, vợ già tưởng Tỷ bạc tình ôm tiền dông mất nên phản phé. Mà sao Ba Lễ biết thằng trộm là Tỷ, à quên, còn cái vụ camera trong phòng khách sạn nữa. À quên, thị xã quê Tỷ và con vợ già xây tổ uyên ương bé như lòng bàn tay, làm sao trùm giang hồ Ba Lễ không biết thằng chồng mới của con vợ cũ nó được.

Tinh mơ hôm sau, Tỷ chưa kịp mở mắt, Trăm đã gọi léo nhéo:

- Về chưa, nhóc? Tui chờ tự giác mà không thấy tự giác nên gọi đây. Ê thằng nhóc bạc tình, ôm năm trăm triệu đồng về nhà mình chia ba đi. Ba Lễ hứa sẽ không tiết lộ cưng là ai hết. Nếu dứt khoát không về, hắn sẽ xử cưng theo luật giang hồ đó!

- Ủa, sao nói đem tiền ra bưu điện?

- Ba Lễ thôi rồi, tại thằng cha bị trộm tiền trùm sò quá, mướn người ta làm xã hội đen mà nhả tiền không sộp nên hắn không thèm làm nữa.

- Không làm thì chả sẽ mướn người khác làm, tui ngu gì nghe lời mấy người.

- Cưng không biết Ba Lễ là con hùm xám của đất này hả, vụ nào hắn không làm thì không đứa nào dám xen vô đâu. Xuất đầu lộ diện đi nghe cưng. Mà này, nhóc!

- Gì?

- Cưng nhớ giữ mấy cái phong bì bỏ tiền nha, bùa đó. Nhờ mớ bùa này mà cha bị trộm tiền không dám chỉ công an bắt cưng đó!

- Sao bà biết có phong bì?

- Xời, nghề của em mà anh, hỏi chi mắc cừ dạ!

*

Nghĩ ngợi hung thêm một đêm nữa, Tỷ quyết định ôm tiền về quê. Lần này có vẻ khôn ngoan hơn, hắn tách tiền ra, giữ riêng năm trăm triệu đồng, là phần cha bị trộm tiền khai gian, còn lại năm trăm triệu đồng dự định sẽ chia ba theo đề nghị của vợ già. Hắn xếp năm phong bì rỗng- có ghi đủ thứ chuyện biếu- giấu dưới đế giày cao năm phân, đôi giày sang chảnh vợ già sắm cho hắn đi ăn trộm. Giấu như vậy, Ba Lễ sẽ không đời nào lấy được. Vợ già bảo đấy là bùa, thì hắn sẽ giữ bùa, không đưa ai hết. Chắc chắn sẽ có lúc cần đến bùa.

Nhưng quả thật đường đời không êm ái chút nào. Ba Lễ đã dàn sẵn ma trận chờ đón Tỷ với một tên đàn em bặm trợn. Hắn và vợ già của Tỷ nữa. Ba người uy hiếp Tỷ trong một căn nhà hoang đầy phân chim và tiếng gió hú. Biết là đang ở trên đất quê mình, nhưng bọn Ba Lễ đã bịt kín mít mắt Tỷ từ khi hắn bước vô nhà vợ già, rồi sau đó chúng ném Tỷ lên ô tô chở đi lung tung thì biết đường đâu mà lần. Trong bóng tối om om, Tỷ nghe tiếng Ba Lễ gằn gằn:

- Mấy vỏ phong bì đâu hết rồi, đưa cho tao nhanh lên, nhóc!

- Vỏ làm gì, tụi bây móc sạch nhách hết một tỷ đồng của tao rồi còn muốn gì nữa? Làm gì có vỏ phong bì mà đưa!

- Cái tội mày nói dóc, định cuỗm của tụi tao luôn năm trăm triệu đồng mà thằng bị trộm chưa khai, còn trả treo nữa hả, trả treo nè, trả treo nè…

Ba Lễ đá vô mông Tỷ bùm bùm như đá mấy bao lúa để trong góc nhà. Tiếng vợ già xuýt xoa:

- Đánh nó vừa vừa thôi anh, nó chết ở tù cả đám à.

Khi có chung một mục đích tiền thì bỗng dưng người ta yêu thương trở lại không ngại ngùng. Dù bị bịt mắt, nhưng qua nghe ngóng động tĩnh, Tỷ biết vợ già và thằng đầu gấu đã kết lại với nhau qua vụ ép- phe một tỷ bạc. Bỗng dưng Tỷ nghe cổ họng mình đắng ngắt, ba năm chung sống và phục vụ tận tụy vợ già mỗi lúc mỗi nơi ví bằng đổ sông đổ biển. Có cách nào thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên một tỷ đồng này không. Tỷ nghiêng tai nghe tiếng nước sông vỗ oàm oạp xa xa…

Ở xứ này, chỉ cần được đắm mình trong bất cứ nhánh sông nào, Tỷ cũng lần về được chỗ neo ghe của cha má mình. Ở đó, Tỷ sẽ lại nghèo hèn với cây chèo bẻo bốn mùa mưa nắng, nhưng chắc một điều là sẽ ăn ngon ngủ yên. Tỷ sẽ trở lại giấc mơ thương hồ cực kỳ đơn giản, mỗi ngày chỉ cần có ba bữa cơm ngon thịt cá đủ đầy. Rồi khi nào ghe khẳm cá, cả nhà sẽ ghé lại một bến sông nào đó để bán cá. Có tiền, má sẽ mua đầy đủ thịt gạo mắm muối chất lên ghe. Có tiền, cha sẽ cao hứng neo ghe lại một đêm một ngày, mua vé cho cả nhà lên nhà hát huyện coi đờn ca tài tử. Có tiền, mà khi giông gió nổi lên bất tử, cha sẽ neo ghe vào một gốc mắm chắc chắn nào đó, má sẽ buông rèm kín mít hai bên ghe, mưa lớn mưa nhỏ cỡ nào, cả nhà cũng chổng cẳng ngủ ngon lành giữa những làn ghe lắc lư lắc lư. Gió yên mưa tạnh, má thức trước cả nhà, cuốn rèm lên và reo vui, cha con nó ơi ra mà coi con nước lớn nè, điệu này thì bữa nay ghe nhà mình khẳm cá… Ôi, một giấc mơ, một giấc mơ đã đánh mất bỗng hóa thiên đường…

Có cách nào không, có cách nào không… Tỷ muốn gào lên thật to, đánh động cho công an biết cái ổ làm ăn của tụi giang hồ này mà bắt nhốt cả đám. Nhốt luôn Tỷ cũng được, hắn muốn kết thúc chuyện một tỷ đồng làm hắn đau đầu nhức óc hơn chục ngày qua. Nhưng không gào được, hắn chỉ ú a ú ớ rồi im bặt, cổ họng hắn đau rát, hắn đang bị sốt vì lo sợ, và có lẽ cũng vì bị viêm họng do chế độ ăn uống bất thường sau chuyến đào tẩu không thành.

Đêm. Có lẽ là đêm rất sâu giữa ruộng đồng mờ mịt hơi sương. Tiếng ếch nhái kêu à uôm bốn bề sông nước. Lũ ba tên đang ngủ say sưa trên phản. Vợ già và Ba Lễ ôm nhau cứng ngắc. Thằng kia lăn ra một góc ngáy ồ ồ. Tỷ phải kiếm đường thoát thân thôi. Mà hắn cũng không hiểu, sau khi lấy được tiền rồi, bọn này giữ hắn lại để làm gì. À quên, thằng Ba Lễ hỏi rồi đó, mấy cái vỏ phong bì quan trọng đến thế sao. Có thể đó là nguyên cớ để Ba Lễ  “làm giá” với thằng cha bị trộm tiền, nếu chúng nó phát hiện và kèn cựa nhau. À, giang hồ nắm đàng chuôi là như vậy. Cọ quậy cọ quậy suốt hai tiếng đồng hồ, với sức trẻ của Tỷ, mấy sợi dây dù buộc tay buộc chân và buộc cả thân hình hắn vào cây cột nhà, dần cũng lơi lỏng ra. Thêm ba mươi phút sẻ sàng nín thở trong bóng đêm nữa, Tỷ giải phóng được mình…

Tỷ lồm cồm bò lại phía phản, nắm dây chiếc túi xách đựng tỷ bạc đang kê dưới đầu Ba Lễ giật mạnh. Tông cửa hắn chạy, chạy trối chết, chạy về phía nào nghĩ là có nước, chỉ cần con rái cá nhảy tòm xuống sông là hy vọng thoát. Mà có nhánh sông thiệt, Tỷ đeo xách tiền vào cổ, nhảy ào xuống. Phía sau, bọn kia huỳnh huỵch đuổi theo, mà không dám la tiếng nào. Không thể xem thường tay ba được, tụi nó đứa nào cũng bơi giỏi. Ngay lập tức, Tỷ bơi rẽ ngang, nấp vào một bờ mắm tự dưng mọc choi loi giữa sông. Hắn trát đầy bùn ngụy trang, nằm vùi sâu xuống bùn, nín thở…

Bơi tới bơi lui mấy lượt tinh mơ còn nhọ mặt người, không cách nào tìm được Tỷ, bọn xấu quay ra cằn nhằn nhau. Tiếng vợ già của Tỷ:

- Đó, thấy chưa, tui nói mà, thằng này ranh lắm, nó lủi nhanh như lươn chạch, kêu mua khóa còng chưn nó lại mà không chịu, mấy sợi dây dù ăn thua gì. Cứ nói để mai để mai. Bây giờ nó chuồn mất rồi đó. Tiền cũng bay theo nó mẹ luôn rồi!

Ba Lễ nói như tự an ủi:

- Thôi kệ, biết sao được, coi như xui đi. Còn hơn sớm này mà bơi ra giữa sông, chuột rút cho chết à bà. Mà nếu lấy được tiền, không cần có phong bì phong biếc gì, chắc cũng được, mắc gì nhốt nó lại một đêm chi cho rối vậy trời. Kiểu nào thì thằng bị trộm tiền cũng không có chứng cứ gì để bắt mình đâu, cũng như cái vụ trước, tui với bà làm á…

- Ông nội, lần đó, nạn nhân là cha tui, cái thằng cha đẻ con rơi là tui á. Bộ ổng hổng biết tui chôm chỉa của ổng hả, nghĩ mất vài trăm triệu không bằng bao nhiêu năm bỏ bê tui giang hồ tự lớn nên ổng tha cho đó, không là chết không kịp ngáp à. Chớ bộ khi lần ra ông ăn chặn tiền của thằng ăn trộm, thì cha kia để yên cho ông sao, phải có mấy cái phong bì làm chứng ăn hối lộ để khớp miệng chả lại chớ! Ăn may nhờ có vụ này là người dưng nước lã mà cũng không nên thân!

- Mà sao bà biết chắc chắn có phong bì?

- Chắc chắn là có, lần tui chôm chỉa tiền hối lộ của cha tui, phong bì nhóc hà. Cha cũng hổng tốt gì đâu, ổng cũng sợ tui đưa mấy cái phong bì kia ra chớ!

- Thôi đừng nói dây mơ rễ má gì nữa hết á, bà cặp kè với thằng nhóc đó ba năm chưa đủ hay sao mà cứ chì chiết tui hoài vậy? Thôi về, trời sắp sáng rồi, tui với bà chia tay tại đây, của tàu cũng đổ âm ty bà ơi…

Ừ, của tàu cũng đổ âm ty, nằm trong đống bùn tanh tanh con nước sớm, Tỷ thấy Ba Lễ nói đúng. Cái xách tiền trôi mẹ nó đi đâu mất biệt rồi. Tình hờ của họ cũng tan. Chỉ còn mấy cái vỏ phong bì ép dưới đế giày sũng nước của Tỷ. Để làm gì, cũng không biết nữa. Thôi kệ, cái camera ghi hình thằng Tỷ ăn trộm cũng còn kia. Mai mốt, nhỡ cha bị ăn trộm có truy lùng ra hắn, thì hắn sẽ bảo, tui chỉ còn mấy cái vỏ phong bì ướt nhẹp nè, có ăn dộng gì ăn dộng đi…

Truyện ngắn của Thu Trân

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm