Ngoài kia, đồng lúa đang thì con gái, rập rờn theo gió, những cánh cò trắng muốt, in nền trời xanh, nơi có tiếng sáo diều thả từ chân mây hát ru xóm nhỏ… Bao đổi thay mang lại sức sống mới cho vùng quê nghèo đói ngày nào! Trong căn nhà nhỏ, sạch sẽ và gọn gàng, bà Hiên thắp một tuần hương cho gia tiên, ngậm ngùi nhìn tấm ảnh chồng phai dần theo thời gian, lòng nặng suy tư. Nhanh thật, mai đã là lần giỗ thứ hai lăm của chồng bà, liệt sĩ Lê Quang!
![]() |
Minh họa Vũ Đình Tuấn |
Bất ngờ, xuất hiện hai người đàn ông lạ trước cổng, một cao gầy, một tầm thước, vẻ băn khoăn, đắn đo hiển lộ qua từng động thái. Bà Hiên vội đứng dậy, đi nhanh ra ngõ. Thoáng nhìn, bà biết, họ không phải người vùng này. Mỗi người kéo một ba lô du lịch, tay kia là túi quà nặng, ngoài bánh kẹo, trái cây, còn có cả những thẻ hương, trông rất lạ mắt. Nhìn dáng vẻ và bộ quần áo bà ba, chiếc mũ phớt giản dị, bà nghĩ, chắc họ vừa vượt qua chặng đường dài và đến từ nơi nào xa xôi lắm! Sau chút ngập ngừng, không nén được sự hồi hộp, một người lên tiếng, giọng miền Nam:
- Thưa bà! Bà có phải là Hiên, vợ ông Lê Quang không ạ?
Bà Hiên khẽ gật đầu, nhanh nhẹn mở cổng. Linh tính báo cho bà biết, có điều gì đó rất hệ trọng, sắp xảy ra. Khách theo chủ, bước nhanh qua khoảng sân ngợp nắng. Vừa vào nhà, hai người lạ chăm chú nhìn lên bàn thờ, được bài trí trang trọng và tôn nghiêm. Ngắm bức ảnh Lê Quang, gương mặt khách sáng lên, bớt căng thẳng. Cẩn thận đặt hành trang xuống ghế, họ cùng bước đến, cung kính, vái người trong ảnh. Bà Hiên đứng lặng, ngỡ ngàng trước những gì đang diễn ra. Họ xin phép bà Hiên, rồi vội vã mở túi quà, bày lễ vật, được chuẩn bị chu đáo, lên bàn thờ. Xong, một người rút mấy nén hương, châm lửa, chia cho người kia, mắt rưng rưng lệ. Không khí như đặc quánh, chợt giãn ra, khi tiếng nói nghẹn ngào cất lên:
- Anh Hai Quang! Hai em Ba Thành và Sáu Nhân của anh đây! Hai mươi nhăm năm rồi, hôm nay, bọn em mới đưa được anh về với gia đình và quê hương. Từ buổi ấy, biết bao biến cố khôn lường ập đến, mong anh đại xá cho sự chậm trễ này của đàn em. Cầu mong anh ấm lòng nơi chín suối!
Sau phút nức nở, khách quay sang bà Hiên, giọng xúc động:
- Thưa chị! Anh Hai là ân nhân, nhận lấy cái chết cho chúng em toàn mạng. Vậy mà, đến tận bây giờ, bọn em mới được theo anh về với chị và các cháu. Chị lượng thứ cho tụi em nhé!
Sự việc quá đột ngột, khiến bà Hiên chết lặng, mãi mới ấp úng, nói lời cảm ơn. Khách cẩn trọng mở chiếc túi lớn, một người nâng niu bọc vải màu đỏ, cung kính đặt xuống chiếc kệ nhỏ, kê trước bàn thờ. Người kia, lấy tiếp một ba lô bạc màu, bục lỗ chỗ, còn in nhiều vết bầm như màu máu, để cạnh bọc vải. Rồi, họ chắp tay trước ngực, vừa vái, vừa cúi đầu. Ngũ vị hương tỏa mùi thơm đầm ấm khắp gian nhà. Bà Hiên vội quỳ xuống, ôm chầm lấy hai báu vật, mà bà bất ngờ nhận được, sau bao năm tháng kì công đi tìm và đợi chờ mỏi mòn trong vô vọng. Như người mộng du sực tỉnh, bà lập cập pha nước, mời khách ngồi. Đón chén trà ngát hương, hướng cái nhìn hiền từ vào mắt chủ nhà, người khách dáng cao gầy, cố kìm xúc động, nói:
- Thưa chị! Cho phép hai đứa em gọi chị là chị Hai. Em là Ba Thành, còn đây - Ba Thành quay mặt sang người ngồi cạnh - là Sáu Nhân, đều đến từ tỉnh Bình Phước. Anh Hai và hai đứa em vốn là người xa lạ, cuộc chiến tương tàn đã đẩy anh em em về hai phía, mà ở giữa là súng đạn và lòng thù hận, ai cũng mong dành cái chết cho nhau. Vậy mà, khi rơi vào cửa tử thì chính anh Hai lại là cứu tinh, nhường sự sống cho tụi em! Nghĩa cử cao thượng của anh Hai đã cảnh tỉnh kẻ bên kia chiến tuyến, là món nợ ân tình, canh cánh suốt từng ấy năm, nay mới có cơ hội đáp đền, sau một hành trình vô vàn trắc trở. Mong chị bình tâm, tụi em xin bày tỏ ngọn ngành…
Ba Thành ngừng lời, đăm chiêu chìm trong kí ức, rồi tiếp dòng tâm tình:
- Hai chúng em đều quê Bình Phước, vùng đất thuộc Đông Nam bộ. Nơi em sống, chẳng khác quê chị mấy nỗi, cũng mưu sinh biết bao gian khổ, bởi trồng cấy và làm rẫy là nghề chính, lại tiêu điều vì chiến tranh liên miên, hao tổn sức người, sức của. Gắng học xong tú tài toàn phần, sau Hiệp định Paris, em và Sáu Nhân đều thi đậu vào Đại học Văn khoa. Những tưởng sẽ được yên ổn theo nghề nghiên bút, thỏa nguyện ước ao bay nhảy... Nào ngờ, chiến sự ngày càng khốc liệt, với cường độ tăng, trên phạm vi rộng lớn. Cả miền Nam như sôi lên, tin tức những cuộc đọ súng nơi tuyến đầu tạo cơn sốt cho một xã hội vốn chứa sẵn bao điều bất ổn, đặt chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước nguy cơ sụp đổ, không thể cứu vãn. Người dân sống trong nơm nớp lo âu, về một kết cục bi thảm. Cuối năm 1974, bọn em phải bỏ dở việc học hành, thay cây bút bằng khẩu súng, trút áo thư sinh, bỡ ngỡ khoác lên mình bộ quần áo lính, hãi hùng nghĩ tới dặm trường ra trận. Ba tháng huấn luyện tại Quân trường Quang Trung qua nhanh, em và Sáu Nhân được bổ sung cho Chi khu Chơn Thành, một vị trí quan trọng thuộc tuyến phòng thủ từ xa của nội đô Sài Gòn. Tại chốt chặn mang tính chiến lược này, Việt Nam Cộng hòa đã tăng cường lực lượng, vũ khí, khí tài rất mạnh, với niềm tin bất khả chiến bại. Mới tới địa bàn không lâu, thì rạng sáng 27.3.1975, Chi khu bị tấn công dữ dội. Sau ít phút cầm cự, chống trả, gây ít nhiều thương vong cho phía bên kia, quân Cộng hòa rơi vào thế bất lợi. Cả căn cứ bị đánh tơi bời, lính chết, lính bị thương chìm trong cảnh náo loạn. Cùng lúc, các hướng chi viện khác cũng đồng loạt bị tiêu diệt, hoặc bị vô hiệu hóa. Vừa vọt lên từ hầm ngầm, chưa kịp định hình, em thấy vai phải nhói đau, máu trào ra, ướt đầm một bên áo, khẩu súng tuột khỏi tay. Sau em là Sáu Nhân, vừa kịp đỡ em, thì cả hai bị quật ngã, tước vũ khí, trói chung tay em với tay Sáu Nhân. Lần đầu trông thấy binh lính đối phương, em bủn rủn cả người. Nghe những lời tuyên truyền trước đây, em nghĩ, chắc mình sắp tới giờ tận số… Khát khao được sống của một kiếp người trỗi dậy. Nhớ gia đình và kỉ niệm phần đời thơ ấu, lòng em cay đắng, cứ lẩm nhẩm cầu xin, xem có phép thần nào cứu được sinh mạng mình, trong tình thế cực kì bi đát này. Đang chìm trong hoang mang, em thấy một anh, có lẽ là chỉ huy, chỉ vào chiến sĩ đang phục sau bức tường đổ, ra lệnh:
- Lê Quang, cậu đưa hai tên này về hậu cứ, bàn giao và kết hợp với quân báo Trung đoàn khai thác, rồi viết bài tuyên truyền. Nhớ đảm bảo an toàn, chấp hành đúng kỉ luật chiến trường và chính sách với tù binh.
- Rõ - người lính trả lời dứt khoát.
Nhấp ngụm nước, cho lòng bớt hồi hộp, Ba Thành tiếp:
- Nghe giọng nói, em biết mình đang đối diện với đội quân đến từ miền Bắc, nên càng hoang mang, nhủ lòng chấp nhận tình thế, phó mặc số phận cho sự rủi may. Chiến sĩ ấy chính là anh Quang. Anh có thân hình đẹp, người cao, dáng vẻ thư sinh, nước da sạm màu nắng gió. Ngước đôi mắt sáng, thông minh vào hai đứa em, anh khoát tay: “Theo tao”, rồi hạ giọng: “Hai đứa bay, xem lối đi nào nhanh và thuận lợi, chỉ giùm. Nên nhớ, nếu có hành động sai trái, sẽ phải chịu hậu quả!”
Thái độ của người chỉ huy và anh Quang lúc ấy quý hơn liều thuốc an thần, thắp lên niềm tin, dẫu chỉ mong manh, khiến tụi em gật đầu lãnh trách nhiệm, hi vọng được mở ra con đường sống. Thấy em bị thương, anh ái ngại, đưa tay chỉ một góc chiến hào, hất hàm ra hiệu. Chỉ cách chừng dăm mét, dù được Sáu Nhân trợ giúp, nhưng do tâm trạng rối bời, lại bị đau đớn thể xác, nên khó khăn lắm, em mới lết tới nơi, rồi nằm vật ra, thở dốc. Trong không gian nhỏ hẹp, ngập mùi chiến trận, anh nhanh nhẹn mở ba lô, lấy túi thuốc cá nhân, thận trọng cởi cúc áo em. Sau khi xem vết thương, anh nói nhỏ: “Lỗ đạn phía trước phá to, chứng tỏ đạn đến từ sau lưng.” Rồi anh cười: “Cũng may, chỉ vào phần mềm. Giờ, chịu đau chút xíu nhé!” Anh khéo léo và cẩn thận băng bó cho em. Xong, anh đưa em mấy viên thuốc, rồi lấy bình tông, mở nắp, bảo: “Nhấp ít thôi để lấy sức, kẻo máu chảy. Gắng lên, chắc chỉ vài bữa là ổn.” Em nhìn anh, chợt thấy người lính bên kia chiến tuyến bớt ngăn cách!
Ba Thành ngừng lời, quay sang Sáu Nhân, khẽ gật đầu. Sáu Nhân nhìn bà Hiên, giọng trầm buồn:
- Em xin được kể tiếp câu chuyện. Theo lối bọn em chỉ, ba anh em thận trọng, từng bước rời chảo lửa, dưới làn đạn dữ dội, đến từ mọi hướng. Nói vậy, nhưng lối ra cũng nguy hiểm không kém, vì đều trong tầm giao tranh quyết liệt, cái chết có thể ập đến ngay. Có điều, mới qua một đoạn đường ngắn, cảnh đẫm máu khiến tụi em kinh hồn! Xác người lính đôi bên, xác dân thường, súc vật nằm khắp nơi. Mọi thứ mùi đều gợi niềm tang tóc, gieo nỗi khiếp đảm vào lòng! Nhưng, sợ nhất là gặp Quân Giải phóng, mắt ai cũng rực lửa căm thù. Có người hướng mũi súng vào bọn em, đòi nhả đạn, hoặc định xông vào đánh, trả thù cho đồng đội. May sao, thái độ kiên quyết của anh Quang đã ngăn được hành động quá khích xảy ra. Chị thử hình dung, hai đứa em, thân xác tả tơi, tinh thần hoảng loạn, tay bị trói, nếu không có anh Quang, thì cầm chắc kết cục bi thảm. Trong hoàn cảnh ấy, thú thực, bọn em không dám nghĩ tới việc chống đối, hoặc chạy trốn. Với những gì diễn ra, em và Ba Thành còn đủ minh mẫn, ngầm bảo nhau, phải bám chặt anh Quang, nếu không muốn bỏ xác ở nơi này… Bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, anh sử dụng tụi em như thành viên của tổ ba người. Được chừng cây số, gặp căn hầm cạnh đường đi, dưới một lùm cây, anh nói nhỏ: “Nghỉ chút đã.” Rồi bảo hai đứa em xuống trước, còn anh, sau một hồi quan sát, xuống sau. Căn hầm vừa đủ cho ba người trú tạm, ánh sáng mờ soi ba khuôn mặt nhớp nháp mồ hôi, dính đầy bụi đất, tàn tro. Anh mở ba lô, lấy chiếc khăn tay màu xanh sẫm, lau qua mặt mình, rồi chuyển cho hai đứa em. Cử chỉ thân tình của anh, khiến chúng em bớt ngại ngùng và không thể chối từ. Nhận lại chiếc khăn, để vào chỗ cũ, anh lấy bình tông, nước còn chừng phân nửa, đưa vào tay em. Thấy em e ngại, anh phác nhanh một cử chỉ, ý bảo, cứ uống trước đi. Nhận bình tông từ tay em, Ba Thành nhấp chút đỉnh, chuyển lại anh Quang. Anh uống ngon lành, như xung quanh bình yên, không hề có cuộc chiến. Tiếp đến, anh lấy một gói lương khô, từ đáy ba lô, bóc, đưa mỗi đứa em một thanh, khôi hài: “Dùng thử đồ ăn của Việt cộng, xem được không?” Rồi, anh cười, tiếng cười trong trẻo, nghe thật hiền, cất lên từ trái tim nhân hậu. Đang đói cồn cào, lại vừa qua những giờ phút hãi hùng, rùng rợn, nên khi nhận thanh lương khô, bỏ từng miếng vào miệng, hai đứa em đều gật đầu, khen ngon. Quả thật, lạ và ngon lắm, chị ạ! Mấy mươi năm qua rồi, vậy mà em vẫn nhớ như in hương vị miếng ăn hôm đó. Nhìn hai đứa em, anh hỏi: “Tụi bay quê đâu, bao nhiêu tuổi, trước khi đi lính, làm gì?” Em nhìn Ba Thành, trả lời: “Hai chúng em cùng quê Bình Phước, đều ở tuổi hai mươi, đang là sinh viên Văn khoa, đầu năm thứ hai thì bị bắt lính.” Anh cười lớn: “Thật là cuộc gặp mặt thú vị! Tao hơn tụi bay bốn tuổi, quê tận tỉnh biên giới phía Bắc, có vợ và một con trai. Tao vừa tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội thì xin tòng quân, nay đã có mấy thâm niên chiến trường.” Hai đứa em cùng ồ lên, gương mặt rạng rỡ, khi vô tình gặp được người chung sở thích. Chợt, tiếng máy bay, tiếng pháo và các loại súng vang rền thành mớ hỗn độn, như kéo người trong cuộc về thực tại. Anh Quang bước ra cửa hầm, nhìn một lượt, rồi nhắc: “Thôi, ta đi tiếp. Hai đứa chú ý bám sát tao, kẻo mất mạng, cái chết có thể đến từ đường đạn của bất cứ phía nào.”
Đặt chén nước xuống bàn, Ba Thành tiếp lời:
- Đoạn đường sau cũng không hề dễ dàng hơn, vẫn trong vùng chiến sự, vừa đi vừa thăm dò, mãi mới được một đoạn. Cuối chiều, nắng nóng dịu dần, ba anh em đến một bìa rừng, những hố đạn bom nham nhở, nhiều cây bị quật ngã, gốc rễ như bàn tay chĩa lên trời, chới với cầu cứu. Ba anh em ngồi nghỉ bên miệng căn hầm dã chiến, trò chuyện cởi mở, thân tình hơn. Cặp mắt anh hiền từ, dõi về bốn hướng, trong cảnh hoàng hôn buông thơ mộng, gió thổi rì rào, từng làn mây trắng nhởn nhơ trên vòm cao. Nhìn hai đứa em, anh bảo: “Tối rồi, đêm nay, mình nghỉ tạm ở đây!” Sau khi xem lại vết thương cho em, thấy ổn, anh chia đều phần lương khô còn lại, phân công tụi em phụ giúp anh canh chừng. Đến lúc này, em và Sáu Nhân đã tuyệt đối tin anh, chỉ biết chấp hành như một cái máy.
Có một sự trùng hợp thật lạ, hôm xảy ra trận chiến, nhằm ngày Rằm tháng Hai năm Ất Mão. Ánh ngày chưa kịp tắt, vầng trăng đã hiện ngang trời, mang sắc vàng trải khắp vùng rộng lớn, tạo cơ hội cho những tâm hồn chung tình yêu văn chương, thả dòng suy tư vào những dự cảm tốt đẹp, về ngày mai. Đêm vùng ven trong lành, dù mặt trận không xa, chốc chốc vẫn bùng lên quầng lửa và âm thanh của các phương tiện tham chiến còn gầm réo, vọng đến bất thần. Và, trên miệng hầm dã chiến ấy, ba người lính trận, khác lí tưởng, từ những miền xa lắc xa lơ, không hẹn mà gặp nhau như định mệnh, mở lòng tâm sự đời mình. Nghe kể, biết hai đứa em thân nhau, vì có chung hoàn cảnh, cùng có bố và anh trai chết trận, mẹ sức yếu, các chị em còn lại đều vật lộn vì mưu sinh và sống lam lũ qua ngày, gương mặt anh đăm chiêu, cặp mắt thẳm buồn. Sau phút suy tư, anh kể, quê anh tận một làng, có chung tên với dòng sông đẹp như huyền thoại, xã thuộc huyện phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, miền đất tiềm tàng trữ lượng tài nguyên than và sở hữu một vịnh Hạ Long tuyệt đẹp. Anh là con một, có bố hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chưa tìm thấy hài cốt, mẹ cũng rời cõi thế, sau cơn bạo bệnh, còn vợ và con trai nhỏ tuổi, sống ở miền quê thuần nông, từng chịu nhiều tàn phá của bom đạn Mỹ. Bọn em nhìn anh, thêm một nét đồng cảnh, tạo nên sự đồng cảm, khiến cả ba cùng mủi lòng. Tiếc rằng, với hiểu biết hạn chế, bọn em không hình dung nổi nơi anh từng gắn bó suốt tuổi hoa niên gian khổ! Anh còn say sưa kể nhiều kỉ niệm thời sinh viên, với vô vàn khó khăn, đến độ khó tin, của miền Bắc khi ấy và những khát khao cầm súng ra trận, của một thế hệ dám xả thân vì nước, bằng trách nhiệm, niềm lạc quan vô bờ. Nghe anh đọc nhiều bài thơ, của anh và đồng đội anh, viết về quê hương, đất nước, tình yêu và cuộc chiến, em như bị hút hồn, bởi bao điều mới mẻ, khác hẳn với môi trường sống, mà tụi em từng qua. Em nhìn Sáu Nhân, thầm nghĩ: “Giao chiến với những chiến binh say mê, trung thành với lí tưởng, lạc quan và quả cảm thế này, lính Việt Nam Cộng hòa thua là cái chắc!” Rồi, em thấy vui với lời tự nhủ: “Mình bị bắt thế này, lại là may…” Anh chân thành khuyên bọn em, nếu an lành trở về, phải gắng học tiếp, để giúp ích gia đình, làm lợi đất nước… Bọn em đâu ngờ, được nghe lời nói thật lòng ấy từ một người, mà mới đây thôi, bị coi là kẻ thù, cần phải tiêu diệt. Ba anh em cùng nắm tay, hứa sẽ tìm nhau, nếu may mắn sống sót sau cơn binh lửa tàn khốc này. Đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, lòng em dạt dào cảm xúc, một tâm trạng khó tả vừa bừng thức, bỗng chốc thay đổi nếp nghĩ, về cuộc chiến huynh đệ tương tàn…
Bình minh ngày mới đang đến, ánh sáng soi tỏ dần ba gương mặt tươi tỉnh, gần gũi nhau như người trong nhà, dẫu vừa trải qua một đêm ít ngủ. Xem lại vết thương cho em lần nữa, thấy bả vai em sưng to, người nóng hầm hập, anh tỏ ra lo lắng. Anh lấy mấy viên giảm đau, hạ sốt, bảo em uống ngay và giục khẩn trương chuẩn bị đi tiếp. Men theo bìa rừng, anh Quang và Sáu Nhân vừa phải thận trọng quan sát, vừa dìu em, khó nhọc lê từng bước. Được vài trăm mét, mặt trời lên chừng con sào, gặp một căn hầm, anh bảo tạm nghỉ. Vừa lúc, tiếng đạn pháo rộ lên, lan nhanh tới cánh rừng. Em vội kéo anh, nhưng anh giật tay lại, quát to: “Hai đứa xuống ngay, để tao trông chừng!” Sau mỗi loạt đạn, anh lại nhô đầu lên, xem xét tình hình, rồi nói vọng xuống. Mấy lần, em và Sáu Nhân gọi, anh đều xua tay. Bỗng, một quầng lửa trùm lên miệng hầm, tỏa sức nóng hầm hập, kèm theo tiếng nổ chói tai. Anh Quang gục xuống, bất động! Tụi em vùng dậy, đỡ anh, đưa xuống lòng hầm. Thân thể anh bị nhiều mảnh pháo, quân phục đẫm máu! Hai đứa em vừa lay gọi anh, vừa gào lên tuyệt vọng, tức tưởi vì bất lực. Sau khi nhẹ nhàng nâng đầu anh, đặt lên đùi Sáu Nhân, hai đứa em ghé tai sát miệng anh, nghe tiếng thì thào:
- Chặng đường tiếp còn nhiều bất trắc lắm, tụi bay phải cẩn trọng mới có thể bình an. Muốn giữ mạng sống, phải giả trang dân sự, nhanh chóng về quê. Hãy để tao ở đây và báo cho đồng đội tao biết, nếu có thể…
Dừng một lát, nén cơn đau, anh đổi cách xưng hô, giọng nhỏ dần:
- Trong ba lô, ngoài gia tài đơn sơ của đời lính, anh còn mấy bản thảo văn học và những trang nhật kí chiến trường. Túi áo có chiếc lọ đựng mảnh giấy ghi tên tuổi, đơn vị và địa chỉ quê anh. Chiến cuộc sắp kết thúc, mai này, có điều kiện, nhờ hai em chuyển giúp kỉ vật trên cho vợ anh là Nguyễn Thị Hiên. Trước lúc từ giã cõi đời, anh có đôi lời gửi gắm, xin cảm ơn và chúc hai em may mắn!
Bọn em ôm lấy anh Quang, hứa sẽ làm theo di nguyện, thầm mong anh ra đi thanh thản! Rồi, anh từ từ khép đôi mắt, vào cõi vĩnh hằng, trong tay hai đứa em. Em nhìn Sáu Nhân, mắt cùng đẫm nước, thương cảm một người anh, người lính mới gặp một lần, mà vương nợ một đời! Tiếng pháo lại gầm lên, vách hầm chao đảo, đất rơi rào rào, như nhắc bọn em rằng, cái chết vẫn đang bủa vây. Quan sát địa hình cả khu vực, em và Sáu Nhân quyết định để anh nằm lại, ở chính căn hầm anh tử nạn, nơi có mật độ bom đạn thưa hơn, lại dễ tìm. Sau khi chôn anh, cùng khẩu AK, vần một hòn đá to làm dấu, hai đứa đứng lặng, cúi chào vĩnh biệt ân nhân, rồi mang theo chiếc ba lô, một quả lựu đạn, một dao găm trong hành trang của anh, men bìa rừng, rời vùng nguy hiểm. Theo cách anh chỉ dẫn, hai đứa em về được nhà, ẩn dưới hầm sâu, cho tới ngày giải phóng. Nghe thông cáo của chính quyền cách mạng, tụi em ra trình diện, khai báo thành khẩn, rồi đi học tập cải tạo một thời gian, trở về, xin học tiếp, theo chương trình mới.
Ba năm sau, bọn em bàn nhau, xin ý kiến người thân, đưa hài cốt anh Quang về khu mộ gia đình em. Được mẹ và mọi người đồng tình, chúng em tìm thầy, lo chu đáo thủ tục tâm linh và triển khai công việc. Phần mộ anh nằm cạnh mộ cha và anh ruột em, lễ nghi theo tuần tiết, khói hương bốn mùa. Từ bấy đến nay, năm nào, gia đình em đều cúng giỗ anh, vào đúng ngày anh hi sinh, coi anh như người ruột thịt và đã thành nếp, cả nhà Sáu Nhân luôn có mặt, với tư cách đồng chủ lễ. Kỉ vật anh trao cũng được mọi người nâng niu, giữ gìn, thiêng liêng như gia bảo! Đầu năm 1980, em lấy vợ và xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, vì bố vợ em là sĩ quan chế độ cũ. Trước khi xuất cảnh, em và Sáu Nhân định làm chuyến hành hương ra quê anh, nhưng lại thôi. Thời điểm ấy, tình hình biên giới phía Bắc đang nóng bỏng, đất nước vào giai đoạn khó khăn chồng chất, người dân vô cùng khốn khổ. Mặt khác, việc bọn em làm chưa có tiền lệ, nỗi đau cuộc chiến và thù hận chưa nguôi, mặc cảm còn đè nặng nếp nghĩ bao người. Non sông về một mối, nhưng lòng người dễ gì hòa hợp… Nhiều năm nữa qua đi, chúng em vẫn canh cánh, vì lời hứa chưa tròn với anh Quang. Đã mấy lần, em định ghi thư cho chị, nhưng lại nghĩ, mộ anh Quang không nằm tại nghĩa trang, việc di chuyển vô cùng nan giải, đành phải đợi ngày em về. Nhưng, cuộc sống nơi đất khách đâu phải thiên đường như người ta tưởng, cơm áo vẫn là nỗi lo thường nhật, nào chịu buông tha kẻ li quê! Năm nay, em mới thu xếp hồi hương được và bàn với Sáu Nhân, tìm về quê chị, theo địa chỉ được anh trao lại. Em luôn tin, sẽ gặp được mẹ con chị và người thân của anh. Sau khi xin phép mẹ, thỉnh gia thần, vong linh gia tiên và anh Quang, bọn em mời nhà sư làm các nghi lễ, đưa hài cốt anh vào tiểu, bọc trong lá cờ Tổ quốc. Trước lúc lên đường, cả nhà chúng em và lối xóm tổ chức cuộc tiễn biệt anh, có đại biểu huyện và xã tham dự. Được anh phù hộ, chuyến đi của hai đứa em rất thuận lợi...
Ba Thành dừng lời, cùng Sáu Nhân đến trước kệ, nâng bọc hài cốt đặt lên bàn thờ, thắp tiếp tuần hương, nhìn di ảnh Lê Quang, vẻ mặt mãn nguyện. Xong, Ba Thành trao chiếc ba lô cho bà Hiên. Người vợ liệt sĩ run run, mở, lấy ra từng thứ, đặt tiếp lên khoảng trống, trước ảnh chồng. Đó là, hai cuốn sổ, mấy lá thư và cây bút máy Trường Sơn. Một túi ni lông đựng chiếc ảnh bà Hiên và con trai, phía sau có hàng chữ “Nhớ thương anh! Quê hương, mùa Đông 1974”, cùng chiếc khăn mùi soa thêu đôi chim bồ câu và hai chữ “Hạnh phúc”. Tiếp đến, là chiếc bình tông, chiếc võng dù còn nguyên nếp gấp, bộ quần áo và chiếc khăn mặt, từng thấm mồ hôi ba người lính… Tất cả đều phai màu theo thời gian, dù được cất giữ cẩn thận. Bà ngước đôi mắt u hoài, sụt sùi nhìn ảnh chồng, di vật và hai ân nhân, tưởng xa lạ mà gần gũi như chung dòng máu. Cùng lúc, Ba Thành mở túi xách, lấy ra chiếc hộp nhỏ, bên trong là một lọ con, đựng tờ giấy ố vàng, đưa cho bà Hiên: “Nhờ cái này và những lời nhắn nhủ của anh Hai, em mới tìm về được quê anh và gặp chị! Em đã gìn giữ hai lăm năm rồi, nay, xin trao lại chị và các cháu!”…
Vừa lúc, có tiếng mở cổng. Một chàng trai trẻ, xách hành lí gọn nhẹ, vào nhà. Ba Thành và Sáu Nhân cùng thảng thốt: “Trời, anh Hai Quang hiện hình!” Bà Hiên cười, giới thiệu: “Đây là cháu Lê Vinh, con trai duy nhất của anh chị. Cháu về, để ngày mai giỗ bố. Vợ và hai con nó, lát nữa mới tan trường.” Trước sự ngỡ ngàng của con trai, bà Hiên nói: “Đây là hai chú Ba Thành và Sáu Nhân, em bố con. Hôm nay, hai chú theo vong linh bố về với nhà mình!” Lê Vinh chợt hiểu, bước tới, thân mật nắm tay hai ông khách! Bà Hiên đưa con trai đến bên bàn thờ, chỉ bọc hài cốt và kỉ vật người cha, sau mấy mươi năm mới trở về nguồn cội. Lê Vinh thắp nén hương, cắm vào bát, kính cẩn vái, tâm trạng rối bời, khó tả. Rồi, anh quay lại, ôm chầm Ba Thành và Sáu Nhân, nức nở gọi: “Bố ơi!” Mọi người nhìn nhau, nhòa trong niềm vui đẫm lệ! Lê Vinh lau mắt, lấy điện thoại gọi lãnh đạo xã, thông báo sự việc, để địa phương chủ động và khẩn trương chuẩn bị tổ chức lễ đón nhận hài cốt, lễ viếng, lễ truy điệu liệt sĩ cho cha mình, nhân dịp lần giỗ thứ hai lăm của ông. Ba Thành nhìn Sáu Nhân, rồi thưa với bà Hiên:
- Chị Hai! Ý nguyện tiếp theo của tụi em, là muốn được cùng chị và cháu Vinh thăm họ hàng, vãng cảnh làng xã và một vài danh thắng trên quê hương Đệ Tứ Chiến khu, đồng thời, mua sắm vật phẩm cho ngày giỗ anh!
Bà Hiên khẽ gật đầu. Ba Thành và Sáu Nhân nắm tay nhau, bước tới, dang tay ôm Lê Vinh, cùng nghẹn lời: “Con ơi…!”