April 24, 2024, 1:37 am

Ý kiến của chuyên gia về thuốc lá điện tử

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ

Ở số báo trước, báo Văn nghệ đăng trích dẫn tài liệu của WHO về tác hại của thuốc lá điện tử cũng như tính an toàn và tác động đối với sức khỏe của các thành phần có trong thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá khác như Vape, Shisha… Trong số báo này, PV báo Văn nghệ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phan Thu Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai để giúp độc giả hiểu rõ hơn vấn đề.

PV: Các nhà sản xuất cho rằng lượng nicotine trong sản phẩm tinh dầu của thuốc lá điện tử thấp hơn lượng nicotine trong thuốc lá điếu truyền thống nên không có hại cho người sử dụng. Điều này có đúng không thưa bà?

PGS.TS. Phan Thu Phương: Tất cả các loại thuốc lá điện tử đều có chứa Nicotine gây nghiện với hàm lượng tương đương với thuốc lá thường. Dung nạp tương đương như thuốc lá điếu do đó: Thuốc lá điện tử không có lợi cho sức khỏe giống như giảm số lượng thuốc lá và tạo sự an toàn giả cho người hút thuốc điện tử và những người hút thụ động. Vì vậy, người cai thuốc lá dùng thuốc lá điện tử về thực chất vẫn là hút thuốc chỉ là ở dạng khác.

PV: Trong thuốc lá điện tử có chứa những chất gì? Những chất này gây hại cho sức khỏe của con người như thế nào thưa bà?

PGS.TS. Phan Thu Phương: Thuốc lá điện tử có chứa nicotine, một chất có khả năng gây nghiện cao có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác.

Nicotine trong thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến  cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non, và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).

Nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen..), có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma tuý,…

Việc hít kéo dài một số mùi hương (ví dụ diacetyl được sử dụng để tạo mùi hương như bắp rang bơ) có thể gây tổn thương phổi không hồi phục.

Dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, có thể chứa các kim loại nặng, các phân tử siêu mịn và các thành phần độc hại và gây ung thư khác là các yếu tố nguy hại đối với sức khoẻ.

Thuốc lá điện tử là những sản phẩm tương đối mới với rất ít dữ liệu theo dõi trong thời gian dài về độ an toàn và ảnh hưởng của chúng trên sức khoẻ cũng như chưa có đủ các tiêu chuẩn quy định về thành phần và thiết kế của chúng.

Thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.

PV: Có rất nhiều lý luận cho rằng, dùng thuốc lá điện tử sẽ giúp cai thuốc lá thường. Hiện nay, có bằng chứng nào chứng minh điều này không thưa bà?

PGS.TS. Phan Thu Phương: Cho đến nay chưa có đủ bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử có thể giúp cai thuốc lá thành công. Việc sử dụng thuốc lá điện tử thường đi kèm với việc vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá truyền thống hơn là thay thế chúng, do vậy làm tăng tiếp xúc với nicotine gây nghiện và tăng nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện khác. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm sẽ giúp bạn cai được thuốc lá".

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa rõ liệu các chất hóa học có trong thuốc lá điện tử nguy hiểm đến mức độ nào? Vì vậy cho đến thời điểm hiện tại thì thuốc lá điện tử chưa được FDA (Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận là một phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá.

Khuyến cáo của WHO: Thuốc lá điện tử cần có quy định chặt chẽ; cấm hút thuốc điện tử trong nhà, cấm quảng cáo thuốc lá điện tử trên các phương tiện truyền thông; cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên.

Các phương pháp được chứng minh có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá hiện nay gồm có: các biện pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá (tư vấn trực tiếp, tư vấn qua tổng đài điện thoại), và các thuốc hỗ trợ trong điều trị cai nghiện thuốc lá (gồm liệu pháp nicotine thay thế, varenicline, bupropion), trong đó các biện pháp tư vấn đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay ở Việt Nam cũng đã thành lập các Trung tâm để có thể hỗ trợ miễn phí cho người hút thuốc lá muốn cai thuốc bằng các biện pháp nói trên như: phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá của Bệnh Viện Bạch Mai, tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá quốc gia với đầu số 18006606.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ giúp độc giả hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử và các hoạt chất có trong nó.

VIỆT THẮNG (thực hiện)

Văn nghệ số 19/2019


Có thể bạn quan tâm