April 26, 2024, 4:29 am

Xung quanh cuộc đảo chính ở Myanmar: Phải đặt con người làm trung tâm

Mặc cho làn sóng phản đối, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với lý do “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác. Trung Quốc tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là “một sự cải tổ nội các” của Myanmar. Trong khi đó, ASEAN ngả dần về xu hướng ủng hộ nỗ lực nhằm mang lại hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở Myanmar.

“Hãy tập hợp hàng triệu người để hạ bệ bọn độc tài…”. Khin Sandar, một thành viên cấp cao của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi, đăng trên Facebook

Đại sứ Việt Nam kêu gọi kiềm chế

Ngày 26/02/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có Phiên họp không chính thức về tình hình ở Myanmar. Đại diện của 8 tổ chức và hơn 50 nước đều phát biểu tại sự kiện. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý cho rằng, những diễn biến hiện nay ở Myanmar có hại cho sự ổn định, phát triển và lợi ích chính đáng của nhân dân Myanmar, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Myanmar cũng như nguyện vọng và ý chí của nhân dân Myanmar.

Đại sứ nêu tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ, bảo đảm sự an toàn, tiếp cận nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu cho người dân Myanmar, nhất là những người dễ bị tổn thương và bày tỏ, Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì sự phát triển của chính Myanmar, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đại sứ nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, khẳng định, Việt Nam ủng hộ nỗ lực và vai trò trung gian của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar, khuyến khích sự phối hợp giữa Đặc phái viên với ASEAN nhằm ổn định tình hình ở Myanmar.

Về vai trò của ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, ASEAN tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Myanmar nhằm mang lại hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, thúc đẩy hòa hợp và hòa giải, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững ở Myanmar. Đại sứ chia sẻ các nỗ lực ASEAN đã và đang thúc đẩy, trong đó có việc Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố về vấn đề này. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN, cho rằng, tất cả các biện pháp phải bổ sung cho nhau nhằm ngăn ngừa nguy cơ bạo lực; bất kỳ biện pháp nào cũng cần được xem xét và đánh giá cẩn trọng, nhất là khi hàng triệu người ở Myanmar đang gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19; các cuộc đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin phải đặt con người làm trung tâm.

Đại sứ Myanmar lên án tập đoàn quân sự

Hôm 26/02/2021, Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun đã gây bất ngờ ngoạn mục khi ông giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu phong trào phản kháng ở Myanmar, ngay tại Đại Hội Đồng Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ). Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc thẳng thừng lên án tập đoàn quân sự, yêu cầu chấm dứt ngay cuộc đảo chính. Trong khi tại Rangun, tập đoàn quân sự tìm đủ mọi cách để xóa sạch những dấu vết của cuộc đảo chính. Về phần Đại sứ Kyaw Moe Tun, ông đã dùng diễn đàn ngoại giao lớn nhất để lên án những hành động của các tướng lĩnh, đặc biệt là kể từ ngày 01/02 và nói chung là kể từ hàng mấy thập niên qua.

Ông Kyaw Moe Tun đã phát biểu ngay sau cuộc họp báo của đặc sứ Liên hợp quốc về Myanmar. Mở đầu bài phát biểu, rất xúc động, đại sứ Kyaw Moe Tun nhắc lại rằng ông đại diện cho chính phủ được bầu lên một cách dân chủ và đại diện cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Ông trích tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres rằng một cuộc đảo chính quân sự là không thể chấp nhận được trong thế giới hiện nay. Rồi, trong suốt 12 phút, ông Kyaw Moe Tun lên án những áp lực và những tội ác của quân đội đối với thường dân và đặc biệt là đối với các sắc tộc thiểu số. Đại sứ Miến Điện nói thẳng đó là những tội ác chống nhân loại.

Phát biểu trước Đại hội đồng 193 thành viên, Đại sứ Kyaw Moe Tun nghẹn ngào kêu gọi Liên hợp quốc “dùng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để chống lại quân đội Myanmar nhằm khôi phục nền dân chủ… Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ”. Việc một Đại sứ tại Liên hợp quốc phát biểu phản đối những người đang nắm quyền trong nước là điều rất hiếm. Kyaw Moe Tun tỏ ra xúc động, đôi lúc bị lạc giọng, khi đọc tuyên bố thay mặt nhóm chính trị gia được bầu mà ông nói họ mới chính là đại diện cho chính phủ hợp pháp của đất nước. Đại sứ Kyaw Moe Tun nhấn mạnh ông sẽ sát cánh cùng những người tiếp tục “đấu tranh cho chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Bài phát biểu của ông được đại sứ các nước phương Tây và Hồi giáo vỗ tay tán thưởng.

Trước Đại hội đồng, vị đặc sứ của Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cũng đã kêu gọi các nước không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Vị đặc sứ này vừa tuyên bố là đã đến lúc quốc tế phải “gióng tiếng chuông báo động” về những hành động vi hiến ở nước này. Bà Burgener kêu gọi các quốc gia “có ảnh hưởng” thúc đẩy quân đội Myanmar cho phép đánh giá độc lập tình hình. Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn từ khi quân đội nắm chính quyền, bắt lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi và phần lớn quan chức NLD với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11. “Rất tiếc, cho đến nay, chế độ hiện hành yêu cầu tôi phải hoãn bất kỳ chuyến thăm nào. Có vẻ như họ muốn tiếp tục bắt giam quy mô lớn và ép buộc mọi người làm chứng chống lại chính phủ NLD”, bà Burgener nói.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam kết sẽ huy động đủ áp lực quốc tế “để đảm bảo cuộc đảo chính sẽ thất bại”. Ông Antonio Guterres đã viết những dòng lên án đanh thép trên Twitter vào lúc rạng sáng 21/2: “Tôi lên án việc sử dụng bạo lực gây chết người tại Myanmar. Việc sử dụng bạo lực dẫn đến chết người, sử dụng bạo lực đe dọa và quấy rối những người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được… Mỗi người dân có quyền tụ tập trong ôn hòa. Tôi kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và trở lại với chính quyền dân sự”. Văn phòng Nhân quyền của Liên hợp quốc hôm 28/02 thông báo, đã nhận được “thông tin đáng tin cậy” về việc lực lượng cảnh sát và quân đội Mianmar “sử dụng vũ lực gây sát thương làm ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ “đã và sẽ tiếp tục thực hiện các hành động phối hợp chặt chẽ với đồng minh và đối tác” để quân đội Myanmar thấy hậu quả những hành động của họ. “Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia thành viên ở đây sử dụng bất kỳ kênh nào hiện có để nói với quân đội rằng bạo lực đối với người dân Myanmar sẽ không được dung thứ. Chúng ta cùng nhau cho người dân Myanmar thấy rằng thế giới đang dõi theo. Chúng ta nghe thấy họ và sát cánh với họ”, Thomas-Greenfield cho hay. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân nói rằng cộng đồng quốc tế nên tôn trọng chủ quyền của Myanmar và “tránh làm gia tăng căng thẳng”, trong khi đại sứ Nga nói các quốc gia khác không nên can thiệp “tiến trình nội bộ” của Myanmar.

ASEAN sẽ là chiếc phao cho Trung Quốc?

Bị giam hãm trong chiếc bẫy thế nước đôi và trước những mối ngờ vực từ người dân Myanmar, Bắc Kinh giờ khó có thể đứng ra làm trung gian hòa giải, đành phải nhờ cậy đến ASEAN – vốn dĩ có thể là một công cụ ngoại giao có ích cho Trung Quốc khi hữu sự. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, David Camroux, khi trả lời truyền thông quốc tế, lưu ý rằng trong vấn đề này, bản thân ASEAN cũng bị chia rẽ. “Hoa Kỳ và châu Âu cũng muốn trông cậy vào ASEAN. Chỉ có điều trong vấn đề này ASEAN bị chia rẽ vì có ba nhóm lập trường khác nhau: Nhóm những nước muốn đóng vai trò trung gian hòa giải như Malaysia, đặc biệt là Indonesia. Rồi nhóm những nước như Campuchia, Lào cho đấy là chuyện nội bộ. Nhưng có những nước như Thái Lan, cũng là một chế độ bán quân sự, thì lại ủng hộ giới tướng lĩnh Myanmar”.

Trên thực tế, giới quân nhân Myanmar đi theo mô hình của Thái Lan. Họ tiến hành đảo chính với lý cớ bảo vệ nền dân chủ và hứa hẹn tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng một năm. Đấy là một chiêu thức cổ điển, quen thuộc, nhằm biện minh cho các cuộc đảo chính. Vấn đề là ASEAN chưa đưa ra được một thông cáo chung về vụ việc này. Chỉ có một thông cáo do chủ tịch ASEAN đưa ra, chứ không phải là toàn bộ thành viên của khối. Chỉ có một nước trong ASEAN (Brunei) đảm nhiệm vai trò này. Tóm lại, trong bối cảnh bị công luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ trong nhiều vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, cách xử lý dịch bệnh…, việc tìm đến ASEAN là cách tháo gỡ duy nhất cho Trung Quốc, nếu không muốn mang tiếng là nguồn hậu thuẫn chính cho chế độ độc tài quân sự.

Theo Kyodo ngày 26/2, ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong tuần này để thảo luận tình hình Myanmar. Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng 2 này. Theo các nguồn tin, hầu hết các quốc gia thành viên đều bày tỏ sẵn sàng tham gia cuộc họp, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin cũng sẽ tham gia. Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức phối hợp cả trực tuyến và trực tiếp do tác động của đại dịch Covid-19. Phiên họp trực tiếp được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN. Hôm 24/2, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã đến Thái Lan để tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao. Đầu tháng 2/2021 vừa qua, chủ tịch ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi đối thoại, hòa giải và quay lại “tình trạng bình thường”. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Trong một diễn biến tuần trước, ngày 22/2/2021, Liên minh châu Âu dự kiến nhóm họp bàn về các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự ở Myanmar. Điều bất ngờ đối với giới quan sát là Trung Quốc trong dịp đó cũng đã mở lời phối hợp với ASEAN giải quyết vấn đề. Xu Liping (Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) cho biết: “Điều Trung Quốc muốn là một giải pháp cho Myanmar với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đây là sự lựa chọn thiết thực. Tôi lên án việc sử dụng bạo lực gây chết người tại Myanmar. Việc sử dụng bạo lực dẫn đến chết người, việc sử dụng bạo lực đe dọa và quấy rối những người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được”.

Nguồn Văn nghệ số 10/2021


Có thể bạn quan tâm