April 28, 2024, 11:19 pm

Chạy theo hướng núi Tà Bên

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Núi Mặt Trời cao ngất sau nhà Cầm Son, tiếng Thái gọi là Tà Bên. Ngày đẹp trời Cầm Son thường lên ngồi sưởi nắng, người dính nhựa mít gắn vào vách đá, quần áo chàm xanh rêu và vách núi rêu xanh thành một tảng đá rêu phong. Tảng đá phẳng lỳ như đá mài dưới mông, Cầm Son thường ngồi bất động hàng giờ. Chẳng hiểu sao lúc nào Cầm Son đều hướng mặt về hướng mặt trời mọc. Cầm Son gầy như chẫu chàng sấy, hai tròng mắt nhô lên khỏi mi, mong mỏi xa xôi.

Hơn tháng nay, trời trở chứng gió buốt và mây tuyết rơi trắng rừng. Thiên tai và thú dữ, trong đó có con khỉ độc thành tinh sống trong hang sâu thi nhau làm hại nương ngô nhà Cầm Son. Phải trừ con khỉ độc này thì nhà mới có miếng ăn, Cầm Son nung nấu ý nghĩ ấy.

Cầm Son ngồi câm lặng dưới hỏm đá và cành cây phủ tuyết trắng. Cây nỏ lăm lăm trong tay, mũi tên tẩm độc đã sẵn sàng. Con Xám nép dưới chân chỉ chờ dịp phốc lên. Tất cả hướng tới con khỉ bẻ vụng ngô. Đó là cái đích của cuộc săn này.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải

Ăn cơm trưa xong, khi tuyết vừa ngưng, Cầm Son xách nỏ lên rừng. Gần tối. Chợt, ào ạt! Tiếng cành cây rung lắc át cả gió tuyết vần vũ ngoài kia. Khỉ đến. Đúng con khỉ độc lông vàng là tội phạm phá nương ngô của nhà Cầm Son đây. Mỗi lần thăm nương Cầm Son tức muốn lòi mắt, nhìn dấu chân dưới tuyết, ngó răng cắn dở trên bắp ngô, biết là khỉ độc to lớn. Con khỉ độc này thường rình khi dông bão, sấm giật và tuyết rơi… Ào, ào. Tiếng cành cây như cơn lốc, ba bốn nhịp đu đưa, khỉ độc đã nhảy dù vào giữa nương ngô. Khí giận ứ đầy họng... Cầm Son nín thở co chân, gồng tay kéo dây. Cánh nỏ căng và mũi tên tẩm độc đã lên rãnh. “Phựt”. Dây nỏ đang rung thì cùng lúc tiếng “Ùng” nổ ngang tai như sấm. Trận mưa đạn gém văng tối tăm mặt mũi. “Phaư bén!(1)”. Cầm Son thét lên ôm mặt ngã sấp xuống quằn quại bên gốc cây. Con Xám theo phản xạ chực lao, tức thì phanh ngoắt lại loanh quanh như có lỗi bên ông chủ đang ôm khuôn mặt đầy máu… Chợt rìa nương bên kia, thằng Cai mặt méo mó như đẽo bằng rìu, xách súng vụt qua như cơn gió độc, lướt qua con khỉ độc lông vàng, mũi tên rung rinh cắm sâu giữa yết hầu đang ngấp ngoải. Cai nhìn như đóng đinh, dưới hõm đá ám khói và cành cây đã bị đạn chém tua rua, là một thanh niên mặt non, nằm dưới đất giãy giụa đau đớn. Máu đang vẽ ngoằn ngoèo màu đỏ trên khuôn mặt xậm đen khói súng. Có lẽ cậu ta đang hớp hơi chờ chết - Phà ơi mình đã giết người. Bắn nhầm rồi, biết là sao đây? Cai nhớn nhác rơi súng quay đầu tìm đường thoát.

Thằng Cai không ngờ. Khi gương súng lên, thấy bên kia cái đầu ngọ ngoạy và đôi mắt đỏ loé lên. Gặp gấu rồi. Cái đầu gấu đen và mắt đỏ thì đúng gấu rồi. Cai bóp cò luôn. Ai ngờ thành thảm họa... Cai vốn là thợ đánh vàng già dơ nhưng thợ săn chỉ là nửa mùa. Mùa mưa năm nay thủy điện Bản Nhùng xả lũ kinh hoàng làm ngập núi ngập sông, dân bãi vàng thành thất nghiệp. Cai kiếm sống bằng cách lên rừng đi săn gấu. Bàn tay nhuộm chàm thì không sợ gì máu nữa, vàng và máu, máu người hay máu gấu đều giống nhau. Săn được một con gấu, có túi mật một “cây” là ngang giá cây một “cây” vàng. Lãi dòng chóng mặt vẫy gọi Cai giấu khẩu súng tự chế lên rừng.

Cai rất sõi tiếng Kinh, Thái lẫn tiếng Mèo nên Cai không biết mình là dân tộc gì, phiêu bạt khắp núi, dặt dẹo từ bãi vàng này sang bãi vàng khác. Ngày nhỏ ai nuôi, ai thả ra rừng Cai không nhớ… Cai theo thợ đánh vàng đến bãi Pắc Ma thì neo lại. Trong đời Cai bao nhiêu lần chạy trốn, chạy trốn bọn cướp vàng, chạy trốn công an, chạy trốn vì quỵt tiền thuốc phiện và gái bán hoa. Cuộc chạy trốn nào dù khốn nạn nhưng đều thoát cả... Ý nghĩ thoát thân vừa toé lên thì đôi chân của Cai đã chặn lại. Một tia xám vọt lên, một hàm răng trắng nhởn găm vào cuống họng của Cai, đập “ịnh” xuống tuyết cả mặt người và mặt chó, cùng tiếng sặc trong máu “g...à...o”. Đó là tiếng tru của con Xám - cận vệ của người bị bắn oan đã lên tiếng. 

Ba lần vùng chạy là ba lần con Xám cắm ngập hàm răng vào cổ họng làm Cai kiệt sức và sợ hãi đành  phục  tùng  theo bản năng của chó... Bằng ánh mắt dữ dội và mệnh lệnh của con Xám, Cai làm theo như cái máy từ xé áo băng bó vết thương và cõng cậu thanh niên xuống núi. Mỗi bước đi của Cai đã được con Xám cắn gót dẫn đường, trong tiếng thở hào hển của người của chó, ngoái lại phía sau máu đỏ loang dần trên tuyết lạnh giữa rừng chiều.

Chẳng biết bao lâu, con Xám dẫn Cai vác được Cầm Son về đến nhà. Trước chứng nhân là con chó Xám dữ dằn và khôn như quỷ Cai không dám nói dối với chủ nhà. Người chủ nhà tên là Ải, to lớn như hộ pháp, mặt đen nắng gió sần sùi vết sẹo hổ vồ, ông hiểu ngay sự tình và dự liệu ngay con mình đang gặp nguy. Trong ánh sáng bó đuốc rừng rực cắm trước hè, soi rõ từng động tác của Ải như một bộ phim câm. Ải nín thở sờ bóp đầu Cầm Son quấn vải chàm nhuốm máu chỉ hở đôi mắt đỏ khé như ma rừng, và nghe từng hơi thở thoi thóp của thằng con. Ngay đấy, Ải lừ lừ với tay lên gác bếp, lấy cuộn dây da trâu đen thui trói nghiến Cai vào cột thờ. Rút dao mèo bên eo, Ải  khua mấy vòng xém tóc, những vết sẹo trên mặt đổi màu co giật liên hồi, tru lên như sói: “Khả, khả, cu khả mưng!”(2)  

Cai hết vía, chết ngất bên cột thờ, dây da trâu quấn kín từ đầu đến chân. Khổ thân Cai côi cút, sinh ra không biết bố mẹ, lớn lên không có quê hương, chết đi không có đất để táng, lìa đời mới mười lăm tuổi xuân... Trong giây lát Cai nhắm nghiền mắt tự đọc điếu văn của mình trong óc.

- Ải à, đừng giết nó... Vết thương này không chết được con đâu... 

Thì ra khi nghe Ải gầm như hổ đực “khả, cu khả mưng” Cầm Son choàng tỉnh, hiểu ngay sự an nguy của gã thợ săn. Chậm một chút Ải có thể làm liều. Cầm Son gượng sức, ngóc đầu xin bố tha mạng cho người bắn nhầm mình. 

Ải nghe, liền hạ hoả. Tiếng của con trai duy nhất thốt lên là tia nắng chói lọi trong cõi lòng âm u; bừng thức lòng vị tha của ông già cô đơn, hiếm muộn...  Ải quăng dao, khuỵu xuống nâng niu bộ mặt Cầm Son lên hôn hít, vuốt ve. Mấy hột nước mắt đặc quánh lăn trên khuôn mặt nhăn nheo như măng khô của Ải rớt xuống miệng Cầm Son mằn mặn.

Liền đấy, Ải bước tới bên cột thờ cởi trói, nút cuối cùng chặt quá ông phải lấy răng gỡ ra, xua tay như đuổi tà:

- Tha cho mày sống! Biến khỏi nhà bố con tao ngay!  

Cai muốn báo ân hơn là sợ. Đời tuổi trẻ của Cai đã phiêu bạt kỳ hồ, sống chết đến từng giây làm thần kinh chai sần với chết chóc, nhưng lòng nhân thì làm con tim của Cai nghẹt thở. Cai run rẩy bò sát mép đệm nhơ nhớp máu, Cầm Son nằm, thò tay dưới bẹn móc trong quần đùi, cái túi thổ cẩm màu đất đưa ra. Đó là kho báu bất ly thân, Cai vẫn gọi là “túi thầy cúng,” trong đó nào bùa bảo mệnh, vài nhánh tỏi, miếng thuốc phiện cỏn con chữa bệnh... “Túi thầy cúng” là vật hành nghề của những người làm thầy cúng, thầy mo, để phòng thân, trừ quỷ trừ ma. Trong bước đường phiêu lưu không nhà cửa, không rương hòm Cai đã xin được một vị thầy cúng cho một cái túi quý để phòng thân và cất giấu của cải... Cai lóng ngóng chọn một vật màu hanh vàng, xù xì như con cóc núi, mắt ứa máu nhìn Ải và Cầm Son nài nỉ nhận cho cục vàng này và dập đầu được nhận làm con nuôi. Ải bất ngờ từ oán sang ân, từ kẻ tội đồ thành con nuôi nhanh như trở bàn tay. Nhà này chỉ có một mụn con, bố con cô cút nuôi nhau, nay có người khỏe như ngựa đực, lanh lợi thì còn gì bằng. Không sinh không nuôi bỗng dưng được “ăn sức” của người thì sướng hơn phìa tạo. Ải bằng lòng cho người này nhận làm con nuôi. Còn con cóc vàng thì cương quyết trả, nhưng Ải đe thêm:

- Mày phản chủ thì con Xám vặn cổ, nhớ chưa? 

Cai vâng lời tỏ vẻ rất vui.  

Hết mùa mưa Cầm Son lành lặn như cũ. Cơm ngon, thịt béo, thuốc phiện vừa bôi vừa uống của Cai chu cấp, cộng với sự phục hồi của chàng trai bản tuổi mười sáu Cầm Son khỏe hẳn hơn. Hôm bẫy được con sóc Cai nói với Ải làm cúng cho Cầm Son mừng tai qua nạn khỏi. Uống xong chén rượu máu đầy như mắt chuột Cai cất lời:

- Ải cho con và Cầm Son xuống xuống núi đánh vàng. Con chặt mười ngón tay hứa với Ải đi đánh vàng vài tháng là đổi đời. 

Ải ngẫm, Cầm Son lui cui một, đến tuổi này vẫn chưa qua khỏi núi. Nay có Cai như hổ mọc thêm cánh, cứng cáp và lanh hơn nên bằng lòng.  

Nghỉ ngơi một ngày, chuẩn bị đồ đoàn trước khi xuống núi, Cầm Son rủ Cai lên ngọn núi Tà Bên cao ngất sau nhà để sưởi nắng. Vẫn dáng người gầy như chẫu chàng sấy, hai tròng mắt nhô lên khỏi mi Cầm Son mong mỏi xa xôi. Thấy vậy Cai cũng làm theo nhưng chẳng hiểu mô tê gì, được một lúc sốt ruột lại ngưng.

*

Sáng hôm sau Cầm Son và Cai chào Ải lên đường. Ải bảo Cầm Son với lên mái nhà lấy ống tre mở nút moi ra, có bao nhiêu tiền Ải đổ tất cho làm lộ phí. Hai đứa huýt sáo gọi con Xám xuống núi. Hết hai ngày leo đèo lội suối anh em Cai đến bản Pắc Ma giáp ranh đất Điện Biên Đông là thủ phủ đánh vàng.

Khí trời vùng cao có nhiều điều kỳ lạ, bên kia mưa chan bên này nắng gội, ở quê gió lạnh và mưa tuyết tê xương, đến đây nắng ngọt như mật ong. Đứng bên bờ sông này đã cuối mùa khô mà dòng nước như ngựa phi lồng lộn xoáy tròn. Bờ cao dòng hẹp ghềnh thác bụi nước tung trời. Dân đánh vàng biết ngay là mỏ giấu vàng. Khi hai anh em cởi hết quần áo dài đút vào túi ni lon cùng con Xám định vượt sông, thì Cầm Son tái mặt chỉ dòng sông dữ líu lưỡi nói ở trên núi cao chưa biết bơi. Cai vẫy người áo chàm, trong đám người địa phương gần đấy chặt cây chuối ghép thành bè bơi qua, thì người áo chàm níu tay đòi tiền. Cai sừng sộ, tao ở Hang Vàng bên kia sông chưa xù nợ ai bao giờ. Nói liền, dìu Cầm Son chống bè ra giữa sông, mặc kệ người áo chàm trên bờ đòi tiền khản đặc trong tiếng gầm gào sóng nước.

Tới bờ bên kia Cai hớn hở:

- Nhà ta đây, Hang Vàng kia kìa, em thầu từ vụ vàng năm ngoái. Đầu tư khơ khớ gần trăm cây đấy.

Cầm Son ngước lên lèn đá chót vót, cửa hang lấp kín mít. Dưới bãi thượng vàng hạ cám từ cửu vạn, gái gú, thuốc nổ, thực phẩm, ma túy, dịch giã, si đa… đủ cả. Dân chơi vàng chi tiêu không trả bằng tiền mà bằng li, bằng phân, bằng chỉ. Ở đây vàng là trên hết, máu làm ra vàng, máu sinh ra ý chí, chí ý lại sinh ra vàng, gia sản dinh cơ. Vòng quay của vàng chỉ có vậy mà lắm người dở khóc dở cười... Một cái quán tạm bợ lưng tựa lèn đá, mặt hướng bãi vàng, lợp lá chuối, trước cửa lốn nhốn người qua kẻ lại. Trong quán người ăn nhậu chen nhau. Thịt rượu cũng rất nhiều, thắng cố, thịt khô, thú rừng treo lủng lẳng. Bãi vàng thành đa dân tộc đủ hết Dao, Mèo, Thái, Mông, Kinh nghe tiếng, thấy sắc phục biết ngay. Gã chủ quán sặc mùi cồn, lúc nào cũng đeo bao dao mèo. Con dao đa năng vừa chặt, vừa thái vừa đâm, vừa giã. Mỗi lần dùng dao để chặt hay làm gì hắn nghêu ngao hát:

 - Dao Mèo Thái Mông Kinh. Năm tộc đồng tình uống cạn một chum

Hát xong hắn cười như nghé với thực khách đang nghiêng ngả trên chiếu rượu:

- Hơ hơ biết không, là tao dùng dao mèo thái mông người Kinh đấy, hơ hờ...

Quán có nhiều đồ nhậu, chủ lại vui, nên khách nhiều vô kể. Kẻ sang, người hèn, thằng điên, đứa xin đểu đều không thiếu. Thi thoảng lượn qua dăm mụ đàn bà đứa diêm dúa nhưng khó che nổi đôi vú chảy sề, đứa thì nhầu nhĩ toi tóp mông khô như dính si đa. Đứa nào cũng khai là gái bản rau sạch. Bọn gái này dự báo tình hình cực nhanh, bãi vàng khai thì đã lượn lờ từ trước. Một đám ngồi bệt dưới cát, mắt trắng môi thâm chơi ba cây ăn tiền, nói cười toàn văng tục. Có người nằm bẹp bên rãnh lên cơn sốt rét ư ử như thổi khèn. Lại có thằng nằm dài gác đầu trên đá, thuốc lá bôi cơm đen thơm, đọc một đoạn thơ cổ nghe chờn chợn: “Trời tung lưới tầm sét xuống trần ào ào/ Mưa phun đổ lá mía/ Mưa tuôn xuống nguồn sông Mã/ Mưa tuôn xuống nguồn sông Đà/ Các gò mối tan thành bãi(3) 

Hai anh em nhà Cầm Son tái nhập bãi vàng rất nhanh, Cai ngập đầu trong việc. Đầu tiên Cai bảo Cầm Son ngồi trông đồ, để Cai tìm thằng Nghiện, là người canh Hang Vàng. Chạy dọc bãi, nhìn quanh lấy tay làm loa: 

- Nghiện à, Nghiện ớ! 

Dưới mép sông thằng Nghiện quần áo quăn như lò xo, mặt dài như cái bơm nói vọng lên:  

- Ui, đại ca! Anh Cai lên từ bao giờ?

Cai không trả lời vặn lại:

- Lại hút thuốc lào nằm a? 

Nghiện gật đầu nhưng lại chối bay chối biến:

- Em không, em không.

- Mày về bản gọi một tá cửu vạn đến đây bảo dọn cửa Hang Vàng cho tao. Nhớ chuẩn bị máng chớp, máy nổ, thuốc nổ… để ngày mai kịp đánh vụ vàng mới.

Nghiện uể oải, vuốt lưng áo lò xo giọng chua như dấm, xin xỏ:

- Vắng đại em cai đói dài, chỉ cấp cho một cục như phân dê để thuê cửu, mua xăng.

- Chưa làm đã đòi tiền, mai kia đãi được vàng trả cả cục. 

Nghiện thất thểu bỏ đi mồm nghiến ken két như chó nhai xương: 

- Lúc nào cũng cục..., có mà cục phân.  

Đến bãi vàng Cai thoắt thành tướng cướp, bữa trước ở nhà Cai lành và lù đù, chắc Cai nín thở qua sông chờ thời. Nhưng với Cầm Son thì tử tế, Cai tuyên bố đứa nào bắt nạt anh tao xử luôn. Cai đổi khẩu súng tự chế bù thêm một trăm bao cao su và năm lạng thuốc phiện lấy được súng lục từ lúc nào. Cầm Sơn chỉ làm chân gác cửa hang ngăn đám hôi vàng, cả bọn xin đểu và cả gái bán hoa hết đát. Hang Vàng sâu thẳm, tốp thợ đánh vàng dưới hang đèn nịt trên trán, vai vác xà beng, bao tải dây dợ quấn lưng. Tốp miệng hang còm lưng, thót bụng, gồng tay kéo lên từng bao tải đất đá nước lòng thòng. Tốp cuối đổ luôn vào máng lôi xuống mép sông để đãi như đãi gạo tìm sạn, sạn là vàng. Cai mắt diều hâu nhìn từng mẻ vàng, từng hạt vàng cám li ti lấp lánh. Thi thoảng có cục vàng như hạt đỗ tương, Cai cười rú lên thủ luôn vào “túi thầy cúng” giấu trong bẹn. Đánh vàng dăm hôm vụ mới đang vào cầu.

 Một chiều Cầm Sơn đang trên miệng hang, chợt nghe tiếng “Ùm” như sấm. Đất đá, bụi khói hất tung vùi Cầm Son xuống mé sông ngất lịm đi. Mười phút sau Cầm Son mở mắt ra thấy lềnh bềnh vài máng vàng, dây dợ trôi dưới sông. Ngó cửa hang đông kín người. Cửu vạn của các lán, ca ve hết đát vô nghề kéo nhau đến… Đám cửu vạn của Cai mặt còn vương cát, khói mìn, dính cả cánh vàng cốm lấp lóe, nhìn như thôi miên vào cái tấm ván có hình người xơ mướp máu chảy thành vũng. Cầm Son hốt hoảng:

- Ai đấy!

- Thằng Nghiện đấy.

- Sao?

- Anh Cai sai nó đánh mìn phá đá tìm vàng. Nhưng tại thằng Nghiện ngu tưởng mìn không nổ quay lại kiểm tra, thì mìn nổ luôn.

Nhìn ra cửa hang Nghiện nằm trên tấm ván bất động nhuộm máu. Liền đấy Cai và hai cửu vạn khiêng Nghiện về nhà ở Hát Lay, cách đây một cánh rừng. Chợt thấy Cai về, đám cửu vạn và vài ba đứa ca ve khát tiền khát tin đang lảng vảng trước hang xúm vào. Cầm Son chưa kịp hỏi, thì Cai nói như mếu:

- Trả về cho địa phương điều trị – Cai cười chua xót - Rồi nhập hộ khẩu rừng ma sớm thôi, sập toàn bộ xương sườn, dập phổi. Bệnh viện thì xa, còn ông lang bản dùng thuốc gia truyền, thuốc phiện cũng hết phép.

Cầm Son hỏi tiếp:

- Thế gia đình và dân bản không bắt đền à?   

Cai văng tục:

- Có cam kết rồi, vì vàng thằng cửu nào chẳng thò bút vào cam kết.

Cai thở dài rất não làm mấy đứa ca ve như muốn khóc:

- Khổ thân… tiền đâu mà chữa thương. Trong biên bản ghi hỗ trợ năm mươi củ nhưng toàn tiền hơi, tiền trên trời. Nghề đánh vàng khốn nạn và bạc bẽo lắm anh em ơi.

*

Mươi ngày nay trên thượng nguồn, thủy điện Bản Nhùng lại xả không tiếc nước. Trên là núi dưới là nước, các lán vàng không tìm đâu ra được miếng ăn. Cầm Son đánh liều mò vào rừng ma tìm kiếm. Biết là nơi canh giữ phần hồn tuyệt đối không được phạm vào, nhưng không kiếm được miếng ăn thì chết đói trước khi ma bắt. Lom dom trong rừng Cầm Son tìm thấy một mộ đất còn tươi. Cái sừng trâu treo bên mộ còn đỏ hón, hai hố mắt hun hút nhìn không chớp lũ quạ đen chập chờn trong bụi cây cất tiếng kêu thê thảm. Không biết mộ mới của ai chả ghi bia. Chẳng biết hơi đất mới, hay hơi người chết mà nấm mối mọc đùn lên trắng xóa. Người ta gọi nấm này là nấm mối, là do nước bọt mối chúa tiết ra, là đặc sản của vùng cao đem về nấu ăn ngọt lịm như thịt gà. Chỉ lúi húi quanh mộ một lát, Cầm Son đã hái được một ếp đầy nấm mối đem về dùng bữa tối.

Bữa cơm dọn ra, chỉ có độc một món nấm mối. Cai vừa gắp định đưa lên miệng đã nôn ra toàn màu đất mùi nấm mối, trợn mắt hỏi:

- Nấm mối gì mà nghe như mùi xái thuốc phiện của thằng Nghiện. Cầm Son hái ở đâu?

- Hái trên mộ mới trong rừng ma.

- Chết, mộ mới của thằng Nghiện đấy, nó chết ba ngày rồi. Đó là mộng báo Nghiện về, phải dè chừng đấy.

Cầm Son và Cai bỏ bữa, ôm bụng đói và nỗi lo thấp thỏm lên giường ngủ sớm. Giường ngủ là cành cây treo trên vách hang như chuồng chim đề phòng nước dâng trong đêm. Còn bọn cửu vạn địa phương đều về bản ôm eo vợ ngủ từ ngày thủy điện Bản Nhùng xả lũ. Con Xám bụng cũng đói meo, bụng sát xương sườn, ghé sát tai trên tảng đá ẩm ướt.    

Nằm trên giường nghe nước dâng vỗ sóng eo óc lẫn gió dưới sông lên như tiếng khèn đám ma. Nhưng Cầm Son nghe một lát rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi và bụng đói.

Nửa đêm, có ai gại vào chân, Cầm Son giật mình tỉnh giấc. Mở mắt đã thấy con Xám nhảy sang giường bên dí mõm sát tai Cai “gao” một tiếng rất kinh. Dòm ra cửa hang đèn đuốc rực cháy. Bãi vàng nước lũ ngang rốn người bơi ì ọp, dao quắm sáng quắc trên mặt nước đỏ ngòm. Đã có dăm ba thằng cửu vạn nhanh chân leo tới “chuồng chim” của Cầm Son và Cai đang nằm.

Một cửu vạn thét lên:

- Thằng Cai đâu ra đây chúng tao xin tí tiết, trả mạng cho thằng Nghiện.

Cai thất kinh, nhưng cố đứng vững trước “chuồng chim,” sát cánh là Cầm Son run cầm cập và con Xám mắt như hòn than. Cai khua súng lục lấy oai: 

- Thằng nào chán sống, tao khử luôn - cùng lúc Cai bắn chỉ thiên “đoàng” một nhát lên trần hang đá vụn và đàn dơi bay loạn. 

Đám dân bản Hát Lay giật mình giãn ra.

Lại tiếng cửu vạn gào to như reo:

- Thằng Cai chỉ còn một viên đạn thôi. Dân bản ào vào đi. Giết được một người là cùng, giết cả bản sao được. Bắt... sống...!

- Tao chỉ một mình, không bố mẹ, vợ con giết được một thằng là hòa, giết hai thằng là lãi, đứa nào uống thuốc liều thì nhào vô.

Bài dọa của Cai chỉ đổ xăng vào lửa, dân bản càng hăng. Đám người đen đặc như nhộng ong, ào ạt như đập thủy điện vỡ. Cai thót tim, nhìn quanh ba mặt người quây chặt. Chỉ còn sau lưng là chưa bị vây nhưng vách hang dựng đứng như tường thành và dưới kia là vực thẳm. Cai liều mạng, vứt súng quay đầu bấu đá leo lên nhanh như khỉ. Nghe hơi thở nóng rực sau gáy, cả một rừng tay túm chặt sau lưng Cai, thế là chưa kịp viết di chúc cho Cầm Son rồi. Cai liền dồn sức bình sinh, co giò phóng mạnh vào những bộ mặt lấm láp phía dưới. Tức thì một dây người kéo nhau rơi tuồn tuột vào đáy hang sâu.

Cầm Son lịm đi trong hỏm đá, nửa thân dưới chìm trong nước, vừa mê vừa tỉnh. Ai đó đang mát sa khuôn mặt cho Son, mỗi lần chạm vào Son như được dịu đi êm ái và đau đớn tan nhanh. Có lẽ là mẹ chăng, nhưng mẹ đã mất lâu khi Cầm Son mới lọt lòng. Thế lẽ Ải chăng, nhưng Ải chưa bao giờ rửa mặt cho Son một lần nào dù còn bé tí. Cầm Son cố mở mắt, phà ơi, con Xám đang đưa cái lưỡi đỏ tươi và mềm mại như cánh hoa liếm vết thương rỉ máu trên mặt Cầm Son. Giữa bãi vàng nhầy nhụa cám dỗ và tội lỗi con người coi nhau như côn trùng thì con Xám đã chăm sóc, lo từng hơi thở rất thành tâm cho Cầm Son hơn cả thế gian này. Con Xám là ân nhân là tri kỉ của Cầm Son không thể nào nói khác. Cầm Son bật khóc ôm chặt con Xám vào lòng hai khuôn mặt dính vào nhau hơi thở dồn và khó nhọc. Ôi, con Xám! Một cái tai đứt lìa và chỏm đầu bị lưỡi dao cắt ngọt trắng hếu. Cầm Son nhớ ra, trong lúc hỗn chiến một nhát dao quắm lướt qua đầu, thì tia chớp màu xám dưới chân kịp vút lên cắm sâu cổ họng của kẻ thù. Nhát dao chí mạng không lấy được mạng Cầm Son nhưng kịp cắt lìa tai và chỏm đầu của con Xám.

Trong Hang Vàng, sáng ban mai lấp loáng như kim cương. Ánh bình minh tươi mới hào phóng nhuộm khúc sông giấu vàng. Đoạn này vốn bờ cao dòng hẹp nay nước lũ mênh mang biến thành biển hồ vỗ sóng như ánh kim. Đàn cá dưới sông, lũ dơi trong hang ngủ lặng tận hưởng thanh bình như thời tiền sử sau một đêm náo loạn. Ngày mới đang khởi sắc nạp căng khí ban mai cho muôn vật và sinh linh. Cũng buổi mai Cầm Son và com Xám đều tỉnh lại. Phải tìm Cai còn sống chết thế nào. Con Xám chạy quanh rà mũi ướt sát đá, đánh hơi, bỗng chõ mõm xuống miệng vực “gâu” váng lên, mỗi bước đi của nó nhỏ máu. Bám đuôi con Xám, Cầm Son theo đường vòng lần xuống. Cùng lúc Cai đang nhăn nhó ôm hạ bộ nhớn nhác tìm kiếm cái gì. Vừa thấy bóng Cầm Son, Cai hốt hoảng rú lên:

 - Cái quần đùi của tao, kho vàng giấu trong “túi thầy cúng” của tao đâu?

 Cầm Son hiểu ngay, kho vàng của Cai gồm con cóc vàng mà Ải trả cho giấu trong quần đùi. Cộng với vàng vơ vét trên bãi Pắc Ma, đều không cánh mà bay. Chắc chắn khi vật lộn với dân bản Hát Lay, bị kéo tụt vực sâu, Cai đã chết ngất và bị dân bản lột mất. Quả báo nhãn tiền, đám dân bản Hát Lay cướp vàng của Cai để trả cho gia đình thằng Nghiện.

Cai níu vai Cầm Son nhọc nhằn ngóc lên. Ngó lại Cai, mặt tái dại, nửa thân dưới không có mảnh vải che thân, chim cò nhăn nheo, hai hạt cà thọt lên cổ. Xót em nhưng chẳng biết nói sao, đành cởi quần dài của mình đưa cho Cai mặc vào, lần bước tới vòm sáng trên cao. Đến nơi Cầm Son và Cai nghỉ lấy hơi. Vừa yên vị Cầm Son đã loay hoay tìm chỗ sưởi nắng nạp lại năng lượng. Vẫn như thường lệ Cầm Son ngồi bất động như nhựa mít gắn vào vách đá, quần cộc áo dài màu chàm xanh rêu và vách núi rêu xanh thành một tảng đá rêu phong. Vẫn gầy như chẫu chàng sấy, hai tròng mắt nhô lên khỏi mi Cầm Son nhìn hướng mặt trời.

Cai thì mất của lòng đau như hoạn, chờ một lúc lâu sốt ruột Cai đập vai Cầm Son hỏi như mếu:

- Em thầu hang vàng một trăm cây giờ ngập nước. Số vàng ky cóp cũng không cánh mà bay. Khi xuống núi đánh vàng hứa với Ải vài tháng là đổi đời. Giờ biết đi đâu, ăn nói với Ải thế nào anh Cầm Son ơi.

Cầm Son chỉ mặt trời đang lên cười rạng rỡ:

- Ta về theo hướng núi Tà Bên là hướng mặt trời mọc, là Mường lớn và văn minh, việc làm như củi trôi sông anh em mình như ngựa mới thuần đường dài đua sức.

_______

1. Phaư bén (tiếng Thái): Ai bắn.

2. Khả mưng, cu khả mưng (tiếng Thái): Giết mày, tao giết mày

3. Truyền thuyết dân tộc Thái

Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm