March 28, 2024, 10:31 pm

Yếu tố sex trong tiểu thuyết châu Phi

 

 

Năm 2016, Ben Okri giành giải “Tiểu thuyết với cảnh nóng tệ nhất”, qua đó khẳng định một khía cạnh của tiểu thuyết châu Phi mà mọi người đều luôn nghĩ tới nhưng ít ai nhắc tới: Các nhà văn châu Phi đều chưa thể hiện tốt các cảnh nóng trong tác phẩm của mình.

Tất nhiên là cũng có ngoại lệ. Trong tiểu thuyết Seasons of Migration to the North (Mùa di cư lên phương Bắc) xuất bản năm 1966, tác giả nổi tiếng người Sudan Tayeb Salih đã đem lại những khung hình khơi gợi dục tình mạnh mẽ, đầy khiêu khích mà người ta chẳng bao giờ tìm thấy được ở bản in chính thức. Trong tiểu thuyết Joy of Motherhood (Hạnh phúc làm mẹ) của Buchi Emecheta, người ta cũng thấy thấp thoáng một vài cảnh, dù không quá gợi nhưng cũng đáng để ghi nhớ trong tâm trí người đọc: Nhẹ nhàng và man trá, Agbadi lách vào trong cô. Không chút phòng bị trước đợt tấn công như vũ bão tới ngay sau đó của Agbadi, Ona rú lên, chói lói đến độ ngay chính cô cũng phải ngạc nhiên về tiếng hét của mình: “Agbadi, anh đang nghiền vỡ em thành hai mảnh, có biết không!’

Cả khu nhà nhốn nháo. Có tiếng người lục xục đi lại. Có tiếng con trai vang lên từ phía sân sau: “Agbadi! Agbadi! Cậu không sao chứ?” Đó là giọng Obi Idayi, bạn của Agbadi.

Agbadi bật lên tiếng cười trầm trầm mà Ona vẫn thấy vừa thích thú vừa đáng ghét: “Anh bạn ơi, tớ không sao hết. Ngủ đi! Tớ chỉ đem lại khoái cảm cho người phụ nữ của mình thôi mà”.

(Một trích đoạn trong Joy of Motherhood)

Mongo Beti thì ngược lại. Trong tiểu thuyết The poor Christ of Bomba (Chúa cứu thế Bomba), tác giả đem lại cảnh sex hết sức hài hước và lố bịch của vị mục sư tập sự lần đầu tiên làm việc đó với bạn gái. Có lẽ cũng nên đề cập tới những dự án đang thực hiện như Jalada (Hợp tuyển tác phẩm văn học của các nhà văn châu Phi) đang thách thức sự im lặng đối với sex trong tiểu thuyết châu Phi.

Tiểu thuyết The poor Christ of Bomba.

Bất chấp tất cả những mảnh ghép rời rạc đó, độc giả gắn bó với văn học châu Phi đều hiểu rằng các tiểu thuyết gia lục địa đen vẫn còn khiên cưỡng khi mô tả đời sống tình dục trong nhân vật của mình. Và ngay cả khi họ cố gắng để làm điều đó, vẫn còn một khoảng trống họ chưa thể lấp đầy. Một câu hỏi đáng đặt ra là liệu có nên tiếp tục giấu kín đời sống tình dục của các nhân vật trong tiểu thuyết hay mở ra những trang sex cứng nhắc, chiếu lệ, qua loa? Đâu là căn nguyên văn hóa cho thực tế này? Và nếu đó là một lựa chọn thuộc về thẩm mỹ thì nguyên nhân phía sau là gì?

Amina Thula, tác giả tiểu thuyết Girl Next Door (Cô gái nhà bên), nhận xét trên hai khía cạnh: diễn tiến sex (encounter) và ngôn ngữ sex. Về khía cạnh diễn tiến, lí do phổ biến nhất có lẽ vẫn là khán giả không mấy thoải mái khi đọc những trang sex. Yêu đương và sex là những gì riêng tư và mỗi người đều có quan điểm riêng về thế nào là gợi tình và thế nào là không. Do đó, một cảnh nóng có ổn hay không phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan, không hẳn là do nhà văn viết ra sao. Cũng cần nhớ rằng cảnh nóng còn phụ thuộc vào nhân vật. Sự hấp dẫn cũng như tính cách của nhân vật sẽ thúc đẩy diễn tiến sex của họ. Vì thế, có khả năng những phần miêu tả sex không được tốt là do các nhân vật trong tiểu thuyết bế tắc hoặc khiên cưỡng về điều này, bởi sự hấp dẫn của họ là chưa đủ để kéo tấm màn sân khấu lên. Theo Amina Thula, đối với những nhà văn còn bảo thủ hoặc những nhà văn có độc giả bảo thủ, họ không nên miêu tả bất cứ cảnh sex nào hoặc đơn giản chỉ cần gợi cho bạn đọc nghĩ tới cảnh sex giữa các nhân vật mà không đi sâu vào từng chi tiết. Nhà văn cũng cho biết, vì những lí do riêng, nếu biết trước bản thảo của mình sẽ được chấp nhận, tác giả có thể đã cắt bỏ hết hoặc sẽ làm đậm thêm các đoạn sex trong tiểu thuyết The Elevator Kiss (Nụ hôn trong thang máy).

Về khía cạnh ngôn ngữ, những đoạn mô tả sex thuộc loại khó nhằn. Cảnh sex hấp dẫn lại càng khó viết, và có thể rơi vào hai kết cục sau: Kì cục hoặc thô lỗ! Với Amina Thula, khó khăn là ở chỗ tiếng Anh không được lãng mạn như tác giả mong muốn. Tác giả cho rằng mình có thể viết những đoạn sex dễ dàng hơn, hay hơn bằng tiếng isiXhosa (một trong những ngôn ngữ chính thức của Nam Phi). Đó là thứ ngôn ngữ thô ráp, nhưng giàu hình tượng, lả lơi và dễ tạo sức nóng nhục cảm. Thêm vào đó, isiXhosa có rất nhiều từ ngữ để mô tả “vũ khí” của người nam, mang đến những khoái cảm của người nữ mà không khiến người viết, người đọc có cảm giác ngu ngốc với ngôn từ của mình. Đặt tên và mô tả các bộ phận cơ thể là điều tồi tệ nhất trong ngôn ngữ Anh. Bản thân cụm từ “cây gậy” đã chẳng còn đem lại chút lãng mạn nào nữa… và có thể nói là nó khiến người ta cụt hết cả hứng.

Tác giả tiểu thuyết Finding love again (Tìm lại tình yêu) Chioma Iwunze-Ibiam thì cho rằng mỗi cảnh đoạn trong một tác phẩm phải phản ánh được tính cách, động cơ cũng như đức tin của nhân vật. Khi viết những cảnh nóng trong Finding love again, Chioma Iwunze-Ibiam cân nhắc tình trạng cảm xúc của Kambi và nhận ra rằng là một người phụ nữ logic, cô ấy sẽ thích ve vuốt, mơn trớn hơn là sex trực tiếp. Hầu hết bạn đọc đều cho rằng đó là nguồn gốc xung đột và kích thích sự tò mò. Họ muốn biết khi nào thì Kambi sẽ đầu hàng trước sự tấn công của Beba và đầu hàng như thế nào. Mối quan hệ đó như gia vị nêm nếm cho nét mộng mơ, lãng mạn giữa hai người hùng khác giới. Đây là thực tế từng xảy ra đối với rất nhiều phụ nữ Nigeria. Họ tự mình chọn cách tự co cụm và trở nên bảo thủ sau một lần đổ vỡ.

Trong khi đó, Sifa Asani Gowon, tác giả tiểu thuyết A Taste of Love (Hương vị tình yêu), thì không nghĩ rằng việc cho rằng các nhà văn châu Phi “tệ” trong thể hiện cảnh sex là điều gì đó to tát, bởi rất nhiều nhà văn trong số họ thậm chí còn không muốn hoặc không cảm thấy phải viết, phải miêu tả cảnh nóng. Đơn giản là vậy. Không phải tất cả mọi tác phẩm đều cần cảnh nóng để “thêm gia vị”. Qua quan sát của chính tác giả, Sifa Asani Gowon cho rằng đôi khi cảnh nóng còn được dùng để che đậy cho một cốt truyện lỏng lẻo hay những tuyến nhân vật yếu. Ngoài ra, các nhà văn châu Phi còn có rất nhiều lí do để không viết cảnh nóng. Những lí do này có thể xuất phát từ đức tin cá nhân của nhà văn và xu hướng coi những nhân vật do mình tạo ra như những con người tồn tại thật sự và mô tả cảnh sex của họ thì chẳng khác nào xâm phạm đời tư của nhân vật đó. Tác giả Sifa Asani Gowon đi đến kết luận rằng tất cả đều do sở thích và mức độ cần thiết của cảnh nóng. Do vậy, không có gì tệ hơn việc có những cảnh nóng “khiên cưỡng” trong một cuốn sách.

Nêu quan điểm của mình, nhà văn Aziza Eden Walke, tác giả tiểu thuyết The Seeing Place (Nơi chiêm nghiệm), gợi ý mọi người hãy đọc cuốn A Tailor-Made Romance (Chuyện tình đặt hàng) hay Black Sparkle Romance (Chuyện tình chớp nhoáng và tối tăm) của hai tác giả nữ Oyindamola Affinnih và Amara Nicole Okolo. Những nữ tác giả này sẽ chỉ cho chúng ta biết cách viết một cảnh sex như thế nào. Trong cuốn The Seeing Place của Aziza Eden Walke, nhân vật nữ quyết đoán và quyết liệt trong tình dục, luôn là người chủ động khơi mào. Còn nhân vật nam trong đó lại là tuýp người kiểu như: “Em đã muốn anh dừng lại chưa?” Khi hỏi được như vậy, nhân vật nữ sẽ bảo: “Em sẽ giết anh nếu anh dừng lại”. Các nhà văn châu Phi thường rất thích kết hợp tất cả những đam mê, xung đột và nhu cầu tình dục với nhau. Yêu không cưỡng lại được! Và điều đó tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Viết về sex cũng có nhiều cách và đa dạng chẳng kém gì chính bản thân cách sex vậy. Aziza Eden Walke cho rằng mỗi câu chuyện thuộc thể loại này đều chịu sự tác động của câu hỏi: “Khi nào thì họ kết hợp những thứ đó lại?” Và nhà văn phải tìm cách làm hài lòng độc giả! Hơn thế nữa, nhà văn phải khiến độc giả thích thú và kinh ngạc. Thực ra, đó là lí do chính tại sao chúng ta đọc chuyện tình yêu.

Ola Awonubi, tác giả tiểu thuyết Love’s Persuasion (Lời thuyết phục của tình yêu), lại đề cập đến một khía cạnh khác: “Có lẽ họ viết cảnh sex rất kém là do họ quan tâm hơn tới việc điều chỉnh thế giới bằng cách viết về các thể chế thối nát, về nghèo đói và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của nghèo đói là trẻ em. Có lẽ họ cảm thấy tốt hơn cả là cứ để cho trí tưởng tượng bị giam giữ sau cánh cửa còn hơn là bị đưa ra mổ xẻ bởi những độc giả vụng về, cấp trên, bạn bè hay mẹ già của họ. Hay họ thấy truyện của mình sẽ mạnh mẽ hơn nếu không có sex chăng? Chúng tôi đã đọc được một cảnh rất đẹp trong một cuốn sách mà ở đó cảnh sex được miêu tả không khác nào một cuốn hướng dẫn sử dụng thay vì giống như một hành trình khám phá”. Nhân vật Ada trong Love’s Persuasion nói với bạn trai Tony của mình rằng cô không muốn hai người kết thúc như những mối quan hệ trước đây, bởi cô cảm thấy sex chỉ khiến cho mọi thứ rối rắm và đặt cô vào những mối quan hệ chẳng đưa cô đến đâu. Là một phụ nữ có ảnh hưởng của châu Phi, cô là người kiểm soát nhịp độ và bước tiến của mọi việc và muốn nhìn thấy cam kết và bổn phận từ phía bạn trai của mình trước khi mọi thứ đi xa hơn. Đó là lựa chọn của Ada. Nhà văn cũng giống vậy – đơn giản là lựa chọn có cảnh sex hay không. Lựa chọn sex cũng như uống trà vậy. Có người thích uống đường; người khác lại không; miễn là trà ngon. Còn lại thì có mấy ai để tâm? Nhiều tác phẩm của các nhà văn châu Phi vẫn thu hút một lượng độc giả nào đó, dẫu có cảnh sex hay không.

Chỉ ra nguyên nhân sex trong các tác phẩm văn học châu Phi thường dở là do “nỗi sợ”, tác giả tiểu thuyết Black Sparkle Romance (Chuyện tình chớp nhoáng tối tăm) Amara Okolo khẳng định: “Sợ hãi. Chỉ thế thôi. Các nhà văn châu Phi dở tệ trong miêu tả cảnh sex là do họ sợ. Lí do có thể bắt nguồn từ đạo đức hoặc khi viết họ không thấy thoải mái và để cho nỗi sợ điều khiển cả trí tưởng tượng của mình, ngăn cản trí tưởng tượng trở nên hoang dại và có lí trí của riêng nó”.

Nhà văn Amara Okolo cũng lấy ví dụ về bản thân như vậy. Ban đầu ông cũng sợ hãi. Cảnh nóng trong Black Sparkle Romance là cảnh ông viết cuối cùng. Ban đầu, cuốn tiểu thuyết không có cảnh sex. Bởi ban đầu, khi mới thử viết thì tác giả cảm thấy nó có vẻ như rất tệ, khiên cưỡng, lố bịch và nực cười. Sau đó, người biên tập bảo tác giả rằng cuốn sách “cần” có những cảnh nóng do mối quan hệ giữa các nhân vật đã trở nên rất gần gũi và rằng sẽ chẳng có cách nào để tác giả tránh được điều đó cả. Vì vậy, tác giả không có lựa chọn nào khác mà phải viết.

Nhà văn Amara Okolo chia sẻ: “Thật không hề dễ dàng! Nhưng sau đó tôi cứ để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và trở nên hoang dại. Tôi cho nó một tâm hồn… đặt tâm trí mình vào khu vực dễ chịu và chỉ để cảnh đó kiểm soát cả câu chuyện. Đúng thế… tôi phải làm tất cả những điều đó bằng cách tới một không gian mà xung quanh chỉ có tình yêu; ví dụ như một nhà hàng với quầy bar nhỏ và xung quanh là các cặp đôi. Tóm lại là phải có một không gian mà ở đó người viết có thể cảm nhận được tình yêu!

Số phận, đạo đức của nhà văn và tất cả những điều khác nữa đều có thể tìm cách trói buộc nhà văn khi viết một cảnh nào đó. Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng đôi khi để sáng tạo được một câu chuyện gây chú ý và có thể tin được, nhà văn phải gạt tất cả những điều đó sang một bên trong một khoảng thời gian nhất định và để cho các nhân vật, và cả cảnh nóng điều khiển câu chuyện. Nói một cách dễ hiểu thì tất cả những gì cần phải làm là “hãy hạ hàng rào bảo vệ xuống”.

HỮU DƯƠNG (dịch và tổng hợp)

Nguồn VNQD

Có thể bạn quan tâm