May 3, 2024, 7:27 pm

Có những người thầy như thế*

Tác giả cuốn sách là một thầy giáo nay đã xấp xỉ tuổi 90 (ông sinh năm 1934). Học trò của ông – không ít người có học vị cao, ở khắp ba miền Nam - Trung - Bắc, từng biết nhiều công trình có tính học thuật cao của ông như Thơ văn cổ Trung Hoa, mảnh đất quen và lạMối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn hoá Trung Quốc, Ngôn ngữ thơ Trung Hoa (dịch từ tiếng Pháp), Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học (đồng chủ biên)…

Trong Lời nói đầu cuốn sách mới “Có những con người như thế”, giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã viết: “Tôi chưa dám xếp nó vào loại ký chân dung vì ở đây, mức độ ghi chép, khắc họa về các nhân vật rất khác nhau […] với những chất liệu có trong sách, nếu tác giả là nhà văn chuyên nghiệp, nhất định cuốn sách sẽ hấp dẫn hơn với bạn đọc…”. Trong hơn hai chục chân dung, còn có những người hoạt động trong quân đội, công an, nhà máy… Những trang ghi chép ở phần Phụ lục tác giả đã ghi lại nhiều hình ảnh sinh động về hai tập thể mà ông gắn bó lâu dài là Trường Đại học Sư phạm Vinh và hai khóa sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Xuân Hòa. Tuy vậy, ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là những nhà giáo mà tác giả có… “duyên” được quen biết, từ góc nhìn gần của một học trò hay là bạn thân; nhờ đó, ông đã nắm bắt được không ít câu chuyện, tình tiết đặc sắc có lẽ nhiều người chưa biết, giúp bạn đọc hiểu thêm chân dung những bậc thầy đáng kính. Đó là Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào, Trương Chính, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long, Phan Ngọc, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Phạm Tú Châu, Phùng Văn Tửu, Văn Như Cương, Trần Hữu Tá, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Văn Vọng...

GS. Nguyễn Khắc Phi

Hầu hết những tên tuổi đó đều nổi tiếng và nay đã ở “cõi khác”, nhưng mãi vẫn là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Xin được nhắc trước hết đến vị “trưởng lão” của Đại học Việt Nam sau 1945: nhà toán học - NGND Nguyễn Thúc Hào (1912-2009), “thủ trưởng” và thầy học của “vô số” giáo sư, tiến sĩ. Tác giả cho biết, cả nhà thơ Tố Hữu, cũng là học trò của ông ở Trường Quốc học Huế; hồi Trường Đại học Sư phạm Vinh sơ tán lên Thanh Chương, trong một dịp vào công tác ở Nghệ An, nhà thơ đã đi thuyền lên Thanh Chương thăm thầy cũ. Có lẽ nhiều người cũng chưa biết nhà toán học Nguyễn Thúc Hào từ năm 1946, là một trong số ít hiệu trưởng đại học đầu tiên ở Việt Nam (thầy được cử làm Quyền Giám đốc Trường Đại học khoa học trong hệ thống các trường đại học quốc gia Việt Nam lúc đó), tác giả của nhiều giáo trình đại học có chất lượng cao, từng đứng lớp trực tiếp hàng nghìn giờ từ phổ thông cho đến trên đại học, có công lớn trong việc xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội và nhất là Đại học sư phạm Vinh từ lúc khai sinh cho đến những năm tháng sơ tán gian khổ trong chiến tranh, nhưng cho đến cuối đời, lại chưa hề được phong tặng danh hiệu gì theo hệ thống học hàm của Nhà nước! Vậy nhưng các tác giả có uy tín như PGS.TS Văn Như Cương, nhà báo lão thành Hàm Châu – đều là người “đồng hương Xứ Nghệ” với Thầy – cho đến Bách khoa thư mở Wikipedia đều viết rằng Thầy là nhà toán học được phong giáo sư đầu tiên…! Có thể có người “cố ý nhầm”, hoặc cái thực của Thầy đã vượt quá cái danh. Tác giả, GS. Nguyễn Khắc Phi đã viết như thế.

PGS.TS. Văn Như Cương (1936-2017) là một trong số cộng sự gần gũi với Thầy Nguyễn Thúc Hào. Ông cùng với các thầy Lê Hải Châu, Hoàng Tụy, Hoàng Xuân Sinh… là “những nhà toán học đã viết nên những bộ sách giáo khoa Toán học đầu tiên có tính chất nền tảng cho nền giáo dục phổ thông và đại học của Việt Nam” và từ năm 1988, nổi tiếng với trường Lương Thế Vinh - trường trung học dân lập đầu tiên được “khôi phục” ở Việt Nam…; nhưng  có khi ông nổi tiếng hơn với… bộ râu đặc biệt… Năm 1975, khi ông đang giữ trọng trách ở Khoa Toán - Đại học Sư phạm Vinh, thì ông được cử vào dạy thỉnh giảng tại phía Nam; trước lúc đi, Bí thư Đảng ủy gặp ông chỉ đề nghị… “cạo bộ râu đi để tránh khỏi dị nghị”. Ông ậm ừ cho qua và khi trở về báo cáo với Bí thư Đảng ủy thành tích “xuất sắc” vẫn với bộ râu được sinh viên xôn xao bàn luận: “Em thì bảo anh giống Karl Marx, em thì bảo giống R.Tagore” và ông nói: “Trong đó không ít người hiểu sai về tính chất chặt chẽ của tổ chức đoàn thể ngoài này […] Nội sự xuất hiện của bộ râu…” Thôi, chẳng cần trích dẫn thêm.

Thầy Phan Ngọc (1925-2020) cũng là “bậc công huân của nền đại học Việt Nam”, cũng là nhà trí thức uyên thâm mà cái thực vượt quá cái danh. Có lẽ vì thế mà trước học hàm Phó giáo sư của Thầy, tác giả Nguyễn Khắc Phi ghi thêm từ “Học giả”. Thầy xứng đáng với danh hiệu tôn kính này vi không thể kể hết các lĩnh vực mà Thầy thông thạo và đã để lại nhiều công trình có giá trị; nhiều tác phẩm dịch thuật từ tiếng Pháp, Anh,  Hy Lạp, Latinh, Nga, Đức, Hán và các công trình nghiên cứu Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm học, Văn bản học, Văn học so sánh, văn học Trung Quốc, Anh, Pháp, Triết học, Lý luận văn học… Điều đặc biệt là chỉ với bằng Tú tài, với vốn chữ Pháp, Latinh khi học tại Trường Thiên Hựu (Huế) và chữ Hán được thân phụ là cụ Phó bảng Phan Võ kèm cặp từ bé – cái vốn ngoại ngữ học đến nơi đến chốn đó, cộng với tinh thần tự học và trí thông minh hiếm có, Thầy đã được mời dạy nhiều môn cấp đại học ngay lúc vừa cởi áo sĩ quan phiên dịch ở Ban liên hiệp đình chiến Bộ Tổng tư lệnh, sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954.

Cùng tuổi với thầy Phan Ngọc và cùng trưởng thành từ môi trường giáo dục ở Huế, GS. NDND Lê Quang Long (1925-2017) còn có nhiều điều đặc biệt hơn. Tên tuổi Lê Quang Long khá nhiều bạn đọc đã biết, do ông xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc – đại quan lại; mẹ ông là con gái vua Thành Thái, chị ruột vua Duy Tân… Vậy nhưng sau 9/3/1945, Trường Đại học Y Hà Nội đóng cửa, cùng với Đặng Văn Việt, ông về Huế gia nhập Trường Thanh niên tiền tuyến… Cách mạng Tháng 8 thành công, ông là 1 trong 4 học viên Trường Thanh niên tiền tuyến được phái sang Lào giúp làm cố vấn quân sự đồng thời là bảo vệ cho Hoàng thân Xuphanuvông và đã bị thương…

Những sự việc này ông đã kể trong cuốn sách về Trường Thanh niên tiền tuyến (NXB Công an nhân dân, 2008), nhưng nhiều người chưa biết những đóng góp to lớn của ông với tư cách một thầy giáo. Tác giả Nguyễn Khắc Phi cho biết, “kể từ năm 1946 lại nay, anh đã dạy liên tục từ cấp 2, cấp 3 đến đại học, sau đại học, không chỉ ở Hà Nội mà hầu như khắp đất nước và cả ở nước ngoài…”. GS. Lê Quang Long đã viết ngót 100 đầu sách khoa học, chủ yếu về sinh học, đi đầu áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống với những công trình nghiên cứu nuôi cá rô phi, thụ tình cho lợn và 3 đề tài “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng…

Một điều thú vị là nhà sinh vật học hàng đầu Việt Nam còn “là nhà dịch thuật. Vì anh biết đến 8 thứ tiếng, nên anh có nhiều công trình dịch “xuôi” cũng như “ngược”, lại không chỉ về môn Sinh mà còn có cả Văn, Sử, Địa… Năm 2006, bản dịch cuốn hồi ký 300 trang của Đặng Văn Việt đã được xuất bản tại Pháp […] “Anh vốn là dân tú tài Văn - Triết (Philo-Lettres), từng dạy văn ở Quốc học Huế và năm 1957, anh đã được giải văn học nghệ thuật toàn quốc với tác phẩm dịch “Vichia Maleev ở nhà và ở trường” của Liên Xô…” …

GS. Nguyễn Khắc Phi là bạn gần gũi với GS. Lê Quang Long lúc hai người dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng lại là học trò của thầy Long khi Thầy dạy Trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) nên biết nhiều chuyện về thầy Long. Với một lí lịch quá… “đặc biệt”, trong suốt cuộc đời hơn chín thập kỷ của mình, thầy Long đã vượt qua không biết bao nhiêu là trở lực để giữ được khí phách và có những cống hiến giá trị về nhiều mặt cho khoa học, giáo dục và văn hoá. Thời đoạn Thầy cùng bà ngoại (vợ vua Thành Thái) và một em trai, 3 em gái tản cư ra Hà Tĩnh, sau khi thực dân Pháp trở lại chiếm Huế, do “chủ nghĩa thành phần” còn nặng nề, Thầy đã phải thuyên chuyển hết trường này đến trường khác với lương giáo viên chỉ được 38 kg gạo!... Vậy mà nhiều, rất nhiều cựu học trò của thầy không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp về người thầy tài hoa đến từ Huế. Ví như thầy có thể vẽ một lúc bằng hai tay những hình có 2 phần đối xứng, hoặc trong lúc ngoảnh mặt về phía học sinh giảng bài, thầy ngoặt tay sau lưng vẫn minh họa; thầy còn dùng ca dao, tục ngữ, cả Kiều và Chinh phụ ngâm để khắc họa những kiến thức sinh học!...   

Cả khi đã thành thầy giáo đại học ở Hà Nội, thầy Long vẫn còn phải “vượt chướng ngại” như việc đăng ký bảo vệ luận án phó tiến sĩ thực hiện đầu tiên trong nước, rồi việc đi nước ngoài… Gia đình Thầy cũng gặp nhiều điều không may mắn… Vậy mà Thầy vẫn vui sống hơn 90 Xuân, sau ngày về hưu còn viết được 50 đầu sách để lại cho hậu thế…

…Với những người có đóng góp lớn như anh Lê Quang Long, cũng không nhất thiết là phải có danh hiệu Nhà giao Ưu tú đã mới được đề nghị phong Nhà giáo Nhân dân…”. Hơn chục năm trước, GS. Nguyễn Khắc Phi đã viết như thế! Sau đó, Chủ tịch Nước đã “đặc cách phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân” cho thầy Lê Quang Long vào năm 2014...

NGND Lê Quang Long cũng thuộc bậc học giả uyên thâm mà cái thực vượt quá cái danh. Không thể kể hết những sự tích đặc biệt của 15 người thầy đáng kính trong cuốn sách của GS. Nguyễn Khắc Phi, chỉ xin nêu thêm tấm gương người thầy thuốc – bác sĩ - đại tá Lê Khắc Thiền (1918-2004) mà GS. Nguyễn Khắc Phi đã viết: “Cũng có thể gọi con người ấy là một học giả, vì từ năm 1943, trong năm cuối ngồi trên ghế đại học, ông đã cùng bác sĩ Phạm Khắc Quảng, giảng viên lâm sàng Đại học Y Hà Nội, biên soạn cuốn Danh từ y học”. Thật khó kể hết chức vị và công lao người thầy thuốc dòng dõi vị lương y Lê Kinh Hạp, từng được coi là thần y, được mời vào Huế chữa nhiều bệnh mà các ngự y bó tay. Sau khi học Cao đẳng tiểu học ở Vinh, đỗ Tú tài Toán Trường Bưởi, ngay khi còn học đại học Y Hà Nội, ông đã soạn lời cho ca khúc Tiếng gọi sinh viên của Lưu Hữu Phước. Là người bà con gần gũi với nhà cách mạng lão thành Nguyễn Tạo, ở tuổi niên thiếu, Lê Khắc Thiền đã tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, sau Cách mạng tháng Tám, ông được điều vào công tác tại Quốc gia Tự vệ Cục (nay gọi là Sở Công an) tỉnh Nghệ An; từ 8/1946, ông mới được trở lại hoạt động chuyên môn liên tục 30 năm trong ngành quân y với cương vị Quân y trưởng các trung đoàn từ Nghệ An đến Huế, các mặt trận Bình Trị Thiên và Liên khu Bốn, Viện trưởng Quân y 103, rồi 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô và Viện Đông y Trung ương…

 Nhắc đến những người Thầy như NDND Nguyễn Thúc Hào, PGS Phan Ngọc, bác sĩ Lê Khắc Thiền…, những bậc thầy mà cái thực đã vượt quá cái danh, chúng ta hy vọng lớp trí thức thế hệ mới, khi đã có cái danh, vẫn luôn trau dồi kiến thức để có cái thực tương xứng với danh hiệu được học trò và xã hội tôn vinh…

________

* Có những con người như thế – Tập ký của Nguyễn Khắc Phi, Nxb Văn học, 2022

Trung Sơn

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm