May 6, 2024, 3:42 pm

Dòng kinh hội tụ

Có người từng ví von rằng: “Một ngàn năm nước sông Tiền luôn cao hơn sông Hậu.” Có lẽ vì thế, tạo hóa đã khai sanh ra con sông Vàm Nao, ngắn thôi, nhưng đảm nhận “nhiệm vụ” lớn lao là chia nước từ sông Tiền sang sông Hậu. Nhưng dường như, công cuộc đó của thiên nhiên vẫn còn chút dở dang. Châu thổ Cửu Long giao lại sự kế tục cho người Việt Nam. Để rồi, một dòng kinh khác đã ra đời vừa gánh vác trách nhiệm sớt chia giữa hai dòng Tiền - Hậu, vừa làm tròn sứ mạng với non sông những thuở đao binh, vừa là “sợi dây” trong suốt để kết nối những con người xa lạ.

Từ xứ chùa tháp Cambodia, sông Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam ở biên giới phía Tây với hai nhánh. Sông Tiền từ làng Vĩnh Xương chảy xuống đô thị Tân Châu, sông Hậu từ làng Khánh Bình chảy xuống đô thị Châu Đốc. Những tưởng hai dòng nước vĩ đại ấy còn lâu lắm mới gặp lại nhau, nhưng tiền nhân đã mong mỏi cuộc hội ngộ ấy xảy ra sớm hơn, để hai dòng chảy phù sa hòa mình với nhau, thủ thỉ nhỏ to những câu chuyện về đôi bờ màu mỡ. Kinh Vĩnh An đã ra đời như thế.

Minh họa: Đỗ Dũng

Nói đúng ra, cuộc hội ngộ ấy đâu phải ngẫu nhiên. Từ khi thuộc chủ quyền Việt Nam, biên giới Tây Nam luôn bị giặc ngoại xâm lăm le tấn công. Hà Tiên và Châu Đốc là hai tỉnh lỵ ven biên, trở thành vị trí trọng yếu mà kẻ thù luôn mong muốn kiểm soát. Năm 1824, kinh Vĩnh Tế được đào xong, vừa góp phần thoát nước ra biển Tây vào mùa nước nổi, giúp giao thương hàng hóa thuận lợi hơn, nhưng cũng vừa đóng vai trò chiến lược về quân sự để kết nối Hà Tiên và Châu Đốc khi có biến cố.

Song, kết nối với Hà Tiên thì chưa đủ. Châu Đốc nằm bên bờ sông Hậu, việc thông thương với sông Tiền rất khó khăn, vì chủ yếu thông qua sông Vàm Nao với khoảng cách rất xa. Mỗi khi có giặc xâm lược, quân đội từ sông Tiền sang sông Hậu để ứng cứu cho Châu Đốc mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, nếu triều đình có thể sử dụng Vàm Nao làm con đường cứu viện, thì kẻ thù cũng có thể sử dụng nó làm con đường hành quân.

Bởi thế, Đại Nam thực lục cho biết vào năm 1842, đại thần Lê Văn Đức tâu: “Từ Hậu Giang đến Tân Châu và An Lạc ở Tiền Giang tất phải từ Thuận Cảng đi lên, trải 3 - 4 ngày đi quanh co, vừa chậm vừa khó, đi lại thật thấy bất tiện. Vậy: một đoạn từ An Giang đi ngang qua Tân Châu và An Lạc, xin cho quan tỉnh thuê vát quân, dân đào thành đường sông để dễ cho sự khống chế tiếp ứng. Đó cũng là một việc cốt yếu nên làm.” Vua Thiệu Trị chấp thuận.

Năm 1843, con kinh nối từ Tân Châu ở sông Tiền sang Châu Đốc ở sông Hậu được đào dưới sự chỉ huy của hai danh tướng Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Tri Phương, ban đầu có tên là Long An hà. Kinh được đào qua hai đợt, đợt đầu từ tháng 10 đến cuối năm 1843, đợt sau từ mùa xuân đến tháng 4 năm 1844, như vậy tổng thời gian khoảng nửa năm thì hoàn tất. Khi đào xong, kinh dài 17 cây số, rộng 30 mét, sâu 6 mét và được đổi tên thành Tân Châu hà. Tuy vậy, Vĩnh An hà vẫn là tên gọi quen thuộc nhứt trong dân gian đến nay.

Đọc qua một đoạn tư liệu từ nhà văn Sơn Nam về quá trình đào kinh Vĩnh An, chúng ta mới nhận thấy việc đào kinh đầy công phu: “Một tài liệu của phủ Hoằng Đạo tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, cù lao Bảo) cho biết dân phu phủ này đi đào kinh Vĩnh An gồm 8 đội, mỗi đội 50 người, có viên phó tổng hoặc lý dịch coi sóc. Mỗi đội mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai, phãng, rìu, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky, mỗi thứ 30 cái, lại còn dây tre dài hơn 1 trượng. Viên chức ở tỉnh tới địa điểm đào kinh từ trước để cất trại cho dân phu ở. Cứ 15 ngày thay đổi một lần cho dân nghỉ ngơi.”

Kinh Vĩnh An ra đời đã trở thành trục giao thông huyết mạch, không chỉ kết nối sông Tiền với sông Hậu, mà còn kết nối hai thị tứ khá sầm uất thời bấy giờ Tân Châu và Châu Đốc, đón nhận thuyền ghe lớn nhỏ tấp nập quanh năm. Không chỉ vậy, nguồn nước từ kinh Vĩnh An đã tưới xanh ruộng lúa của bà con nông dân hai bên bờ, làm tươi tốt những rẫy đậu xanh, đậu nành, bắp, mía… Những vùng đất hoang vu xưa kia đã trở thành làng mạc trù phú như Long Phú, Phú Vĩnh, Châu Phong, đón chân cư dân từ muôn phương quy tụ về.

Đặc biệt, con kinh có vai trò chiến lược không phải về kinh tế mà là quân sự. Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Sông Tân Châu: Ở bên cạnh lị sở huyện Ðông Xuyên, đường sông từ bảo Tân Châu ở Tiền giang suốt sang thủ Châu Giang ở Hậu giang… khởi công đào từ năm Thiệu Trị thứ 3, cho tên là sông Long An, sau đổi tên hiện nay.” Điểm đầu của kinh là bảo Tân Châu, điểm cuối là thủ Châu Giang, cả hai đều là căn cứ quân sự thời bấy giờ. Từ Tân Châu, kinh Vĩnh An chạy dài đến Châu Giang, nối kết với kinh Vĩnh Tế ở Châu Đốc và đi thẳng đến Hà Tiên. Đó là tuyến đường thủy quan trọng ven biên giới Tây Nam để kịp thời ứng phó khi chiến tranh xảy ra.

*

Song, điều thú vị của kinh Vĩnh An còn hơn thế! Tôi gọi nó là dòng kinh hội tụ, bởi đầu kinh là nơi người Hoa buôn bán tấp nập, cuối kinh là nơi người Chăm có mặt từ rất sớm, và đoạn còn lại ở giữa là nơi đông đảo người Việt sinh sống và canh tác. Một dòng chảy rất ngắn mà lại rất dài, bởi nó có khả năng nối liền ba cộng đồng văn hóa. Có nơi nào đặc biệt đến thế không?

Điểm đầu của kinh Vĩnh An, ngoài là nơi đặt bảo Tân Châu, còn là lỵ sở của huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang ngày xưa. Nơi đây, không biết tự bao giờ, người Hoa đã di cư về sinh sống rất đông đảo. Do nghề nghiệp chính là buôn bán, họ có tập quán cư trú gần chợ, gần sông. Từ đó kéo theo các công trình kiến trúc khác phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng được xây dựng. Đơn cử như miếu Quan Đế được xem là trung tâm văn hóa của người Hoa ở Tân Châu chỉ nằm cách vàm kinh Vĩnh An khoảng 200 mét. Hằng năm, cứ đến những ngày lễ hội của người Hoa, phố chợ Tân Châu lại rộn ràng, náo nhiệt. Có lẽ không quá lời khi nói rằng, người Hoa là một bộ phận đã đóng góp không nhỏ vào sự hưng thịnh của thị tứ Tân Châu xưa và nay.

Điểm cuối của kinh Vĩnh An, mảnh đất trù phú ấy được người Chăm lựa chọn để dừng chân sau những tháng năm lưu lạc. Ở hai bên bờ kinh, họ lập ra hai palei (xóm) là Plei Kenh (Phũm Soài) và Mat Chruk (Châu Giang). Họ mang đến vàm kinh Vĩnh An những thánh đường Islam (Hồi giáo) nguy nga, nghề dệt thổ cẩm điêu luyện, những món ăn lạ lẫm mà cuốn hút… Hằng năm vào tháng 10 Hồi lịch, sau tháng thánh lễ Ramadan, người Chăm hai bên bờ kinh Vĩnh An tưng bừng tổ chức lễ Roya Haji. Họ đi thăm hỏi và tặng quà cho nhau, chúc mừng nhau đã vượt qua tháng Ramadan, xin tha thứ cho nhau những điều lầm lỡ… Sự có mặt của người Chăm đã chấm phá cho bức tranh dòng chảy Vĩnh An thêm một nét cọ nhiều sắc màu.

Và ở giữa hai cộng đồng ấy, đông đảo người Việt (Kinh) đã định cư, lập làng, canh tác… Dưới triều Nguyễn, từ đầu kinh đến cuối kinh, các làng đã ra đời như Long Phú, Phú Hội, Đại Vĩnh Xuyên, Vĩnh Phong, Phum Soài, Vĩnh Hậu. Đến thời Pháp, hai làng Phú Hội Đại và Vĩnh Xuyên sáp nhập thành Phú Vĩnh, ba làng Vĩnh Phong, Phum Soài, Vĩnh Hậu sáp nhập thành Châu Phong. Ngày nay, đi dọc theo kinh Vĩnh An, chúng ta còn bắt gặp các ngôi đình Long Phú, Cựu Vĩnh Xuyên, Vĩnh Phong, Châu Phong là những dấu ấn văn hóa của người Việt. Đặc biệt, khi thôn Vĩnh Xuyên không còn, đình thần Vĩnh Xuyên vẫn được gìn giữ trang nghiêm và gắn thêm chữ “Cựu” - đình Cựu Vĩnh Xuyên có nghĩa là đình của làng Vĩnh Xuyên cũ. Ở giữa hai “đầu cầu” Hoa - Chăm, người Việt đã trở thành một “nhịp cầu” vững chắc hàng trăm năm qua.

Tháng Năm, nước Cửu Long chuyển màu đỏ quạch, mang theo biết bao phù sa cuồn cuộn chảy xuôi. Tháng Tám, nước từ Tiền giang ồ ạt đổ vào vàm kinh Vĩnh An, khiến con kinh căng đầy to lớn. Đi vào lòng kinh, dòng nước dần dần yên ả, khẽ khàng lướt về Châu Đốc. Qua những xóm làng san sát, những ruộng rẫy tươi xanh, khi gặp được Hậu giang, dòng chảy Vĩnh An rạng rỡ đón chào, vồn vã hòa mình vào con nước lớn, rồi tiếp tục lả lướt chảy về Đông. Ngã ba nơi kinh Vĩnh An gặp sông Hậu tự bao giờ đã trở thành miền đất lành. Hàng hàng lớp lớp những nhà bè nuôi cá về đây tụ hội trên mặt sông, kéo dài khoảng 2 cây số, làm nên cảnh tượng vừa bình dị nhưng lại vừa lạ lẫm.

Mấy thế kỷ trôi qua, kinh Vĩnh An không chỉ là tuyến đường thủy nối Tân Châu và Châu Đốc, mà tuyến đường bộ cũng hình thanh dọc theo dòng kinh lịch sử nầy. Từ đó, 17 cây số chiều dài của con kinh trở thành con số mặc định trong tâm khảm của cư dân địa phương khi nói về quãng đường từ Tân Châu đến Châu Đốc. Và để dễ dàng xác định vị trí trên con đường đó, người ta đặt ra các “địa danh” dân dã mà hết sức đặc biệt là Số Một, Số Hai, Số Ba… Mỗi địa danh có ý nghĩa là khoảng cách cây số từ từ Tân Châu đến Châu Đốc. Tất cả những điều đó cho thấy, hơn cả một dòng kinh, Vĩnh An còn là dòng ký ức của cư dân miền biên thùy Tân Châu.

*

Tuy nhiên qua thời gian, kinh Vĩnh An bị bồi lắng khiến dòng nước cạn dần. Năm 1911, người Pháp cho đào một con kinh khác cũng nối từ sông Tiền sang sông Hậu, dài khoảng 10 cây số, cách kinh Vĩnh An khoảng 3 cây số về phía Bắc. Người địa phương gọi con kinh nầy là kinh Xáng Tân Châu hay kinh Mới, khi đó kinh Vĩnh An có thêm một tên gọi khác là kinh Cũ. Bên cạnh đó, ô nhiễm là vấn nạn nhức nhối của kinh Vĩnh An. Người dân cất nhà dọc hai bên bờ kinh, theo thói quen cư trú truyền thống ở miền Tây, dẫn đến hệ lụy là rác thải sinh hoạt được thả xuống kinh. Bản thân dòng kinh đã khó lưu thông, lại thêm lượng rác thải to lớn gây tắc nghẽn, khiến tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều chục năm qua.

Năm 2009, thị xã Tân Châu triển khai dự án san lấp phần đầu kinh Vĩnh An ở nội ô thị xã. Điều nầy chính thức chấm dứt sứ mạng lịch sử của con kinh 164 năm tuổi, bởi mặc dù nó không bị san lấp hoàn toàn, nhưng vai trò kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu đã kết thúc. Sự biến mất của dòng kinh ký ức đã để lại bao tiếc nuối trong lòng người Tân Châu. Có người đồng thuận san lập theo xu thế phát triển của đô thị hiện đại, có người không tán thành vì niềm hoài cổ một dòng kinh in đậm dấu tiền nhân. Ai cũng có lý khi bảo vệ quan điểm của mình, và cả những tình cảm, ưu tư, trách nhiệm với con kinh, với quê nhà. Tuy vậy, cuối cùng kinh Vĩnh An vẫn chia tay miền đất Tân Châu trong sự nhớ thương của bao người con xứ biên thùy.

Năm 1845, sau khi đào xong kinh Vĩnh An, để đánh dấu sự kiện trọng đại nầy, tỉnh An Giang cho dựng một tấm bia đá ở tả ngạn vàm Tân Châu, có khắc những dòng chữ Hán: “Vĩnh An hà - Thiệu Trị đệ ngũ - Kiết nhựt tạo”. Đáng tiếc là, do sạt lở bờ sông, tấm bia đá bị rơi xuống sông Tiền vào khoảng thập niên 1960, không tìm được tung tích. Giờ đây, phần đầu kinh cũng bị san lấp, kinh Vĩnh An còn lại gì cho thế hệ mai sau? Nhưng dẫu sao, còn một chút an ủi cuối cùng, đó là người dân Tân Châu từ lâu đã đặt tên cho hai con đường song song bên bờ kinh là Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn. Đứng trước sự biến đổi tàn bạo của thời gian, con người có thể làm được gì khác hơn, ngoài sự tri ân giản đơn như thế!

Hơn mười năm qua, vàm kinh Vĩnh An phía Tân Châu đã không còn. Dẫu vậy, người địa phương vẫn quen gọi khu vực đó là “vàm kinh”. Và thỉnh thoảng, vài chiếc ghe xuồng bé nhỏ vẫn neo đậu, lên xuống hàng hóa, như khơi lại chút ký ức xa xăm về một dòng kinh giao thương tấp nập thuở nào. Con kinh ấy có mất đâu! Nó vẫn chảy một dòng lịch sử kiêu hùng, một dòng thời gian dịu vợi, một dòng ký ức thanh lương. Nó ra đi và tặng lại cho đất và người Tân Châu một lời chúc: mãi mãi bình an - cái tên Vĩnh An mà nó để lại.

Tân Châu là miền đất hội tụ, nhưng không quên rằng đó cũng là địa đầu xung yếu của đất nước. Người Tân Châu chưa bao giờ thôi tự hào khi ngâm nga mấy vần thơ của Trịnh Hoài Đức, nhưng đâu đó sâu thẳm bên trong, có lẽ không thể không chất chứa những u hoài man mác:

Bảo kiếm hoành sương dạ khí xung

Tân Châu biên thú cổ minh hùng

Thanh lôi bàng bạc sơn thành nguyệt

Lật yết liêu sưu nhạn tái phong.”

(Gươm báu đêm sương khí ngút xông

Tân Châu đồn thú trống vang hùng

Canh tàn ải nhạn gào hơi gió

Thành núi vầng trăng lay tiếng rung)

“Canh tàn ải nhạn gào hơi gió” - Câu thơ buồn man mác! Mặc dầu ra đời trước kinh Vĩnh An, nhưng nó dường như một lời dự cảm cho dòng kinh lịch sử. Đâu rồi hàng ngàn quân lính ngày đêm canh giữ bảo Tân Châu? Hàng vạn nhân công tất bật đào Long An hà đã về đâu? Những người từng sống và chết, từng uống ngụm nước, từng tắm mát dưới lòng kinh quê hương giờ xiêu lạc nơi nào? Trong đêm dài biên giới buồn hiu hắt, chỉ có tiếng gió reo như tiếng thở dài trắc ẩn, khơi gợi những tâm hồn thổn thức hôm nay.

Bút ký của Vĩnh Thông

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm