May 2, 2024, 12:12 pm

“Cái lý” của nông thôn mới vùng cao

Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được triển khai thực hiện từ hơn chục năm qua và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, thì bộ mặt “nông thôn mới” ở đồng bằng, miền xuôi… rõ nét hơn vùng cao, miền núi… rất nhiều. Thực tế hiện nay, nhiều huyện, tỉnh ở vùng cao chưa xây dựng được mô hình nông thôn mới phù hợp. Có khá nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của thực trạng trên đây, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vùng cao có đặc điểm riêng về địa hình, kinh tế, văn hóa, xã hội tộc người… khác với miền xuôi. Tính đặc thù này đòi hỏi phải có chính sách, bước đi xây dựng nông thôn mới phù hợp. Tiếc thay trong thực tiễn, người ta đã không nghiên cứu xây dựng tiêu chí, cách làm phù hợp với vùng cao mà lại rập khuôn một bộ tiêu chí chung, “mặc đồng phục” cho nông thôn cả nước.

Xin được bàn về một hạng mục trong thiết chế văn hóa Nông thôn mới hiện nay là Nhà văn hóa xã. Cội rễ của văn hóa Việt là văn hóa làng, ở vùng cao là thôn-bản… Vì vậy xây dựng đời sống văn hóa nói riêng và nông thôn nói chung ở vùng cao là phải xây dựng từ thôn-bản… Ở vùng cao, cấp xã đóng vai trò rất mờ nhạt trong hoạt động văn hóa. Xã vùng cao là đơn vị hành chính cấp cơ sở nhưng không phải là đơn vị cấp cơ sở về văn hóa. Xã ở vùng cao ra đời trong công cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn năm 1831-1832. Trước đó, các xã vùng cao chỉ là thôn, bản, động, phu, khe, giao... Đây chính là những đơn vị “hành chính” tương đương với làng ở vùng xuôi, nhưng khác làng là một xã ở vùng xuôi có thể là một làng hoặc vài làng; còn ở vùng cao, một xã của vùng cao thì có hàng chục bản-thôn. Xã ở vùng cao có địa bàn rất rộng, diện tích có nơi rộng hơn cả một huyện vùng đồng bằng. Mỗi xã có hàng chục thôn, bản, động, phu, khe, giao… khác nhau, các “đơn vị hành chính” này lại mang tính khép kín, độc lập không có sự cố kết với nhau về văn hóa. Vì vậy, Nhà văn hóa xã xây dựng ở địa bàn cụ thể sẽ đứng chơ vơ, không có dân đến hoạt động. Hoặc chỉ đóng vai trò là Nhà văn hóa của thôn-bản sở tại, nơi có trụ sở chính quyền xã đóng. Tính khép kín, cố kết cộng đồng theo đơn vị làng lớn nên người dân các thôn, bản, động, phu, khe, giao… này sẽ không sang thôn-bản bên cạnh để sinh hoạt văn hóa. Vả lại, khoảng cách giữa các thôn-bản ở miền núi quá xa nên điều đó cũng khó thực hiện. Do đó mà thiết chế Nhà văn hóa xã khó phù hợp với vùng cao, mà chỉ nên xây dựng Nhà văn hóa ở các xã trung tâm cụm dân cư, là thị tứ hoặc gắn liền với các cơ sở kinh tế nông lâm trường. Ở các điểm trung tâm này có cả cư dân phi nông nghiệp, có nhiều điều kiện đến sinh hoạt ở các điểm bưu điện văn hóa xã.

Người Thái Đen ở bản Na Xái, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, một cộng đồng có một thiết chế văn hóa thôn bản được duy trì lâu đời trong đời sống của cộng đồng Ảnh LNA

Trong khi đó, các thôn, bản, động, phu, khe, giao… của vùng cao tuy không phải là một cấp hành chính, nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng cả về kinh tế - xã hội - văn hóa. Vì vậy cần xác định rõ thôn, bản, động, phu, khe, giao… là đơn vị cơ sở của văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vùng cao chính là xây dựng các thôn, bản, động, phu, khe, giao… Đó là những đơn vị cộng đồng, cố kết được các hoạt động văn hóa chung. Đồng thời, đó cũng là cấp “quản lý hành chính” gần dân nhất. Mọi chủ trương chính sách của hệ thống Đảng và chính quyền (từ trung ương đến cơ sở) có đến được với người dân miềm núi, vùng cao hay không, đều thông qua cấp thôn, bản, động, phu, khe, giao... Mặt khác, hiện nay các thôn, bản, động, phu, khe, giao... ở vùng cao, miền núi không có một công trình công cộng để hội họp, hoạt động chung của cộng đồng. Do đó, nhu cầu về thông tin, khai trí, giáo dục, sáng tạo, tiêu dùng văn hóa, giải trí... của người dân miền núi, vùng cao khó được đáp ứng nếu không có nhà văn hóa cộng đồng.

Thời gian qua, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có sự quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa thôn, bản, động, phu, khe, giao... vốn không có trong các thiết chế “chính thống”. Có những địa phương như xã Tả Ngảo của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là một xã vùng cao đã được xây dựng 7 Nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, bản....  Hầu hết các Nhà văn hóa thôn, bản, động, phu, khe, giao... ở các tỉnh Tây Bắc đều được sử dụng có hiệu quả. Qua khảo sát hoạt động của các Nhà văn hóa này, chúng tôi ghi nhận được có những Nhà văn hóa hoạt động tới 8 lần mỗi tháng, như Nhà văn hóa thôn Thà Giàng Chải ở xã Tả Ngảo của huyện Sìn Hồ. Còn các Nhà văn hóa ở các thôn, bản khác đều hoạt động từ 3-5 lần mỗi tháng; chủ yếu là hội họp, mở các lớp tập huấn, điểm tuyên truyền của các đoàn thể, các dự án, biểu diễn văn nghệ của thiếu nhi...

Trong khi cũng ở xã Tả Ngảo kể trên, có xây dựng một Nhà văn hóa xã thì chủ yếu dùng cho hoạt động của cán bộ xã. Nhà văn hóa xã trở thành nhà thi đấu cầu lông của công chức, viên chức xã. Người dân ở các thôn khác chưa bao giờ tham gia các hoạt động ở đây. Hoặc như ở tỉnh Lào Cai, đến nay đã xây dựng hơn 300 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn... nhưng người dân cũng chủ yếu hoạt động ở Nhà văn hóa thôn-bản. Đặc biệt, đến nay chưa có xã vùng cao đặc biệt khó khăn (xã vùng III) nào xây dựng được đời sống văn hóa ở cơ sở xã. Các xã vùng thấp xây dựng được Nhà văn hóa xã nhưng chỉ có những xã ở trung tâm cụm dân cư, thị tứ… mới hoạt động thường xuyên, còn các xã nông thôn thì rất ít hoạt động. Bởi lẽ ở khu vực thị tứ, trung tâm cụm… có một bộ phận cư dân mang tính chất phi nông nghiệp nên họ làm việc và sinh hoạt theo tính chất đô thị, họ có thể tham gia thể thao vào buổi chiều và tổ chức các sinh hoạt văn nghệ, hát karaoke vào buổi tối. Ở đây, các trạm internet, Điểm bưu điện văn hóa xã cũng có điều kiện hoạt động, thu hút được người dân tham gia. Còn hầu hết các xã ở miền núi, Nhà văn hóa xây xong không hoạt động. Vì thế, Nhà văn hóa xã đôi khi trở thành “nhà văn khóa” hoặc hoạt động không hiệu quả. Nhà văn hóa xã chỉ làm chức năng của hội trường Ủy ban nhân dân xã. Hằng năm, “xuân thu nhị kỳ” mới tổ chức hội thi, hội diễn của các đội văn nghệ thể thao, các thôn bản… Trong khi đó, đầu tư cho Nhà văn hóa xã tốn rất nhiều kinh phí, mỗi Nhà văn hóa xã cũng vài ba tỷ trở lên. Một tỉnh có khoảng 300 nhà văn hóa xã thì phải đầu tư khoảng 800-900 tỷ VNĐ. Ngân sách rất lớn, nhiều nơi làm rất hoành tráng nhưng chỉ hoạt động như chức năng của một hội trường UBND xã thì quả thật rất tốn kém.

Từ thực tế mô hình Nhà văn hóa xã ở miền núi, vùng cao hoạt động không hiệu quả, cho nên trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vùng cao chỉ nên lựa chọn một số xã phù hợp để xây dựng Nhà văn hóa xã. Đó phải là những xã mang tính chất trung tâm cụm, địa bàn xã là địa bàn thị tứ có cư dân phi nông nghiệp phát triển… Còn hầu hết các xã nông nghiệp vùng cao không nên xây dựng Nhà văn hóa xã mà phải quan tâm đầu tư để xây dựng Nhà văn hóa thôn hoặc Nhà văn hóa liên thôn, hoặc các khu vui chơi văn hóa-thể thao gắn với điểm trường học.

Nhìn rộng hơn, nên chăng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và trung ương, trong khi xây dựng các tiêu chí về văn hóa gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở miền núi, vùng cao cần chú trọng nghiên cứu tính đặc thù của miền núi, vùng cao nhằm đổi mới các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm địa bàn. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về văn hóa, cần nghiên cứu, thận trọng lựa chọn việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho phù hợp và hiệu quả. Nhà văn hóa xã không nhất thiết xây dựng tràn lan như hiện nay, vừa không hiệu quả vừa tốn tiền của, công sức của người dân và ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách đó nên đầu tư hỗ trợ xây dựng các Nhà văn hóa thôn, bản, động, phu, khe, giao.... Bởi lẽ, người dân miền núi rất khó có điều kiện đóng góp để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn-bản… như ở các xã miền xuôi.

________

Tiến sĩ lịch sử - Viện Văn hóa dân gian

Trần Hữu Sơn*

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm