April 20, 2024, 2:02 pm

Ý kiến nhỏ về thơ Ly Hoàng Ly

Số 1 (bộ mới) của báo Văn nghệ ra mắt đã tạo nên một làn sóng trong đời sống văn chương mặc dù những điều hay dở của tờ báo số 1 vẫn đang được những người thực hiện suy nghĩ và bàn luận để sau mỗi số báo tốt hơn một chút. Dư luận trong đời sống văn chương cho thấy một điều rõ ràng; nhà văn và bạn đọc không rời bỏ tờ báo mà vẫn đợi chờ sự thay đổi tốt đẹp của tờ báo. Ðấy là một khởi đầu nhiều hy vọng.

Một trong những tranh luận của nhà văn và bạn đọc là chùm thơ của nhà thơ Ly Hoàng Ly trong Văn nghệ số 1 (bộ mới). Việc tranh luận là lẽ tất yếu cho sự phát triển, đương nhiên với tinh thần khoa học, tôn trọng lẫn nhau, hướng tới những điều tốt đẹp. Chỉ như vậy mới tạo ra không khí lành mạnh của sáng tạo và tiếp nhận các tác phẩm văn học.

Trong số này, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu hai bài viết của tác giả Lê Học Lãnh Vân và Vũ Khang về thơ Ly Hoàng Ly. Văn nghệ vui lòng đón nhận những bài viết trao đổi của nhà văn và bạn đọc.

 

Một số tác phẩm của nhà thơ Ly Hoàng Ly. Ảnh Internet

 

Sáng tạo chính là đi ra khỏi sự sáng tạo của người khác*

Vũ Khang

Thấy nhiều người trong cộng đồng facebook có những ý kiến tranh luận về thơ của Ly Hoàng Ly trên báo Văn nghệ số 1 bộ mới, nhưng mãi tôi mới tìm được tờ báo này. Trước kia, tôi thường xuyên mua báo Văn nghệ. Sau đó không mua nữa. Bây giờ tôi có mua nữa hay không thì chưa có quyết định vì còn xem thử mình có còn hứng thú đọc các loại báo văn chương thời nay nữa không. Nhưng không hiểu sao tôi phải đi mua bằng được tờ Văn nghệ số này dù rằng trên facebook có đưa lên những bài thơ của Ly Hoàng Ly. Tôi không có thú đọc văn chương trên mạng trừ khi không thể nào tìm thấy bản in mà mình lại muốn đọc quá.

Tôi đã đọc vài lần chùm thơ của Ly Hoàng Ly. Lần nào đọc, tôi cũng dừng lại ở đoạn thơ:

Vứt bao nhiêu đá cuội đá

                                 tảng xuống

Lòng hồ đón nhận hết

Nước mở lối

Không ai thấy nước rách

Không ai thấy nước chảy máu

Tại sao tôi bị khổ thơ này kéo lại?

Trước hết, tôi chưa thấy ai viết về nước như thế bao giờ: nước rách, nước chảy máu. Một khám phá bất ngờ. Một khám phá về nước. Thực ra đó là một khám phá nghệ thuật. Những câu thơ ấy không có ý đi ngược lại những câu thơ viết về nước của các nhà thơ khác mà là đi ra khỏi họ. Những câu thơ tối giản và đến độ minh triết. Tôi biết Ly Hoàng Ly dùng nước là để nói về con người, về cuộc đời. Dùng nước trong trường hợp này là đắc địa. Nếu không dùng nước thì tôi không biết triết lý mà Ly Hoàng Ly gửi đi có hiệu quả mạnh và ấn tượng như thế không. Tôi biết Ly Hoàng Ly còn trẻ. Nhưng những câu thơ đầy chiêm nghiệm cho thấy độ sâu của tâm hồn, của tri thức và ngập tràn tinh thần sống của một thiền sư.

Mọi đau đớn, mọi bất trắc, mọi hiềm khích… đổ vào nước (con người) đã không thể làm cho con người đó sụp đổ. Nước dịu dàng, lặng lẽ và sâu thẳm đón nhận hết để tha thứ và hóa giải. Người ta chỉ thấy dòng nước ấy vẫn bền bỉ chảy trong vẻ đẹp thẳm sâu và sự dịu dàng vô tận của nó. Mọi thứ tồi tệ của cuộc sống kia không thể làm nước thay đổi, không thể làm nước bị thương tổn hay thù hận mà ngược lại chỉ làm nước trở nên kỳ vĩ mà thôi.

Tôi cảm nhận theo cách của tôi về những bài thơ của Ly Hoàng Ly trong một cách giản đơn giản vậy. Người khác có thể cảm nhận một cách khác. Nhưng đấy là thơ ca.

______

(*) Tít bài là do biên tập viên đặt.

 

Cảm nhận khi đọc bài thơ “Ký ức” của Ly Hoàng Ly

Lê Học Lãnh Vân

Quen với nhà thơ

Hoàng Hưng, tôi chỉ biết cô con gái Ly Hoàng Ly

anh thường nhắc là một họa sĩ thực hành nghệ thuật thị giác. Gần đây, khi thơ Ly Hoàng Ly được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chọn đăng báo Văn nghệ, tôi mới lần đầu đọc những bài thơ của chị.

Ngay khi lẩm nhẩm đọc những câu đầu tiên, tôi đã sững sốt với bài thơ Ký ức. Khổ đầu tiên có ba câu:

Khi viết tới đâu đốt hết những gì

                                     vừa viết tới đó

là khi chạm tới tận cùng của sự

                                           buông bỏ

Tro tàn là sách

Câu đầu, chưa thấy gì.

Câu thứ hai, dù còn mơ hồ, bắt đầu cảm nhận một chiều sâu.

Câu thứ ba, ôi chao, câu thứ ba: Tro tàn là sách.

 Tro tàn là sách. Nghe một làn gió tự nhiên thổi từ kiếp người, số phận và nỗi niềm Tiểu Thanh! Văn chương vô mệnh luỵ phần dư (Nguyễn Du). Tập thơ bị đốt đi nhưng tâm sự của người vẫn còn đó!

Và có liên quan gì tới ý kiến của hiền nhân phương Tây, văn hoá là những gì còn lại sau khi quên hết? Phải chăng Ly Hoàng Ly muốn nói Ký ức là những gì còn lại sau khi từng kỷ niệm nhạt nhoà đi?

Cái gạch nối điển tích Đông Tây khiến bốn chữ Tro tàn là sách duyên dáng và sâu sắc bao nhiêu…

Từ đó, nhìn trở ngược lên câu trên là khi chạm tới tận cùng của sự buông bỏ. Có nghe chăng rung lên từ đáy kiến thức và trí tuệ rằng buông bỏ là giữ lại? Và càng hiểu hơn câu đầu tiên: Khi viết tới đâu đốt hết những gì vừa viết tới đó

Vậy đó, từ câu thứ ba Tro tàn là sách, nhìn ngược lên hai câu đầu, tôi cảm nhận vẻ đẹp thanh thoát mê hồn như vẻ đẹp Chu Mạnh Trinh cảm nhận năm xưa khi đứng ngẩn người nhìn hang động Hương Sơn: “Thăm thẳm một hàng lồng bóng nguyệt”…

Khổ thứ hai cho tôi cùng cảm nhận: Sọt rác là bảo tàng

 Khổ thứ ba khiến tôi lặng người:

 

Khi sống tới đâu chết tới đó,

chết tới đâu sống tới đó,

là khi chạm đến tận cùng của

                                           buông bỏ.

Tử sinh là hơi thở.

Người bạn thân tài hoa, anh Huỳnh Ngọc Chiến, viết khi biết mình mang bạo bệnh:

Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay

Với anh, giữa Sinh và Tử chỉ là Một làn sương nhỏ cách chia… 

Làn sương đó trong thơ Ly Hoàng Ly là Tử sinh là hơi thở trong một khổ thơ dáng dấp hiện đại hơn:

 

Khi sống tới đâu chết tới đó,

chết tới đâu sống tới đó

Nhưng, phải đợi tới khổ thứ tư, khổ cuối, mới thấy tác giả đẩy sự buông bỏ tới tận cùng, nơi không mùi, không vị… nơi vật chất rất quen thuộc nhưng con người ít cảm nhận sự hiện hữu của nó chung quanh…

 

Ký ức là không khí

Ký ức là không khí

Ký ức là không khí

Vâng, mọi việc trên đời đơn giản thế. Chiêng trống inh trời, vải vóc sặc sỡ rồi chìm đi, tất thảy trở về với nguồn cội nguyên sơ của thời gian và không gian.

Nơi đó Ký ức ngủ giấc thanh bình…

 Ngày 3 - 7 – 2021

Nguồn Văn nghệ số 29/2021


Có thể bạn quan tâm