April 18, 2024, 2:11 pm

Ý nghĩa của sự viết

Ngôn ngữ xét ra là tài sản chung của một cộng đồng. Điều khác biệt làm nên nhà văn là từ tài sản chung ấy, tác giả lựa chọn một lối viết, một lối hành ngôn, một dự án cấp nghĩa sao cho có tính nghệ thuật, trở thành tài sản riêng, có thể gọi là văn phong của tác giả đó. Lối viết thuộc về động cơ bên trong và văn bản văn học là sự cụ thể hóa, hình thức hóa những thao tác trong tư duy của người viết. Trên tinh thần đó, xem xét những truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa (Người bay trong gió xanh, Nxb Hội Nhà văn, 2022), tôi chú ý đến các bình diện ý nghĩa của việc viết, thực hiện quá trình giải phẫu một cấu trúc lựa chọn và biểu đạt, nhằm trả lời cho câu hỏi: động cơ nào chi phối hành ngôn của Phạm Duy Nghĩa?

 

Giao tiếp thẩm mĩ trong cấp độ đa nghĩa của thông tin

Không thể nói rằng một ký hiệu nào đó không hàm chứa nhu cầu và khả năng giao tiếp, đối thoại. Từ trong bản chất, mọi tồn tại đều là một dạng ký hiệu, mang thông điệp. Có điều gì nằm ngoài ký hiệu? Các mã thông tin có thể chưa hoặc không được lý giải, nhưng bản thân việc nhận thức về tính tồn tại của một thực thể nào đó (dù là siêu hình) ngay lập tức đã quy hoạch đối tượng vào một vùng nghĩa nhất định. Theo nghĩa đó, bất kỳ một sự viết nào cũng là một sự giao tiếp. Và, giao tiếp của văn bản nghệ thuật là gián tiếp, thông qua các mã thẩm mĩ. Với 12 truyện ngắn trong tập Người bay trong gió xanh, Phạm Duy Nghĩa cũng không thể thoát khỏi đặc tính ấy của hệ thống ký hiệu. Đây là cấp độ thông thường nhất của hành vi viết. Nhưng, khác với lối hành ngôn thông thường, ngôn ngữ - văn bản nghệ thuật luôn ẩn chứa sự đa nghĩa như là một cách làm giàu di sản chung, cá biệt hóa việc lựa chọn và kết hợp của mình. Truyện ngắn Sài thục không chỉ nói về việc một gia đình cố gắng giữ truyền thống ăn uống bởi nhờ món ăn đó mà ông cha họ đã sống sót qua những tao đoạn khó khăn của đời sống. Vai trò và vị thế của người cha bảo thủ, sự phản kháng quyết liệt của người mẹ, tính chất lưỡng lự trung gian nhưng luôn có xu hướng ngả về phía bố của đứa con gái, con vật nuôi trong nhà như Chó Lốc, hình dáng của củ sài thục, không gian thung lũng nơi gia đình định cư, các tình tiết diễn tiến của câu chuyện… mã hóa những thông điệp phong phú hơn những gì hiện ra trên mặt chữ. Thao tác tượng trưng hóa đã mang lại các khả năng giao tiếp tùy theo cách đọc – năng lực đọc của đối tượng tiếp nhận. Tương tự như thế, ở những truyện ngắn khác như Người bay, Gió xanh, Con dê xanh trên núi tuyết, Thành phố biến mất… người đọc cũng có thể nhận ra nhiều lớp nghĩa được đan cài đằng sau hệ thống ký hiệu. Khả năng giao tiếp, nhu cầu giao tiếp trong hành động viết của Phạm Duy Nghĩa không đơn thuần là kể một câu chuyện (lớp nghĩa đầu tiên), mà ở đó, từng lớp từng lớp nghĩa được bóc tách cho thấy sự vận động trong tinh thần, tư tưởng của người viết. Những suy tư về đời sống, văn hóa, xã hội, lịch sử và cả dự phóng về tương lai như những lớp hoa văn in chồng lên nhau trong một tấm thảm dệt, vừa như cất giấu, vừa như vẫy gọi, lại cũng vừa như thách thức các góc nhìn, điểm nhìn, khả năng nhìn. Hoàn tất một giao tiếp là khi người đọc nhận ra những thông điệp chìm trong ký tự. Sài thục là gì? Gió xanh là gì? Tại sao nói chuyện Người bay? Con dê xanh trên núi tuyết phải chăng chỉ kể chuyện một con dê đặc biệt? Sự đa nghĩa vẫy gọi giao tiếp, đối thoại trong cơ chế phát – nhận và hồi đáp một cách nghệ thuật, hướng đến các giá trị nhân văn, thẩm mĩ. Đối thoại truy cầu sự tôn trọng dựa trên khả năng thấu hiểu về tư tưởng, quan niệm giá trị và mục đích của giao tiếp. Thấu hiểu không nhất thiết phải là sự đồng thuận, cũng có khi, chính sự phản biện lại bày tỏ một sự thấu hiểu chu đáo trước các thông điệp được truyền gửi. Việc viết của Phạm Duy Nghĩa trình ra một văn bản, tuy nhiên, như một chiến lược phòng vệ trước những suy diễn tùy tiện, vô căn cứ (bắt nguồn từ tính võ đoán – F. Sausurre, tính độc lập hay khả năng phản bội của ngôn ngữ - M. Heidegger, quyền năng của người đọc), “độ không của lối viết” (R. Barthes) là nơi nhà văn có thể chối bỏ, đào thoát khỏi các trách nhiệm bị quy chiếu. 

 

Ngôn ngữ là của chúng ta – văn phong là của tôi

Đây có lẽ là bình diện mang tính phổ quát cho hầu hết người viết. Bởi lẽ, về bản chất, bất kỳ sự viết nào cũng là một quá trình tự thuật (thậm chí vô tình/ vô thức tự thuật). Các bình diện của tự thuật lấp đầy bản sắc chủ thể trong các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa. Đó có phải là một người cẩn trọng, tỉ mỉ, nhiều mơ mộng, giàu tưởng tượng, đôi chỗ khá hóm hỉnh, pha lẫn chút ngang tàng đến liều lĩnh? Từ viết, quá trình tự thuật được hiện diện. Nó có thể là một sự phản bội chủ thể, nhưng biết đâu đấy, nó lại chẳng là một đồng minh trong việc kiến tạo bản sắc, dù hữu ý hay vô tình. Trong những truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, ngôi thứ nhất (tôi) đã ngấm ngầm chiếu giấc mơ của mình lên lối viết, lên những lựa chọn của chủ thể. Nó hạn chế tính khách quan (như lời R.Barthes) nhưng lại là cơ hội cho một quá trình chủ quan hóa, trữ tình hóa nào đó. Gió xanh, Người bay, Người hùng biết sợ, Chiếc áo second-hand, Đi về vùng thảo nguyên… có thể là những dẫn chứng cho việc tự biểu hiện bản sắc chủ thể này của Phạm Duy Nghĩa. Những truyện ngắn đẹp và đa nghĩa, giàu chất thơ, giàu hình ảnh, màu sắc, thấm đẫm tinh thần tượng trưng thông qua lớp biểu tượng và giọng điệu… làm hiện lên “hình tượng tác giả” như là phiên bản được ẩn giấu của chủ thể.

Như đã nói, giao tiếp là cơ chế và mục đích thông thường của viết, chính văn phong (hệ quả của lối viết) mới làm nên sự khác biệt để xác lập bản sắc chủ thể. Ở đây, những truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa định hình một văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng trong lựa chọn, chặt chẽ trong bố cục kết hợp. Như được phủ lên một lớp men đầy mê say của cảm xúc kết hợp với sự đầy đặn của suy tưởng từ bên trong, văn phong ấy cho người đọc cảm giác người viết đã sàng đãi một cách cẩn trọng hết mức có thể: “Lúc ấy là mùa thu, hoa mộc kinh nở trên núi như những đốm lửa xanh, thoảng trong gió se se một mùi thơm hắc. Mênh mang bên đường mòn, những nương lúa mì vàng hoe trải dài, nhắc đời tôi chưa một lần ăn mì. Ven dòng sông lạnh chảy ra thảo nguyên có chiếc thuyền nhỏ nhoi của một ngư dân, khiến tôi nhớ mình chưa hề ăn cá. Đó đây trên những triền núi xám, vương vấn vệt khói xanh từ đống lửa của những mục đồng” (Sài thục); “Tôi đi vào núi, một mình. Cô ạ, mùa thu lại đến rồi, những rừng sồi, rừng thích lại đổ vàng, khắp trong núi tỏa hơi thu dịu buồn da diết. Lau lách trổ hoa trên triền vắng, gió bời bời đi qua đỉnh thác mờ sương. Trái sồi cô tặng năm xưa không nảy mầm được nữa, nhưng trên thảm lá rực vàng nơi dốc núi, bầy sóc đang mải mê tìm không hết những quả rụng. Trong nhiều năm tới, từ những trái sồi tí hon ấy, sẽ mọc lên bát ngát một rừng sồi” (Người bay). Những đoạn văn trên khá tiêu biểu cho lối viết và văn phong của Phạm Duy Nghĩa. Bằng lối viết ấy, văn phong ấy, Phạm Duy Nghĩa hiện ra là một người nhạy cảm về màu sắc (ám ảnh nhất là màu xanh, vàng, trắng với phổ sắc đa dạng), chữ nghĩa đẹp, có hồn vía và đầy đặn (vốn nằm trong quan niệm nghệ thuật của tác giả: chuyện hay – văn đẹp). Lối viết này cũng cho thấy Phạm Duy Nghĩa là một người cầu toàn, mô phạm về mặt chữ nghĩa. Ở cấp độ bao quát hơn, các truyện ngắn đã xác lập không gian, thời gian, đặc tính lịch sử xã hội – văn hóa, nơi chủ thể hiện diện. Do vậy, độc giả có thể nhận ra “Anh ta là ai? Anh ta ở đâu? Anh ta nghĩ gì?” trong thế giới truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa. Thậm chí, trong khá nhiều chi tiết, người đọc tinh ý còn có thể nhận ra dấu hiệu, triệu chứng của “bệnh lý” nhân cách hay thói quen của chủ thể.

 

Viết là hành vi kiến tạo lịch sử

Viết không phải là hành vi ngưng đọng thực tại, viết là kiến tạo lịch sử (lịch sử của một hình thức, một hệ thống ký hiệu, lịch sử của một thể loại, một hành ngôn, một lối viết, một nhu cầu xác lập và biểu hiện, một đề nghị đọc, một bản sắc cá nhân). Trường hợp Phạm Duy Nghĩa, truyện ngắn của anh bảo lưu và phục hoạt không khí văn học Đông Âu, đã tỏa bóng trong đời sống văn học Việt Nam. Ký ức này tạo nên áp lực giao tranh trong lối viết. Nó cho thấy, Phạm Duy Nghĩa vẫn yêu mến và gìn giữ ký ức về một vùng văn chương đã sống cùng tâm hồn bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ. Lịch sử của truyền thống văn chương ấy có thể được nối dài trong lối viết và văn phong của Phạm Duy Nghĩa: “Thung lũng bên dưới đã chìm vào bóng tối. Một vành trăng lưỡi liềm xanh phớt ló ra qua ngọn cây tùng nhọn hoắt trên rặng núi xa” (Người bay); “Thời trai tráng của tôi đã đi qua ở đó, giữa màu xanh mướt của những dải đồi mênh mông, màu vàng tươi trong vắt của nắng, màu vàng rực của những cánh đồng hoa hướng dương nở rộ vào tháng Bảy và màu vàng xuộm trù phú của những thảm lúa mì. Nơi ấy có đàn cừu đeo chuông nhìn xa như nấm trắng vãi trên đồi, và đó cũng là nơi tôi đã gặp nàng, Veronica” (Chiếc áo second-hand)… Ta nhận ra thấp thoáng trong lối viết ấy, những dư âm từ Bông hồng vàng, Bình minh mưa của K.Paustovsky, Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên của T.Aitmatov hay Dagestan của tôi của R.Gamzatov…

Nhưng, Phạm Duy Nghĩa đã không giam mình trong vùng khí quyển của văn học Đông Âu, sự lựa chọn khác đưa anh đến với việc tượng trưng hóa chính lối viết ấy, biến nó thành các khả năng của diễn giải. Và từ đó, nhà văn tìm thấy sự tự do cho mình. Không thể không nhận ra, đôi mắt và trí tưởng Phạm Duy Nghĩa đã nhuốm đầy cảnh quan vùng núi phía Bắc. Núi non và thung lũng, thảo nguyên và những miền đồi ngợp hoa mận, hoa mơ, hoa mộc kinh, dã xuân, ngù gai, cải vàng, rừng thích, rừng sồi hay những sáng mờ sương, những chiều hoe nắng… đã di thực vào văn chương Phạm Duy Nghĩa. Được điểm pha thêm bằng hơi thở thoáng đãng của văn chương Đông Âu, từ việc kiến tạo không gian nghệ thuật đến lối viết, văn phong trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa đã mang một sắc thái khác. Không hoàn toàn thống nhất về tiêu chí, hay cấp độ, nhưng chúng ta sẽ bắt gặp lối viết lãng mạn, kỳ ảo, tượng trưng, giễu nhại, liên văn bản… trong tư duy lựa chọn hành ngôn của Phạm Duy Nghĩa. Điều đó làm cho những câu chuyện trở nên đa nghĩa hơn, tùy thuộc vào kinh nghiệm thẩm mĩ, văn hóa của người đọc. Bởi thế, một đứa trẻ sẽ say mê tưởng tượng và thích thú với sắc thái kỳ ảo. Một người ưa hoạt kê sẽ thích lối giễu nhại khá có duyên, vừa đủ để nở một nụ cười hóm hỉnh. Một người “ưu thời mẫn thế” sẽ không khỏi day dứt hay khắc khoải ưu tư với chuyện đời, chuyện người, văn hóa và lịch sử… Trao cho người đọc những khả năng cũng chính là gửi gắm hi vọng về sự kéo dài đời sống của thể loại.

 

Truyện ngắn là như thế

Bờ bên kia của ngôn ngữ là văn phong, nói như R. Barthes, thế nhưng, để tạo nên “quyền uy” và “ma thuật của truyện kể”, Phạm Duy Nghĩa đã chấp nhận hi sinh những thể nghiệm, quay về nghiền ngẫm trong mô hình thể loại có tính ổn định nhất, nhằm gia tăng dưỡng chất từ bên trong thay vì kiếm tìm những vẫy gọi bên ngoài. Nói cách khác, từ lối viết của tác giả, thể loại truyện ngắn hướng tới sự kinh điển trong hình thái hoàn bị nhất có thể. Truyện có chuyện, có tình huống và đa nghĩa, có nhịp điệu với những quãng cao trào thắt mở được viết bằng văn phong nhuần nhuyễn, kỹ lưỡng, giàu hình ảnh, cảm xúc, không rườm rà và thừa thãi, không loanh quanh phô diễn tay nghề, kỹ thuật, thể hiện độ chín chắn, lão luyện của Phạm Duy Nghĩa trong thể loại truyện ngắn. Người bay trong gió xanh, với mười hai truyện ngắn, nếu không quá lời, có thể xem là mẫu mực của tư duy truyện ngắn mà Phạm Duy Nghĩa chủ trương hướng tới. Ngay tại đây, chúng ta có thể nghĩ đến viết như một chối bỏ, một phản đề về chính việc viết. Đó là “đạo đức của hành ngôn” (R.Barthes). Bản thân viết hàm nghĩa về tính quá trình của việc kiến tạo mà ngôn ngữ, văn bản chỉ là hình thức vật chất của quá trình ấy. Như vậy, nhà văn cần phải quan tâm đến “lối viết” như là một “trách nhiệm” nhằm tách mình ra khỏi di sản chung của cộng đồng. Nó luôn luôn ở tư thế của sự lưỡng lự chọn lựa và loại bỏ dựa trên ý thức về lương tri của người viết. Tách ra để khác biệt, đó là cơ sở quan trọng nhất cho khả năng đóng góp trở lại vào di sản của cộng đồng. Người ta sẽ chẳng cần một cái giống y như cũ, vốn đã đầy trong kho lẫm. Vậy, đóng góp của Phạm Duy Nghĩa là gì? Như đã nói, chính việc cố gắng làm cho thể loại này trở nên hoàn bị là đóng góp quan trọng của tác giả. Giữa khi, nhiều người viết chưa định hình được thế nào là một truyện ngắn, viết truyện ngắn thì phải viết cái gì, làm sao để không rơi vào tình trạng nhập nhằng thể loại hay thậm chí là non yếu lóp lép… Phạm Duy Nghĩa đã trình ra những truyện ngắn của mình, như là một đề xuất, một đóng góp về mặt nội hàm cho khái niệm truyện ngắn.

Thực ra, xét cho cùng, chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu tường tận kẻ khác. Giới hạn đó là cơ sở cho sự tồn tại, cũng là yếu tố làm nên các “cộng đồng tưởng tượng” (Benedict Anderson). Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, việc tìm hiểu các bình diện ý nghĩa của hành vi viết góp phần nhận diện động cơ của tư duy nghệ thuật – vốn là điểm khởi đầu cho một hành trình kiến tạo. Sẽ còn những bình diện khác thuộc về nghĩa và ý nghĩa gợi lên từ văn bản mà người đọc có thể khám phá, như là chủ thể của hoạt động giao tiếp, kiến tạo bản sắc và kéo dài lịch sử tác phẩm. Với Phạm Duy Nghĩa, những truyện ngắn của anh xác lập một lối viết, định hình một văn phong xứng đáng để công chúng lựa chọn khi đi tìm đáp án cho những câu hỏi: Nhà văn viết để làm gì? Thế nào là một truyện ngắn hay? Đó chẳng phải là những câu hỏi quan trọng bậc nhất khi ta nhìn vào ý nghĩa tồn tại của một thể loại, một hành vi viết hay sao?

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Có thể bạn quan tâm